Nồi bánh chưng ngày Tết

Bùi Bích Hà

Những ngày áp Tết Ðinh Dậu 2017, người Việt tỵ nạn ở Mỹ gần 42 năm nghe dư luận thấp thoáng đâu đó qua những cuộc tranh cãi trên mạng về chủ đề “nên duy trì hay bãi bỏ tục lệ ăn mừng Tết Âm Lịch theo truyền thống lâu đời của dân tộc?”

Như một quy luật phổ thông, cuộc tranh luận nào cũng có ít nhất hai phe đấu khẩu theo quan niệm của mỗi bên mà bên nào cũng tin là phe mình đúng hay chí ít, cũng muốn thuyết phục dư luận đứng về phía mình.

Bên muốn bãi bỏ việc “ăn Tết truyền thống” nêu lý do Tết Âm Lịch không song hành với Tết Dương Lịch nên gây trở ngại về phương diện sinh hoạt xã hội: đi làm bình thường hay nghỉ việc? Vẫn mở cửa buôn bán hay đóng cửa tạ khách để chọn một ngày tốt khai trương lại cho năm mới? Thời gian cuối năm đã có những dịp ăn mừng lễ lớn, bắt đầu từ lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh, Tết Tây, thêm Tết Nguyên Ðán riêng trong phạm vi cộng đồng người Việt là phí phạm thời giờ, tiền bạc, năng lực, trẻ con thì chẳng biết gì nhiều và cũng không quan tâm về ý nghĩa của Tết ngoài những chiếc “phong bì đỏ” đựng tiền lì xì, người lớn thì cập rập với chuyện mua sắm Tết nhiều thứ vô bổ vì theo phong tục tập quán hơn là thực dụng, chưa kể ăn Tết là cơ hội cho nhiều món hàng Tết lên giá một cách vô tội vạ, một khi đã lên rồi là không xuống nữa, không những chỉ năm này mà cứ thế leo thang cho cả năm sau. Trong vòng một thập niên, bánh chưng ở Mỹ tăng từ $7, $8 lên hơn $20 một chiếc, có nơi bán tới gần $30; mứt sen hạng nhất từ $10 lên $15, v.v…

Bên muốn duy trì ngày Tết Âm Lịch gồm phần đông các cụ cao niên và một số thuộc giới trung niên vẫn còn nặng lòng với nguồn cội, vẫn thấy mình trong sự gắn bó với tổ tiên qua nhiều thế hệ. Họ có ký ức lưu giữ bền bỉ kỷ niệm của quá khứ ở quê nhà, những cái Tết luôn là dịp để nhớ về những người thân yêu đã khuất, bày tỏ lòng biết ơn đồng thời trao truyền cho con cháu đời sau tâm tình hiếu thảo là một phần quan trọng định hình cuộc sống của họ. Nghịch lý ở đây là người mang tâm tình sâu nặng thì nay không mấy ai có hoàn cảnh cho phép họ chủ động và những người ở vị thế chủ động thì lại thiếu tâm tình là ngọn lửa hun đúc bầu nhiệt huyết bảo tồn quá khứ.

Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy cảnh người Việt trong nước kiếm củi, xếp gạch làm lò nấu bánh chưng ngay trên vỉa hè Sài Gòn và Hà Nội vì cuộc sống chen chúc ở thành thị đe dọa hỏa hoạn nhưng nhu cầu nồi bánh chưng to đùng những đêm cuối năm là không thể thiếu. Hàng xóm lân cận không nấu riêng thì cũng nấu chung và chia nhau canh thức tám, chín tiếng đồng hồ, giữ cho lửa cháy đều và nước luôn ngập mặt bánh cho đến khi bánh chín. Khác với ở California, việc này hầu như bất khả. Mọi người chạy ra chợ mua bánh chưng bán sẵn để làm quà biếu nhau và bày cỗ cúng bàn thờ ba ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét nhà nào cũng ê hề, sắm sửa rộng tay cho đủ lễ, có khi không ăn hết phải bỏ vào tủ đông lạnh rồi quên đi. Vì thế, các cô con gái của tôi sau gần 20 năm có gia đình riêng, năm nào cũng biếu mẹ bánh chưng, bánh tét, mứt sen cho phải đạo rồi thôi, giờ đây thay bánh chưng, bánh tét, mứt sen bằng son phấn, nước hoa, quần áo, ví xách tay để đón năm mới thời vận mới.

