Thursday, April 18, 2024

Cháu phải làm gì bây giờ?

LTS:Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Từ ngày bố mẹ cháu mất vì tai nạn xe cộ, năm ấy cháu mới 10 tuổi.

Người dì lớn đem cháu về nuôi và thương yêu như con ruột. Dì cháu rất tốt, cháu ở với mấy anh chị con của dì, chan hòa như không có sự khác biệt.

Tuy được thương bằng với các anh chị, nhưng lúc nào cháu cũng để ý, lo phụ giúp dì, dọn dẹp nhà cửa khi có thì giờ. Cháu cũng phụ giúp bà ngoại, cũng đang ở chung với dì, mỗi khi ngoại nấu nướng. Cháu hiểu rằng, dù thương bao nhiêu thì cháu cũng không sao bằng các anh chị, nên cháu luôn biết thân biết phận, lo học hành, đi dạy kèm cho một trung tâm để dành tiền phòng tương lai. Áo quần, giày dép, thì cũng may cháu mặc dư của mấy chị con dì.

Trong nhà, cháu cũng được một phòng riêng như mấy anh chị. Có lần cháu thưa với dì cho cháu ở chung với bà ngoại để dư phòng cho người ta share, nhưng lần nào dì cũng gạt ra. Nhiều lúc cháu thấy dì có vẻ thương và lo cho cháu hơn con ruột. Điều này khiến cháu áy náy vô cùng.

Cách nay hai năm, một người con của dì vào lính Hải Quân. Thời gian anh ấy ở nhà ít lắm, năm khi mười họa mới tạt qua nhà, ở lại vài ngày rồi đi biền biệt. Anh là người thâm trầm, nghiêm nghị, gần như không nói chuyện với cháu bao giờ.

Vậy mà, tối hôm qua, khi cả nhà đi dự một tiệc cưới của người thân, anh vào phòng cháu và bất thình lình ôm chầm lấy cháu. Cháu vùng bỏ chạy hét lên thì ảnh ngồi phịch xuống đất ôm đầu và khóc nấc lên. Bà ngoại cháu chạy ra, thấy vậy, bà ngoại quỳ xuống, xin cháu tha cho ảnh, đừng gọi cảnh sát.

Cháu không biết làm gì bây giờ cô Nguyệt Nga ơi! Cháu phải làm gì? Cháu chưa đủ sức ra thuê nhà riêng để ở. Bà ngoại cháu năm nay đã 86 tuổi. Anh con dì gom hết đồ đạc và bỏ nhà đi từ khuya. Dì cháu vẫn chưa biết gì cả, mấy anh chị em vẫn sinh hoạt bình thường, bà ngoại cháu thì nằm liệt trong phòng.

Cháu phải làm gì bây giờ?

Thi Thi

Góp ý của độc giả:

-Huỳnh Bảy:

Theo tôi nghĩ, có lẽ trong cơn bồng bột nhất thời người anh con dì mới có hành động như vậy. Thi Thi viết: “… ảnh ngồi phịch xuống đất ôm đầu và khóc nấc lên”, điều đó đã nói lên sự vô vàn ăn năn của ảnh. Sau đó ảnh bỏ đi luôn, có lẽ vì quá xấu hổ. Chờ ảnh về, hay Thi Thi đi tìm ảnh, ngồi nói chuyện phải quấy cho ảnh nghe, tỏ ra tha thứ cho ảnh. Anh ta sẽ bình tâm nghe, rồi sẽ xin lỗi Thi Thi. Tôi tin như vậy, mọi sự sẽ ổn thỏa, coi như không có gì xảy ra. Nhớ dặn ngoại đừng cho ai biết.

“Nhân chi sơ, tánh bản thiện”. Hãy đem môi trường “Thiện” đến với người.

-NB:

Đọc thư của cháu tôi thật khâm phục tính cách, bản chất con người cháu: Có ý chí, nghị lực mạnh mẽ, biết định hướng tương lai tự lập cho mình. Cháu còn trẻ mà đã có những suy nghĩ thật sâu xa, nếp sinh hoạt hàng ngày còn cho thấy cháu là một người biết giữ nếp ăn ở khéo léo, tế nhị, hòa đồng, biết chia sẻ trách nhiệm cùng với mọi người trong gia đình. Bởi vậy dì của cháu và các con của dì, tất cả đều yêu thương, đùm bọc cháu hết lòng. Cháu ráng giữ những phẩm chất tốt đẹp này, đừng để chúng bị mai một sau này, chúng sẽ làm nền tảng bền vững cho cuộc đời cháu tiến lên. Đồng thời với tình cảm gia đình thật ấm áp cháu đã may mắn nhận được từ gia đình người dì, cháu hãy bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo mình nên làm gì để những yêu thương gia đình không bị tổn thương, đổ vỡ sẽ rất uổng phí.

Thường khi tự đánh giá tình cảm của mình, nhiều người (nhất là những người còn trẻ, ít kinh nghiệm sống) rất hay lẫn lộn giữa dạng tình cảm này với dạng tình cảm khác. Từ đó họ sẽ có những thái độ, biểu hiện sai lạc. Người anh con dì của cháu đã như thế. Trong sinh hoạt hàng ngày, thân thiện, chan hòa, thương yêu gắn bó, những gì cậu ấy nhìn thấy và nhận được từ cháu đã cho cậu ấy cái cảm giác hạnh phúc, ao ước có được người con gái với những tính cách tốt đẹp hòa hợp cho cuộc đời mình. Nhưng đau đớn thay, lý trí và đạo đức không cho phép cậu ấy tiến tới, hai người có liên hệ họ hàng với nhau. Để cho mình có thêm sức mạnh, bằng mọi cách cậu ấy bắt mình phải rời xa người con gái này: Đi lính, ít về thăm nhà, lạnh lùng, xa cách khi tiếp xúc, che dấu tình cảm của mình. Thế nhưng có lẽ sức mạnh này chưa đủ khả năng đè nén được cơn bão lòng của mình, gặp khi hoàn cảnh vắng vẻ thuận lợi, cậu ấy đã không kiềm chế mình được, đã bột phát hành động không phải. May mắn thay cháu đã có phản ứng tự vệ mạnh mẽ, và kể cả cậu ấy trong tiềm thức, bản chất đạo đức hướng thiện vẫn còn, cậu ấy đã dừng lại. Cứ nhìn thái độ cậu ấy sau đó: sụp đổ, bật khóc cũng đủ cho thấy cậu ấy xấu hổ, ăn năn, hối hận về hành động sai trái của mình. Rồi thu xếp đồ đạc rời nhà ngay lập tức. Tôi đoán chắc giờ này cậu ấy đang rất đau khổ vì đang mang tâm trạng dằn vặt, ân hận, tự trừng phạt mình.

Danh ngôn có câu: “Khi biết tha thứ bạn sẽ mỉm cười nhiều hơn, biết cảm nhận sâu sắc và dễ thông cảm với người khác”.

“Tha thứ là một điều thật lạ kỳ. Nó làm ấm con tim và làm mát cơn đau.”

Vì bản chất con người cậu ấy vẫn còn biết phải trái, đúng sai, vì sự việc xảy ra chưa đến mức nghiêm trọng, vì những ân tình gia đình quý giá không nên đánh mất, cháu hãy mở lòng tha thứ cho cậu ấy và quên đi tất cả. Điều này sẽ làm cho cháu thấy lòng mình thanh thản hơn. Việc bây giờ cần làm ngay là phải ở cạnh bà ngoại, nói cho bà biết là cháu vẫn an toàn, cháu đã hiểu và tha thứ cho người anh, sự việc xảy ra chỉ ba người biết, những người còn lại trong gia đình tuyệt đối không được biết để tránh xáo trộn, đổ vỡ. Người già rất nhậy cảm với những vấn đề liên quan đến đạo đức, gia đình, bà cụ sẽ suy sụp ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Riêng bản thân cháu hãy cứ tiếp tục sống tốt như trước, không cần phải dọn ra ngoài sẽ gây câu hỏi thắc mắc cho gia đình người dì, điều này sẽ ảnh hưởng đến tình thương của họ đã dành cho cháu bấy lâu nay. Hơn nữa dì của cháu đã rất tế nhị khi cho cháu có căn phòng riêng để sinh hoạt, chỉ cần cháu cẩn thận, an toàn, riêng tư, bảo vệ cho mình là đủ. Tiếp tục học và làm việc, tích lũy kiến thức và tiền bạc, sống chan hòa trong gia đình. Đến khi cháu đủ khả năng sống tự lập, khi có lý do chính đáng (đi làm xa, lập gia đình,…) lúc đó cháu xin ra riêng cũng không muộn, sẽ không phụ lòng người dì đã cưu mang cháu. Dì cháu sẽ rất vui vì mình đã làm tròn trọng trách nuôi dưỡng đứa cháu côi cút thay cho vợ chồng người em đã khuất.

Đối với người anh con dì, cậu ấy là người hướng nội, có tính cách phức tạp, khó chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình với người khác, khi gặp chuyện bất thường có thể có những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Do đó, nếu sau này có gặp lại cậu ấy, cháu hãy tỏ ra bình thản. Hãy nói là cháu hiểu và thông cảm với những cảm giác và suy nghĩ nhầm lẫn của cậu ấy, cháu trân trọng tình cảm gia đình, vẫn muốn giữ tình cảm anh em trong sáng, cháu đã tha thứ và đã quên hết. Thái độ bình tĩnh, trái tim vị tha độ lượng của cháu sẽ giúp cậu ấy bình tâm trở lại, sẽ biết nhận lỗi với cháu, sẽ biết sửa sai chính mình.

Mọi việc sẽ ổn, mây mù sẽ tan, không khí gia đình vẫn chan hòa, thương yêu.

Thân ái tặng cháu câu danh ngôn rất hay này: “Tha thứ và để quá khứ qua đi là cách bạn bước đi trên con đường mang tên “Hạnh phúc.”

