Thursday, April 25, 2024

Tình yêu nước

Bùi Bích Hà

Tình yêu nước ở tuổi thơ tôi bắt đầu từ năm 12 hay 13 tuổi, ngồi lớp đệ lục hay đệ ngũ theo cách gọi hồi thập niên 1950 thế kỷ trước. Lần đầu tiên trái tim nhỏ, hồn nhiên, vô tư, đập những nhịp bồi hồi trong buồng ngực tôi khi nghe thầy giáo đọc và giảng Chinh Phụ Ngâm trong giờ Việt văn:

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch, rạng ngày xuất chinh
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây…

Âm ba sang sảng từ giọng đọc của thầy, ánh mắt lóe lên hơi thép lạnh của thầy hay trí tưởng tượng của một con bé có những đêm thiếu hơi mẹ, thức giấc đằng sau khung cửa sổ mở ra khu vườn lung linh những mùa trăng lộng lẫy đã khiến nó nôn nao hình dung ra cảnh trí của một lên đường hào hùng, quyết liệt, uy nghi, đường bệ, cờ xí tung bay, quân đi không hẹn về mô tả qua mấy câu thơ song thất lục bát đượm phong vị cổ thi mở đầu cuốn Chinh Phụ Ngâm. Cảm giác ngây ngất từ bầu trời xao xuyến phong ba trước giờ lâm chiến vừa ngùn ngụt khí thế vừa mang mang biệt ly.

Lịch sử Việt Nam lưu truyền nhiều bài hịch tướng sĩ có sức mạnh lay động tâm can người nghe, làm sôi sục tình yêu nước và bầu nhiệt huyết hiến dâng: Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi và Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Dường như thời xa xưa đó, những vị tướng cầm quân ra trận không có người viết giùm diễn văn hay lời hiệu triệu mà chính mỗi vị tự dốc hết tấm lòng son sắt của mình ra mong thức tỉnh muôn dân.

Ta đây những hàng ngày quên bữa,
Lúc đêm thâu ngồi dựa gối kiêu.
Giọt châu tầm tã tuôn trào,
Như nung gan sắt, như bào lòng son.
Chí những muốn moi gan lấy tiết,
Lòng những toan xẻ thịt vằm da.
Dù thân dầu dãi cỏ hoa,
Dù da ngựa bọc thây đà cũng vui. (Hịch Tướng Sĩ)

Lời nói nghĩa khí, hành sử cương trực, tác giả Hịch Tướng Sĩ và Bình Ngô Đại Cáo là thể hiện xương thịt của chủ nghĩa yêu nước, của lòng tự hào dân tộc, những yếu tố tất yếu bao lần oanh liệt đưa con dân nhà Nam tới chiến thắng ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.

Những năm đầu thế kỷ 21, người Việt Nam đi tìm tự do, dân chủ và phẩm giá định cư ở Mỹ, được chứng kiến một nhà lập thuyết có biệt tài hùng biện: Tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Barack Obama. Ông thu phục người nghe ngay từ bài diễn văn đầu tiên khi ông ra ứng cử vào chức vụ lãnh đạo tối cao của đất nước này, bằng ngôn ngữ đầy ma lực và phong cách trình bày. Đắc cử vẻ vang trong cuộc đầu phiếu chưa từng xảy ra trên giòng lịch sử lập quốc Hoa Kỳ, tám năm trong chức vụ, giữa những gì ông làm và ông nói có một khoảng cách. Đến nỗi mỗi khi đi qua máy truyền hình đang mở, thấy ông đăng đàn, nhiều khán thính giả lảng ra, vừa cười vừa nhắc lại câu nói đã trở thành “cửa miệng” dân gian của nhà văn Vũ Trọng Phụng trong Số Đỏ: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Tựa như nghe mãi một danh ca hát cùng một bản nhạc với cùng một chất giọng và diễn xuất, biết là hay đấy nhưng có lúc người ta chán vì không có gì mới cả.

Thế nhưng vừa đây, ngày 11 Tháng Giêng, trở về Chicago, nơi ông lập thân và khởi nghiệp, chọn đúng cái chỗ từng cho ông niềm tin và hy vọng để tiến bước giữa bối cảnh tiêu điều của những nhà máy thép đóng cửa trong thời kỳ suy thoái, ông đã gởi đến nhân dân Hoa Kỳ bài diễn văn tạ từ đề cập tới một số vấn đề rất chung của con người bên trong và cả bên ngoài lãnh thổ. Với bài diễn văn dài hơn một tiếng đồng hồ bằng thứ ngôn ngữ vẫn đầy ma lực đi kèm một cung cách diễn xuất phong độ, ông đã chạm vào trái tim của thính chúng nghe ông, tại hội trường hay trước máy truyền hình tại nhà riêng của họ, khôi phục toàn vẹn vai trò một nhà lập thuyết và hùng biện sáng giá nhất ở thời điểm này.

Ông cho thấy tài năng chinh phục vượt bậc của ông khi trong cả hai lãnh vực niềm tin và hy vọng, đã có ít nhiều sứt mẻ nơi những người nghe ông lần đầu, thấy ước mơ của họ như nắm cỏ treo phất phơ trên bờm ngựa. Thế nhưng, đêm hôm nay, lại nghe ông kêu gọi niềm tin và hy vọng, vẫn những người nghe năm xưa ấy mắt rưng lệ, con tim thổn thức, thấy ra trong lời ông không phải sự hoa mỹ mà tất cả ý nghĩa của cuộc sống không ngừng hướng ra phía trước và mỗi cá nhân phải làm hết sức mình để có cuộc sống (riêng và chung) tốt đẹp hơn. Tôi không biết có bao nhiêu thính giả sáng hôm sau thức dậy để bắt đầu một ngày mới với niềm tin và hy vọng vào chính mình, “khi buộc sợi dây giầy,” tự nhủ lòng phải thay đổi một điều gì đó?

Thoạt tiên, lắng nghe những bài học ông nêu ra về dân chủ, về đoàn kết, về sự thống nhất một mục tiêu chung cần đạt được, về phương cách đương đầu với những thách thức đối với nền dân chủ, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy đây cũng là những vấn đề quan yếu của cộng đồng chúng ta, mãi mới nhớ ra cái chứng chỉ nhập tịch tôi cất kỹ trong tủ và có lẽ rất nhiều đồng hương cũng làm như tôi rồi quên đi, không còn nhớ đến ý nghĩa của nó nữa. Suy nghĩ với tâm thức một người Mỹ thì những gì Tổng Thống Obama nói trong đêm 11 Tháng Giêng cũng áp dụng cho mỗi người Việt Nam đã nhập tịch và trở thành công dân Mỹ. Tôi bỗng nhiên cảm thấy được an ủi, bớt áp lực về những khiếm khuyết của chúng ta trong tiến trình hội nhập, bớt tự trách móc vì sự hoàn thiện của mỗi người là một hành trình không bao giờ thật sự tới đích. Vấn đề còn lại là dù không buông bỏ cội nguồn nhưng bảo vệ văn hóa/truyền thống dân tộc không có nghĩa là chúng ta đóng cửa, xây hàng rào, tạo ra cái “ghetto” để sinh hoạt theo những lề lối đi ngược lại sự tiến bộ. Tổng Thống Obama cũng nói tới “những quả bong bóng (tưởng là) an toàn mà nhiều người chui vào, là khu dân cư nơi họ sống, là cư xá đại học, là nơi cầu nguyện hay trên mạng xã hội, nơi những người xung quanh trông giống họ, có cùng quan điểm chính trị với họ và không bao giờ đặt dấu hỏi với những gì họ luôn mặc định là đúng.” Hóa ra, dù Mỹ hay Việt, trắng hay vàng, con người xét trong thân phận dường như có cùng những cảnh ngộ, khác chăng là thái độ ứng xử tùy thuộc căn cơ và góc nhìn của mỗi cá nhân mà thôi.

