Tuesday, April 23, 2024

Những bóng hồng trong khói lửa

Bùi Bích Hà

Bản tin ngày 12 Tháng Bảy của Reuters cho biết cuộc xuống đường phản đối vụ cảnh sát bắn chết cậu Alton Sterling đã bị lực lương an ninh ngăn chặn gần khu vực tổng hành dinh của cảnh sát Baton Rouge tại Louisiana ngày 9 Tháng Bảy năm 2016.

Ký giả Jonathan Bachman sinh trưởng ở New Jersey, đang làm việc với hãng tin Reuters với tư cách phóng viên nhiếp ảnh tự do, thức tới 3 giờ sáng đêm nói trên sau khi đã theo dõi và ghi nhận mọi tình tiết xảy ra trong vụ trọn một ngày dài hôm trước ở trung tâm Baton Rouge. Anh gởi tin tức/tài liệu đã thu thập được về cho hãng tin Reuters với không một tiên đoán nào là chỉ vài tiếng đồng hồ sau, một trong nhiều tấm hình anh chụp đã làm cho tên tuổi anh nổi như cồn trên cộng đồng mạng.

Anh kể lại, “Tôi đi ngủ. Thức dậy, tôi trở lại Baton Rouge, không hay biết gì cho tới khi nhận được email từ đài BBC, hỏi tôi có biết một tấm hình tôi chụp đang gây chấn động thế giới không?” Chủ điểm của tấm hình là một biểu tình viên sau này được biết là cô Ieshia Evans, đứng đối diện 2 cảnh sát viên trang bị vũ khí tận răng và cả hai đều đang cố ghìm bước chân của họ như chiếc xe bị thắng gấp khi chỉ còn cách cô chưa tới một sải tay. Cô gái với vẻ quyết tâm, đứng bình thản giữa con đường gần trụ sở cảnh sát Baton Rouge. Sự tương phản giữa vóc dáng thanh mảnh của cô gái với vạt áo lụa đen trắng trên mình cô đong đưa trong gió và tư thế xung phong của các cảnh sát viên càng khiến cho bức ảnh có uy lực hơn.

Bachman cũng biết anh chụp được tấm hình ưng ý, có thể được coi là một tác phẩm. Anh nói, “Tôi biết tấm hình tiêu biểu cho những gì đang xảy ra vào lúc này ở Baton Rouge. Tuy nhiên, thành thực mà nói, tôi không nghĩ được là nó sẽ trở thành một hiện tượng như thế ấy và đây là chia sẻ của tôi với mọi người trong mấy ngày vừa qua.”

Với tấm ảnh chụp cô Evans, Bachman nhận một lượng khổng lồ điện thư và điện thoại, một số tới từ các nhiếp ảnh gia đàn anh hay bậc thầy mà anh hằng ngưỡng mộ. Anh nói: “Tấm ảnh thể hiện sự hòa hoãn, tuân phục, và đối với tôi, tưởng như không thể là sự thật.” Mặc dầu vậy, Bachman không ảo tưởng đâu, tấm hình có thể đưa tên tuổi anh ra trước hoàn vũ. Anh phát biểu: “Tôi là một phóng viên nhiếp ảnh hành nghề tự do, cho nên tôi chỉ biết đợi điều gì sẽ tới. Tuy nhiên, lẽ ra Ieshia Evans phải là người có công đầu. Mọi người đều muốn nói chuyện với tôi nhưng trong thực tế, chính người phụ nữ kia đã tạo ra bức ảnh.” Nhiều độc giả nhìn bức ảnh, thành thực nghĩ giải Putlizer năm 2016 sẽ về tay Bachman.

Ieshia Evans là một nữ điều dưỡng chuyên nghiệp, 28 tuổi, sinh sống tại New York City, có chồng và một con trai lên 6. Cô kể: “Nhìn đoạn video lúc Alton Sterling bị cảnh sát bắn chết, tôi tê dại cả người. Nghĩ tới con trai nhỏ của tôi, mai này sẽ lớn lên trong một xã hội như thế nào thì tôi cảm thấy không thể ngồi yên, cắm cúi đi làm, đi chợ, đem đồ ăn về chất đầy tủ lạnh nên tôi quyết định nhờ chồng trông con để đi Baton Rouge, góp sức vào cuộc xuống đường. Nhiều người ngăn cản nhưng không làm tôi thay đổi.”

