Thursday, March 28, 2024

Bi Kịch Di Nương

 


Nồng Tình Hý Bút


 


 


LTS: Lê Anh Thư qua bài “Phỏng Vấn Một Me Tây” đăng trên Người Việt Ðông Bắc (27 tháng 7, 2012) có sức thu hút đặc biệt. Nhiều độc giả thích Lê Anh Thư qua bài phỏng vấn trữ tình của chính nhân vật mang tính tiết lộ đời tư từ Ðông sang Tây. Trong lúc, tôi (Trần Ðông Ðức) đang thu gom phản ứng bạn đọc trên facebook qua vụ Ðào Nương Hoàng Dược Thảo vu khống và lừa dối độc giả thì nhận được thư của Lê Anh Thư bảo rằng: em có cái bài “Từ Hồng Lâu Mộng Luận Chế Ðộ Ða Thê”… xem ra có vẻ hợp chủ trương bổn báo…” Ngạc nhiên quá ta! Chuyện các di nương tranh chấp, dùng hết sở trường lôi kéo tình yêu trong Hồng Lâu Mộng thì có liên quan gì nhỉ. A! chung quy lại thì cũng là chuyện nhi nữ tình trường – anh hùng khí đoản, đúng không? Thế là bổn báo quên mất chuyện đào nương mà đọc đi đọc lại chuyện các di nương trong Hồng Lâu Mộng một cách say sưa. Chợt mới hiểu ra dụng ý của Me Tây Bảo Ðiển – Lê Anh Thư, bổn báo quyết định bỏ chuyện đào nương qua một bên mà giới thiệu các di nương trong Hồng Lâu Mộng vậy.


 


Từ Hồng Lâu Mộng luận chế độ đa thê


 


1. Trên một forum ở Trung Quốc, nhiều anh mở mồm ra tặc lưỡi tấm tắc chế độ đa thê, nhưng có một số người hiểu biết đã phản đối. Vì tất cả những anh đương to mồm “ngôn luận” kia chưa chắc đã hiểu gì về đa thê đích thực.










Tác giả Lê Anh Thư.


Một nam giới đa thê, chỉ có thể sung sướng khi anh ta thuộc dòng đích (con mẹ cả, mà mẹ cả cũng phải được ông bố cưng chiều kia mới mong). Lớn lên anh ta lập năm thê bảy thiếp cho thỏa, thì chính những đứa con dị bào của anh ta lại là nạn nhân của chế độ đa thê, trong nhà nhiều mẹ cả dì bé (di nương). Hoặc giả không, thì khi những đứa trẻ ấy lớn lên lập thân – có khi cũng lại đi vào vết xe đổ. Trai lấy nhiều vợ, gái làm cả hoặc làm bé. Nghiệp chướng luân hồi.


2. Những gia đình quý tộc nhỏ như nhà Lỗ Tấn thì không nhất thiết phải tìm vợ Cả thiên kim tiểu thư dung nhan lộng lẫy. Họ có khi chỉ cưới cho con trai cô vợ Cả nguồn gốc lam lũ, dung nhan nhạt nhẽo nhưng đảm đang tháo vát, thuận hiền. Coi như kiếm thêm người làm sai bảo mà. Sau này con trai muốn tìm hồng nhan tri kỷ thì đơn giản: nạp thiếp


Có thể nói Lỗ Tấn cùng với hai người vợ là nạn nhân của cái bi kịch ấy. Lỗ Tấn những năm xưa thông minh sắc sảo, đang du học ngành y ở Nhật thì bị gia đình lừa về lấy vợ – Chu An, một cô gái quê chậm chạp, mặt mũi thô kệch, hơn Lỗ Tấn 3 tuổi. Ðêm tân hôn, Lỗ Tấn ôm chăn sang phòng bên ngủ. Và cứ từ đó đến suốt đời, Lỗ Tấn lạnh nhạt không gần gũi người vợ này lần nào


Sau này Lỗ Tấn yêu và cưới Hứa Quảng Bình, một phụ nữ tân thời thông minh, ăn mặc thanh lịch. Chu An vẫn cúi mặt lam làm hầu hạ mẹ chồng, trong khi chồng vui duyên mới. Lỗ Tấn không phải người trăng hoa hay bạc bẽo, ông nhiều lần tính đến chuyện li dị để giải thoát cho cả ba người. Nhưng thời đó lề thói xã hội rất cổ hủ nặng nề, người con gái bị chồng bỏ sẽ không có đường mà quay về nhà bố mẹ đẻ nữa. Huống hồ Chu An lại chả sắc sảo tân tiến gì, chỉ được nết thuận thảo nên Lỗ Tấn cũng đành để vậy, vì ông hiểu một khi chia tay thì Chu An không còn đường sống. Nếp nhà ở Phúc Thành Môn (Bắc Kinh), chia làm đôi, một nửa là tổ ấm líu ríu của Lỗ Tấn với vợ hai Hứa Quảng Bình. Một nửa là Chu An đi lại lặng lẽ như chiếc bóng. Sau này Chu An qua đời rồi, người nhà xác nhận bà vẫn còn… trinh nữ… ngần ấy năm Lỗ Tấn không đoái hoài. (Chuyện này thật là khó tin, nhưng lưu truyền trong dư luận Trung Quốc – chú thích của TÐÐ)


3. Chế độ Chuẩn Di Nương: tức là người con gái cất nhắc để làm dì bé sau này. Ðó là trường hợp của cô hầu Tập Nhân trong truyện Hồng Lâu Mộng. Tập Nhân hơn công tử Bảo Ngọc vài tuổi, xuất thân thanh bần phải đi ở đợ nhà giàu. Dung nhan dễ coi, người lại mạnh khỏe, chăm chỉ, ít nói, tuân thủ lễ giáo phong kiến, lại hay “mách” những chuyện trái tai gai mắt. Tập Nhân đã lọt vào mắt xanh của Vương Phu Nhân – mẹ của Bảo Ngọc. Bà ngầm ý phê chuẩn cô này tương lai sẽ làm dì bé của Bảo Ngọc. Mặc dù lúc đó Bảo Ngọc còn chưa có vợ cả, huống hồ dì bé.


Với nàng hầu Tập Nhân đó là bước lên đời thực sự, cô yên tâm có mối tình chăn gối với Bảo Ngọc. Vì kiểu gì chả gả làm bé cho chàng. Từ lúc có “lệnh” ngầm, đời Tập Nhân nâng lên thành địa vị nửa bà chủ. Cô xin phép về thăm nhà được cho thêm tiền bạc, quần áo. Ðến bàn ghế bát đũa Tập Nhân dùng ở nhà mẹ đẻ, nay Vương Phu Nhân cũng sai người hầu mang đến cho nàng dùng riêng. Ngụ ý nàng sắp được làm dâu bé nhà danh giá, không nên chung đụng đồ đạc với thân quyến nghèo khó nữa.


4. Chế độ Bồi Phòng Gia Nhân: đó là trường hợp của Bình Nhi, thực chất theo tiểu thư Vương Hy Phượng về làm dâu nhà họ Giả. Cô chủ gả cho Giả Liễn thì Bình Nhi cũng nghiễm nhiên được coi là dì bé, chung chăn gối với cậu chủ. Mang danh phận “bồi phòng gia nhân” – tức là người đi theo hầu phòng, hầu luôn cả phòng the.


Ðây là một cơ chế rất khắc nghiệt, bản thân Bình Nhi là đầy tớ tâm phúc ăn cùng mâm ngủ cùng giường với đại tiểu thư Vương Hy Phượng. Ngày xưa các đại gia đình quý tộc đầy những âm mưu thôn tính nội bộ rất phức tạp, có tiểu thư công tử nào không nuôi đầy tớ tâm phúc, có khi còn thân thiết hơn cha mẹ anh chị em ruột. Tiểu thư đi lấy chồng thì nàng cũng có phần, thành một thứ dì bé không danh phận. Vị trí của nàng thật lắt lẻo ngàn cân treo sợi tóc. Nàng vừa phải sát cánh hầu hạ cô tiểu thư đanh đá, ghê gớm, xảo quyệt như Vương Hy Phượng, vừa phải chiều ý ông chủ – chồng hờ trăng hoa là Giả Liễn, mà vẫn phải giữ kẽ để tránh những cơn ghen của Phượng Ớt (biệt danh Vương Hy Phượng).


5. Chế độ Noãn Sàng: noãn sàng tức là làm ấm giường. Người con gái rơi vào địa vị này rất đáng thương. Thường là đấng nam nhi đã có vợ Cả nâng khăn sửa túi và rất quyến luyến thương chìu nàng. Nhưng vì nhiều lí do (thường bởi dục tính mạnh mẽ), ông ta vẫn có thêm những dì bé khác. Ông dồn hết tình cảm cho vợ Cả, và chỉ coi các dì bé kia như công cụ thỏa mãn tính dục – làm ấm giường. Họ thậm chí còn không có quyền sinh con, vì có được coi như dì bé vợ lẽ đâu. Thân phận họ không khác gì đồ vật. Ðôi khi trong các tác phẩm cổ điển Trung Quốc, tác giả kín đáo hé lộ những nàng dì bé làm ấm giường… có tham gia vào cuộc ái ân của ông chủ với vợ Cả. Thường họ có tác dụng… như món khai vị, và lau dọn giường chiếu, giặt quần áo hai người chủ… sau cuộc mây mưa. Chua xót! (Chế độ này cũng có bằng chứng tồn tại ở Việt Nam trong thời Lê Mạt qua bài Tây Sơn Hành của Trần Danh Án miêu tả cảnh động phòng giữa anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và Ngọc Hân Công Chúa – chú thích của TÐÐ)


6. Không phải cứ dì hai, vợ bé thì được yêu chiều, thậm chí bị ghẻ lạnh nếu ông chủ không cưng chiều. Ông hai Giả Chính trong Hồng Lâu Mộng là người sùng Nho, đề cao sự noi gương Thánh Hiền ra làm quan giúp dân giúp nước. Ông chỉ yêu thương, lưu tâm mỗi vợ cả – Vương Phu Nhân, vì bà chẳng những xuất thân danh gia vọng tộc mà còn xinh đẹp, giản dị, hiền đức, tháo vát. Hơn nữa, ba người con chung của hai ông bà đều tuấn tú thanh nhã, giỏi giang, cô con gái cả Nguyên Xuân thậm chí được vào cung làm hoàng phi. Còn lại hai vợ lẽ Triệu di nương và Chu di nương (dì Triệu, dì Chu) vốn là a hoàn trong nhà, ông không màng. Mặc cho mẹ con họ muốn sống thế nào thì sống, ông chỉ ở lì trong gian nhà chính với vợ Cả. Không một việc lớn trong nhà nào hai người vợ bé được có ý kiến, không cỗ bàn hội họp linh đinh nào họ được tham gia. Họ vốn ít học, thô lậu, làm dì bé trong gia tộc lớn lại chả được ai quan tâm kính trọng, đến mấy con hát nít ranh còn có quyền đánh đập họ. Chả trách họ đâm ra hẹp hòi, ghen tỵ ngày đêm mưu phản.


7. Chế độ mẹ Cả (mẹ đích) nuôi con của dì bé: Trường hợp điển hình là nàng Thám Xuân, con của dì Triệu, em cùng cha khác mẹ với Bảo Ngọc lại được chính mẹ Cả là Vương Phu Nhân nuôi dưỡng từ lúc nhỏ. Những đứa con “nuôi” này sẽ lớn lên trong nhà mẹ Cả, gọi mẹ Cả là mẹ, còn chính mẹ ruột lại gọi bằng dì. Một thân phận hết sức tế nhị và mâu thuẫn. Họ biết ai là mẹ ruột nhưng cũng có tình cảm với mẹ Cả. Ðôi khi vị giằng xé vì mâu thuẫn tình ái lẫn quyền lợi của hai bà mẹ.


Nàng Thám Xuân là người con gái quyết đoán, hiểu đời… nhưng đôi khi cũng tham vọng thái quá. Nàng nhất nhất theo mẹ Cả – Vương phu nhân, mà xa lánh ghẻ lạnh mẹ đẻ. Nàng vẽ ra cái ranh giới rạch ròi giữa mình và mẹ đẻ, như chủ nhân với tôi tớ trong nhà.


8. Mâu thuẫn trong gia đình: các gia đình Châu Á truyền thống thường âm ỉ những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, bà cô bên chồng với chị em dâu, các nàng dâu với nhau. Trong đại gia tộc đa thê thì xung đột đó tăng lên gấp bội: nhiều dòng mẹ chồng, nhiều dòng chị em chồng, nhiều dòng nàng dâu. Ðại gia tộc họ Giả trong Hồng Lâu Mộng sụp đổ một phần chính bởi chế độ đa thê: các ông chủ trăng hoa vợ Cả dì bé nàng hầu đề huề. Bố chồng tư thông cả với con dâu (Giả Trân và nàng Tần Khả Khanh) khiến con dâu hoảng sợ ốm chết. Em chồng ve vãn chị dâu bị chị hại chết (Giả Thụy và Vương Hy Phượng).