Tình cảnh này khiến tôi ngậm ngùi nhớ lại những cái Tết thơ ấu ở quê nhà. Từ Tháng Giêng hoặc Tháng Hai mẹ tôi đã kén heo thả vào chuồng, nuôi vỗ. Mẹ băm chuối, vợt bèo tấm dưới ao, nồi cám heo mẹ quấy mỗi sáng sớm tinh mơ ở sân sau khi sương còn trắng khu vườn rộng, sếnh như nồi cháo nếp cho người ăn, thấy mà thèm. Bây giờ nhắc lại, tôi ngỡ còn nghe tiếng mấy con lợn mập ú, ụt ịt tợp mõm thỏa thuê, ngon lành, trong cái máng gỗ. Mẹ tôi đi chợ, chọn mấy con gà trống diện mạo phương phi, túm chân xách về bảo anh người làm đem thiến để có gà ngon nấu cỗ ngày Tết và cúng Giao Thừa. Những con gà trống đẹp mã này ăn toàn lúa và ngô, khi làm thịt, chúng cho cả bát mỡ vàng hươm mẹ tôi dùng nấu xôi vò. Tháng Tư, Tháng Năm, mẹ thân chinh về làng đặt nếp ngon, đặt lá dong loại lớn. Tháng Tám, Tháng Chín, bà tuyển đậu xanh hạng nhất, những nửa mảnh nây nả, đều rí, phơi lòng màu vàng mơ xen lẫn màu vỏ xanh lục trong cái khạp sành da lươn. Tháng Mười, bà ngâm nước giếng cả tuần lễ những bó ống giang tươi chặt khúc như đẵn mía, tối tối xúm nhau chẻ thành những sợi lạt thật mỏng để gói bánh chưng. Người lớn làm, trẻ con quanh quẩn cũng tập tành lấy cái này, cất cái kia theo lệnh người lớn. Không khí chuẩn bị Tết lao xao cả mấy tháng trời trong nhà. Thường thường, việc gói bánh bắt đầu từ sáng sớm ngày 26 Tháng Chạp đủ, sau khi người nhà hoàn tất việc mổ heo, ra thịt lúc quá nửa đêm bên bờ giếng, miếng nào làm nhân bánh, miếng nào kho tàu, nấu cỗ bát, đầu má lợn thì gói giò thủ, lòng lợn thì nấu cháo cho người thức canh nồi bánh chưng, tất cả ngần ấy thứ phải xong hết trong ngày 27 để còn biếu xén. Ngày 30, từ tinh mơ, mẹ tôi lo nấu cỗ đón ông bà vào buổi trưa và sửa soạn lễ vật cúng Giao Thừa trong khi anh người làm lau dọn bàn thờ, đem hết bộ tam sự ra sân để đánh bóng. Trước đó cả tuần lễ, mẹ tôi đã mua vàng mã, giấy màu có hoa văn giả làm gấm vóc để trẻ con chúng tôi phụ cuốn thành từng ống, dán hồ, xếp kín bờ tường phía sau mâm quả và các ảnh thờ để ông bà may áo mới. Năm nào Tháng Chạp thiếu ngày 30 thì việc mổ lợn, gói bánh phải tiến hành sớm hơn một hôm. Ðối với tôi, một hôm có là bao nhưng mẹ tôi thì than thở : “Ôi chao, cập rập quá!” Lớn lên chút nữa, tôi hiểu đó là thời gian tâm lý của mẹ, lo lắng vì khối lượng những công việc phải chu toàn cho kịp Tết.

Giờ đây hồi tưởng lại thời xa xưa ấy, tôi kinh ngạc tự hỏi mẹ tôi lấy đâu ra sức lực để có thể hoàn tất từng ấy bổn phận trong không biết bao nhiêu tháng năm cuộc đời bà hầu như không có một ngày nghỉ nào kể từ khi tôi chớm khôn lớn để nhận biết mọi sự xung quanh mình? Cho nên, ký ức của tôi về Tết vừa là những khoảnh khắc tưng bừng, rộn rã, đầy màu sắc của ngày mùng Một đầu năm, của quần áo mới, của mùi pháo thơm, của những đồng bạc đầu tiên được tự ý tiêu xài, của thức ăn khoái khẩu, của những mơ ước ngây ngô thời mới lớn nhưng cũng vừa là những hạt lệ thầm khi hiểu ra nỗi cơ cực đắng lòng của người mẹ hiền quanh năm lưng áo đẫm mồ hôi. Tôi cảm ơn mẹ đã cho anh em tôi một tuổi thơ ngà ngọc bằng những hy sinh trời biển của bà nên bây giờ nếu ai hỏi tôi có muốn sống lại quãng đời cổ tích ấy không thì một ngàn phần trăm tôi sẽ trả lời là “Không!” Tôi hoàn toàn không tin rằng tổ tiên, ông bà của tôi muốn những mâm cỗ cúng thịnh soạn trưa ngày 30 Tết như mẹ tôi đã phải đứng ngồi tất tả, cặm cụi nấu nướng, bày biện. Tôi càng không tin rằng hàng trăm tờ giấy gấm mẹ quấy hồ và ngồi cuốn lại, dán thành ống, giả làm những cây lụa là, vải vóc, lại cần cho tổ tiên, ông bà của tôi để may quần áo một khi linh hồn họ đã vĩnh viễn trả lại trần gian hình hài/thể xác để phiêu diêu nơi cõi trời thanh thản.

Những nồi bánh chưng/bánh tét to tướng tôi nhìn thấy hôm qua trên các vỉa hè Sài Gòn hay Hà Nội trong mấy cái video clip phóng lên mạng, người canh lửa gom đủ thứ tạp nhạp đốt thay củi làm tôi xúc động cách khác, ý thức được tấm lòng hiếm hoi của những người dân còn muốn gìn giữ một nét đẹp truyền thống giữa sự băng hoại tận cùng của xã hội họ đang sống. Tôi có người bạn trẻ là một viên chức cảnh sát đã nghỉ hưu. Tết nào anh cũng tự tay gói và nấu bánh chưng bằng lò ga trong bếp nhà để ăn và cho bằng hữu. Bánh chưng của anh nếp rền, đậu xanh thơm ngậy, thịt mỡ vừa phải, nêm nếm đậm đà, kích thước vuông vức chừng một gang tay mỗi bề, ai ăn cũng phải lắc lắc cái đầu ngẫm nghĩ và chép miệng xuýt xoa khâm phục. Bỏ bớt những cái rườm rà, bày vẽ, phí phạm vì không cần thiết, tinh hoa và ý nghĩa của chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn lồng lộng, y nguyên, thanh lịch đón Xuân dưới mái nhà. Mặc dù con anh không có cùng kỷ niệm như tôi thời bằng tuổi cháu, nằm chờ chùm bánh chưng nhỏ và ngủ quên trên cái chiếu trải dưới trời đêm, bên cạnh ánh lửa hồng hắt ra từ nồi bánh đang sôi khẽ, thỉnh thoảng lép bép tiếng củi nổ làm tung tóe những bụi than đỏ nhưng rốt lại, cháu vẫn có chiếc bánh chưng riêng mình mà sẽ không bao giờ phải ân hận như tôi vì để có được món quà xinh xắn ấy, mẹ tôi phải nhọc nhằn, vất vả quá!

Tôi thật sự không biết chúng ta có nên làm như người Nhật, cử hành Tết theo Tây lịch để hợp lý hóa đời thường trong thời đại toàn cầu hiện nay nhưng vẫn giữ lại các phong tục, tập quán mang đậm tính dân tộc để nhắc nhở nhau nguồn gốc mình?

Trong một chương trình chuyện trò với thính giả nhân dịp đón Tết Ðinh Dậu trên làn sóng một đài phát thanh địa phương, tôi tình cờ nghe được một bà xuất thân từ một gia đình thế giá ở miền Trung, cho biết dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua với nhiều biến động, bà vẫn còn cẩn trọng giữ gìn các phong tục tập quán ăn Tết của dân tộc theo cách thân mẫu bà trao truyền lại, không thiếu một nét nào. Không những vậy, các con gái của bà nay đã trở thành các phụ nữ chức nghiệp nổi tiếng và làm chủ gia đình riêng của họ, các cô vẫn tự nguyện là phiên bản toàn vẹn của bà cố, bà ngoại, của mẹ trong cung cách chuẩn bị đón Tết vô cùng tha thiết với giòng họ và tiền nhân. Câu chuyện bà kể bằng giọng nói bồi hồi cảm xúc khiến tôi hết sức biết ơn và ngưỡng mộ. Chẳng biết thêm một thế hệ nữa sinh trưởng ở hải ngoại, tâm tình bảo tồn các di sản tinh thần này có còn tồn tại hay không nhưng tôi chắc không ai không thấy mình ở trong sự tiến bộ (có nghĩa là đổi mới) không ngừng của xã hội và, vì văn hóa gắn liền với lịch sử của một dân tộc nên sẽ không có gì hoàn toàn biến mất trên giòng sinh mệnh của dân tộc ấy dù một vài hình thức sinh hoạt hàng ngày có thể khác hẳn hôm qua.

“Còn một chút gì để nhớ để thương” khi người già nghĩ về những cái Tết truyền thống, là mong muốn nhỏ nhoi nhất, thực tế nhất và cũng đủ dễ thương để Tết mãi đẹp cùng với thiên nhiên bừng nở khắp nơi, trong trời đất và trong lòng người như lời bản nhạc của Nguyễn Ðình Toàn “Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?”