Friday, April 19, 2024

Quán cơm ‘Bà Cả Đọi,’ những người muôn năm cũ

Nguyễn Đạt/Người Việt


SÀI GÒN (NV)
– Tuần qua, chúng tôi ghé quán cơm Đồng Nhân ở góc đường Lê Thánh Tôn – Trương Định thuộc Quận 1, Sài Gòn, mua thịt đông dưa chua, mới biết bà Cả đã qua đời. Người con gái lớn của bà Cả báo tin: “Bà mất 4 tháng rồi, chính xác là ngày 24 tháng 5 Âm lịch…”

Lối vào quán cơm Bà Cả Đọi. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Bà Cả mất vì già yếu, năm nay bà đã 86 tuổi. Nhiều lần chúng tôi đi qua đường Tôn Thất Thiệp, gần khu Chợ Cũ, nhìn vào quán cơm Đồng Nhân (2) ở đây, thấy bà Cả ngồi trong quán, vẻ già nua ốm yếu, người cháu đang đút cơm hay cháo gì đó cho bà ăn.

Từ nhiều năm, quán cơm bà Cả ở cuối ngõ hẻm số 53 đường Nguyễn Huệ đã ngừng hoạt động. Cũng từ nhiều năm, người con gái lớn của bà Cả mở quán cơm Đồng Nhân ở căn nhà phố góc đường Lê Thánh Tôn – Trương Định. Quán cơm Đồng Nhân ở đường Tôn Thất Thiệp do một người con trai bà Cả phụ trách. Quán cơm Đồng Nhân thứ ba ở con đường phía dưới chân cầu Thị Nghè cũng do một người con của bà Cả đứng bán, quán ở nơi khuất vắng nên không nhiều khách như mong đợi, đã ngừng hoạt động.

Cả 3 quán Đồng Nhân đều có bảng nhỏ ghi “Cơm Bà Cả,” danh hiệu quán Đồng Nhân là địa danh quê hương bản quán của bà Cả ở miền Bắc. Ông bà Cả sớm di cư vào Sài Gòn từ những năm 1950. Trong 2 quán cơm mang tên Đồng Nhân hiện nay, quán Đồng Nhân ở góc đường Lê Thánh Tôn – Trương Định đông khách hơn vì địa điểm thích hợp, thuận tiện cho khách để xe vào quán.

Các quán Đồng Nhân đều để bảng nhỏ ghi Cơm Bà Cả, để dân Sài Gòn nhận ra danh tính “vang bóng một thời” của bà Cả. Không những dân Sài Gòn hầu như đều biết quán cơm bà Cả, nhiều người miền Bắc vào Sài Gòn sau năm 1975 cũng nghe nói tới quán cơm bà Cả như một “đặc sản Sài Gòn.”

Quán cơm bà Cả là địa chỉ thân thuộc của chúng tôi từ những năm 1960. Từ lúc đó chúng tôi đã gọi quán cơm bà Cả là “Cơm Bà Cả Đọi,” ngầm hiểu “đọi” là đói; khi đói (mà túi không nhiều tiền) thì vào ăn ở quán cơm bà Cả “đọi.” Cái tên độc đáo này không biết đích xác do vị thực khách nào ăn cơm ở quán bà Cả đặt tên cho quán như vậy. Có người bảo là Huy Cường, diễn viên chính trong phim Xin Nhận Nơi Này Là Quê Hương, đặt cái tên ấy. Có người lại bảo do nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả tập truyện đặc sắc Vác Ngà Voi, “sáng tác” cái tên để đời này.

Khi nghe tin bà Cả mất, với chút ngậm ngùi, chúng tôi nhớ câu thơ của Vũ Đình Liên trong bài thơ Ông Đồ: Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ.

Quán cơm Đồng Nhân, góc Lê Thánh Tôn – Trương Định. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Những năm 1960 hình như quán cơm bà Cả không để biển hiệu, và ai cũng gọi đấy là Cơm Bà Cả Đọi. Nhưng cái ngõ hẻm để vào quán cơm bà Cả thì không thể quên được. Căn nhà phố ở ngoài hẻm mang số 53, cuối hẻm là những bậc cấp xi-măng dẫn lên quán cơm bà Cả. Hẻm 53 không xa Tổng Ngân Khố của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, trên đường Nguyễn Huệ; trước 30 Tháng Tư, 1975, đường Nguyễn Huệ là đại lộ, một trong vài đại lộ lớn nhất của Sài Gòn.

Thoạt đầu trong những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, bà Cả mở quán cơm để phục vụ bữa ăn cho những đồng nghiệp của ông Cả, cùng làm việc ở Tổng Ngân Khố, sau đó mở rộng đón khách ăn cơm quán xá. Quán cũng là nơi ở của gia đình ông bà Cả, một căn nhà phố rộng khoảng năm – sáu mươi mét vuông ở lầu 1. Căn phòng chính duy nhất của căn nhà ở lầu 1 này bày được ba – bốn cái bàn và một cái đi-văng rộng để khách ngồi ăn. Thông thường, một nhóm khách cùng rủ nhau ăn cơm bà Cả thì ngồi trên đi-văng; các bàn dành cho hai – ba người; thêm một bàn nhỏ ở ngay chỗ bậc cấp dẫn lên, chỉ đủ cho một người ngồi ăn. Chúng tôi thường thấy một bà đầm già người Pháp ngồi ăn một mình, bữa nào cũng chỉ gọi một tô nhỏ canh rau đay và đĩa cơm. Bà người Pháp này không ăn cà pháo chấm mắm tôm như thực khách người miền Bắc; quán cơm bà Cả dĩ nhiên đa số khách là người Bắc di cư năm 1954.

Ngoài những công chức Bắc di cư, chúng tôi nhận ra nhiều thực khách quán cơm bà Cả thuộc giới nhà văn nhà báo, và nhóm bạn của diễn viên điện ảnh Huy Cường, anh chàng “Chính Bắc Kỳ” đẹp trai kiểu “bụi” và thích đùa. Hồi nghe tin Huy Cường mất vì tai nạn giao thông ở cầu Ba Cẳng, chúng tôi báo tin cho bà Cả biết, bà kêu ồ lên, tỏ lời thương tiếc. Bà Cả hỏi thăm ông cha đẻ Loan Mắt Nhung có khỏe không, cũng may lúc đó nhà văn Nguyễn Thụy Long đã sống thoải mái do những tác phẩm của anh được nhật báo Người Việt đăng tải trên báo và in thành sách.

Người con gái lớn của bà Cả với quán cơm Đồng Nhân kế tục Cơm Bà Cả Đọi, gương mặt giống bà Cả như khuôn đúc, càng làm chúng tôi thêm nhớ “những người muôn năm cũ.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT