Thursday, April 25, 2024

Chuyện Bà Nội, chuyện Bà Ngoại

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Thưa cô Nguyệt Nga, em lấy chồng là con một. Vợ chồng em hiếm muộn, đi bác sĩ nhiều nơi nhưng làm như có cái huông. Tụi em cũng chỉ có được một con trai. Đứa cháu đích tôn duy nhất được ông bà nội cưng như cưng trứng.

Vợ chồng em đang ở với ông bà nội. Cuối tuần thường cho cháu về bên ngoại thăm. Nhà ngoại thì con cháu đầy đàn, cuối tuần nào cũng tụ tập bao nhiêu là trẻ con nên đứa con trai của em vui lắm, cứ mong cuối tuần để về ngoại.

Có một điều làm em bực mình, là mỗi khi từ nhà ngoại về, bà nội thường ôm cháu nựng nịu: “Sao con, con qua đó có ai đánh con không? Bà ngoại có cho con ăn không? Có anh chị nào giành đồ chơi của con không?”. Em biết bà nội nhớ cháu, dù chỉ xa có mấy tiếng đồng hồ, chỉ ưa ôm ấp nựng nịu chứ không có ý gì. Nhưng thằng nhỏ thấy bà nội hỏi bằng một giọng quan tâm, tràn đầy thương yêu, cưng quý thì bắt đầu mếu, mắt đỏ lên… bà nội sốt ruột, tưởng thiệt tới tấp hỏi tiếp: “Biết ngay mà! con có sao không, nói cho nội biết, tại sao khóc, nói đi…” Rồi thì xem lưng, tay, chân, khắp thân mình để tìm dấu vết. Còn thằng bé thì cứ ôm lấy nội ấm ức, khóc không ra khóc mà nín cũng không ra nín. Bực mình! Có hôm bà nội còn tuyên bố: “Để nội đánh nó cho con nghe” Em chẳng biết “nó” là ai.

Những lúc như thế gan em lộn lên đầu, chỉ muốn nện cho thằng bé một trận. Nó lèo nhèo, ẻo lả… suốt ngày bám chân bà nội.

Em nói với chồng thì anh ấy bảo: Mẹ già rồi, mẹ chỉ có mỗi thằng cu là cháu, nên thôi, em cứ phiên phiến cho qua đi. Thì em cũng cho qua, nhưng sốt ruột vì thấy con hư. Sau này em còn khám phá ra, vì bà nội “ép cung” nên thằng bé bắt đầu bịa chuyện để kể. Nó kể con thích mà bà ngoại không cho con ăn. Thế là bà nội cứ luôn miệng: “Tội cháu tôi chưa! Cháu tôi đã da bọc xương mà còn ốm đói nữa”.

Trời ơi là trời! Em không cho nó qua ngoại nữa.

Tưởng thế là ổn, thì bên ngoại lại trách cứ: “Biết ngay mà, bà nội úm thằng nhỏ, sợ ra ngoài vi trùng nó ăn,”

Ôi Trời!

Hồng

Góp ý của độc giả:

  • Kính:

Thưa cô Hồng, cô dùng chữ “ép cung” hay lắm! Trẻ nhỏ đầu óc nó như tờ giấy trắng, nó đâu có biết đằng sau câu chuyện là cuộc chiến muôn đời của hai bà sui gia. Nó chỉ là cái cớ để hai bà vin vào để dày xéo nhau, chì chiết nhau. Cho nên theo tôi, mỗi khi bà nội “ép cung” cô nên kiếm một cái cớ gì đó ẵm thằng nhỏ đi chỗ khác, hay làm bộ xen vô hỏi bà nội câu gì đó để lái câu chuyện sang chỗ khác.

Cũng không nên cấm thằng nhỏ về ngoại, chỉ làm hố sâu ngăn cách càng ngày càng lớn hơn. Với bà ngoại, là mẹ ruột của mình, cô nên nhẹ nhàng phân tích cho mẹ thấy, mẹ đừng nói như vậy, cháu nó đâu có hiểu gì. Với mẹ ruột thì dễ, cô cứ nói hết những suy nghĩ của mình, mẹ nào mà chẳng thương con cháu, nên mẹ sẽ nghe theo mà không hành tỏi như đã làm.

Mệt thật đó! Mong thật mong cô sớm lấy lại bình an giữa cuộc chiến tranh của hai bà sui.

  • Quỳnh Tiên:

Theo em, chị nên để ý đến cháu bé. Cháu chắc đã nói rành và cũng hiểu và biết cách làm thế nào để được thương hơn. Biết cách nói để bà nội cho ăn những thứ bà ngoại cấm… Con nít nó giỏi lắm, nó hiểu hết đó. Nếu mình cứ nghĩ nó bé không hiểu gì mà cho qua những hành động nhỏ, thì coi chừng sẽ là mầm mống của những điều to lớn sau này.

Em thấy chị quan tâm đến những lời của hai bà nội ngoại nhiều hơn. Không cần đâu chị, cái đáng lo là cho đứa trẻ. Khi bà nội hỏi có bị đánh không thì cháu lại rơm rớm nước mắt mà không chị trả lời ngay: dạ không, không ai đánh con hết. Khi bà nội coi mình mẩy thử có thương tích không, thì thằng bé rươm rướm khóc và cứ để cho nội tìm. Còn méc với nội là ngoại không cho ăn.

Cháu đã có mầm hư và nói láo rồi đó chị. Đó là vấn đề lớn trong lá thư của chị.

Lời thật mất lòng, em muốn nói những điều em suy nghĩ.

  • Thắm:

Trong cuộc sống, ưng ý, hài lòng mọi thứ thì không phải là cuộc sống nữa. Tôi có người bạn, cô ấy hay nói: Không bao giờ yên thân, cứ yên chừng một tuần, thì thế nào cũng có chuyện phiền toái xảy ra.

Tôi khuyên bạn nên làm hòa với đời sống, có thế mình mới an bình.

Trường hợp của cô, cô nên nghĩ đến những cặp vợ chồng có con nhưng không có bố mẹ đôi bên ở gần. Hằng ngày cô phải ôm con đi gửi babysister. Con có thế nào cũng chẳng dám hó hé, chẳng dám giận lẫy không mang con gửi, hay cằn nhằn với chồng. Có người bạn trong sở tôi, nói, em không sợ chồng li dị mà em sợ nanny của em bỏ em.

Cô còn được cha mẹ cả đôi bên thì nên lấy đó làm vui. Bà nội, bà ngoại có nói tí gì thì cũng phải cúi đầu vâng dạ. Ai mà trông con cho mình bằng bà nội bà ngoại mà cô than!

  • Kim:

Hi em, em sốt ruột là phải. Nhưng hãy bình tĩnh. Ông bà mình có câu: “Bé không vin, cả gẫy nhanh”, tình cảm gia đình là trọng, nhưng việc dậy dỗ con còn quan trọng hơn. Con một không có nghĩa là mọi điều, mọi người phải tập trung vào cháu. Em không thể “phiên phiến” cho qua được. Vì đây là nền tảng cho đạo đức của cháu sau này. Gián tiếp dạy trẻ con những điều dối trá, gián tiếp biến trẻ con thành công cụ, để trả đũa lẫn nhau, đều là những điều không thể chấp nhận. Khi em biết được những hành xử không đúng của cháu, dù rằng dưới bất cứ hình thức nào, “ép cung” hay mớm cung, em nên face to face nói chuyện với cháu. Bỏ qua, cháu sẽ tái diễn khi có cơ hội. Rồi sẽ thành một thói quen xấu. Em hãy tạo một kỷ luật cho cháu. Nhẹ thì time out, nặng thì cuối tuần không được đi chơi, hoặc both. Không một ai được can thiệp, dù là bố hay bà. Em cũng đừng nhọc tâm để ý khi bà ngoại cằn nhằn. Hãy cho bà biết cháu bị phạt cuối tuần vì đã không ngoai. Còn bà nội, time out của cháu sẽ khiến bà suy nghĩ. Đừng nao núng, đừng áy náy nếu bà đưa ra những yêu sách hay vật vã. Spend more time với cháu để hướng dẫn cháu tự lập và có trách nhiệm. Nghe thì lớn lao nhưng mỗi tuổi có một mức độ khác nhau. Em sẽ phải vất vả với cháu nhiều bây giờ, nhưng sẽ là một hãnh diện về cháu sau này.

Chúc em vững tay lái, cứng tay chèo.

Vấn đề mới:

Chúng tôi ly hôn hơn 20 năm. Mặc dù cả hai đều đã tái hôn. Nhưng đối với gia đình hai bên, tôi và anh ấy vẫn không có gì thay đổi. Khi về Việt Nam, tôi vẫn đến thăm “bên nội” vẫn quà cáp cho các anh chị, các em…

Ở Việt Nam, anh ấy vẫn qua lại với các em tôi. Ngay cả con của ảnh sau này cũng gọi các em tôi bằng “dì”.

Nói chung là chỉ có chúng tôi là đường ai nấy đi, còn thì gia đình đôi bên không có gì thay đổi.

Trong phần ly hôn (không có tôi tham dự), ảnh xin với tòa “chia phần”: Con cái do mẹ nuôi vì mẹ có điều kiện. Tài sản: Không có gì đáng kể. Nghe mà ngao ngán, nhưng tôi cũng đồng ý.

Hai con tôi nay đã lớn, có gia đình và sự nghiệp. Gần đây, ảnh bán căn nhà đứng tên chung với tôi, để mua lại hai căn, một căn để ở và một căn cho thuê. Nhưng vẫn than vãn thiếu thốn, cần trợ giúp. Tối ngày ảnh cứ réo tiền hai đứa nhỏ. Tôi quá bực mình. Một người bạn của tôi góp ý: Trả hiếu bằng tiền là rẻ nhất, chị nên khuyên hai cháu trả hiếu cho xong. Tôi cũng nghe lời bạn, nói với con, hằng tháng gửi tiền cho ba tiêu, dù gì thì ba vẫn là người sinh ra hai con. Tụi nhỏ cũng cho, nhưng chỉ được vài tháng lại quên, vậy là ba nó lại réo. Tôi lại nhắc con… Nhiều lần quá khiến sau này, tôi cũng ngại nhắc, bỏ tiền túi ra cho xong. Mới vài tháng trước, gọi réo cái máy lạnh, 500 đồng, con tôi nhờ tôi đi gửi tiền, nhưng lúc đi nó chỉ đưa 400, nói là không có đủ tiền mặt. Vậy là tôi phải bù vô 100, cho đủ 500.

Gì kỳ vậy? Tôi đâu có bổn phận, trách nhiệm gì về vụ này. Nhưng sự thể cứ đẩy đưa khiến tôi lâm vào tình huống này hoài.

Lắm lúc tôi muốn nói thẳng với ảnh: Anh đâu có gieo trồng mà nay đòi gặt! Bán bớt một căn nhà, lấy tiền mà sống, sao lại cứ nhờ con! Cùng lắm thì đi làm đi, đã già đâu mà ngồi không để hưởng. Nhưng rồi lại im không mở miệng được và cứ tiếp tục chịu đựng những điều đáng ra không phải chịu.

Tôi cứ im lặng, cứ tiếp tục ngu đưa tiền ra, rồi tiếp tục rủa thầm. Thưa cô Nguyệt Nga, có cách nào, đừng nói thẳng mà vẫn đạt hiệu quả không?

Thiều Lê

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT