Saturday, April 20, 2024

Nghĩ về thiên chức làm Cha Mẹ

Bùi Bích Hà

Khi Thượng Đế trao trách nhiệm cho cả người nam lẫn người nữ trong việc tạo sinh và nuôi dưỡng con cái, rõ ràng Ngài đã muốn mọi đứa trẻ khi ra đời, được hưởng tình thương và sự chăm sóc tận tụy của cả cha lẫn mẹ.

Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường nên người đã là một kỳ công của các đấng sinh thành. Nuôi dạy một đứa trẻ không bình thường là một thử thách lớn lao khác mà nhiều cha mẹ bỏ cuộc.

Đứa con bẩm sinh với thể lực èo uột, mang bệnh trầm kha hay với ngoại hình dị dạng, không phát triển đúng mức, thường là nguyên cớ công khai hay ngấm ngầm để cha mẹ trách móc nhau, đi đến đổ vỡ và trong trường hợp này, trách nhiệm cuối cùng vô hình chung đổ lên vai người vợ vốn gắn bó với cái phần xương thịt đáng thương của chính mình.

Những trường hợp thương tâm điển hình đã xảy ra không ít. Cách nay chừng hai thập niên, đồng hương người Việt vùng quận Cam từng rơi lệ nghe tin một phụ nữ trẻ đã mang đứa con gái tật nguyền vào công viên, bắn chết con rồi lái xe ra xa lộ 22, đậu xe ở bên lề và bế xác đứa bé ra nằm giữa lòng đường cho xe cán qua cả hai mẹ con.

Người mẹ đau khổ này để lại lá thư tuyệt mệnh, cho biết bà không chịu nổi áp lực từ hoàn cảnh sống nghiệt ngã của mình: chồng bỏ đi, lời dị nghị từ bà con, chòm xóm, cho là bà vô phước nên mới sanh ra đứa bé kém may mắn ấy, ám ảnh con đường dài tối tăm chờ đợi hai mẹ con không có lối thoát…

Gần đây hơn, báo chí đưa tin một phụ nữ bản địa, cư dân ở Lawrence, tiểu bang Massachusetts, bị đưa ra tòa ngày Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011 vì đã tự ý ngưng việc điều trị thuốc men cho cậu con trai 9 tuổi, mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh và ung thư, khiến đưa đến cái chết của cậu. Bị quy trách tội giết con, bà Kristen LaBrie có thể bị kết án từ 8 đến 10 năm tù giam.

Bà Kristen LaBrie, 38 tuổi, nước mắt đầm đìa đứng trước vành móng ngựa và trước thân nhân gia quyến hai bên, kể cả cha cậu bé là Eric Fraser, xin lỗi mọi người, bày tỏ niềm ân hận phải chi bà đã có thể hành động khác hơn. Bà cũng chia sẻ tình cảm nhớ nhung đứa con mà bà từng ước mơ nó có thể sống mãi bên bà.

Cậu bé Jeremy Fraser không phát triển trí tuệ, không nói được. Năm lên 7, bác sĩ chẩn đoán cậu mắc thêm bịnh ung thư máu và phải qua hóa trị trong tiến trình chữa chạy. Mẹ cậu được thông báo kế hoạch điều trị sẽ kéo dài trong 2 năm và nếu tập trung chữa trị đúng mức cho cậu, hy vọng khỏi bệnh là từ 85% đến 90%.

Mời độc giả xem thêm phóng sự “Đến Little Saigon, ăn nem nướng Brodard”

Thay vì đưa con vào bệnh viện, bà Kristen đã lựa chọn giữ con trai ở nhà giữa các đợt hóa trị. Bà khai đã tuân theo lời chỉ dẫn của bác sĩ trong suốt 4 giai đoạn đầu của chương trình điều trị nhưng khi bước qua giai đoạn 5, bà đột ngột ngưng việc chữa chạy với lý do không thể chịu đựng được cảnh nhìn thấy con trai bà, xanh như tàu lá, ói mửa liên tục và phải đau đớn trải qua những phản ứng phụ do hóa trị gây ra.

Sau 5 tháng từ bỏ thuốc men, cậu bé qua đời vì căn bệnh ung thư máu phát tác trở lại.

Để bào chữa cho quyết định của mình, bà Kristen trước sau giữ nguyên lập luận rằng bà sợ con trai bà quá yếu để có thể đương cự với ảnh hưởng của phương pháp hóa trị.

Chánh án Richard Welch tuy tỏ ra thông cảm khi ông lược qua thân thế người mẹ đau khổ bị lâm vào hoàn cảnh có nhiều thử thách gay gắt cho bà: nuôi con một mình, bệnh hoạn của cậu bé là gánh nặng quá lớn đối với khả năng cưu mang của bà bên cạnh những áp lực tới từ cuộc sống của một người mẹ đơn thân… Nhưng, đại diện cho công lý, ông cũng kết luận rằng cậu bé có cơ may lành bệnh rất cao song bà Kristen đã lấy đi cơ hội được sống của con trai bà.

Mặc dầu có nhiều lá đơn thỉnh nguyện của thân nhân xin tòa ân giảm, bà Kristen vẫn khó thoát khỏi bản án tù không ít hơn 8 năm. Người mẹ chưa qua được nỗi đau mất con, có khả năng bị dầy vò suốt đời vì mặc cảm chủ động gây ra cái chết của nó, dù ở ngoài hay trong bốn bức tường nhà giam, bi kịch đó thật quá phũ phàng và cay đắng cho bà. Càng cay đắng hơn khi người bạn đời một thời yên vui, lẽ ra phải chia một phần những khốn khó mà bà một mình nếm trải trong quạnh hiu thì ông lánh mình ở một nơi không hệ lụy đến thân.

Cũng là một phụ nữ, tôi tự hỏi nếu chánh án không phải là một vị bên nam giới, liệu phán quyết chung cuộc có khác, có lợi thế hơn và công bằng hơn cho bà Kristen hay không? Cậu bé Jeremy Fraser là kết quả cuộc tình của ông Eric Fraser và bà Kristen LaBrie. Rõ ràng trên khai sinh, cậu mang họ của cha. Cậu khôi ngô/đĩnh ngộ, thông minh/giỏi giang hay khiếm khuyết/tật bệnh, tàn phế/vô dụng, cả hai trường hợp, cha mẹ cậu phải chia đều niềm vui, nỗi buồn và trách nhiệm. Trước lương tâm, không ai trong hai người được quyền đổ hết lỗi cho người kia và bỏ chạy.

Ông chánh án Richard Welch nói rằng ông thông cảm, chưa đủ. Thông cảm là hai chữ dễ thốt ra, dễ nói, nghe qua rất đẹp, rất nhân bản nhưng cần thể hiện thành hành động thì người nói sẽ phải làm gì? Tất nhiên công lý chiếu luật pháp mà tuyên án. Công lý thẳng băng như cây gậy tầm sét của Thiên Lôi và tòa án bắt buộc phải dùng cây gậy thẳng băng này nhân danh trật tự xã hội, ngay cả khi cần giải quyết những vấn đề tiềm tàng, ẩn dấu, vi tế, nằm dưới chiều sâu nhiều ngõ ngách tăm tối của lòng dạ con người. Cây gậy mực thước này sẽ không có cách nào chạm tới được phần cảm xúc biến ảo khôn lường trong nội tâm, trong những mảng sống khổ đau muôn mặt của thế gian. Văn phòng biện lý (DA) chỉ có thể truy kích những ông chồng trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng con cái sau li dị nhưng không thể bảo những ông chồng này chấp nhận ở lại trong cuộc hôn nhân có đứa con tật nguyền hay bệnh hoạn; trong căn nhà sặc sụa mùi thuốc men, tràn ngập hóa đơn bác sĩ và tiếng khóc; ở cái nơi không còn tiếng cười, những bữa ăn ngon miệng và những giấc ngủ sâu từ chập tối đến giờ đi làm hôm sau…

Dường như xã hội loài người trên khắp thế giới có một đồng thuận chung: người đàn bà sinh ra để hy sinh, để chịu đựng khổ đau và bất công. Khi họ không hy sinh đủ, không chịu đựng đủ để chu toàn những điều xã hội mong đợi ở họ thì họ bị chỉ trích, miệt thị và bị kết án.

