Thursday, April 18, 2024

Năm hết, Tết đến

Cũng như tại hầu hết các thành phố thuộc các quận hạt miền Nam California, thành phố Santa Ana nơi tôi ở những ngày trong Thu khi lá phong đổi màu không có vẻ đẹp rực rỡ như ở Seattle, New England, hay Vermont. Hình như California ít mưa nên lá cây không giữ được màu xanh lục long lanh của những phiến bích ngọc như ở những vùng tôi vừa kể. Ở đây chỉ có màu vàng hổ hoàng hay vàng úa, mầu đỏ thẫm của những vết thương đang sưng tấy nên cảnh trí mùa Thu tuy nhuộm mầu nắng lụa mà trông vẫn có chút gì ảm đạm. Tôi mô tả để quý bạn đọc ở xa có thể hình dung ra thiên nhiên ở góc này của Địa Cầu như tôi cũng đang xem TV để thấy được thiên nhiên ở những góc Địa Cầu khác. Pennsylvania tuyết đang rơi trên phố phường và xa lộ, mưa to gió lớn đem cái rét mướt vào lòng người đang được may mắn hưởng sự ấm áp trong chiếc ghế bành với đôi chân gói trong tấm chăn len mỏng. Atlanta giờ đây cũng sũng nước, tả tơi dưới những cơn mưa lớn và gió giật. Thời tiết xấu vẫn không thể ngăn trở những thành viên xa nhà đang nôn nóng được trở về trong vòng tay thương yêu của người thân đợi mong nhân dịp lễ lạt cuối năm mà ý nghĩa thiêng liêng nhất có lẽ là tạ ơn hạnh phúc đã có nhau trong cuộc đời.

Người Việt Nam chúng ta cũng có tập quán gia đình sum họp khi Tết đến. Dù buôn bán, làm ăn xa xôi cách trở thế nào, ba ngày Tết không ai muốn thiếu vắng ông bà, cha mẹ, vợ hay chồng, con cái, thậm chí đến cả anh chị em và các cháu bên cạnh, vào giờ khắc giao thừa thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Những người nghèo nhất, không có phương tiện tàu xe, chiều 30 Tết bưng mặt khóc thầm trong nhà trọ cô quạnh. Những người phút chót tìm được chiếc vé trên chuyến tàu hay chuyến xe cuối, đeo bám bất cứ cách nào để trụ được một tay, một chân trên suốt cuộc hành trình vất vả để về với gia đình.

Chẳng thế mà nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” của cố nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân từng có số thính giả và số thu vượt kỷ lục thập niên 1960-1970 và cả về sau này, hát lên nỗi lòng người lính chiến vì nghĩa vụ bảo quốc an dân, đành chấp nhận đón Tết trong chiến hào ngăn giặc, biết rằng không về mẹ chờ em trông… nhưng nếu con về, bạn bè thương mong. Có một sự thật đau lòng khác tác giả không nói ra mà người nghe không khỏi liên tưởng. Trên chiến trường, giữa thương mong và thương vong có khi chỉ là cái tích tắc đồng hồ khi viên đạn cối rời nòng súng địch và đánh trúng mục tiêu.

Hoàn cảnh chúng ta bây giờ còn buồn hơn vì có chuyến bay nào, chuyến tàu nào hay chuyến xe nào đi về một nơi chỉ còn trong kỷ niệm?

Sáng nay, thu dọn đống tài liệu phát thanh, tôi vô tình thấy lại cuốn băng video tường trình hoạt động từ thiện nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật của các nữ tu tại Trung Tâm Thiên Phước, Củ Chi, Việt Nam. Trong gian phòng khá rộng, khang trang, đầy đủ không khí và ánh sáng, mấy chục bé được đặt nằm trên những cái đệm nhỏ vừa đủ với hình hài các em, nhiều em dị dạng, có em quằn quại theo phản xạ do bệnh gây ra. Những em khá hơn đứng ngồi lổn nhổn, đôi mắt mở lớn trên khuôn mặt bé thơ hồn nhiên nhìn ra chung quanh. Cơ sở có 10 soeur phụ trách điều hành tổng quát và 10 chị thiện nguyện viên giúp đỡ. Họ làm đủ mọi thứ công việc để giữ cho các em luôn được sạch sẽ, thuốc men và dinh dưỡng đầy đủ, có luôn y vụ châm cứu bằng điện và vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ cho những em có nhu cầu do bệnh trạng. Thành lập vào năm 2001, năm 2015 trung tâm đang nuôi dưỡng 68 trẻ trong đó 47 trẻ bị tê liệt ở cấp độ nặng do não bị hư, 21 trẻ còn lại bị các hội chứng down, tự kỷ, chậm phát triển. Các em ra đời dưới những vì sao xấu, không có khả năng khôn lớn và hội nhập bình thường vào xã hội, thực tế là gánh nặng cho cha mẹ. Tôi tự hỏi nếu không có các soeur với mắt thương nhìn xuống các thân phận nhỏ nhoi, kém may mắn này, các em sẽ sống chết ra sao? Mười bà mẹ nuôi hàng ngày sinh hoạt trong cái không gian mơ hồ giữa sự sống mỏng manh lẫn với sự tàn tạ tội nghiệp, giữa hy vọng giải thoát hơn là khả năng khôi phục chút sinh lực còm cõi trong thể trạng tật nguyền của các bé, giữa mệnh lệnh của trái tim và thực tế trong ngõ cụt, có lẽ dẫn dắt duy nhất của các chị chỉ là tiếng gọi bác ái; là sự nhẫn nại chấp nhận những cảnh đời không giải thích được nhưng có thể làm nhẹ tính cách bi thương của chúng; là sự vâng phục và phó thác trong đức tin toàn vẹn của người Kitô hữu. Mùa Xuân rộn ràng của đất trời đang về khắp nơi, chắc không ghé qua cái góc đời hẩm hiu này. Độc giả có lòng nhân từ muốn tìm hiểu thêm về hoạt động của trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Thiên Phước, có thể liên lạc qua điện thoại (714) 220 8561 hoặc vào trang mạng www.newhope4children.org.

