Friday, April 19, 2024

Lời ru của mẹ

minhHoa

Huy Phương

Ầu ơ tiếng hát thiên thu
Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.
(Minh Ðạo)

Nếu có một điều gì chúng ta được nuôi dưỡng từ người mẹ, thì một phần là từ những lời mẹ ru. Không ít thì nhiều mỗi người Việt Nam lớn lên, nhớ và hiểu được những câu ca dao cũng nhờ mẹ. Tôi muốn nói đến người Việt Nam của thế kỷ trước, mà không phải con cháu chúng ta bây giờ! Phải nói rằng chúng ta lấy làm tiếc là con em người Việt ở hải ngoại ngày nay và có thể trẻ em bây giờ ở quê nhà không được nghe những lời ru hời đầy văn chương, chuyên chở biết bao nhiêu tâm tình của người mẹ Việt Nam quê mùa mộc mạc.

Bây giờ những đứa trẻ được đưa vào giường ngủ, ôm bình sữa hay được vặn cho nghe một đoạn nhạc êm dịu và tự tìm lấy giấc ngủ, nhưng ngày xưa trên thế giới này từ Ðông sang Tây những bà mẹ đều có những khúc nhạc “à ơi” để ru con ngủ. Ở Tây phương những khúc nhạc này được gọi là “lullaby,” phát xuất từ chữ “Lilith-bye” hay “Lilith-Abi” (tiếng Do Thái xưa Abi có nghĩa là begone), “Lilith, đi đi!” Theo truyền thuyết cổ, Lilith là một con quỷ cái xinh đẹp, khỏa thân, mình quấn một con rắn, chuyên đi bắt con nít vào ban đêm, nên những bà mẹ hát những bài hát này để xua đuổi: “Lilith, đi đi!” và ở Tây Phương “Lilith-bye” lâu ngày thành ra “lullaby.” Nhưng những bài hát phương Tây làm sao có được những lời thơ trau chuốt dịu dàng và chứa đựng cả một trời tâm sự của người ru.

Những bài hát ru của bà mẹ Việt Nam không phải để xua đuổi ma quỷ, nhưng nhiều lúc thấy con chưa chịu ngủ, bà ngừng lời ru, và dọa con: “Ngủ đi. Ông Kẹ kia kìa!” hay ông Ba Bị, Cụ Ngáo… tùy theo các nhân vật đặc biệt ở mỗi địa phương.

Kho tàng ca dao của quê hương Việt Nam đồ sộ, giàu có đến nỗi không có một người Việt nào trên đời này có thể cho mình là thuộc hết các câu ca dao, trong khi có người đã có thể đọc thuộc lòng được một cuốn Truyện Kiều gồm 3254 câu lục bát của cụ Nguyễn Du.

Lớn lên tôi cũng như các bạn, may mắn thuộc lòng chút ít ca dao. Nhà trường chỉ dạy học sinh vài ba câu để làm ví dụ qua các thể loại của loại văn chương bình dân này, nhưng sao mọi người ai cũng nhớ, cũng thuộc nhiều ca dao. Ca dao không có tác giả, tác giả là tất cả mọi người Việt Nam, và tôi thường nghĩ rằng lục bát ca dao là những câu lục bát hay nhất trên cuộc đời này. Hình như chúng ta không thể sống thiếu ca dao, như không thể thiếu lời ru của mẹ.

Chỉ sau này khi lớn lên, nghe lời mẹ bên nôi, mới hiểu được lờ mờ những câu hát, và phải đến khi trưởng thành, chúng ta mới nhớ lại, hiểu hết những lời hát ru mang những nỗi đắng cay, xót xa, phiền muộn của một đời người.

Ở Việt Nam, chúng ta không hề có những lời ru dành cho con trẻ với những giấc mơ thần tiên đầy hoa bướm, bánh kẹo, bong bóng và những khung trời đầy màu sắc rực rỡ, mà những lời ru cho con trẻ bên nôi thời thơ ấu toàn là chuyện của thế gian người lớn, chuyện trai gái, chuyện tình yêu, biệt ly, khổ lụy, rồi phụ bạc, tan vỡ, đau đớn… Phải chăng vì những lời hát như thế “lậm” vào người, mà người Việt Nam lớn lên phải đắm chìm trong chiến tranh, tai ương, khổ ải, phiền muộn cho cả một đời.

Tội nghiệp cho đứa trẻ nằm trong nôi có hiểu gì lời ru của người mẹ chuyên chở bao nhiêu nỗi đắng cay, xót xa của phận đàn bà, mở đầu bằng một ngọn gió thoảng qua, nhưng dẫn đến nỗi đau của con người bị phụ bạc:

“Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ!”

Có một đêm nào đó, một thời đã xa, bạn thức giữa đêm khuya, nghe bên nhà hàng xóm có tiếng trẻ thơ thức giấc khóc, rồi giọng ngái ngủ của một bà mẹ cất lên lời ru, một lời ru không làm bạn dễ dàng tìm giấc ngủ trở lại:

“Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?”

Mẹ hát những lời ru ngọt ngào ấy không phải để cho đứa con thơ trong nôi nghe, đứa trẻ con quá nhỏ, đâu đủ trí khôn để nghe hết những lời ca dao, làm sao để hiểu những tâm tình chứa đựng trong những lời ru, ngoài tiếng à ơi trầm bổng. Ðó là tâm sự của mẹ, muốn mượn những vần thơ ca dao, bên con giãi bày tấm lòng mình, cho ai nghe, không cho chồng, không cho con, mà cho chính mình. Mẹ nuốt lại hết những lời ru của chính mẹ vào lòng, như nuốt hết những đắng cay, xót xa của một đời làm dâu, một đời làm vợ, rồi một đời làm mẹ. Mẹ gởi hết tâm sự của một đời người qua tiếng hát ru.

Một số lớn ca dao đã dành riêng cho tấm lòng thương cha nhớ mẹ, nhất là đối với đứa con gái lớn lên phải đi lấy chồng, luôn luôn nhớ đến người mẹ, nhớ đến quê nhà, bây giờ “gối nghiêng ai sửa chén trà ai bưng?,” rồi nghĩ đến tuổi già lúc xế chiều, bóng ngã:

“Mẹ già như mít chín cây
Gió Ðông cũng sợ gió Tây cũng buồn”

hay não lòng biết bao nhiêu:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.”

Ngày xưa người con gái về nhà chồng phải chịu cảnh làm dâu, gặp cảnh bà mẹ chồng độc ác, chồng lạnh nhạt, thì bỏ phí một đời con gái, tiếng hát não lòng người, có khi nào mẹ vô tình để những giọt nước mắt rớt xuống trên khuôn mặt con thơ:

“Con cuốc kêu réo rắt trên ngàn
Gà rừng táo tác gọi con tha mồi
Lạnh lùng thay láng giềng ơi
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều.”

Hãy nghe lời ru xót xa của mẹ:

“Người ta tuổi Dậu, tuổi Mùi,
 Sao em lại chịu ngậm ngùi tuổi Thân.”

Khi chữ “tuổi thân” được đọc trại đi là “tủi thân,” thì làm sao một đứa trẻ còn bú mẹ hay mới chập chững biết đi, đang còn nằm trong nôi mà hiểu hết những lời mẹ ru!

Mẹ ít học, có khi chỉ đủ biết đọc biết viết, nhưng duyên cớ đâu mẹ lại thuộc nằm lòng nhiều ca dao đến thế. Ở trường hợp nào mẹ cũng nhớ ra những câu ca dao phù hợp với hoàn cảnh. Ca dao là nỗi lòng: tình yêu, biệt ly, phụ bạc, trái ngang, khổ đau… Phải chăng người xưa học ca dao qua truyền khẩu, bằng nghe những lời ru bên nôi của những người bà, người mẹ, của người góa phụ láng giềng những buổi trưa hè oi ả, những đêm khuya vắng lặng. Không có lời ru nào vui, không có lời ru nào mang hình ảnh của hạnh phúc. Lúc lòng bình thản, thì mẹ ru em bằng những lời ca dao vô thưởng vô phạt, buồn thì mẹ hát những lời ru xót xa đến tận cõi lòng người nghe.

Trong lời ru của mẹ có biết bao nhiêu lời giáo huấn để dạy con nên người, mô tả bao nhiêu cảnh đời đen bạc, nói đến lòng người đảo điên, nhưng những câu ca dao than thân trách phận của mẹ bên nôi mới là tiếng thở dài xót xa, là nỗi lòng của mẹ.

Ngoài mẹ ru con ra, còn là bà ru cháu. Bà thì ru cháu ban ngày, mẹ thời ru con về đêm:

“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về…”

Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt:

“Ừ, cái ngủ mày ngủ cho say,
Mẹ mày vất và chân tay tối ngày.”

(Quốc Văn Giáo Khoa Thư)

Bà một thời đã là mẹ. Hai người đều là những người đàn bà một ngày nọ, từ giã cha mẹ ra đi lấy chồng, dù gần hay xa, hạnh phúc hay khổ đau, họ đều mang một tâm sự riêng, không hề nói cho ai nghe, không biết than vãn cho ai, đành gởi gắm vào những lời ru con.

Bây giờ bao nhiêu người con gái Việt Nam lưu lạc xứ người, còn nhớ chăng một lời ru của mẹ, để bên nôi con, “à âu,” “ví dầu” một câu hát cho nguôi tấm lòng tha hương.

Ca dao còn đó, nhưng giờ này mẹ ở đâu?

(Vu Lan 2016)

MỚI CẬP NHẬT