Không còn khổ đau

Bùi Bích Hà

Trong gần ba thập niên làm công việc trả lời thư độc giả/thính giả, tôi được cơ hội gặp gỡ trực diện với khoảng trên dưới 30 phụ nữ, một thanh niên tuổi dưới 30, ba ông trung niên tuổi từ ngoài 40 đến gần 50, ba ông ở ngưỡng cửa tuổi đời xưa nay hiếm, ngoài 70. Câu chuyện của quý vị nam giới có nội dung khác nhau, làm họ bận tâm tìm giải pháp hoặc chấn chỉnh/thay đổi, hoặc bắt đầu/nối lại, thậm chí chấm dứt một tình huống bất như ý nào đó. Thái độ giống nhau ở những vị này là tuy họ có ít nhiều bối rối, khổ tâm nhưng tuyệt đối tinh thần họ khá vững vàng, không bị suy sụp. Trái lại, với các cô, các bà ở nhiều độ tuổi, nội dung câu chuyện họ chia sẻ không khác nhau và thái độ của họ hầu như cũng chỉ là một tuy mức độ và hình thức có gia giảm. Nói cách khác, họ là hiện thân buồn thảm của nỗi đau đến từ người đàn ông là chồng hay người tình, đa phần, hoặc không thủy chung hoặc bội bạc.

Những điều mắt thấy, tai nghe lập đi lập lại nhiều lần như điệp khúc của một bài hát cũ khiến có lúc tôi đã nghĩ trái tim người phụ nữ là một cấu tạo vật lý không thay đổi, bất biến trong lồng ngực của họ dù trải qua hàng trăm năm vật đổi sao dời và người phụ nữ về nhiều phương diện, được xem là họ đã đi hia bảy dặm cùng với những tiến hóa thần kỳ của xã hội. Nếu có thay đổi chút nào thì chỉ là ứng xử bề ngoài của họ được trí tuệ tương tác với lợi thế thời đại dành cho họ như một thứ thể diện hay một thứ quyền năng tự vệ. Tôi tin là phụ nữ vẫn khóc một mình ngay cả khi mối hận lòng cho họ sức mạnh bài binh bố trận để hủy diệt kẻ bạc tình.

Năm tôi chừng 10 tuổi, một buổi chiều nắng vừa tắt, tôi đang chạy chơi trong vườn, quần áo, mặt mũi lem luốc bụi đất và mồ hôi thì nghe tiếng mẹ gọi ầm ỹ từ căn bếp ám khói. Giọng bà hổn hển: “Con lên gác, bảo bà khách về đi vì sắp đến giờ cơm của thầy rồi!” Tôi ngây thơ, vội vàng làm theo lời mẹ nhưng chạm phải ánh mắt sắc như dao của bà khách ngồi đối diện bố có đôi lông mày vòng nguyệt thật đẹp trên khuôn mặt chữ điền mịn màng, tôi hơi sợ, bèn nhanh trí đổi lời mẹ dặn: “Thưa thầy, dọn cơm được chưa ạ?” Bố tôi từ tốn trả lời, dịu dàng khác hẳn mọi khi: “Thầy có khách, con bảo cô S. làm thêm vài món, xong thì bưng lên.” Tôi trở xuống, vào bếp, đã thấy đôi mắt mẹ nhìn tôi, chờ đợi. Tôi lập lại lời bố, chưa hết câu thì giật bắn mình thấy mẹ tôi phang mạnh vào tường thanh củi đang cháy dở trên tay bà, miệng lầu bầu: “Làm thêm món này! Làm thêm món này!” Ðầu óc non nớt cho tôi biết thế là có chuyện gì nghiêm trọng rồi nhưng vì mẹ đang tức giận, tôi lủi nhanh ra vườn. Một chốc, mẹ không gọi mà ra vườn tìm tôi, lần này bà chỉ bảo: “Con lên gác xem bà khách về chưa?” Bà khách vẫn chưa về. Mẹ tôi dập bếp, không thổi nấu gì nữa mà loay hoay, bực dọc ra mặt. Tôi nghe mẹ lầu bầu tiếp: “Tối rồi mà không về là thế nào? Thứ đồ mặt trơ.” Mẹ còn bắt tôi lên lầu thám thính vài lần nữa trước khi tôi thấy bà vãi một nắm muối hột vào cái bếp đang đỏ lửa. Chắc mẹ làm phép nên khi những hạt muối hết nổ lép bép trong bếp thì bà khách xuống lầu, đi tha thướt ra cổng trong bóng chiều đã nhọ mặt người. Bà khách của bố trông sang trọng và đẹp hơn mẹ tôi vạn lần. Tôi hỏi ông quản gia: “Ông Tuyển ơi, bà khách của bố cháu là ai, ông có biết không?” Ông cười, đôi mắt toét viền đỏ hấp háy: “Cô trẻ con, hỏi chuyện người lớn làm gì? Bà ấy là bạn cũ của cụ đấy!” Câu chuyện ngày ấy ngưng ở chỗ này nhưng tôi không quên mà mãi ghi nhớ nó trong đầu.

Sau này khi khôn lớn, nhớ lại chuyện cũ, tôi mới hình dung được là mẹ tôi… ghen. Trí nhớ tôi ghi đậm hình ảnh bà đôi mắt thất thần, lam lũ trong chiếc áo cánh vải trắng ám mùi hành tỏi, quay quắt đi tìm tôi trong khu vườn rộng với nỗi lo âu, thổn thức buồn tủi trong trái tim không khác gì trái tim của bất cứ phụ nữ sang/hèn nào trên mặt đất này. Chả thế mà thi hào Nguyễn Du đã đặt vào miệng Hoạn Thư lời trần tình cho tính đanh ác, nanh nọc của nàng trong vị thế người vợ cả biết chồng có tình riêng: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.”

Tất cả các bà vợ hay người tình đều nhân danh tình yêu mà ghen. Tôi hơi ngờ ngợ điều này vì bản chất của tình yêu là niềm vui, là hiến tặng và tan chảy trong nhau, không có chỗ cho ép uổng và thù hận. Ngay cả một bà mẹ có bổn phận bảo vệ gia đình vì sự an vui của con cái, mục tiêu càng không phải là sở hữu người chồng và đẩy con cái vào hoàn cảnh thiếu cha hay thiếu mẹ. Trường hợp mẹ tôi, suy từ thực tế, tôi biết chắc giữa cha mẹ tôi, trong mọi thời điểm cuộc đời của cả hai, không bao giờ có cái tình nên thơ, lãng mạn dưới bất cứ hình thức nào mà thế gian gọi là tình yêu. Ðể thèm khát. Ðể tiếc nuối. Ðể đòi quyền sở hữu. Ðể cay đắng ghen tuông với người khác một điều gì bà thực sự không hề có để mà mất. Thế nhưng hình ảnh mẹ tôi quay quắt đến tội nghiệp trong cái buổi chiều mùa hè oi bức ngày tôi còn bé, chưa đủ trí khôn để hiểu biết thế giới đa đoan của người lớn, rõ ràng là do ghen tuông. Vậy thì cảm xúc buồn bã ấy bởi đâu? Tôi tiếc đã không còn mẹ ở tuổi này để ôm bà trong tay và hỏi nguồn cơn.

Theo sách vở nghiên cứu, trong các nguyên nhân gây ra trạng thái ghen tuông, có trường hợp tôi nghĩ giải thích được cho mẹ, đó là mặc cảm tự ti, bị coi nhẹ. Tuy nhiên, nghịch lý vẫn đặt ra ở thời của mẹ tôi, khi người đàn bà làm vợ người đàn ông có vai vế trong xã hội không những luôn ở vị thế thấp hơn chồng trong thứ bậc gia đình mà còn lấy làm vinh hạnh được ngồi ở chỗ của họ. Vây, đây không phải là lý cớ khiến mẹ tôi ghen tuông.

Vẫn theo sách vở nghiên cứu, ghen tuông còn đến từ ý nghĩ bị chia sẻ những gì vốn được xem là thiêng liêng, cao quý, từng chỉ chia sẻ trong riêng tư giữa hai vợ chồng hay hai người tình, gây ra cho nửa kia cảm giác bị phản bội, bị xúc phạm, bị ăn cắp, thậm chí bị tước đoạt, làm nảy sinh ghen tuông. Áp dụng trường hợp này vào mẹ tôi cũng trật lất.

Thế mà mẹ tôi quả thực có ghen. Vẫn ghen.

Sống gần hết đời mình, đọc, biết, hiểu, ngay cả bản thân trải nghiệm, tôi xót xa thương mẹ và cả một thế hệ các phụ nữ như mẹ. Tôi cũng chủ quan kết luận rằng ghen tuông thuần là do bản năng và vì do bản năng, tự nó có sức mạnh khó kềm hãm. Tuy nhiên, đã gọi là bản năng ắt có thể dùng lý trí để trấn áp. Cho nên, ghen tuông còn được xếp loại đẳng cấp. Phụ nữ trí thức ghen kín đáo, thâm trầm, thanh lịch. Phụ nữ bình thường ghen ầm ỹ, theo sự thúc đẩy của bản năng. Bên cạnh lý trí/trình độ, phong tục, tập quán xã hội cũng là nguồn lực giúp kiểm soát cảm xúc ghen tuông, vừa tích cực vừa tiêu cực tùy thuộc bối cảnh trong đó sự việc đưa tới ghen tuông xảy ra.