Nói là “kém may mắn” nhưng các trẻ này còn có một mái nhà chở che nắng mưa, còn có những bàn tay cứu khốn phò nguy nâng dắt. Nhiều đứa trẻ khác gầy trơ xương, ngủ bờ, ngủ bụi, trong các ống cống chưa dùng tới ở ven đường, bồng bế em thơ ngồi vạ vật phơi nắng, tắm mưa xin ăn bên lề các đại lộ xe máy chạy vùn vụt, luôn hấp dẫn ống kính của các phóng viên quốc nội, quốc ngoại, khiến hàng nghìn người xem rơi lệ mà biết làm sao để cứu các em đây? Ngân sách quốc gia của chính quyền “ưu việt” hiện nay ở quê nhà có khoản nào dành cho trẻ lạc loài không? Hay lãnh đạo vẫn ăn ngon ngủ yên trên chăn êm, đệm ấm, trong những dinh thự nguy nga gần giống như huyền thoại?

Chao ôi, trẻ đã vậy, người già càng cơ cực khôn cùng. Suốt một đời còng lưng lam lũ gánh vác số phận, gần kề miệng lỗ vẫn tiếp tục còng lưng mò cua bắt tép ven bờ ruộng cạn, vẫn tiếp tục còng lưng nhặt rác sau những phiên chợ chiều để mót mỉa miếng ăn. Cảm giác bất lực pha chút ăn năn ở mỗi hạt cơm, sợi bún trắng ngần nuốt xuống bụng còn ngẫm nghĩ chê khen khiến lòng tôi chất chứa nỗi buồn. Chúa đã xuống trần gian chuộc tội cho loài người, máu Mình Thánh tuôn đổ chan chứa vẫn không rửa sạch lỗi lầm nhân loại. Phật từ chúng sinh ra đi, dạy mỗi người phải tự cứu lấy mình bằng tâm từ bi, gieo trồng nhân lành để hưởng quả báu. Trồng cây chỉ 10 năm nhưng trồng người phải 100 năm mới có được trí huệ và bàn tay biết chọn hạt giống. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ còn lời cầu nguyện.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 25 tháng 1 năm 2017

Mùa Đông California năm nay đến chậm, thong thả nhưng mưa nhiều và lạnh gắt hơn mọi năm, ít nhất là hơn năm ngoái. Càng làm lạnh thêm cái bến sông hiu hắt một con thuyền lạc lối không có đường về. Sau 30 năm định cư ở đây, cuộc sống đối với tôi ngày càng mơ hồ như không có thật. Như mình là ai khác với một dấu hỏi không có câu trả lời, chỉ thấy thịt da rỉ máu, nhức nhối âm ỷ chỗ cái đuôi dấu hỏi cắm xuống, ngày càng lún sâu. Bị đẩy lên cái sân khấu tình cờ, tôi quờ quạng cố gắng hoàn tất vai diễn trong vở tuồng không đầu, không đuôi, đành tìm lấy ý nghĩa trong mỗi giây phút đứng dưới ánh đèn, nhân vật cùng già đi với mình và không còn hóa trang cách nào khác được nữa.

Thế mà thật lạ! Những cái đã mất biệt lâu lắm rồi lại cứ vẫn lồng lộng trong ký ức tôi. Sóng đã xóa hết mọi dấu chân trên cát. Mưa bão đã làm nhòe nhọet nhiều trang sách đời người. Và, như trong nhạc Phạm Duy, “vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ, thả gió bay đi mịt mù…” Vậy nhưng cái vuông sân đất nện trắng xóa ở nhà bố tôi bên Đông Ba, với cái chõng tre vừa một người nằm không biết ai đem đặt giữa những cây cọc căng mấy dãy giây phơi quần áo, đêm rằm Tháng Chạp gần một cái Tết nào đó trời không mưa, trăng rất sáng, chị Chắc ngồi khâu những mũi kim cuối cùng trên cái quần xa tanh trắng cho tôi ở tuổi 13, chờ mặc ngày mồng Một đầu năm, cứ vẫn sáng choang trong trí nhớ, là bức phù điêu ghi khắc lại giấc mơ mầu hồng của tôi về những mùa Xuân nhiều hứa hẹn sắp tới trong đời mình.

Dẫu buồn vui thế nào, cũng xin cúi đầu tạ ơn Thượng Đế, nhà đạo diễn tài ba, kiệt hiệt, đã dựng cho mọi người và cho tôi những vở trường kịch không một ai khác có thể tạo ra những tác phẩm với nhiều màn, nhiều cảnh, tình tiết lạ lùng, đặc sắc đến vậy.

Năm nay, Tháng Chạp Âm Lịch ở đây mưa nhiều quá. Cây cỏ nhiều năm khô hạn được tắm gội và thay đổi xiêm y, trông phởn phơ. Phố phường sạch bụi. Không gian tươi mát. Dòng sông chảy qua khu nhà tôi quanh năm phơi lòng xi măng trắng hếu nay người qua cầu đã soi được bóng mình. Thế nhưng chợ hoa, tiệm ăn và thương vụ đủ loại thì vắng người đi lại. Nhớ những đêm mùa Đông ở Huế, đi ngủ trong tiếng mưa rơi rào rạt khắp bốn phía vườn quanh nhà như điệu nhạc trầm ru êm giấc ấm, cảm giác hạnh phúc trên từng ngón tay, ngón chân. Tôi cầu xin California hãy có những cơn mưa khuya tràn trề niềm hạnh phúc thời xa xôi ấy và xin cho ngày nắng ráo để đồng hương của tôi buôn may bán đắt nhân dịp Xuân về.

Ngoài những cái Tết thuở nhỏ của tôi ở Huế với không gian xanh biếc khói pháo và cả thành phố thơm ngát trầm hương, tôi cũng đã ăn những cái Tết ở vùng Hậu Giang trù phú của miền Nam. Suốt một Tháng Chạp, những nhánh sông chảy qua Long Xuyên rạo rực ghe thuyền chở khẳm lu, khạp, nồi niêu, cà ràng đỏ ửng màu đất nung, những quày dừa tươi mơn mởn, những bó mía đốt mập ú màu tím sẫm, những khoang dưa hấu lớn nhỏ đủ cỡ. Tiếng máy đuôi tôm quạt nước xành xạch dưới bến. Tiếng bạn hàng gọi nhau ơi ới, lồng lộng một khúc sông ngó qua không thấy bờ bên kia. Cha mẹ học trò khệ nệ đem quà Tết biếu thầy cô giáo, đền ơn dạy dỗ con em họ suốt năm, nếp cả thúng, vú sữa, ổi xá lị, nhãn Tân Châu ngon có tiếng, thứ gì cũng cả thúng. Từ chối không được, xin nhận chút ít lấy thảo càng không được. Đành phải nhận hết rồi đem chia lại cho hàng xóm, của người phúc ta, để tỏ tình láng giềng thân cận.

Ba ngày Tết, tới nhà học trò, được đãi món thịt kho trứng nước dừa cuốn bánh tráng, dưa giá, rau sống, là món ăn truyền thống đậm đà mùi vị quê hương nhà nào cũng có để mời khách. Gầm phản nhà nào cũng chất đầy ứ dưa hấu, bưởi, quýt. Bánh tráng trắng xếp thành cọc cao cả thước trong góc nhà. Bánh tét lớp bày bàn thờ, lớp treo lủng lẳng trên sào ngang chỗ thoáng gió để ăn dần trong Tháng Giêng. Bàn thờ gia tiên trong nhà, bàn thờ Thiên ngoài trời, nhang đèn lung linh, mâm quả ngũ sắc bày có ngọn. Đón mừng năm mới cùng nghĩa với đáp đền thành quả trong năm cũ và gởi gấm hy vọng vào năm sắp tới. Thành phố miệt vườn miền Tây không mơ màng khói hương đằm thắm như Huế nhưng cuồn cuộn sức sống ở tiếng nói cười chào hỏi nhau rôm rả của dân làng, ở nụ cười của trẻ thơ súng sính quần áo mới còn nguyên nếp vải hồ cứng, ở đôi mắt lúng liếng xuân thì của những cô thôn nữ mừng một tuổi gần thêm với ước mơ lứa đôi, ở những bữa ăn đông đàn ông, trai tráng thảnh thơi uống rượu mừng Xuân say ngất ngây. Nếu nem chua chợ Búng Lái Thiêu quá ngọt thì nem chua Cái Răng Cần Thơ gói lá vông vuông vức như quân cờ, vị giòn, thơm, chua, cay, ngon không kém gì nem Huế. Ai đã qua bến phà Mỹ Thuận những năm xưa ấy hẳn vẫn chưa quên các món ngon thổ sản địa phương tại đây.

Tết hải ngoại không thiếu một món ăn hay một phẩm vật nào đón chào năm mới theo truyền thống, có chăng là thiếu phong vị quê hương, thiếu cái không khí rộn ràng, hân hoan trên cả nước để cùng đón Xuân. Cho nên, những cái lễ Giao Thừa đúng nửa đêm cứ thưa thớt dần và chỉ còn là kỷ niệm trong nhiều ngôi nhà Việt Nam. Nếu mùng Một Tết không rơi vào ngày cuối tuần, mọi sinh hoạt của cộng đồng sẽ diễn ra bình thường như một ngày bình thường mọi khi. Trẻ con có mẹ đi làm ca nhì đêm Giao Thừa, sẽ đi học trước khi mẹ thức dậy và sẽ nhận được phong bì đỏ (các cháu thậm chí không biết chữ “phong bao”) lì xì khi về học. Nhiều bà mẹ đi làm vẫn còn tin rằng nhàn nhã đầu năm sẽ nhàn nhã quanh năm nên xin nghỉ hai ngày 30 và mùng Một chỉ để thấy mình cũng lại loay hoay dọn dẹp, cất cái này, xê dịch cái kia trong căn nhà không có trẻ con (vì chúng ở trường), có khi không có cả “nửa kia” (vì vẫn đang cày bừa nơi sở làm) nên tự nhủ lòng sang năm không nghỉ nữa, để dành ngày nghỉ phòng khi cần đi du lịch. Nỗ lực gìn giữ cội nguồn của thế hệ còn thấy mình gắn bó với quê nhà cứ vạc dần theo năm tháng tha hương như củi trong lò sưởi. Bữa tiệc cuối năm ở nhà người bạn tối hôm nay trong ngôi nhà của anh chị đầy hoa, bánh chưng buộc nơ đỏ, giò chả, thịt kho tàu, cá kho riềng, bên cạnh món “roasted beef” và tôm hùm bỏ lò với một bàn rượu đỏ; đu đủ, xoài, dưa hấu bên cạnh nho tươi và bánh cake. Tôi chắc nhiều người đã quên những chiếc bánh tổ mầu đường nâu chân phương đặt trong cái ổ rơm, khi ăn phải cắt thành miếng nhỏ và nướng trên lửa, là món tráng miệng ngày Tết đặc sản của xứ Quảng sánh với chè kho của người Hà Nội, nấu xong múc vào những cái đĩa nhỏ sâu lòng, rắc vừng rang thơm phức trên mặt, khi ăn cắt thành miếng hình tam giác. Còn món chè bà-cốt nấu bằng gạo nếp trắng ngần và gừng xay lấy nước, cũng chỉ có mặt trong dịp Tết, dưới ánh nắng ngày hay dưới ánh đèn, những hạt nếp trong chén chè óng ánh như bạc vụn, trông rất đẹp mắt.

Chủ nhân bữa tiệc Tất Niên còn cất công đãi bạn bè bằng bức tranh mai, lan, cúc, trúc tươi bày ở phòng khách. Có người thưởng thức, quan tâm hỏi: “Anh kiếm ra cành trúc xinh ở đâu vậy?” “Ở vườn sau nhà đó chị!” Tôi không ngạc nhiên vì biết vườn sau nhà anh có cả cây sấu đã cho quả! Ôi, cả một trời quê hương trong bát canh sấu nấu thịt nạc heo, lơ lửng mấy quả sấu dầm, thưa thớt chút hành ngò, chan vào cơm và nghe mùi thơm hoang dại, vị chua dịu nhẹ của sấu thấm vào mọi miền xúc giác đến đê mê. Nhiều bạn khác của anh chị đi qua không thắc mắc nhưng khi một người dừng lại khá lâu trước khóm hoa rồi ngậm ngùi nói: “Giá là một cành mai năm cánh thì tuyệt quá!” khiến tôi cũng ngậm ngùi theo, biết rằng chúng ta không bao giờ có nguyên vẹn quê hương nơi xứ người. Một chút gì thiếu vắng, khiến cho bức tranh tứ quý không hoàn hảo, đã phản chiếu niềm vui không hoàn hảo của chúng ta vì cành mai vàng giờ được thay bằng cành mai rừng “forsythia” lạc lõng.

MỚI CẬP NHẬT