Thursday, April 25, 2024

Những năm tháng xa cách

Bùi Bích Hà

Chuông điện thoại reo. Trên mặt kính chiếc điện thoại, một số lạ hiện ra giữa cái khung nhỏ. Tôi dùng một ngón tay miễn cưỡng nhấn vào cái nút màu xanh lục non. Tiếng một phụ nữ trẻ, trong trẻo, reo vui, cất lên, xưng danh, tự giới thiệu liên hệ với một phụ nữ khác mà nghe qua tên, tôi nhận ra ngay là vợ một người bạn cố cựu của gia đình từ trong nước, những năm thập niên 60 thế kỷ trước. Tiếng trong điện thoại tiếp tục báo tin người phụ nữ ấy vừa dời cư về Quận Cam và đi tìm tôi. Tất nhiên cùng với tên chị bất ngờ nghe lại, kỷ niệm cả một thời quá khứ êm ả ùa về như cơn lũ, khi con cái hai nhà còn là những đứa bé lên ba, lên bẩy, xinh đẹp, khỏe mạnh, ấp ủ, cưu mang mọi hy vọng tốt tươi của cha mẹ, những buổi chiều gió mát ở Phú Nhuận, ở xa lộ Hàng Xanh, xúng xính quần áo đẹp theo người lớn sang chơi nhà nhau.

Bốn mươi năm trôi đi như dòng sông câm nín giữa hai bờ chia cách. Biết bao dâu bể xảy ra cho mỗi nhà với những nỗi đau chung/riêng. Trong bóng chiều bảng lảng một ngày cuối tháng chín mây mù, tôi một mình đến thăm chị ở ngôi nhà chị mới dọn vào không còn những đứa trẻ năm xưa xung quanh. Chúng ở xa. Một cháu gái đi không về nữa, như con gái đầu lòng của tôi. Một con trai vào dòng tu, như một đứa con khác của tôi. Một đứa con nữa của chị bị tai nạn, mất một chân. Chúng tôi ngồi tính sổ đoạn trường trong gian phòng khách bài trí thanh nhã và tuyệt đối im lặng của khu nhà lưu động giành cho người cao niên. Hai người đàn ông gia trưởng của hai nhà đều đã theo nhau về thiên cổ, để lại những khoảng trống đìu hiu giữa cuộc cờ nơi này sớm tàn canh mãn cuộc, nơi kia đang dở dang và câu chuyện về họ, nhắc lại trong cái không gian họ không từng hiện diện, giống như những nhân vật không có thật nên không gây xúc động cho người kể cũng như người nghe ngoài tiếng cười khẽ thỉnh thoảng cất lên rồi vụt tắt.

Nếu cuộc đời của bất cứ ai cũng ví như một cuốn tiểu thuyết trường thiên hàng nghìn trang giấy thì cuốn tiểu thuyết của những người Việt Nam ra đời ở tiền bán thế kỷ 20 có những chương quá đỗi lạ lùng. Ngoài Thượng Đế là tác giả kịch bản viết cho riêng từng người, không một ai trong nhân loại có thể dự đoán đúng mọi tình tiết những chương sách chưa mở ra; không một nhà văn lớn nào của nhân loại có thể tạo nên trong đời thật, thậm chí theo kịp những tình huống ngoài mô phỏng từ nguyên bản thấy đâu đó của Tạo Hóa.

Tôi ngồi nhìn lại mình. Từ một con bé mẹ đẻ rơi trên ngạch cửa căn buồng nhà thương Huế lúc mẹ nó đang bưng trên tay chậu nước rửa chân cho mẹ già nó nằm dưỡng bệnh ở đấy, lủi thủi lớn lên đa phần thời gian trong gian bếp ám khói nhìn thấy sông Hương sau một ruộng mía; trải qua tuổi thơ hoang dại giữa khu vườn sum suê cây trái rộng một mẫu tây đất gần Bãi Dâu; hết tiểu học đi chân đất khập khễnh trên con đường đá răm tới trường, hết trung học đi guốc gỗ trong thánh thót mồ hôi hay giọt mưa qua hai con sông tới lớp; hết đại học chạy xe đạp những ngày thu đông ướt át, chạy solex những ngày cuối xuân, đầu hạ nắng chang chang tới giảng đường để hoàn tất học trình sư phạm và văn khoa; hết cả tuổi xuân từ giã dàn thiên lý ngoài hiên và những nhánh sầu đông đong đưa mấy chùm hoa tím nhạt bên cửa sổ, nhắm mắt theo chồng vào Sài Gòn, xuống tận Long Xuyên, Châu Đốc ăn gạo thơm nanh chồn và tôm càng gạch đỏ phù sa; hết những năm tháng buồn vui hoang mang để biết thế nào là hạnh phúc và đắng cay của tình vợ chồng, tình mẹ; sau cùng, lạc loài tới khu gia cư trải mình hai bên bờ lề một con đường ngắn, quanh năm ngập những xác lá rụng gió vun thành đống của thị xã Santa Ana thuộc miền Nam tiểu bang California. Những tháng năm lạ lùng ấy, những bước chân vô định ngả nghiêng, những có mặt bị xô đẩy đó đây tới những nơi chốn không hẹn hò, chờ đợi, làm thành những trang tiểu thuyết nhạt nhẽo, lập cập, đứt đoạn, rời rạc của cuốn truyện đời tôi, chẳng có độc giả nào ngoài chính mình vài khi rảnh rang soi lại bóng mình trên những trang giấy vàng úa màu thời gian.

Tôi hay là ai chiều chiều thay đôi giày thể thao, đi bộ suốt con đường có hai hàng cây cổ thụ đen sì, vẫy tay nói cười như robot với những người láng giềng chân thật ngồi hóng gió ở thềm nhà họ, cố xử sự với phong cách bằng thứ ngôn ngữ đôi bên cùng vay mượn như một thứ trang sức giả làm đẹp những lần chạm mặt? Tôi hay là ai hàng ngày chạy xe lòng vòng, làm những công việc của cái máy photocopy, mong lúc đêm về được ngả lưng xuống đệm giường với chút mừng rỡ gặp lại chính mình sau cả một ngày dài thất lạc nhau.

Những trang tiểu thuyết dần dần khô cạn đề tài, nhạt nhẽo hơn nên cũng sang trang nhanh hơn, vừa đầu tuần đã cuối tuần, vừa đầu tháng đã cuối tháng, im lìm một cách đáng sợ. Có lẽ người bạn cũ vừa gặp lại cũng cảm nhận sự im lìm đáng sợ ấy nên gặp nhau, chị nói không ngừng. Có một lúc giữa câu chuyện, chị thừ ra rồi xuống giọng phàn nàn: “Từ ngày bị nạn, cháu út cắt hết giao tiếp, sống khép kín. Mình khuyên giải thế nào cũng không được.” Tôi không có câu trả lời nào khác ngoài lời khuyên chị nên kiên nhẫn, chờ thời gian làm cái việc chữa lành của nó. Trong trí tôi, thoáng hiện hình ảnh đôi thanh niên nam nữ, hằng tối, áng chừng vừa ở một lớp đêm ra, thường đưa nhau tới quán cà phê dạo sau tháng tư 1975, tôi mở chung với vợ chồng một người bạn trên đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận. Người thanh niên đèo xe đạp cô bạn gái khuyết tật. Đến nơi, anh thận trọng đỡ cô xuống khỏi yên sau, âu yếm đưa đôi nạng cho cô, chờ cô đứng vững trên hè xong anh mới thả cái chống xe xuống, khóa xe rồi cả hai cùng vào quán. Anh có cái cặp giấy khổ lớn, bìa cứng, khiến tôi đoán một trong hai người hay cả hai, là sinh viên lớp đêm trường mỹ thuật, nhạc hay vẽ. Họ tới quán vài lần mỗi tuần, trong suốt ba tháng cho tới khi tôi rời bỏ công việc này. Với thời gian như sương mù một đêm hè ẩm ướt, tuy nay không còn nhớ rõ khuôn mặt họ nhưng tôi không bao giờ quên dáng vẻ thanh mảnh, mềm mại của cô gái trong chiếc áo dài trắng cô vẫn giữ giữa một Sài Gòn sớm lầm than đã bỏ hết áo dài, có lẽ để đôi chân tàn tật của cô trông bớt thương tâm. Hình ảnh họ bên nhau là hình ảnh của tình yêu, đẹp, cao cả, đầy cảm xúc, ám ảnh tôi lâu dài. Cuộc sống của họ sau đó không biết ra sao nhưng với tôi, con đường họ đi là một bí nhiệm của niềm tin, không có hay không cần câu trả lời.

Nhờ đôi bạn trẻ ngày ấy, tôi biết tình yêu có cái nhìn khác về những đôi chân bị tàn phế và tôi chia sẻ với bạn tôi ý nghĩ này, lòng thầm mong con của bạn sẽ nuôi ý chí gầy lại, thổi hồng lên ngọn lửa tin yêu cho mình và cho người để đi nốt cuộc hành trình trăm năm dù bắt đầu với đôi chút hư hao nhưng vẫn còn biết bao sự bất ngờ chờ đợi. Nước Mỹ luôn mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho mọi người trong mọi cảnh ngộ. Tin tức thời sự cho thấy bất cứ ai từ chỗ đứng của mình, nhìn ra điểm đến với quyết tâm và tập trung đủ, vận dụng được hết các phương tiện trong tầm tay, sớm muộn cũng tới đích. Chỉ cần bạn tôi đừng là người bỏ cuộc; đừng là người gập mình trên nỗi đau riêng để không còn nhớ ra khả năng sinh con nhiều lần của mỗi bà mẹ có khi chứng kiến con mình bao phen chết đi sống lại.

Trong thực tế, thiếu một bàn chân và thiếu một phần ống chân không là gì nếu so sánh với bé gái lọt lòng mẹ không có cả hai cánh tay mà còn thêm dị tật ở hai bàn chân. Không có bàn tay, em vẽ tranh bằng hai ngón chân cũng không toàn vẹn, chỉ đủ kẹp cây cọ. Điều kiện đầu tiên để làm được như thế và thành công là em không khóc. Em chẳng biết số phận là gì nên không kêu ca. Em không có lòng ganh ghét nên không ghen tỵ. Em loay hoay nhìn ra xung quanh xem mình có thể làm được gì để vui chơi lấy mình và em tìm ra cái cách của em. Chỉ cần đừng ai nhìn em với ánh mắt thương hại, tội nghiệp hay rẻ rúng, làm em mất tinh thần và lạc hướng đi.

Từ hơn hai thập niên qua, thế giới đã quan tâm đến những phận người kém may mắn, ra đời với một thân thể bất toàn nhưng họ có những nỗ lực riêng để không chỉ vượt lên mà thăng hoa từ sự bất toàn ấy. Họ có cả những thế vận hội tổ chức cho họ để hiển lộ tài năng trong mọi môn thi đấu lập thành tích. Nữ vận động viên Yip Pin Xiu, 24 tuổi, công dân Singapore, bị bệnh suy nhược bắp thịt do di truyền (muscular dystrophy) đã đoạt hai huy chương vàng, lập hai kỷ lục thế giới trong thế vận hội Rio 2016 ở môn bơi lội, là người đầu tiên đem vinh quang về cho đất nước và dân tộc cô. Trong quán cà phê bên lề thế vận, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy một đứa con mắc bệnh hiểm nghèo thành danh như Yip Pin Xiu, song thân cô cô mãn nguyện nói về trách nhiệm làm cha mẹ với nhiều thử thách nhọc nhằn họ trải qua và cá tính độc lập của cô từ thơ ấu. Ngoài thành tích vượt bậc nói trên, cô còn chủ trương một trang mạng xã hội chuyên kể chuyện cười cho những ai cần lý do để cười. Ảnh chân dung cô cho thấy cô có khuôn mặt thanh tú, đôi mắt thông minh sau chiếc kính cận và nụ cười sáng rỡ. Ít ai có thể nghĩ rằng nhờ những tiến bộ y khoa kỳ diệu ngày nay thuộc lãnh vực hô hấp và tim mạch, trường hợp may mắn lắm thì các bệnh nhân mắc chứng suy cơ bắp như cô chỉ có thể sống tới tuổi 40/50. Biết sống như Yip Pin Xiu, phẩm chất và ý nghĩa cuộc sống ấy đâu tính bằng thời gian trên cuốn lịch?

Phải chăng vì ý thức cuộc sống không dài nên cô không phí phạm mỗi giây phút sống mà yêu quý nó, tận hưởng nó với tất cả sức lực mình như ngọn pháo bông cháy lên huy hoàng giữa bầu trời đêm?

MỚI CẬP NHẬT