Vuông lụa cũ

Bùi Bích Hà

Một buổi chiều cuối Xuân thời tiết khác thường ở Orange County. Những bông hoa hải đường ngả màu nâu tàn úa rụng đầy một khoảng sân. Những bông cúc đại đóa đã thôi uống nước, chờ qua đời trong chiếc chậu sứ trên thềm nhà. Bầu trời lãng đãng mây mù, chốc hửng sáng, chốc phẳng lì một màu xám buồn. Gió lay nhẹ các đỉnh cây hai bên con đường vắng, thưa thớt xe cộ qua lại. Cảnh vật có chút gì ngậm ngùi trong mắt một người luống tuổi như tôi ngồi nhìn vẩn vơ xung quanh, không biết cây cỏ có nhìn mình như mình đang nhìn chúng không? Bỗng nhiên đài phát thanh cho nghe bản nhạc của Vũ Thành An phổ thơ của Nguyễn Ðình Toàn (nếu tôi nhớ không lầm) “…Ðời một người con gái Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo…”

Ca từ nghe đi nghe lại đã mấy trăm lần, thuộc làu, với cảm xúc quen thuộc, mòn nhẵn, tựa như con đường quen thuộc về nhà không còn gợi chút bâng khuâng, sao sáng nay bỗng dội vào hồn tôi nỗi đau xót đến lạ. Hình như người con gái Việt Nam nào, nghe Bài Không Tên Số 2, cũng thấy trong đó thấp thoáng mình thời mới lớn, mơ mộng thì nhiều mà chẳng được toại lòng, toại ý bao nhiêu. Tình yêu đầu đời của họ, có khi là ước hẹn không thành nhưng rất nhiều khi chỉ là mơ mộng bâng quơ gởi cho một vầng trán rộng, một đôi mắt thoáng buồn, một dáng đi lênh khênh, một mùi hương thoảng bay trong gió. Như có. Như không. Dù mong manh là thế. Dù nước chẩy hoa trôi là thế. Những thoáng ghi nhận đầu tiên trong buổi bình minh đầu tiên của tuổi dậy thì rộn ràng giai điệu cũng đủ khắc họa trong hồn non yếu của cô thiếu nữ những đường cọ không mờ phai.

Nghĩ mà thương. Trong đời thường có bao nhiêu cô TTKH ép hoa tigôn vào tập vở cho riêng mình, chẳng để nhớ nhung ai mà để đôi khi soi lại bóng mình một thời nên thơ và vụng dại.

Nhà thơ Trần Mộng Tú có bài thơ Bông Hoa Ðỏ, theo tôi, đáng yêu hơn bài thơ Tiết Phụ Ngâm nổi tiếng của Trung Hoa cổ, tác giả Trương Tịch, mượn lời hay ý đẹp trong thơ để giãi bày tâm sự khi phải khước từ đề nghị công danh của Lý Sư Ðạo hầu giữ được tiết tháo của người trung thần không phò hai chúa:

Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu…
…Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.”

Tạm dịch nghĩa là: Chàng biết em là bông hoa có chủ, sao còn tặng em đôi ngọc quý? Trả ngọc cho chàng mà lệ ứa. Hận không gặp nhau lúc em còn son.

Ca dao Việt Nam cũng có bài diễn tả tình cảnh muộn màng này: Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em lấy chồng, anh tiếc lắm thay! Tiếc gì một miếng trầu cay, sao anh không hỏi những ngày em còn không?

Trong cả hai trường hợp, người phụ nữ trong thơ được yêu, được cầu cạnh, được thèm muốn, có nhiều hơn những gì cô cần. Người phụ nữ trong thơ Trần Mộng Tú giông giống người chị cả hy sinh tuổi xuân thay mẹ nuôi em ăn học trong bản nhạc Chị Tôi của nhạc sĩ Trần Tiến. Khi các em khôn lớn thành người, cô đã luống tuổi, những tưởng gặp được duyên may với người công nhân một hôm về làng xây cầu cùng cô ước hẹn trăm năm. Ngờ đâu cầu xây xong, chàng ra đi biền biệt, không quay lại bến sông chứng kiến sự chờ đợi mỏi mòn của nàng. Thời gian lạnh lùng trôi, chỉ còn nấm mộ nhỏ quạnh hiu ven sông nhắc người qua lại câu chuyện tình thiên cổ.

Trong bài Bông Hoa Ðỏ, thơ ngũ ngôn Trần Mộng Tú, những câu năm chữ là tiếng nấc nghẹn ngào của Em tuổi mới chớm xuân, hồn như vuông lụa nhỏ. Anh là cánh bướm xa tới từ miền đất với bao điều kỳ diệu, mang cho em bông hoa đỏ như than hồng thắp lên ngọn lửa tình yêu sưởi ấm tim em.

