Friday, April 19, 2024

Kỷ niệm trên đường Moran

Bùi Bích Hà

Có lúc giữa buổi trưa chan hòa nắng. Có lúc vào buổi chiểu chập choạng tối. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Ðối với cô, thời gian, thời tiết dường như chẳng có ý nghĩa gì tuy cô vẫn ăn mặc phù hợp với khí hậu mỗi lúc cô xuất hiện ở đầu phố. Làn da phơi sương gió của cô sạm đen. Người cô gầy và khô, không có chút mỡ thừa ở bất cứ phần ngang dọc nào trên thân thể. Ngày nóng, cô mặc áo sơ mi sát nách, quần đùi bó chẽn và thật ngắn, luộm thuộm vài thứ phụ tùng sặc sỡ, không ra kiểu cọ mẫu mã gì rõ rệt.

Ban ngày, cô hay đứng giữa đường, ngay chỗ con lươn ở khúc Bolsa rẽ vào, véo von, uốn éo, múa hát một mình, có hôm cảnh sát phải tới can thiệp, sợ cô bị xe cộ lưu thông gây tai nạn. Buổi chiều chạng vạng tối, cô đi qua lại giữa lòng con đường hẹp, chửi bới ào ào, kịch liệt, ráo riết, cố nghe kỹ qua cửa sổ xe mở nhưng không thể biết cô chửi ai, cứ mầy tao mà chửi tục. Những khi như thế, nét mặt cô căng ra vì tức giận, trái với những lúc múa hát, cô cười toe toét, hai con mắt có đuôi.

Hình ảnh cô quen thuộc với khách vãng lai trên đường Moran những năm đầu thế kỷ mới tuy không biết có bao nhiêu người bận tâm về cô? Có lần đi bộ ra mua trái cây ở tiệm Tiến Phát hay đi ăn quà ở Kang Lạc, tôi cố tình đi gần vào cô để cười chào nhưng không lần nào cô tỏ dấu nhận biết cử chỉ thân thiện ấy. Sau nhiều toan tính không hiệu quả, tôi ý thức hơn để không quấy rầy cô nữa.

Chẳng biết có phải do méo mó nghề nghiệp, con mắt ưa nhìn thế sự của một người viết lách khiến tôi hay đa đoan chuyện đời bình thường không (?) nhưng những lúc một mình, nghỉ ngơi giây lát giữa hai công việc, tôi lại thấy hiện ra trong trí tưởng hình ảnh người đàn bà bất cần đời, lang thang trên đường Moran. Tôi đoán cô cũng từng có một gia đình, mẹ, cha, anh chị em; một gia đình nhỏ hơn của chính cô với người bạn đời hẹn thề trao xương, gởi nạc; một thời tuổi xuân hoa bướm rộn ràng như nhiều phụ nữ khác, với bạn bè, ước mơ và tình yêu. Có thể cô cũng từng có nghề nghiệp tốt hay làm chủ một cơ sở thương mại, ở nhà đẹp, đi xe đắt tiền, ăn uống ở các nhà hàng sang trọng và ngay cả đánh bài ở khu VIP trước nhiều đôi mắt thèm thuồng của người xung quanh… Chuyện gì đã xảy ra cho cô? Trận tsunami nào đã tung, ném, vùi dập cô bằng những va đập ghê gớm tới mức làm hư hại thần kinh của cô đến thế? Cô tới đây qua ngả đường nào? Có ai cùng đi với cô không, họ đi đâu hết rồi? Ngoài những giờ khắc xuất hiện vật vờ trên đường phố, cô ăn, ngủ ở đâu? Tắm, giặt, vệ sinh thân thể thế nào? Nước Mỹ nhân đạo và giàu mạnh không có cách gì giúp cô phục hồi cuộc sống thăng bằng để nó có một ý nghĩa dù nhỏ nhoi nhất ư?

Trông cô, không thể không ngẫm đến mình. Biên giới giữa tin yêu và thất vọng/oán thù chỉ là một sợi tóc mỏng manh. Sợi tóc trốc gốc, rơi xuống lúc nào là chuyện của thiên nhiên, trời đất nhưng hốt hoảng, thậm chí đánh mất cả mình là chuyện của người soi gương, chải tóc mỗi ngày, không muốn, không chấp nhận mất dù một sợi tóc, quên rằng đầu còn biết bao nhiêu tóc, chưa kể những sợi tóc mới sẽ mọc ra… Hãy tin chính mình. Hãy yêu chính mình. Hãy săn sóc chính mình. Ông bà chúng ta từng nói: “Còn người, còn của.”

Dễ cả năm nay không ai còn thấy cô quanh quẩn ở con đường cũ nữa. Không biết cô đi đâu, trôi dạt về bờ bến nào, còn hay mất, đã tỉnh hay vẫn mê? Một kỷ niệm khó quên về cô, mãi để lại trong trí nhớ tôi những màu sắc tươi vui. Buổi trưa hôm ấy trời nắng, tôi lái xe từ cuối đường Moran hướng ra Bolsa. Dòng xe chờ đèn lưu thông khá dài, tôi nhìn vơ vẩn sang bờ lề bên trái, thấy đập vào mắt cái lùm cây thấp rải rác trên chóp nó thứ gì trông như những bông hoa kỳ quái. Tôi cố tập trung nhìn kỹ hơn rồi cười một mình. Những thứ tôi tưởng là bông hoa ấy là những cái quần lót, áo ngực của phụ nữ loại thời trang bé tí teo, màu sắc sặc sỡ, giăng mắc, phủ gần kín cái chỏm lá của lùm cây dại ven đường, ý chừng ai đó thấy nắng thì tinh nghịch đem phơi. Quả nhiên, tôi không phải thắc mắc lâu vì có bóng người thấp thoáng sau bụi cây và cô hiện ra, khuôn mặt hớn hở. Cô không một mình. Hình như cô đang cười nói ríu rít với người đàn ông cùng ẩn mình sau đám cây rậm với cô, làm chúng xôn xao lay động giữa buổi trưa trời đứng gió.

Mấy ngày sau đó, ra vào con đường này, thỉnh thoảng tôi thấy cô ngồi vắt vẻo trên cái bờ tường xi măng thấp phía trước căn phố thường đóng cửa, tay cầm ly cà phê giấy và phì phèo thuốc lá bên cạnh người đàn ông của cô cũng thuốc lá, cà phê phì phèo giống cô. Tôi mừng cho hai người tri kỷ gặp nhau, cuôc sống của họ từ nay chắc sẽ vui hơn ở chốn này. Thế nhưng, hình như bèo giạt, mây tan, tụ tán vô thường, họ sánh đôi không lâu vì người qua lại thấy cô chỉ còn một mình, y phục lúc gọn ghẽ, lúc màu mè lôi thôi, vẫn cái ví đầm lép kẹp lòng thòng dây đeo vai, lại đi vung tay, đá chân, nghênh ngang đầu con đường Moran, chửi bới ì xèo một mình, đặc biệt không bao giờ thấy cô ngửa tay xin tiền người qua đường.

Mùa Ðông ở Orange County năm nay mưa nhiều và giá lạnh, khiến tôi bỗng nhớ cô, thầm nghĩ hè phố ẩm ướt, ngày không đủ nắng để ấm cho cô lúc đêm về. Ðang lẩn thẩn tự hỏi nguyên nhân nào xô đẩy cô vào cảnh ngộ cô độc buồn bã ấy và muốn có chút thư giãn, tôi tiện tay mở TV, chọn bất kỳ một kênh tiếng Việt nào để đỡ phải lẩm nhẩm dịch trong đầu những câu phụ đề Anh ngữ. Vào nửa chừng, chả hiểu ất giáp gì, chỉ thấy cảnh một cô nữ sinh áo trắng trong cuốn phim truyện, ngồi sụp xuống đất, xe đạp/cặp sách nghiêng đổ bên cạnh, khóc nức nở trên vai người đàn bà lớn tuổi nét mặt đăm chiêu, chắc là mẹ cô. Cô vật vã, mếu máo than thở: “Anh ấy nói anh ấy chờ con, anh không bao giờ bỏ con, sao bây giờ anh đi với người ta? Sao anh bỏ em, anh ơi!”

Câu nói này bàn dân thiên hạ từng nghe hay nghe kể lại nhiều lần, do nhiều người nói với nhiều đối tượng và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ðiệp khúc “Anh không bao giờ bỏ em” thì thầm trong chỗ riêng tư giữa hai người yêu nhau hoặc có cả sự chứng giám của mặt trăng, mặt trời, của sông dài, biển rộng, của ảnh tượng đức Chúa hay đức Phật, phần đông kết cuộc ngược lại. Kinh nghiệm tổ tiên dặn dò: Lời nói gió bay. Văn chương bình dân ví von: Thề cá trê chui ống. Âm nhạc trữ tình hát lên thơ mộng: Người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa… Không chỉ loài người nói trước quên sau, thiên nhiên trong ca khúc Trịnh Công Sơn cũng vỗ về: “Ta ra đi sông còn ở lại.” Có vẻ như con sông vẫn ở nguyên chỗ của nó, thật ra, nước ở mọi khúc sông thay đổi từng phút giây.