Bạn bè, chị em, đồng nghiệp ghen giống nhau vì bắt chước, vì nghe thấy/nhìn thấy hay được xúi bẩy làm theo, thậm chí có cả việc đánh ghen hộ. Ồn ào, huyên náo có thể qua đi, kể cả những hư hao nó để lại. Nhưng ghen mà không thổ lộ, mà cất giữ cho riêng mình là loại ghen cực độc, như ung thư ngấm ngầm hủy hoại sinh lực người bệnh.

Khoảng năm 2005, lúc tôi còn làm việc cho đài phát thanh VNCR trên đường Moran, một buổi trưa có một bà đến tìm tôi. Từ đó tới nay, hình ảnh bà còn mãi trong ký ức tôi với câu hỏi thật tha thiết: “Bây giờ chị ở đâu? Vì sao chị không trở lại gặp tôi như đã hứa? Chị có khá hơn không? Tôi hy vọng sau lần chúng ta nói chuyện (đúng hơn là chị nghe tôi nói) chị đã đủ sức mang vác gánh nặng của mình và không cần tôi nữa?” Kinh nghiệm cho tôi biết người trong cuộc khi ra khỏi cơn bối rối thường ngại ngùng, không muốn đối diện lần nữa với nhân chứng của một hoàn cảnh họ hối tiếc phải chi đừng xảy ra.

Chị bước vào, khuôn mặt nhợt nhạt, tóc không gội, không chải, quần áo xộc xệch. Chị cầm cái ví con lép kẹp ở tay, một chiếc dép đi ở chân bị đứt quai, buộc tạm bằng dây thun, đôi mắt buồn ném ra xung quanh ánh nhìn rụt rè, ngơ ngác. Quan sát kỹ, tôi đoán chị chừng ngoài 40 tuy sự bơ thờ, không săn sóc mình, không trang điểm, dáng vẻ tiều tụy với hai vai xuôi, bước đi chậm, khiến chị trông qua như một người già. Ngồi trong phòng khách của đài, chị khóc rấm rứt, nói không ra hơi, tiếng còn, tiếng mất, đại khái chị bị người phối ngẫu có tình riêng bạc đãi. Những bức tranh phụ rẫy có nội dung/hình thức giống nhau nhưng bức tranh ngay trước mắt tôi lúc đó âm u quá, thê thiết quá, đầy thương cảm. Tôi cầm tay chị, đưa chị vào phòng vệ sinh phía sau, xin chị vui lòng soi mình vào gương rồi hỏi chị: “Chị ơi, chị có nhận ra chị trong gương không? Chị có thương được người phụ nữ như chị đang thấy đấy không? Người ta làm khổ chị đã đành nhưng sao chị nỡ tự đày đọa mình đến thế? Chị về nhà, tắm gội sạch sẽ, thơm tho. Ra phố chải tóc, làm móng chân, móng tay, mua quần áo mới, dép mới, làm đẹp mình giùm tôi. Chị phải tự bằng lòng mình trước, phải cảm thấy yêu thương chính mình trước khi mong muốn làm động lòng người bên cạnh, như bông hoa nở tự nhiên, đẹp lấy nó, tỏa hương thơm nơi nó hiện diện và quyến rũ. Công việc và con cái là hai nguồn hỗ trợ có sức mạnh giúp chị đứng lên, vững chãi trong cuộc sống. Chị làm được đến đâu, tốt đến đó và vui lòng trở lại đây cho tôi vui cùng rồi tính tiếp, chị nhé!”

Cùng với thiên chức làm vợ, làm mẹ, tạo hóa ban cho người phụ nữ những tiềm năng sống còn tuyệt vời, chỉ cần các chị bình tâm trước mọi biến cố, đừng hốt hoảng, đừng tuyệt vọng, đừng mong chờ ai hay cái gì khác mà tĩnh lặng nhìn sâu chính nội tâm mình, thắp sáng bóng tối bằng suy nghĩ trong trẻo, bằng cảm thông vị tha, bằng thấu suốt lẽ đời hết mưa rồi sẽ nắng, các chị sẽ tìm được bình an, sẽ thấy hạnh phúc dễ hơn khổ đau, sẽ chấm dứt mọi bi kịch, sẽ tự chữa lành những thương tổn bất luận đến từ nguyên nhân nào, trong đó, thường xuyên nhất từ trái tim đong đưa của các đấng mày râu.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 15 tháng 2 năm 2017