Giả Liễn ong bướm lén lút sau lưng Hy Phượng tư tình với vợ của Ða Hồ Ðồ, Bão Nhị khiến Hy Phượng nổi cơn tam bành. Mấy nàng kia sợ quá thắt cổ chết gây cáo quan mãi mới dẹp được. Giả Liễn còn vụng trộm cưới thêm dì hai họ Vưu (Vưu nhị thư) để thỏa tình lả lơi và kiếm con nối dõi. Hy Phượng biết được tương kế tựu kế lừa đưa dì hai về phủ… hành hạ, Hy Phượng lại cấp cho chồng ả Thu Ðồng chua ngoa… làm nàng hầu dưới trướng. Vưu Nhị Thư chịu khổ đủ bề: vợ cả là Vương Hy Phượng giở mặt, chồng ham vui mới đã lơ là nàng, ả Thu Ðồng ác mồm nanh nọc, lại thêm cái thai con trai bị lừa tráo thuốc… đến độ trụy ra. Cùng quẫn nàng nuốt vàng tự tử… Rồi còn tiểu thư Nghênh Xuân, em cùng cha khác mẹ với Giả Liễn, nhưng chỉ là con dì bé, mà mẹ đã mất rồi nên không được mẹ Cả quan tâm chăm sóc gì. Bố (Giả Xá) thua bạc gả bán nàng cho thằng chồng háo sắc, vũ phu lang sói. Nàng không chịu được những trận đòn thấu xương mà chết đi… chỉ một năm sau ngày cưới… Và còn cậu ấm phá trời Tiết Bàng vô học, vì tranh giành cô Hương Lăng đã đính hôn mà đánh chết người. Sau đưa Hương Lăng về phủ cũng không đối đãi tử tế, để cho vợ cay độc Quế Hoa và con hầu Bảo Thiềm hành nàng lên xuống. Và kết cục Hương Lăng cũng chết dưới roi đòn của Tiết Bàng.


Chế độ đa thê, tranh giành ái tình quyền lực đã gây nên rất nhiều án oan thấu trời trong nhà họ Giả. Ðến độ một con hát phiêu lãng là Liễu Tương Liên còn thốt lên rằng: Trong cái phủ này, ngoài hai con sư tử đá ra, còn chả có gì trong sạch cả… Tội nợ chất chồng nên họ suy vong là tất yếu.


9. Phụ nữ là nạn nhân chế độ đa thê, nhưng chính họ cũng tự nguyện chui đầu vào rọ ấy. Sống trong cái khổ lâu ngày họ cũng quen dần mà trơ lì đi, không thấy đấy là khổ nữa. Thậm chí còn nảy sinh tâm lý trả thù ngược. Nhiều vợ Cả hoặc dì bé ấm ức vì cảnh lấy chồng chung, lại hy vọng nếu sinh con trai, thì con mình lại lấy nhiều vợ. Y như bố nó… thế mới phong độ. Hoặc nếu sinh con gái, họ hy vọng con mình được làm vợ Cả, tha hồ uy quyền bắt nạt các dì bé. Coi như trả món thù đời họ phải chịu.


Lê Anh Thư


 


Bổn Báo Nhận Xét: Xem ra, chế độ đa thê là mạo xưng của ngôn ngữ đời sau thôi chứ Khổng Giáo thực sự đề cao chế độ một chồng một vợ và nhiều thiếp (nhất phu-nhất thê-đa thiếp). Do dưới thời văn minh tranh tối tranh sáng, người ta có ý đề cao thân phận con người, từ hàng tiểu thiếp nâng lên hàng thứ thê (vợ bé). Ðặc biệt, qua các thời Dân Quốc, Cộng Hòa, Cộng Sản ở Ðông Á, xã hội có sự cào bằng về ngôi vị và danh xưng dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn về mặt hành chánh của chế độ quần hôn “ngàn năm văn hiến.” Các hàng “thứ thê” mới nổi này tranh giành địa vị như kiểu cá mè một lứa dẫn đến cơ chế hành chánh độc hôn tiến bộ theo khuôn mẫu Tây phương.










Ðại Tiểu Thư Vương Hy Phụng trong Hồng Lâu Mộng.


Cũng không thể phủ nhận sự nhân bản của chế độ đa thê là giúp rất nhiều gái quê, gái xấu, gái thô cũng lấy được chồng qua đường dây mai mối. Nếu để ái tình và lãng mạn tự nhiên định hướng thì những biểu hiện chênh lệch này khó có thể xảy ra. Ðứng ở góc cạnh này mà quan sát, thì nam giới cũng là nạn nhân vì nhiều khi cha mẹ bắt phải lấy vợ xấu. Thế thì tại sao thể chế “đa phu” không tồn tại với những người phụ nữ đề cao văn hóa mẫu hệ ở Ðông Nam Á. À! cái này mang tính mật mã như chìa khóa về tâm lý ái tình. Có một câu nói trong dân gian được lan truyền “một chìa khóa mở được nhiều ổ khóa một lúc thì chứng tỏ sự vạn năng của nó còn một cái ổ khóa mà chìa nào cũng mở được thì là cái ổ khóa hư.” Ðàn ông được coi là phong độ, đàn bà bị xét về phẩm cách trong sinh hoạt quần hôn. Tuy nhiên, nghiên cứu về “đa thê chế độ” của Lê Anh Thư trong Hồng Lâu Mộng có khi thấy rằng bi kịch không là hoàn toàn do đàn ông mang lại mà chỉ là do đàn bà tự ám hại lên nhau.

MỚI CẬP NHẬT