Chúc cháu luôn nghị lực, mạnh mẽ, gặt hái thành công trong cuộc đời mình.

-Mỹ Ngọc:

Hoàn cảnh của bạn khó xử thật, nhưng trên đời chuyện khó khăn mấy rồi cũng có cách tháo gỡ. Nói thật với bạn, tự nhiên mình thấy thương thật thương anh của bạn. Theo mình thì bạn buồn, đau khổ một, chứ anh ấy sẽ buồn và đau khổ muôn vàn lần hơn bạn. Chắc anh ấy đang thất vọng, nếu không muốn nói tuyệt vọng về bản thân mình. Anh ấy, chắc đang dày vò, chửi rủa bản thân mình.

Hãy vực anh ấy dậy, anh là người tốt qua thái độ sau khi phạm lỗi. Hãy khéo léo, nói lời tha thứ với anh bạn. Lời thông cảm của bạn sẽ giúp anh trở lại bình thường trong cuộc sống. Lời thông cảm của bạn trong lúc này có giá trị rất to lớn. Nó xóa tan mặc cảm của anh và nó đã âm thầm cứu vớt cả gia đình, trong đó có bà ngoại đang tuyệt vọng. Hãy nói với ngoại bình tâm lại, hãy nói với ngoại lòng bạn lúc nào cũng thương yêu gia đình và muốn gia đình tốt đẹp.

Chúc bạn mạnh mẽ và sống tốt như đang sống rất tốt.

*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi được con gái bảo lãnh qua du lịch. Trong thời gian ở lại Mỹ, tưởng rằng được trò chuyện sum vầy với con cháu, ai ngờ tụi nó đi suốt, tôi ở nhà đi vô đi ra thui thủi một mình. Thấy tôi than, con gái tôi mới nói, hay là mẹ đi làm với chồng con cho vui, mà lại có tiền xài. Nghe có lý, tôi nhờ con rể xin làm nơi nhà hàng do nó quản lý. Trước là để có việc làm đỡ cuồng tay chân, sau nữa là cũng có chút tiền đem về VN sửa lại căn nhà.

Khi đem tôi vào làm, không biết vì duyên cớ gì con rể tôi giới thiệu với mọi người tôi là người cùng làng. Nó nói sao tôi hay vậy, nó cũng dặn tôi, không nên xía vào chuyện của nó. Nó dặn tôi cứ làm tốt công việc của mình.

Sáng sáng nó chở tôi đến quán, giao cho tôi công việc trong ngày, rồi suốt một ngày làm việc nó không nói với tôi bất cứ câu nào, ngoại trừ những khi tôi lớ quớ làm sai, thì nó rầy la như nó từng rầy la những nhân viên khác, không hề có sự nhân nhượng tôi là mẹ vợ nó. Tôi không rành về liên hệ chủ tớ ở đây, nhưng thấy nhân viên sợ nó một phép. Trước mặt cũng như sau lưng không ai dám hó hé điều gì. Cả tôi nữa, cái sợ như lây lan, tôi đâm ra sợ nó, không bao giờ tôi tiết lộ với bất cứ ai chuyện nó là con rể tôi.

Qua thời gian làm ở đây, tôi nghe chút chỗ này, chút chỗ kia và biết được nó đang cặp với một… anh chàng hay tới quán ăn. Hèn gì nó cảnh cáo tôi không được xen vào chuyện gia đình nó. Nhưng nó nói tức cười quá! Gia đình nó là ai? Vợ nó là con gái của tôi mà.

Rồi thì một hôm, trên đường về, tôi đem chuyện này ra hỏi. Nó không nói không rằng, ngừng xe lại và nói như ra lệnh: Bà bước ra khỏi xe, con đã nói rồi, chuyện gia đình con, bà không được xen vào. Thật là quá đáng, may mà tôi có phone riêng để gọi con gái đến chở về, không thì đất lạ quê người biết đâu mà mò về nhà.

Về đến nhà, tôi quyết định không nói gì cả. Tôi thấy chuyện này kinh khủng quá! Tôi quê mùa, cũng nghe đâu đó chuyện trai với trai, gái với gái… nhưng không ngờ đó là chuyện có thật và lại càng kinh hoàng hơn khi chuyện đó xảy ra trong gia đình mình. Lâu nay ở chung nhà, tôi thấy nó là đứa thương vợ thương con, là người chồng chu đáo, về nhà là xắn tay áo tắm rửa, lo cho con, chơi với con, lo cho vợ, mà mừng rằng con gái có chồng tốt. Vợ nó mới là người hư, đỏng đa đỏng đảnh, không đụng móng tay bất cứ công việc nào trong gia đình. Tôi là mẹ ruột mà còn bực con gái nữa là.

Tôi thật phân vân không biết nên nói tất cả với con gái, hay cứ im lặng, vì vợ chồng nó cũng đang sống rất vui vẻ, hạnh phúc.

Hương Sen

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Giáo sư Orchid Lâm Quỳnh và chuyện học thêm(1/2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT