Thursday, April 25, 2024

Ngõ trước vườn sau

Bùi Bích Hà/Người Việt

Ngôi nhà ở cuối con đường vòng. Nhìn mãi không thấy số nhà, bạn bảo tôi: “Um tùm thế này, chắc đúng rồi!” Tôi cũng nghĩ như bạn tuy chưa quả quyết: “Thì hãy cứ đậu xe đi xem sao.” Ra khỏi xe, bước trở lại mấy bước, thấy cái xe van to đùng nằm chình ình lấn sâu vào trong cùng cái driveway rộng, trên xe ngổn ngang nào thùng, nào chậu, nào dây nhợ và vải bạt, biết đúng là nơi mình đang muốn tới nên tôi ơi ới gọi bạn. Cây cối sum suê, kín bưng khu đất bên trái lối vào, chẳng biết đâu là ngõ, đâu là cửa. Len lỏi chừng dăm thước, càng đi càng chỉ thấy san sát chậu cây đủ thứ, đủ loại, không tăm hơi bóng người. Ðành bảo nhau phải trở ra thôi. Ðứng giữa driveway, kêu thật to, “Có ai ở nhà không?” Kêu mấy lần, vẫn tịnh không. Bạn quay lại xe, tìm cái danh thiếp có số điện thoại. Bấm số gọi. Tiếng phụ nữ trả lời, đoán thấy vẻ nhanh nhẹn. “Chị đang ở đâu dzậy?” “Ngay trước cửa đây nè!” Tiếng chưa dứt đã thấy nữ chủ nhân xuất hiện. Áng chừng chị ngoài 50, dáng vóc gọn ghẽ, mặc âu phục tề chỉnh so với phần đông phụ nữ Việt Nam ở nhà khoảng 4, 5 giờ chiều. Mái tóc mây đen mứt uốn vừa cao để ôm lấy khuôn mặt đầy đặn có đôi má ửng hồng, căng bóng hai bên cánh mũi. Tôi nói đùa:

“Tụi tôi bưng hết mấy chậu cây rồi! Chị không sợ bị ăn trộm à?”

Chị tỉnh như ruồi, không biết có nghe hay không, chỉ hỏi lại: “Chị muốn mua cây gì đây?”

Bạn trả lời giùm: “Chị tìm cho cây chanh xanh, vỏ mỏng, ít hột.”

Chị xăm xăm len vào khu vườn bên trái chỗ chúng tôi đã vào rồi trở ra. Lục lọi một hồi, chị nói: “Còn nhiều chanh lắm mà, hổng biết ổng bỏ đâu hay bán hết rồi?” Như chực nhớ ra, chị nói: “Phía sau còn một cây.” Tụi tôi đi theo nhưng không bắt kịp những bước chân thoăn thoắt quen thuộc đất nhà của chị. Một thoáng, chị trở lại, tay xách cái chậu như người ta xách tai con mèo hay con thỏ. Bỏ cái chậu giữa lối đi, chị ngồi thụp xuống bên cạnh, mấy ngón tay mạnh bạo vặt hết những chiếc lá quăn ngọn hay bị héo úa, khiến cây chanh như cái đầu tóc đang bù xù trở thành tươm tất hẳn, khỏe mạnh ra trò. Bạn tôi nói: “Hai chục hả?” Chị gật đầu, dặn: “Nó cần xuống đất liền nghe! Mấy bữa nay quên, không cho nó uống nước.” Chị đi lấy cái túi nhựa màu đen, bọc ngoài cái chậu rồi đưa tay nhận tờ giấy $20 nhét vào túi quần. Tôi nhìn thấy ở cườm tay chị chiếc vòng vàng chạm rồng phượng theo chị từ Việt Nam qua đây không biết bao lâu, thoáng trong đầu cái ý nghĩ ngộ nghĩnh là chị làm thương mại thành công liền nên không phải bán nó để châm vốn.

Màu xanh của cây lá rậm rạp sau lưng chị hấp dẫn bạn tôi nên anh không nỡ rời. Họ hỏi đáp chuyện gì tôi không để ý nghe rõ vì mải nhìn ngơ ngẩn xung quanh, ngạc nhiên vì những gì đang thấy trước mắt. Hai người quay lưng quày quả đi vào khu vườn bên phải. Tôi theo họ cầm chừng vì lối đi chật và mặt đất mấp mô, có chỗ vừa đi vừa phải vén những cành lá mỏng. Một lát họ đi trở ra, tay bạn tôi cầm mấy quả roi màu xanh và màu nâu đỏ nổi những đường gân đậm nhạt, có quả anh đã cắn dở. Anh trầm trồ khen và chia cho tôi vài quả. Phải nói là roi vườn này thuộc loại xuất sắc, ngọt và thơm. Tôi đã từng được ăn những quả roi đỏ thắm, ngan ngát thơm, giòn và ngọt đậm từ vườn nhà cụ Bùi Xuân Ðáng ở Placentia một năm cành trĩu quả và gió làm gẫy. Tới bây giờ, tôi thực sự chưa được ăn lại ở đâu những quả roi thần tiên ấy. Năm ngoái, ca sĩ Chung Tử Lưu cũng cho tôi một túm roi chín mọng, đỏ thẫm của vườn nhà anh nhưng cái ngọt của chúng không sắt vì quả hơi nhiều nước. Hỏi giá. Chủ nhân trả lời: “$220.” Trong lúc tôi ước ao phải chi tôi có một cây như thế ở mảnh vườn sau nhà thì tuyệt vời quá nhưng bạn tôi lại không mấy hào hứng, anh lờ lững hỏi qua sa bô chê và họ đi về một góc vườn khác.

Tôi thích roi hơn vì sa bô chê quá ngọt nhưng sa bô chê hay roi, với tôi, không chỉ là cây, là trái, mà còn là kỷ niệm. Khu vườn tuổi thơ của tôi ở Huế được bố tôi cho trồng không thiếu một loại cây ăn trái nào: nhãn, vải, na, lựu, bưởi, cam, quýt, roi, ổi xá lị, mít, sa bô chê, vú sữa, trứng gà, trần bì, nhót, khế ngọt, mãng cầu, bình bát, mùa nào thức nấy. Trong trí nhớ tôi, giờ đây những khi ôn lại, mỗi cây vẫn ở đúng vị trí của nó trong khu vườn một mẫu tây đất, lũy tre bao bọc xung quanh. Cây roi nhà tôi ngày ấy được bố cho trồng ở cửa ra vườn bên hông căn phòng học dành riêng cho ông anh tôi phía cánh trái ngôi nhà bố tôi đặt tên là Trúc Hoa Viên. Trẻ con hàng xóm đợi giờ trưa người lớn trong nhà đóng cửa ngủ ngày, lẻn vào, leo trèo hái những chùm roi chín đỏ. Tôi mách mẹ. Mẹ bảo, “Em cầm cái roi, đợi chúng leo xuống, quất cho mỗi đứa một roi về tội ăn trộm.” Năm ấy tôi chừng mười một, mười hai tuổi, hứng thú được mẹ cho quyền làm người lớn nên lăm lăm rình rập chúng và có hôm bắt quả tang. Tôi cầm cái roi (mẹ tôi vẫn treo trong bếp để dọa tôi những lúc rắn mắt, nghịch tinh nhưng nhiều khi bà đánh thật và đánh rất đau) chạy vút ra nhưng quái lạ, tôi hét thật to mà không có tiếng nào ra khỏi miệng. Khi đến gần gốc cây, tay tôi run lẩy bẩy, không nhấc được cái roi lên. Ðó là kinh nghiệm “trấn áp bằng bạo lực” duy nhất trong đời tôi khiến sau này tôi thường nuôi ý nghĩ “thua đi” cho an toàn mỗi khi cần đối phó với ai.

Bạn tôi và bà chủ vườn trở ra. Hình như anh bạn chỉ phủi bụi kỹ quả sa bô chê chín cây, màu nâu gụ, rồi cắn ngang nó cả vỏ. Anh đứng cách tôi một quãng ngắn mà mùi sa bô chê vẫn thoảng bay, ngọt lừ. Sa bô chê vườn này thơm đúng mùi thơm có chút hương vị cà phê như ở Việt Nam. Bạn tôi đưa mời tôi quả còn lại trên tay anh nhưng tôi từ chối vì không hảo nó lắm, dặn anh để phần, làm quà cho bà xã anh còn bận đi làm.

Chúng tôi đứng giữa màu xanh chập chùng, bát ngát, thấp ngang lưng, ngang vai hay ngang đầu. Bầu trời trên cao chan hòa nắng trong một mùa hè nóng bức hơn thường lệ nhưng xung quanh chúng tôi, bóng mát của cây lá phủ xuống mặt đất như cái mặt ao phẳng lặng với bờ ao ẩm ướt. Tôi hỏi bà chủ vườn: “Anh chị tự chăm sóc, trông nom khai khẩn khu vườn hay có các cháu phụ giúp?” Chị tươi cười trả lời: “Dạ, không phiền cháu nào cả chị ơi, chỉ hai vợ chồng làm thôi! Cuối tuần tụi em bán chợ trời, nhằm tuần nào có công chuyện thì nghỉ. Như Thứ Bảy này có đám cưới đứa cháu…”

Cung cách nói chuyện của chị ung dung, nhàn nhã, tuồng như cả khu vườn hái ra tiền này, đối với vợ chồng chị, chỉ là một thú vui chơi giữa cuộc đời hơn là cuộc tranh sống vất vả, nặng nhọc. Tôi càng khâm phục nên bỗng muốn tìm hiểu thêm, quên cả sự tế nhị chỗ sơ giao: “Coi bộ anh chị ở đây thanh bình quá, cửa ngõ không cần đóng khóa, khách gọi cả buổi mà anh chị chưa hay…” Chị cười chữa thẹn nhưng hạnh phúc thấy trong ánh mắt như ánh sao: “Hai vợ chồng đang ngồi coi TV nên không nghe đó chị, xin lỗi…”

Sẵn câu chuyện, tôi hỏi thêm: “Vườn rộng bao nhiêu square feet vậy chị?” “Tụi em có một khoảnh bên kia thôi, chỗ này tụi em thuê của bà Mỹ nhà kế bên, chẳng biết bao nhiêu chị à!” Tôi đoán công việc khuếch trương cơ sở do chồng chị đảm đương, điều tốt đẹp là họ thuận vợ thuận chồng nên vườn hoang trở thành núi bạc. Tuy nhiên, từ đáy lòng, tôi không hình dung được bằng cách nào mà ông chủ vườn cây um tùm, rậm rạp này thuyết phục được bà Mỹ bằng lòng nhượng quyền sử dụng khu đất phía sau nhà bà cho họ? Hoa lợi phần bà chắc không nhiều hay là bà cũng mê những loại trái cây nhiệt đới nồng nàn hương vị của họ, ít nhất vẻ đẹp của những cây xoài lủng lẳng những trái no đầy trong chậu?

Cũng giống như nhân loại nói chung, tôi cũng thường hay ca cẩm thời gian sao quá nhanh, quá tàn nhẫn, càng xấu xí kể từ Thu Ðông trở đi? Tuy vậy, khi nhìn thấy đàn cháu khôn lớn, mới ngày nào tôi còn đón đưa chúng nó qua các trường mẫu giáo rồi tiểu học, bây giờ là sinh viên tự lái xe đi học và đi làm, tuổi trưởng thành phổng phao sức sống cùng hy vọng, tôi lại tự nhủ mình “già đi là phải rồi!” Khu vườn trước mắt tôi và nhiều khu vườn khác tương tự, đâu chỉ một đêm, một ngày hay một năm mà tươi mươi, rộn ràng trái quả như tôi đang thấy? Bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ không đếm xiết xuống mặt đất tưởng chừng câm lặng. Bao nhiêu toan tính, ngược xuôi, mang vác, ngay cả chọn lựa nhầm một hay nhiều cây giống phải bỏ đi để giữ tiếng thơm cho thương hiệu, bao nhiêu ngày tháng làm chai hai bàn tay và làm phai màu mái tóc một thời trẻ trung của ông bà chủ vườn, tất cả như dòng sông chảy cùng một hướng biển, mất dần nó trong những không gian và những chiều kích lớn rộng hơn làm nên tầm cỡ thời đại. Ðúng là chẳng có gì sinh, chẳng có gì diệt, tất cả chỉ thay nhau trong những vòng quay.

Nghĩ thế mà lòng chợt bỗng nghe reo vui, cảm thấy tâm ý nhẹ nhõm hơn với cuộc sống ai cũng than van sao ngắn ngủi? Nếu để lên đòn cân một bên là non ba vạn sáu ngàn ngày, một bên là những gì đã thực hiện được để ngợi ca đức hiếu sinh của Tạo Hóa, có lẽ công đền tạ chẳng là bao so với cuộc hành trình ngót trăm năm trên địa cầu hoa gấm này. Tôi nghiệm ra, cõi lòng càng gần với hư không (thay vì đầy chật thất tình lục dục, khác nào ngổn ngang đồ vật cũ cần phế thải) như căn phòng chỉ trải một tấm chiếu trúc của bạn tôi ở tiểu bang Ngàn Xanh, tha hồ cho mặt trời, mặt trăng, hương hoa, ngay cả mùi nắng, gió, mùi mưa, mùi sương mù vào ra, càng có chỗ để tiếp nhận nhiều cái mới, cái hay, cái đẹp mỗi ngày, chao ôi no nê, sung sướng biết nhường nào!

Dường như con người mải mốt bảo nhau phàn nàn cuộc sống ngắn ngủi mà quên không bảo nhau chắt lọc từng phút giây hiếm hoi là những giọt đời như mật ngọt tràn trề. Cây chanh đem về vườn nhà tôi, xuống đất mới có vài ngày, sởn sơ như cô thiếu nữ dậy thì, lá không quăn quíu nữa mà mướt xanh. Thân không gầy guộc, xiêu vẹo nữa mà đứng thẳng. Tôi bắt đầu tính tuần, tính tháng, mong chờ nó ra hoa rồi có quả, nhắc tôi những ngày mới có đứa con đầu lòng. Cũng tính ngày, tính tuần, chưa mảy may lo sợ thời gian như tên bay mà mải miết mong những sáng tinh khôi, những chiều rạo rực chóng qua để con biết lật, biết bò, biết ê a và lớn như thổi. Hóa ra, vạn sự là do cái Tâm cả.

MỚI CẬP NHẬT