Em gói hoa vào lòng
Sợ hương bay theo gió
Ngờ đâu hoa có gai
Rạch hồn vuông lụa nhỏ.

Mùa Xuân của đất trời cứ hết một chu kỳ bốn mùa lại trở về, tiếc thay, mùa Xuân đời người có khi không trở lại. Tương truyền bà Huyện Thanh Quan, một hôm ngồi ở công đường thay ông huyện công cán phương xa, thấy lá đơn của cô Nguyễn Thị Ðào xin phép được tái hôn vì bị chồng phụ rẫy. Cám cảnh nghĩa đàn bà, thương cho người phụ nữ chỉ có một thời xuân sắc vắn vỏi, bà hạ bút phê chuẩn thỉnh cầu của nguyên đơn Nguyễn Thị Ðào như sau:

Phó cho con Nguyễn Thị Ðào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già

Mùa Xuân của em trong thơ Trần Mộng Tú như hoa chỉ nở một lần:

Như xuân không trở lại
Anh đến rồi anh đi
Ðể mặc em vụng dại
Với vết thương dậy thì.

Qua mùa Hè nức nở. Tàn mùa Thu gió ngập phòng. Em không chờ đợi nữa, ngậm ngùi gấp lại vuông lụa như gấp lại trang sách đời mình và theo chồng sang sông.

Ngày tháng bẽ bàng rụng rơi cùng mộng mị. Dòng thời gian như dòng sông tắm gội hết muộn phiền, cho em quên đi, tái sinh kiếp khác. Thế nhưng “anh trở về, đòi lại bông hoa anh bỏ rơi.” Tình yêu là huyền thoại. Bông hoa không là huyền thoại. Em cũng không là huyền thoại nên em, dù tưởng tiếc hay đã đành lòng quên, xin ngậm ngùi nói với cố nhân:

Anh ơi hoa đã héo
Vết thương xưa đã lành
Vuông lụa chồng em giữ
Không còn gì cho anh.

Bốn câu ngũ ngôn mềm như lụa mà sắc như gươm dao, cắt ngọt vào đá núi. Lời gọi tưởng chừng thống thiết như lệ khóc tình xưa cũng là lời trối trăn cuối cùng cho một chia tay lần này là mãi mãi.

“Không còn gì cho anh.” Cánh cửa nhẹ nhàng khép lại. Dứt khoát. Ðoan chính. Sòng phẳng. Với mình. Với người. Bài thơ chấm dứt ở đây vì em đã khôn lớn, không còn là em vụng dại ngày anh vui bước phiêu du, trao em Bông Hoa Ðỏ có gai, để nó “trượt xuống hồn em một vết thương” rồi vô tình quên đi, cả hoa lẫn em. Không. Hoàn toàn không như Vũ Thành An đã viết thành ca từ trong Bài Không Tên số 2: “…Ðến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo…” Càng không như tưởng tượng phong phú của người nhạc sĩ gửi vào câu hỏi dỗ dành chính mình: “Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…”

Hy vọng cách bình giải bài thơ Bông Hoa Ðỏ của nhà thơ Trần Mộng Tú như trên dù không lãng mạn, không say đắm, đã không làm bài thơ kém hay. Ít nhất, có một phụ nữ biết lau nước mắt cho mình khi bị tình phụ, biết tự chữa lành vết thương lòng trên đường đời hoạn nạn, biết đứng dậy từ vấp ngã và chọn cho mình một cơ hội khác. Ðời sống không hề là giấc mơ và thi sĩ không đi bên lề cuộc đời. Họ sống đẹp, có khả năng diễn đạt tinh tế và đầy xúc cảm mọi trải nghiệm của mọi người.

Có lẽ trong âm nhạc, những chia tay của nhạc sĩ Từ Công Phụng nhân bản nhất, hiền hậu nhất nên cũng thánh khiết nhất: “Một mai xa nhau, người cho tôi tạ lỗi.” Và, “Xin yêu nhau như tuổi ngây thơ. Thôi, đừng lừa dối nhau làm gì! Thôi, đừng tìm nhau nữa mà chi. Ðường vào ngày mai sỏi đá, thôi em về quên hết đi ngày xưa.” (Lời Cuối)

Ðường trần gian sỏi đá, hãy nghiêng vai trút xuống mọi hành trang của mỗi chặng đường qua cho nhẹ thân phù thế. Hãy ngợi ca tình yêu, từ mỗi sớm mai qua từng buổi chiều như thời gian dệt toàn bằng sợi tơ yêu thương êm ái. Và, bởi vì con đường nào cũng sớm muộn dẫn tới biệt ly, hãy biệt ly nhau trong vòng tay yêu thương ngay trong gặp gỡ và cả khi rời nhau.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 8 tháng 3 năm 2017