Ở cõi tạm này, có cái gì ta không bỏ nó? Có cái gì nó không bỏ ta? Thế đấy nhưng vẫn những vòng tay khăng khăng ôm giữ. Mỗi vuột đi là mỗi đớn đau, tiếc nuối, hận thù, trách móc. Thơ Nguyễn Ngọc Thạch có câu “Núi mừng vì mây đến rồi.” Qua khoảnh khắc phù vân này, mây bay đi, không ai biết núi có buồn không? Hay núi bền vững so với mây lang thang nên núi biết hạnh phúc ở chính mình vì mây sẽ còn trở lại. Sự khôn ngoan của kiếp người phải chăng hãy biết đón nhận và tận hưởng vẻ đẹp của tình yêu, của cải, lời hứa ngay khi chúng đến trong tràn đầy, lộng lẫy, trên môi, trong mắt, trong tay và sẵn sàng để gió cuốn đi…

Mỗi đêm, khi con đường Moran đã vắng ngắt, không còn người và xe cộ qua lại, chỉ còn ánh sáng lặng lẽ từ mấy cái bóng đèn ở mặt tiền các cơ sở thương mại đóng cửa im ỉm, tỏa xuống lòng con phố nhỏ, chốc chốc người ta lại thấy nhô ra khỏi con hẻm tối một chiếc xe hơi tàng tàng, lừ đừ quẹo ra hướng Bolsa. Chiếc nào vọt nhanh hơn là của người trẻ. Họ là nhân viên của các tòa soạn nhật báo quanh đó: ký giả, phóng viên, dịch thuật, kỹ thuật, v.v… Họ vừa hoàn thành những công việc cuối cùng trong ngày và tờ báo đã ra nhà in. Họ chui từ cái hộp xi măng lớn vào cái hộp thép nhỏ để trở về cái hộp có những người thân thiết nhất chỉ được phép mong họ về khi đêm bắt đầu khuya. Trăng sáng trên đầu ư? Gió thoảng đưa hương từ những khóm hồng hay dạ lý ngoài sân trước ư? Không khí mát rượi như bàn tay ai với những ngón thon mềm vuốt trên đôi má ư? Các quà tặng quý giá ấy của thiên nhiên bao lần đến dưới mắt họ, trên những trang chữ đầy chật màn hình máy vi tính nhưng hiếm khi đến với họ trong đời thường. Cái ưu tiên lớn nhất là tờ báo đã chiếm hết chỗ của các ưu tiên khác, bao gồm cả cái ưu tiên đơn giản là chút thời gian thảnh thơi cho họ tận hưởng chút hạnh phúc không phải làm gì, đầu óc không bề bộn, không vướng bận, như bất cứ ai không chọn theo đuổi cái nghề của họ. Phần thưởng của họ là bài báo viết về một đề tài được độc giả thưởng thức qua những cú điện thoại gọi vào tòa soạn, là khi bên phát hành được yêu cầu giao thêm báo ở một địa chỉ hay đại lý cũ/mới nào đó. Mỗi đêm, cửa tòa soạn chỉ đóng chừng năm tiếng đồng hồ giữa hai tốp người đi và đến. Nhân viên tòa soạn tạm xong nhiệm vụ, ra về khi thành phố sửa soạn đi ngủ. Nhân viên phát hành vào ca khi thành phố vẫn đang ngủ say. Buổi sáng bắt đầu với họ bằng mùi cà phê, mùi sương sớm lẫn với mùi mực in và mùi khói thuốc lá. Mang vác. Chính xác. Nhanh nhẹn. Gọn ghẽ. Họ tỏa ra khắp mọi ngả đường. Khi xong việc, họ là những độc giả đầu tiên của tờ báo do họ phân phối đến cộng đồng gồm người đọc và thân chủ quảng cáo. Không chỉ đọc, họ còn lắng nghe tiếng nói của những người cùng đọc, trao đổi, góp nhặt mọi ý kiến phê phán để chuyển về cho ban biên tập và ban thương vụ, giúp kiện toàn tờ báo. Về tới nhà, vợ con đã đi làm, đi học. Bảy tối một tuần, họ là người tắt đèn đi ngủ sớm để nửa đêm trở dậy theo công việc đòi hỏi, hy sinh những giờ khắc sinh hoạt đầm ấm trong gia đình.

Tất cả những nhân vật trong hoạt cảnh nêu trên có thể được ví với những con ong cần cù nhả mật. Là nghiệp dĩ, chắc vậy. Nhưng là con người, họ có sự lựa chọn. Cao quý thay!

MỚI CẬP NHẬT