Thursday, March 28, 2024

Có nên bỏ chín làm mười

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]View Postm

PN-bo9lam10

(Hình minh họa: Getty Images)

Thưa chị Nguyệt Nga, bố mẹ tôi không có con trai, gia đình gồm một bầy con gái, vui thì thật là vui, nhưng nhiều chuyện cũng không đâu bằng. Cứ mỗi lần tụ tập mấy chị em là um sùm chuyện của đứa này, đứa kia, nhức đầu nhức óc.

Gần đây nổi cộm nhất là chuyện của người chị cả. Chị ấy thẳng tính, nói năng bổ bả, cứng đầu, thường cho mình là khôn ngoan nhất bực, chưa kể nhiều khi rất vô duyên. Tuy vậy mấy đứa em, trong đó có tôi, cũng lấy chín làm mười mà cho qua chuyện. Nhưng có một tính của chị, tính này khiến các cô em bực mình, và cho rằng chị ấy đã không tôn trọng gia đình.

Thí dụ trong câu chuyện, khi nhắc đến người chú hay cô của chúng tôi thì chị ấy nói: “Thằng chả”, “Con mụ đó”, “Ẻm nói…” Chúng tôi rất bực mình, càng bực hơn khi những danh xưng này chị chỉ dành cho những người trong gia đình chúng tôi, còn gia đình chồng chị, thì bao giờ chị cũng gọi một cách trân trọng: “Chú Hai”, “Cô Tám”…

Có một sự phân biệt đối xử biểu lộ qua cách xưng hô rất rõ rệt giữa gia đình chồng và chính gia đình mình (tức là gia đình chúng tôi). Chúng tôi có lên tiếng về điều này, nhưng chị lại phản bác bằng lý luận: “Vẻ chuyện! Tao kêu vậy là thân mật vì họ là những người ruột thịt, còn phía bên kia, thì vì người dưng nên tao phải lịch sự…” Cách chị giải thích nghe chướng tai và bực kinh khủng! Phần tôi là con út, cách chị cũng khá nhiều tuổi nên tôi không dám thẳng thắn nói. Vì thế càng ngày chị em càng xa nhau, tại tôi quan niệm, trong cuộc sống mình đừng làm điều gì khiến nó nặng nề thêm. Tôi không giải quyết được nên cách hay nhất là tôi “biến” khỏi mối liên hệ “chị em” với chị ấy. Những buổi họp chung gia đình, mà ngày xưa rất vui, đầm ấm thì nay, tôi tìm đủ mọi cách để lánh mặt. Nhiều khi tôi thấy thật là vô lý, khi mình cắt đứt mối liên hệ của hai chị em, và vô tình với các chị khác nữa. Nhưng biết làm sao, tôi đã tế nhị góp ý nhiều lần nhưng lần nào cũng bị gạt ra, có khi còn bị mắng té tát vào mặt, thì tôi đành giải quyết theo cách của mình.

Đời sống không còn bao lăm, mà chị em lại chia rẻ vì một lý do rất càng rỡ. Chị ấy cứng đầu, tôi cũng cứng đầu, và kết quả là chị em không nhìn nhau. Ban đầu thì tôi không quan tâm đến, nhưng về lâu về dài, mối xa cách giữa hai chị em, lại kéo theo những chị khác khiến tôi sống không yên, nó cứ bám riết tôi làm tôi khổ tâm.

Tôi có kể cho con gái nghe, thì cháu bảo: Mẹ phải giải quyết, đừng tự làm khổ mình, dì ấy không hay biết vẫn sống phây phây, còn mẹ thì băn hăn bó hó. Giải quyết cách nào cũng phải làm sớm để đừng bận tâm.

Thưa cô Nguyệt Nga, và quý độc giả quả tình tôi không biết cách nào giải quyết. Có nên bỏ chín làm mười, để chị em như xưa không? Hay làm cho một mạch để chừa cái tính tự phụ. Tôi rất mong nhận được sự góp ý, xin vô cùng cám ơn.

HoaNguyen

Góp ý của độc giả:

*Lão Gia:

Về câu hỏi của Hoa Nguyễn, có thể là người chị cả của Hoa Nguyễn có vấn đề nhạy cảm như là bị ‘molested’ bởi người chú khi nhỏ mà không dám nói với ai nên có thái độ như vậy chăng?

*Bà Tính:

Tôi thấy chuyện cũng đâu có gì mà ầm ĩ. Chị em gái nhà nào mà chẳng khấu ó lẫn nhau. Cách suy nghĩ của cô chị cả cũng là cách suy nghĩ của nhiều người, có điều họ thể hiện vào chuyện khác thôi. Thí dụ tôi có bà bạn, suốt ngày bà cứ than với tôi, con gái bà thương và trọng mẹ chồng hơn mẹ ruột. Hỏi thì bà ấy kể rằng, những ngày Lễ Tết, bao giờ nó cũng nhớ để gọi điện thoại, text chúc mừng, sinh nhật thì nó mua quà, mà quà nào cũng xứng đáng, Giáng Sinh, Mother’s day… bao giờ cũng lo lắng quà cáp cho mẹ chồng. Còn mẹ ruột thì đừng hòng có cái gì. Hỏi xa gần thì nó giải thích, đương nhiên là mình thương mẹ mình hơn mẹ chồng, nhưng mẹ mình thân quá, nếu chúc tụng, quà cáp thì đâm ra khách sáo.

Đấy, chị cô cũng nghĩ thế, đôi khi gọi mày tao chi tớ lại biểu tỏ tình cảm, âu yếm không biết chừng. Cho nên chị em có gì thì nói, nói không được thì nhịn, đâu có gì ghê gớm lắm đâu mà đến nỗi không nhìn mặt nhau lận. Thế gian nhân vô thập toàn, chắc gì cô đã không khuyết điểm. Mong cô suy nghĩ mà xóa bỏ giận hơn. Như con cô nói mà đúng, giận thì chỉ khổ thân.

*Thiên Hà:

Bực mình thật, tôi nghe cô kể mà còn bực mình, huống chi cô là người trong cuộc. Tôi thấy bất kể người trong gia đình hay ngoài gia đình, nếu họ lớn hơn mình thì không bao giờ nên gọi kiểu xách mé như vậy. Tôi có một kinh nghiệm trong chuyện xưng hô này.

Tôi có ngưới bố dượng, ông rất tốt và rất đáng trọng. Ngày ông đến làm quen với mẹ tôi, tại ông có bộ râu rất đẹp và rất hãnh diện với bộ râu của mình. Cả nhà, từ ông ngoại đến các dì cậu, đều gọi ông là “ông Râu”. Lúc đó tôi cũng đã lớn, cũng hùa theo với gia đình gọi “ông Râu” trong câu chuyện. Chẳng một ai trong gia đình la rầy tôi. Cho đến lúc mẹ tôi có baby với “ông Râu”. Một hôm mẹ tôi gọi tôi lại và nói: Từ nay con đừng gọi Ba của Xíu bằng Ông Râu nữa, em còn nhỏ chưa hiểu gì nhưng đến khi em lớn nó sẽ bắt chước con mà gọi ba nó bằng “ông Râu” thì kỳ lắm.

Từ đó tôi không bao giờ gọi dượng tôi bằng “ông Râu” nữa.

Trở lại câu chuyện của cô, mình xưng hô với nhau mình còn phải nghĩ đến thế hệ kế tiếp, mình gọi bậc cha chú như vậy, con mình sẽ bắt chước, không nên.

Chúc gia đình cô sớm có không khí vui vẻ với nhau.

*VanNguyen:

Mến gởi chị Hoa Nguyễn,

Gần đây tôi nghiệm ra được một bài học, đó là khi mình không thể thay đổi được người khác thì hãy tự thay đổi chính mình, nếu như mình vẫn còn muốn tiếp tục mối quan hệ với người đó. Đôi khi tính cố chấp sẽ làm cho mình mất đi một người thân hay một người bạn.

Cách nói chuyện của người chị cả làm chị thấy khó chịu, nhưng nếu chỉ vì chuyện đó mà để tình cảm chị em sứt mẻ thì không đáng chút nào. Để khắc phục tình trạng này, khi gặp nhau, hãy bớt bàn về chuyện mấy cô mấy chú, còn nếu có tình cờ nhắc đến thì chị hãy lãng ra chỗ khác hoặc im lặng, cứ nghĩ là cha mẹ sanh con trời sanh tánh, thôi kệ chỉ đi!

Con gái chị nói đúng, người đầu tiên chuốt lấy sự bực bội là chị, cho nên chị phải giải quyết, phải thay đổi cách suy nghĩ của chị nếu chị muốn hàn gắn tình chị em và để cho bản thân chị cảm thấy thoải mái hơn.

*Vấn đề mới:

Gần đây, em thấy những người ngoại quốc, đứng giữa đường xin tiền hơi nhiều. Họ nhiều dạng khác nhau, nhưng họ có chung một mẫu số, là còn trẻ và rất mạnh khỏe. Có khi là những cô gái khỏe mạnh chừng trên dưới 20. Cũng có khi là những thanh niên vừa đứng cầm bản: “no food, no money…” tai thì vừa nghe nhạc và lắc lư liên tục…

Sáng nay đi làm, em thấy một ông, cầm bảng, đi dọc theo vạch trắng giữa hai lane để đến từng xe xin tiền. Những người cho tiền phần lớn là người Việt Nam, phần nhiều là người cho tiền ốm yếu, già cả hơn người đi xin.

Phần em, nói rất thật là em chẳng bao giờ cho tiền những người đó, chưa kể mỗi lần ông xã em cho, em còn cự ảnh nữa. Nhiều khi ảnh không ở lane trong, cũng ráng vẫy tay ra dấu cho họ băng qua lằn xe để đến lấy tiền. Em bực lắm, nói thì anh ấy cho rằng em bủn xỉn tiếc chi 1 đồng cho người đói khổ.

Em không tiếc 1 đồng nhưng em ghét những người lười biếng thích có tiền mà không chịu đi làm. Em cằn nhằn ông xã em: Em tin là trong việc cho tiền người Mỹ, có ít nhất là 80% tự ái dân tộc của anh được vuốt ve. Nếu đó là người Việt Nam, chắc anh sẽ ít thích cho họ hơn. Em bực mình nên nói năng ngang tàng với chồng mình. Tự dưng mỗi khi hai đứa đi với nhau, mà có một người ăn xin đứng đường thì lại hầm hầm để ý nhau. Những lúc ấy, em cứ mong đèn xanh mãi cho xe không ngừng lại, để cái ông đi xin kia không thể trờ tới xe em nhận tiền. Khi nào thế em cười thầm trong bụng, rất đắc ý. Nghĩ rất trẻ con và buồn cười. Em muốn hỏi cô Nguyệt Nga, em có đúng không hay em làm thế là vô nhân đạo, và không biết ơn đất nước đã cưu mang mình?

Con Cún

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT