Friday, March 29, 2024

Canada phải lưu tâm đến Tây Tạng

CANADA – Từ văn phòng mình tại Washington, Penpa Tsering, phái viên đặc biệt tại Hoa Kỳ và Canada của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết, các cuộc biểu tình tự thiêu của 144 người, chủ yếu là thanh niên Tây Tạng từ năm 2009 không thể bị bỏ qua khi Canada dấn thân vào cuộc đàm phán thăm dò thương mại tự do với Trung Quốc.

Hôm thứ năm, Thủ tướng Justin Trudeau, cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố hai nước bắt tay vào các cuộc đàm phán nhằm thăm dò về một thỏa thuận thương mại tự do vốn sẽ tăng gấp đôi giao dịch thương mại giữa hai nước vào năm 2025.

Hồi đầu tháng 9 tại Thượng Hải, ông Trudeau tuyên bố với các doanh nhân tại đây rằng “một mối quan hệ mạnh hơn sẽ giúp hai nước chúng ta thảo luận dễ dàng, thẳng thắn, thường xuyên hơn” về các chủ đề bao gồm cả các quyền con người.

Ghi nhận hứa hẹn của chính phủ đảng Tự Do, ông Tsering cho rằng đây chính là lúc Canada phải nghiêm chỉnh đặt vấn đề với Trung Quốc về những vi phạm trầm trọng trong chính sách bức hại dân tộc Tây Tạng của Trung Quốc.

Bà Carole Samdup, giám đốc điều hành Uỷ Ban Canada-Tây Tạng chào đón tin tức cuộc đàm phán thăm dò bằng một bản tin nói rằng chính phủ Canada phải tiến hành một đánh giá “đầy đủ và ngay lập tức” về tác động của quyền con người trong bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào với Trung Quốc.

Bà Samdup nói một quá trình như vậy sẽ bảo đảm một thỏa thuận thương mại tôn trọng “nghĩa vụ quốc tế tôn trọng, bảo vệ quyền con người” của Canada.

“Do tính chất vi phạm nhân quyền hệ thống ở Tây Tạng ngày nay, Canada có một trách nhiệm đạo đức để bảo đảm rằng những quy tắc thương mại mới sẽ không vi phạm nhân quyền hiện có hoặc làm hỏng những nỗ lực để giải quyết chúng trong tương lai,” Samdup nói.

“Tôi nghĩ rằng tầm quan trọng của việc Trung Quốc tôn trọng nhân quyền cho người dân và các dân tộc thiểu số của mình nên được đề cập đến trong các tài liệu (thỏa thuận thương mại) để bảo đảm đó là một tài liệu toàn diện và không chỉ vì lợi ích kinh tế cho mỗi bên,” ông nói.

Tsering mô tả tình hình người Tây Tạng ở Trung Quốc ngày nay là “rất ảm đạm.” Các cuộc biểu tình tự thiêu là kết quả các chính sách đàn áp văn hóa Tây Tạng tại các tỉnh miền Tây của Trung Quốc và khu tự trị Tây Tạng của chính phủ, ông nói.

Tây Tạng hiện đang sống dưới sự giám sát liên tục, mà bà Samdup so với Đông Đức vào thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh. (L.Q.T.)

MỚI CẬP NHẬT