Ông nhắc lại tuổi 20 khi đến Chicago lần đầu, tìm kiếm một mục đích cho sự tồn tại. Quả nhiên những phận người trôi dạt do thời cuộc như tôi, có một thời ngày ngày đi dưới những cơn mưa tối tăm mặt mũi vì lo âu cơm áo, gạo tiền, nuôi con cái lớn khôn và một căn phòng tạm trú cho gia đình. Trời không mưa mãi mà còn có ngày nắng cho tôi vuốt mặt đi tìm những ý nghĩa khác của cuộc sống vốn tiềm ẩn biết bao vẻ đẹp ngoài nhu cầu nuôi thân. Hình ảnh “buộc sợi dây giầy” rồi đứng lên, bước ra cửa với sự quan tâm nhìn lại mình và nhìn ra xung quanh, thấy một chút gì mới trước một ngày mới, là một hình ảnh đầy quyến rũ, đánh động mạnh mẽ tới tận cùng tâm can những ai có “trái tim không ngừng đập của lý tưởng nước Mỹ” đòi hỏi thay đổi theo cách diễn tả của Tổng Thống Obama.

Là một nhà tổ chức cộng đồng, ông Obama có cái nhìn chi tiết, khách quan về nhiều khía cạnh sinh hoạt tập thể. Ông nhận xét rất đúng về ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng chia rẽ gây ra bởi định kiến, tính đảng phái, sự phân tầng kinh tế hay khu vực, được “truyền thông khuếch đại thành từng mảng nhằm phục vụ mọi thị hiếu của quần chúng, khiến cho sự phân hóa trở thành lẽ tự nhiên, hầu như không thể tránh khỏi.” Theo ông, khuynh hướng “chỉ chấp nhận thông tin, bất luận đúng hay sai miễn là phù hợp với quan điểm của mình thay vì thiết lập quan điểm dựa trên bằng chứng rõ ràng” là một đe dọa đối với nền dân chủ. Nền dân chủ, vẫn theo ông, sẽ lung lay nếu chúng ta đầu hàng nỗi sợ. Vậy, song song với tư cách công dân của mình, mỗi chúng ta cần tiếp tục cảnh giác trước những kẻ hung hăng bên ngoài để bảo vệ các giá trị cốt lõi tạo nên chúng ta ngày nay, không để chúng bị suy yếu. Chúng ta cần gạt phăng từ trong trứng nước mọi âm mưu chia rẽ bất kỳ ở đâu trên đất nước này, làm suy yếu những sợi dây thiêng liêng đã quy chúng ta về một mối. Những mối dây thiêng liêng này suy yếu khi chúng ta để các cuộc đối thoại liên quan đến chính trị trở nên độc hại tới mức những người tử tế chẳng còn ai muốn nghĩ tới việc tham gia chính trường nữa! Những lời nói sỗ sàng, thô tục, chất chứa thù hận cho thấy chúng ta không còn nhìn những ai có quan điểm khác bằng đôi mắt dành cho kẻ lạc đường mà bằng nhiều ác ý.”

Thể chế dân chủ và những quyền tự do căn bản của con người được ghi trong hiến pháp là kết quả của cuộc chiến chống độc tài. Bao lâu nhân loại còn tồn tại, độc tài còn là miếng mồi thơm cám dỗ, cuộc chiến ấy chưa thực sự chấm dứt và quà tặng tuyệt vời nói trên không tự tồn mà cần được kẻ thụ đắc tiếp tục nuôi ý thức bảo dưỡng bằng cùng một cách các thế hệ đi trước đã làm, có khi phải trải qua những cơn đau, có khi phải đổ máu. Nói cách khác, Hiến Pháp chỉ là những trang giấy, cần được các chiến sĩ công dân thổi vào nó linh hồn và sức sống.

Sau khi nghe, đọc lại và quên hết những điều khác, bài diễn văn cuối cùng của ông Obama trong những giờ khắc ít oi còn lại của nhiệm kỳ, khắc họa trong tôi mấy chữ giản dị (mà không dễ thực hiện) trong bài công dân giáo dục cổ điển (mà không cũ):

Quan tâm. Học hỏi. Cởi mở. Đoàn kết. Trách nhiệm. Tạm gọi là ngũ thường của thời đại kỹ thuật số. Thế còn tam cương? Bàn láo là: Yêu nước. Yêu mình. Yêu người. Liệu có bị mắng không?

MỚI CẬP NHẬT