Thursday, March 28, 2024

Tu chính án số 1 và đời thường

Bùi Bích Hà

Ngày mới đặt chân tới Mỹ, tôi được nghe mọi người nói tới tu chính án số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, lơ mơ hiểu về ý nghĩa của nó, đại khái liên quan chủ yếu đến truyền thông báo chí xem như sự thể hiện đa dạng của đệ tứ quyền nhằm đương đầu với ba quyền lực khác là Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp trong cơ cấu tổ chức chính quyền, có chức năng kiểm soát, tạo thăng bằng lẫn nhau. Nói tóm lại, tu chính án số 1 bảo vệ tự do và bình đẳng tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp trong ôn hòa và quyền thỉnh cầu chính phủ sửa sai. Để bảo đảm việc thực thi những quyền hiến định này, bù lại, truyền thông báo chí (và cả quần chúng công dân) cần có trách nhiệm/ bổn phận trọng hiến, trọng pháp, tôn trọng lẽ phải, sự công bằng và theo đuổi lý tưởng nhân đạo, là những yếu tính căn bản của nền Dân Chủ.

Trong cảm nhận thô sơ của một phụ nữ ra đi từ một xứ sở chỉ mới được cho phép biết tới Dân chủ qua sách vở vài năm đại học, võ vẽ sống Dân Chủ theo bản năng lễ giáo nhiều hơn là thấm nhuần ý nghĩa và sức mạnh của hai chữ cao quý này, tôi tự đặt mình vào vị thế “kính nhi viễn tri.”

Thời gian trôi qua, con đường hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ cho tôi nhiều cơ hội tận mắt nhìn, tận tai nghe nhiều hình thức thể hiện dân chủ giản dị và tự nhiên, như hơi thở, giữa con người với con người. Sự thẩm thấu trọn vẹn nội dung tu chính án số 1 trong suy nghĩ và hành xử của người dân mà tôi gặp cho thấy hầu như nó đã trở thành một thứ bản ngã thứ hai (second nature) trong tự thân mỗi người. Tuy nhiên, như mọi sắp đặt của xã hội hay của hệ thống công quyền, trong thực tế, phương cách thể hiện những sắp đặt ấy tùy thuộc từng cá nhân nên nó không hoàn hảo. Thay vì ở thế tương quan bình đẳng để cả hai (hoặc nhiều hơn hai) cùng cảm thấy được tôn trọng và có tự do bày tỏ thì một bên thường áp đảo, giành phần chủ động, thậm chí độc quyền, gây ra tình trạng mất cân đối và đưa tới đổ vỡ.

Một hôm, tôi nghe người chồng nói với người vợ: “Bà muốn tử tế thì im cái mồm của bà đi!” Một hôm khác, tôi nghe người bạn làm chung hãng nói với một đồng nghiệp trót lỡ tranh luận với xếp quanh một kinh nghiệm lâm sàng, như sau: “Bạn dại quá, làm sao cãi được với sếp? Coi chừng xách giỏ về giữa giờ đó nha!” Sống ở Mỹ một thời gian, hai trường hợp trên khiến tôi thấy có chút gì lấn cấn, không phải lẽ, song lúc đó tôi vẫn còn lờ mờ. Thứ nhất, có lẽ vì tôi chưa thuộc nội dung tu chính án số 1, càng không biết nó được áp dụng cho mọi công dân Mỹ trong mọi trường hợp; thứ hai, vì tôi vẫn ghi khắc trong đầu nền văn hóa gia trưởng tùng phục nam giới và nền văn hóa tôn ti trật tự gọi dạ bảo vâng, “Áo mặc sao qua khỏi đầu” mang theo từ quê nhà.

Cho tới một hôm mới đây, khi đang lướt mạng, tôi tình cờ đọc được câu danh ngôn của Oscar Wilde, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, nhà bỉnh bút gốc Ái Nhĩ Lan nổi tiếng khắp thế giới, ra đời giữa thế kỷ 19 và tạ thế năm đầu tiên của thế kỷ 20, tạm dịch như sau: “Tôi có thể không đồng ý với bạn nhưng tôi sẽ đem sinh mạng mình bảo vệ cho bạn được quyền thốt lên cái điều bạn muốn.” Một cách diễn nghĩa khác: “Bạn có tự do nói điều vớ vẩn (mà bạn chịu trách nhiệm) và không ai có quyền kiểm duyệt bạn.” Đúng y tinh thần tu chính án số 1. Cốt lõi không ở chỗ ai nói cái gì mà ở chỗ ai cũng có quyền nói cái gì họ muốn theo lương tâm họ. Cho nên hai chữ Tự Do nói chung và tự do ngôn luận nói riêng là hiện hữu xương thịt, không hề viển vông, càng không là tấm mộ chí trang hoàng nơi yên nghỉ của những chiến sĩ đã hy sinh vì nó.

Giấc mơ và nỗi khao khát khôn cùng của tôi là một xã hội gồm các thành viên biết tôn trọng người khác như bản thân, biết lắng nghe và biết lên tiếng, không bị một quyền lực nào cấm cản nhân danh đúng/sai và làm cho sợ hãi.

Nhu cầu lên tiếng để bày tỏ mình là chung cho các loài sinh vật sống bên nhau trên địa cầu. Chẳng thế mà vương quốc Anh cổ kính và bảo thủ, ngay từ thế kỷ 19, đã giành hẳn một phần công viên Hyde Park làm nơi tụ họp cho quần chúng để họ được tới đó và tha hồ phát biểu& cho hả dạ. Năm 1872, nhằm hạ hỏa các vụ bạo loạn bùng nổ sau khi cảnh sát toan giải tán một cuộc xuống đường chính trị của dân chúng, “Góc Diễn Giả” này thảnh hình như một cách thế để người dân có nơi tự do phát biểu. Tại đây, mỗi chủ nhật hàng tuần, người dân được phép đăng đàn bày tỏ quan điểm của họ về chính trị, tôn giáo và nhiều chủ đề khác, đôi khi người nghe chen vào, ngắt lời, đặt câu hỏi lẫn nhau. Truyền thống này đến nay vẫn còn, là cách giải tỏa ẩn ức thời cuộc của người dân mà không gây áp lực tiêu cực. “Góc Diễn Giả” làm tôi liên tưởng tới khoa chữa bệnh bằng thôi miên, bệnh nhân được ru ngủ để tự nói lên nỗi lòng nhức nhối không biết ngỏ cùng ai?

Viết đến đây, tôi nhận được điện thư của TMT từ Tây Bắc, kể chuyện anh chị vừa đi dự buổi ra mắt sách rất đặc biệt tại thư viện Seattle, giới thiệu tuyển tập Thơ/Văn đầu tiên của một số tác giả vốn là những phụ nữ không nhà, từng trải qua thời gian tạm trú tại trung tâm tiếp cư Mary’s Place.

Theo mô tả của chị, đây là những bạn gái trong độ tuổi từ ngoài 30 đến ngoài 50, bị tổn thương vì li dị, không kham nổi cuộc sống đổ vỡ, không tìm được việc làm, không trả nổi tiền nhà, có người nghiện ngập và bị rơi vào trầm cảm. Trong cảnh khốn cùng, họ được trung tâm Mary’s Place đón nhận, được cung cấp bữa ăn, chỗ ngủ và cả dịch vụ y tế, 50 người cho mỗi địa điểm trong tổng số 5 địa điểm do trung tâm quản trị. Năm 2011, để mở một cánh cửa lấy thêm sinh khí cho cuộc sống mờ nhạt, buồn tẻ của họ, Ban Điều Hành cơ sở bác ái Mary’s Place có sáng kiến giúp họ cất lên tiếng nói trong một chương trình sáng tác, viết văn, làm thơ, bộc lộ mình. Ban đầu, mọi người rụt rè, ngại ngùng. Có lẽ bị tên bay, đạn lạc, tai họa nhiều quá, họ mòn mỏi, tê dại, không còn tự tin và đánh mất luôn khả năng cất lên tiếng nói. Tuy nhiên, giờ đây tựa vào nhau, được khuyến khích, các chị mạnh dạn dần, nhiều người tìm lại được họ, đã đáp ứng lời mời gọi tham dự cuộc chơi. Dẫu sao, quá trình hồi phục không dễ dàng. Phải mất 5 năm, Mary’s Place mới gom góp tạm đủ cho tập thơ đầu tiên của những phụ nữ vô gia cư ra đời với tựa đề: Original Voices-Homeless and Formerly Homeless Women’s Writings.

Cho tới khi những người đàn bà oằn vai dưới gánh nặng của số phận được có cơ hội trang trải nỗi niềm với mọi người trên trang giấy, tâm sự buồn nhiều hơn vui của họ chưa một lần được nghe, được chia sẻ giữa trần gian đông đầy nhân loại này, trong một thế giới tân tiến với Internet chắp cánh cho tiếng nói con người bay qua sông dài, biển rộng, lũng thấp, đồi cao, đến tận hang cùng, ngõ hẹp. Với những phụ nữ đang được nhắc đến và cả những phụ nữ khác đồng cảnh ngộ, tiếng nói của họ bị nén chặt ở một nơi sâu thẳm trong tâm can, như cái bướu độc vì nó phát triển âm thầm, gậm nhấm, tàn phá trong lặng lẽ. Có chị khi được khuyên lơn hãy bộc bạch nó ra, để được giúp đỡ, ít nhất, chắc chắn hơn, để thấy rõ, nhìn rõ tình trạng/kích cỡ của vết thương mà tự cứu mình, chị đã buột ra mấy tiếng chửi thề F… F… F… Tôi đoán nôn ra được như thế, dù chưa chữa chạy gì, chị cũng đã cảm thấy ruột gan nhẹ nhàng hơn.

Tu chính án số 1 không mang tính cách trị liệu mà nó phòng ngừa. Trong đời thường, nó giúp tránh được cảnh nôn ọe xấu xí từ đôi môi xinh đẹp của người đàn bà lẽ ra chỉ để thốt lên những lời âu yếm như ví dụ vừa nêu. Vẻ đẹp của tu chính án số I là nó mở đường cho những phát biểu dưới ánh sáng của lương tâm và nếu không được thế vì một nguyên nhân nào, nó mãi hiện diện để kêu đòi công bằng, lẽ phải và nhân đạo.

Qua giây phút đối cảnh sinh tình hào hứng, suy luận lung tung, tự dưng tôi hơi lạnh cẳng, không biết bưng tu chính án số 1 vào đời thường như tôi đang làm có giống dùng con dao mổ trâu ở hội làng để mổ con cá lòng tong trong xó bếp hay không?

MỚI CẬP NHẬT