Tại cuộc xuống đường, cô xông ra tuyến đầu, đi những bước chậm mà kiên quyết, mắt đeo kính nhìn thẳng vào hàng rào cảnh sát đối diện trang bị kín người, hai tay vòng trước bụng. Cô dừng lại giữa lòng đường trải nhựa nứt nẻ, nét mặt nghiêm nghị thoáng vẻ ưu tư. Chỉ chừng vài giây đồng hồ để 2 cảnh sát viên tách hàng chạy nhanh về phía cô, thắng lại ở một khoảng cách vừa đủ để thấy cô không có vũ khí và để tình cảnh giữa ba người lọt vào ống kính của người phóng viên săn tin. Khán giả không phải chờ lâu vì cảnh sát khi hành sự, không bao giờ là triết gia quen suy ngẫm. Họ nhào tới, xốc nách cô và lôi cô đi. Ðôi chân cô bây giờ sải những bước dài cùng một tốc độ với cảnh sát và vạt áo của cô tung bay trong gió.

Tin tức cho biết cô bị giam giữ 24 tiếng đồng hồ cùng với một số người biểu tình khác. Sau này cô kể lại trên trang mạng xã hội của cô như sau: “Tôi muốn cho con trai tôi biết rằng tôi đứng dậy vì quyền sống của nó.” Ieshia Evans về lại nhà an toàn, hài lòng vì đã làm xong một việc cần làm, nếm trải sự thô bạo không thể tránh cho bất cứ ai khi bị cảnh sát bắt dẫn đi nhưng cô cho biết ngoài lúc đó, cô được đối xử tử tế.

Tấm ảnh xuất thần với cô là vai chính được nhìn nhận là biểu tượng đầy đủ, trọn vẹn của biến cố thời cuộc xảy ra giữa nhóm Black Lives Matter và cảnh sát địa phương cũng như trên toàn quốc Hoa Kỳ tiếp theo sau một chuỗi những người da đen bị cảnh sát bắn thiệt mạng vì nhiều lý do, đưa tới sự căng thẳng giữa khối nhân viên công lực (đặc biệt da trắng) có nhiệm vụ bảo vệ an ninh xã hội và các công dân da đen có những thách thức riêng. Tiếc thay chỉ 3 ngày sau thôi, ngay tại Baton Rouge, một cuộc phục kích khác đã lấy thêm 3 sinh mạng cảnh sát trong đó có một da đen. Rõ ràng tấm ảnh linh thiêng kia không mảy may rung động một ai đó cho dù vì họ, Ieshia Evans đã liều mình bước ra, đem nữ tính dịu dàng của người đàn bà, người mẹ mong thức tỉnh bạo lực và xóa bỏ thù hận.

Dư luận nói nhiều đến tác dụng của tấm ảnh về mặt nghề nghiệp, kinh tế và đời thường. Sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, về những bài học xử thế hàm chứa trong tâm ảnh thì sao? Liệu sự khôn ngoan tổ tiên người Việt để lại trong kho tàng ca dao/tục ngữ như “Khôn không qua lẽ, khỏe không qua lời,” có ứng dụng hữu hiệu trong mọi trường hợp không? Liệu chân lý “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” có luôn chứng tỏ sức mạnh vạn năng của nó không? Khi đã nói đến “thắng” ắt có “thua,” làm sao có hòa bình nếu đôi bên không đồng ý với nhau về lẽ tất thắng cũng như lẽ tất thua trong mỗi sự việc?

Nhân dịp này, một bà mẹ khác cũng lên tiếng cho cậu con trai hai dòng máu đến từ cuộc hôn nhân dị chủng của mình. Bà Monica Park Johnson, có chồng da đen, vừa đưa lên mạng ảnh cậu con trai áng chừng lên 2, với lời lẽ giới thiệu cậu bé như sau:

“Em rất xinh, rất dễ thương. Ai cũng khen làn da của em và mái tóc quăn thành lọn của em rất đẹp. Nhưng cho em hỏi nhé! Liệu tới lúc em 25 tuổi, da của em đen hơn, tóc của em quăn tít lên, rồi em lại mặc quần rộng thùng thình, mặc áo khoác có nón trùm đầu, đội mũ dô kề quay ngược thì quý vị có lập tức khóa cửa xe khi thấy em băng qua đường không?

“Liệu khi em đã là một thanh niên da đen khôn lớn, quý vị có còn sẵn lòng ôm em trong tay khi chào hỏi nhau không?

“Quý vị có nể trọng em như nể trọng bà mẹ da trắng của em không? Hay quý vị sẽ đối xử với em cùng một cách như đối với ông bố da đen của em luôn bị cảnh sát chớp đèn dừng xe vì chạy 3 miles nhanh hơn tốc độ cho phép hoặc vì đậu sát xe phía trước quá mỗi khi chờ đèn lưu thông?

“Liệu quý vị có tươi cười với em khi xét căn cước và chứng từ bảo hiểm như khi quý vị dừng xe mẹ em không? Hay là quý vị chưa nhìn vào bằng lái của em đã choang ngay câu hỏi em có từng bị bắt trước đây không y như hỏi bố em vậy?

“Liệu quý vị có yêu cầu em ra khỏi xe để thẩm tra xem có phải xe ăn cắp không bất kể em đang đi cùng với gia đình?

“Liệu quý vị có nã súng khi em có một thái độ nào đó hoặc khi em bỏ chạy ngay cả với hai tay em đã bị còng? Khi quý vị bắt gặp em ngoài đường với đám bạn da đen, liệu quý vị có nhìn em cùng một cách như khi em đi với các bạn da trắng không? Ðến ngày đó, liệu em còn dễ thương dưới mắt quý vị không?

“Liệu sinh mạng của em có còn quý giá như bây giờ em là đứa bé xem ra vô hại và không làm cho ai ngại ngùng cả?

“Quý vị hãy thật sự nghĩ về những con người mà quý vị đang phán xét đi. Nghĩ về họ cũng là đứa con rất dễ thương của một bà mẹ nào đó, là người anh/người em, người cháu của một ai đó. Ðừng hỏi riêng cảnh sát mà hãy hỏi tất cả chúng ta về sự hình thành các ý kiến hay cách chúng ta nhìn thế giới loài người. Tôi từng có may mắn biết một vài vị cảnh sát có lòng vị tha, dũng cảm, đáng nể trọng. Tôi kính ngưỡng họ, tin cậy họ sẽ bảo vệ an ninh cho tôi và gia đình tôi vì một quả trứng thối không làm hỏng cả vỉ trứng. Chỉ đáng tiếc là điều này không làm giảm bớt các trường hợp rành rành như trong cái chết của Alton Sterling. Ðây là vấn đề thực tế bắt đầu từ mỗi người trong gia đình. Con người cần được quy trách nhiệm, cảnh sát cũng là con người nên không ngoại lệ. Cho nên khi quý vị rà chuột trên mạng truyền thông thấy quá nhiều trường hợp như trường hợp Alton Sterling, tôi mong quý vị hãy nhìn vào nội tâm mình và chú ý hơn. Bản thân tôi cũng đang làm vậy.”

Bài viết cho thấy bà Monica Park Johnson rất sáng suốt, nhìn thấu hết những vấn đề một người da đen trưởng thành thường phải đối phó vì vẻ bề ngoài của mình. Tuy nhiên, bà không nhắc tới một trường hợp điển hình khác của người hiện lãnh đạo Hoa Kỳ: Barack Obama.

Ông cũng là đứa con trai đến từ cuộc hôn nhân hai màu da, tệ hơn, cha mẹ ông ly dị lúc ông còn bé. Ông lớn lên qua nhiều nơi chốn khác nhau, từng la cà bạn bè, hút thử cần sa nhưng sau những thử thách để xác định căn tính của mình, ông giã từ đường phố và chói sáng ở đại học. Thời thơ ấu và tuổi niên thiếu va chạm thực tế không hề dễ dàng chỉ làm cho ông có cái nhìn nhân bản và ý thức cầu tiến cho mình, cho người hơn. Công trạng này hẳn phải của bà mẹ đã cho ông hạt giống đầu tiên của một nền giáo dục tự tồn khôn ngoan, có phẩm chất; của ông bố biết cách nào, con đường nào đàng hoàng chen vai thích cánh với mọi người không phân biệt màu da, bước tới mục tiêu của đời ông và làm gương cho con.

Ðối với bà Monica Park Johnson, tất cả vấn đề ở chỗ bà sẽ làm sao để hướng dẫn con trai tự trả lời các câu hỏi bà nêu ra vì tình thương yêu vô điều kiện chỉ có trong trái tim các bà mẹ. Ngoài đời, không có cái gì miễn phí, huống chi tình thương yêu vốn đắt giá vô cùng. Bà nhận định rất đúng: “Ðây là vấn đề thực tế bắt đầu từ mỗi người trong gia đình. Con người cần được quy trách nhiệm, cảnh sát cũng là con người nên không ngoại lệ.”

Nếu cảnh sát ở vế bên này, người ở vế bên kia cũng phải có trách nhiệm!

MỚI CẬP NHẬT