Trường hợp bà Kristen LaBrie, mọi người sẽ nói rằng bà được chồng cũ trả tiền cấp dưỡng con, bà được hưởng quyền lợi y tế (medical) cho đứa bé tật nguyền, bà được cố vấn tâm lý hỗ trợ về mặt tinh thần để vượt qua thử thách… Xem ra, có vẻ như bà được xã hội lo liệu đầy đủ phương tiện để bà thực hiện trọng trách làm mẹ. Thật ra, từng ấy dịch vụ, từng ấy khuôn mặt, có cái nào, khuôn mặt nào thay thế giùm được bà những khoảnh khắc đèn khuya một bóng, ngồi nhìn đứa con ngu ngơ vì chứng thần kinh phân liệt, sống không ra sống, thậm chí người không ra người, ngày qua tháng lại gậm nhấm nỗi nghiệt ngã không có câu trả lời? Có cái gì, có ai cho bà một bàn tay vỗ về, chút hy vọng giữa tuổi thanh xuân với vô vàn những ước mơ, những khao khát khô héo và tàn úa trong lòng bà?

Thằng bé đã được mẹ ôm ấp, bảo dưỡng trong 7 năm. Có thể bà sẽ đi xa hơn nữa nếu không xảy ra việc nó bị ung thư, là phát đạn ân huệ dành cho người tử tội trẻ tuổi, thực sự vô can và đáng thương ấy. Có thể nỗi đau đớn của thằng bé đã nhân đôi nỗi đau đớn của mẹ nó, khiến bà gục ngã. Có thể nỗi đau đớn của thằng bé là giọt nước làm tràn chiếc ly đắng cay của mẹ nó, khiến bà tung hê hết, tự nhủ: “Để giải thoát cho cả hai mẹ con.” Trong cái góc tối khuất lấp từ đáy lòng, chỉ có bà tự biết bà có nấp dưới danh nghĩa sự bất hạnh của đứa con để ưu tiên giải thoát mình hay không? Mà xét cho cùng, về phương diện con người, mưu cầu hạnh phúc cho bản thân có phải là cái tội đáng phỉ nhổ hay không? Chẳng phải đây chính là một trong những quyền căn bản của con người từng được ghi nhận trong các bản hiến chương thế giới đó sao?

Trong mọi trường hợp, khi người đàn ông dễ dàng đứng dậy, người đàn bà luôn thấy mình đứng trước những lựa chọn dù đi đường nào cũng đến chỗ chính họ chết dần chết mòn từ thể xác đến tâm hồn. Hỏi tại sao họ không vững vàng hơn, tự chủ và tự quyết hơn, có lẽ lại phải trở lại cái cách họ được nuôi dạy từ thơ ấu, quen mắt với những mô hình phụ thuộc phóng chiếu về họ qua giáo dục, tập quán, nếp suy nghĩ từ một xã hội, cho tới nay, phần lớn giành đặc quyền cho nam giới.

Nếu sau bản án công lý dành cho người vợ cũ, có một lúc nào ông Eric Fraser cảm thấy có đôi chút cắn rứt trong lương tâm, điều này có nghĩa là mọi người cần thực sự thể hiện sự thông cảm bằng chia sẻ và tích cực giúp đỡ bà Kristen LaBrie chứ không phải chỉ trừng phạt bà là đủ để lẽ phải đứng về phía họ. Điều này cũng có nghĩa là cha của đứa bé cần ở lại bên cạnh nó để hiểu, để cùng gánh vác sự khó nhọc và cùng với mẹ nó chịu trách nhiệm về nó trong mọi quyết định do thiên chức làm cha mẹ đòi hỏi. Ở lại không nhất thiết trong một khoảng cách không gian kề cận, dưới cùng mái nhà nhưng là sự hiện diện khi cần và sự hỗ trợ bằng tấm lòng của người cha không thể thiếu khi người mẹ cần một điểm tựa cho bà gượng đứng lên để tiếp tục cuộc hành trình.

MỚI CẬP NHẬT