Sáng rừng

Bùi Bích Hà

Những ai từng nghe, trải nghiệm và tin vào hai chữ “thiện duyên” của nhà Phật, hẳn tin vào những cơ may thành tựu một mơ ước nào đó của một người (hay nhiều người cùng chia sẻ mơ ước này). Có một lúc, thường là bất ngờ, mọi yếu tố thuận lợi bỗng dưng như nước từ những nhánh sông con tuôn đổ ra biển lớn, hòa vào sóng đại dương, xôn xao, rào rạt, đánh thức những mỏm đá ngủ yên ven bờ.

Thời gian chừng tháng nay, cái CD nằm sẵn trong máy quay đĩa của chiếc xe cũ con gái tôi cho, có bài Sáng Rừng của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, thể điệu Bolero nếu tôi không sai. Giữa thời tiết cuối Ðông sang Xuân, bầu trời còn ủ ê, ngày còn hiu hắt lạnh, dễ xui khiến lòng người bâng khuâng chút buồn không biết vì đâu thì, cảm ơn sự ngẫu nhiên, âm điệu tưng bừng của bài Sáng Rừng thả nắng chan hòa khắp xung quanh tôi, trong chiếc xe tôi đang lái, trên con đường tôi đang chạy qua, trên các nóc phố dường như bừng lên sức sống, trên cả những ngọn cây đang hồi sinh sau mùa Ðông “…Cỏ cây vươn vai lên tiếng, ú u ú u, cùng bao nhiêu chim chóc tưng bừng dậy sau giấc đêm dài triền miên, triền miên…” Ðôi chân của người lữ khách bất đắc dĩ, là tôi, đi gần hết hành trình đời mình, thấm mệt, bỗng như được gắn lò xo. Trái tim từ lâu, đập những nhịp êm ả, chỉ đủ cho sinh hoạt bình thường hàng ngày của tôi, không làm bận tâm con cái và cả ông bác sĩ gia đình ở Kaiser, chợt như vừa được tiếp máu, ấm nóng trong lồng ngực bấy lâu giam hãm nó, ngột ngạt. Lời bản nhạc sải đi, mạnh mẽ, rào rạt sức sống, hứa hẹn cùng mặt trời “…Bình minh xuyên qua khe núi, ú u ú u. Nguồn vui theo tia nắng đây rồi đem hơi ấm cho đời trẻ như đôi mươi. Và thiên nhiên như đổi mới, ú u ú u. Rừng xanh vươn vai ngát hương đời mênh mang khắp một trời ngàn đời đẹp tươi…”

Tôi giữ nguyên cái CD ở chỗ của nó, nghe đi nghe lại. Tiếng hát khỏe, giai điệu vang lừng, dội vào vỏ não của tôi, cùng khắp châu thân tôi, rót xuống hồn tôi hạnh phúc long lanh…

Một hôm, Vũ C. bất ngờ gọi tôi: “Chị H, nhiều thính giả hỏi tôi có khi nào chúng ta làm lại chương trình hội luận tin tức trước đây không? Họ vẫn chưa quên…”

Tôi ậm ừ: “Thời gian qua lâu rồi, hoàn cảnh cũng thay đổi, làm lại bằng cách nào?”

Vũ C. (vẫn nồng nhiệt như bản tính của anh): “Miễn mình muốn là được. Chị OK thì chúng ta hỏi Hoàng Trọng T.”

Tôi gọi T. Khoảng hai tuần lễ trôi qua trong yên ắng. Hai chúng tôi đều biết T. có thời khóa biểu rất bận rộn nên tôn trọng bất cứ hồi đáp nào của anh. Ðúng mùa Phục Sinh, Thụy gọi lại tôi: “Em có thể thu xếp được. Mình tiến hành đi.” Gác điện thoại với T. rồi mà tôi còn lơ lửng từng mây trước khi định thần gọi Vũ C. báo tin vui.

Chúng tôi bắt tay ngay vào việc. T. giúp tôi kiện toàn hệ thống phát thanh hiện có để âm lượng đến tai thính giả tốt hơn (vì ông em Huy T. của tôi, cho tới nay, luôn thương bà chị vất vả nên cố cần kiệm với phương tiện hạn hẹp) và chương trình tái ngộ quý thính giả chính thức được ấn định vào tối Thứ Bảy tuần này, 15 Tháng Tư, lúc 23 giờ, trên làn sóng 106.3 FM. Một may mắn và vinh dự cũng rất tình cờ, tựa như định mệnh an bài, là chúng tôi gặp lại nhau vào đúng Tháng Tư, thời điểm mở màn nhiều đau thương cho quê hương và dân tộc chúng ta hơn bốn thập niên qua. Liệu thời cơ nhỏ nhoi, khí thế nhỏ nhoi của bộ ba chúng tôi BBH-VC-HTT, có là đốm lửa báo trước thời cơ lớn lao gấp bội, khí thế hào hùng gấp bội của cả cộng đồng chúng ta trong cơn bão lịch sử đến hồi cáo chung, hay không?

Tiếp tục giấc mơ lớn, tiếp tục hành trình phục vụ bị gián đoạn, chúng tôi không có gì trong hai tay ngoài nhiệt tình cống hiến qua làn sóng phát thanh hiện vẫn còn hạn chế về thời lượng; ngoài niềm tin vào khối thính giả thầm lặng, vào thế hệ trẻ sinh trưởng ở đây nhưng nặng lòng với nguồn cội, đi tìm một tiếng nói tử tế, trung thực, trong sáng, không ngả nghiêng, không sợ hãi của người Việt quốc gia chân chính không ngớt xây dựng quyết tâm hẹn một ngày hạnh ngộ trên quê hương.

Bắt đầu lại trong một hoàn cảnh với nhiều khó khăn về mọi phương diện, bằng một chương trình không nhằm tìm kiếm lợi nhuận, chúng tôi chỉ liều mình nghe theo tiếng gọi của trách nhiệm, của tình yêu nghề nghiệp và nhất là tin vào sự đánh giá khách quan, sự hưởng ứng thân thiện và chân tình của thính giả khắp nơi qua một diễn đàn đề cập tới những vấn đề thời sự ảnh hưởng thiết thân đến sự an vui của cộng đồng. Mong rằng sau một tuần lễ miệt mài công việc, câu chuyện Thời Sự Cuối Tuần do Việt News Radio thực hiện vào lúc 11 giờ đêm với Vũ Chung-Hoàng Trọng Thụy và kẻ viết bài này sẽ giúp đem lại cho thính giả những giây phút thư giãn trước giờ đi ngủ, may ra còn chút vui qua sáng hôm sau để cuộc sống tha hương bớt tẻ nhạt.

Trong lúc quý độc giả đọc tới đây, một nhóm bạn hữu của tôi gồm những thuyền nhân vượt biển khoảng cuối thập niên 1970, đầu 1980, trên những con tàu đã trở thành ác mộng của họ; những người ra đi ngay cuối Tháng Tư, 1975 trước khi binh đội Cộng Sản Bắc Việt tràn vào, cưỡng chiếm Sài Gòn; những người đứng ngoài cả hai kịch bản nói trên nhưng là chồng, là vợ, là bạn của các nạn nhân trong cuộc, tất cả chừng trên dưới 30 người cùng nhau sắp xếp mọi công việc riêng tư, kể cả trở ngại sức khỏe, tự trả lời mọi câu hỏi trong và ngoài mình để làm một chuyến hành hương trở lại những địa điểm là nhân chứng của một phần lịch sử di tản của người Việt trốn chạy cộng sản cuối thế kỷ 20.

Họ có thể quên đi, không cần nhớ nữa để mà sống nhưng tôi chắc họ không muốn quên, không đành lòng quên. Thậm chí, như lời một bản nhạc của Lê Uyên Phương: “Dù gương xưa không được lau,” họ cố soi bóng mình ở ngày tháng cũ để tự nhắc nhở câu chuyện đời mình, những còn, những mất, những nợ nần phải sống thay cho người nằm lại, những gì họ cần làm để chuyến vượt thoát quá đắt giá có một ý nghĩa. Trong đoàn, có cả người Mỹ. Ông cho biết ông không chống chiến tranh, cũng không ủng hộ. Ông quý con người. Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông 25 tuổi, tốt nghiệp đại học, và làm việc trong ngành tài chánh. Cảnh tượng người Việt phương Nam tay xách nách mang, bồng bế nhau đến Mỹ khiến ông kinh ngạc, tự hỏi cái gì ghê gớm hơn cả chiến tranh và chết chóc, đã đánh bật họ ra khỏi tổ quốc của họ lẽ ra vừa thấy bóng hòa bình? Người Việt Nam nhỏ bé nhưng thảm kịch họ gánh vác quá lớn. Thêm nữa, ý chí sống còn, nghị lực nhìn thẳng vào nghịch cảnh để làm lại cuộc đời trên đau thương và đổ nát của họ, với ông, thật đáng khâm phục.

Ðối với riêng tôi, trong những điều kiện thời cuộc nhất định nào đó, nước Mỹ có thể sai lầm. Nhìn thật gần, thật kỹ những sai lầm ấy và các hệ quả của chúng là cách duy nhất, hơn cả ngàn lời xin lỗi, để lịch sử không tái diễn. Trong mắt tôi, có lẽ người bạn Mỹ khả ái tham dự chuyến đi đang làm công việc nhìn gần và nhìn kỹ ấy.

Tôi thật lòng ngưỡng mộ các bạn tôi và những ai đem cả tấm chân tình như than hồng chưa nguội, đi vào cuộc hành trình dũng cảm của lương tri, của trách nhiệm và lòng thủy chung này. Trên cả anh hùng, họ là bậc thầy của tôi. Khi hoạn nạn đem theo nó bài học cho mọi người rút tỉa, nó trở thành sự khôn ngoan giúp chúng ta thêm khả năng đối phó, khắc phục, để tự cứu mình trên con đường chông gai trước mặt.

Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có câu: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ, chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh…” Sau Tháng Tư, 1975, không còn những người chiến binh “áo bào thay chiếu anh về đất” nữa nhưng cuộc chiến cho tự do vẫn hàng hàng lớp lớp những người dân thường không mặc áo trận, tay không vũ khí, “cùng đường khi chưa hết thanh xuân,” đem thân mình thách đố tử sinh, chết bằng nhiều phương cách khác nhau và không có cả một nấm mộ vùi nông đâu đó trên con đường họ đi… “Tử khí bốc lên dày như sương, đá chảy mồ hôi, rừng ứa máu, rừng núi ơi ta đến chia buồn.” (Biên Cương Hành, thơ Phạm Ngọc Lư)

Dẫu không tới được bến bờ mong ước, nơi an nghỉ cuối cùng của các bộ nhân, thuyền nhân Việt Nam góp phần làm nên cuộc di tản vĩ đại của nhân loại cuối thế kỷ 20 là trái tim của những kẻ sống còn, mỗi ngày cố nghĩ một điều lành, làm một điều tử tế để vinh danh tất cả những ai đã chết cho mình được sống.

Hẹn gặp quý đồng hương thính giả tối Thứ Bảy, trên làn sóng 106.3FM, trong chương trình thời sự cuối tuần của Việt News Radio với Hoàng Trọng Thụy, Vũ Chung, và Bùi Bích Hà.