Thursday, March 28, 2024

Đàn ông hai vợ phải thương cho đều

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi lấy phải ông chồng trăng hoa. Tôi lại là người sợ tai tiếng nên chuyện gì cũng muốn “úm” không dám hở ra ngoài, sợ tiếng đời cười chê.

Chồng tôi vượt biên qua trước, sau đó mới bảo lãnh mấy mẹ con qua. Trong thời gian ở một mình, ổng dính với một cô bồ cũ. Họ có con với nhau, và sống với nhau như vợ chồng. Đến khi đón tôi qua, thì sự đã rồi. Chồng tôi cũng thành thật tất cả mọi chuyện và tùy vào quyết định của tôi. Tôi muốn sao thì chồng tôi cũng theo hết.

Thật khó cho tôi, tôi suy nghĩ nát óc, nếu bắt chồng chấm dứt thì cũng không đành lòng. Đàn ông mà, vợ bên cạnh mà còn có biến huống chi xa vợ bao nhiêu năm. Tính tôi thì cũng không muốn to chuyện, xấu chàng hổ thiếp. Tôi đồng ý, cho ảnh ở nhà cô kia 4 ngày trong tuần, vì con họ đang còn nhỏ (mới có 2 tuổi), và ra điều kiện khi đứa bé đến 5 tuổi thì chấm dứt chuyện ở như vậy.

Chồng tôi mừng lắm. Phần tôi, tuy là nói cứng, nhưng lòng như cắt từng khúc ruột. Bao nhiều năm xa chồng, nay phải xa tiếp. Các con tôi không đồng ý, nhưng tôi vẫn muốn thực hiện một thời khóa biểu như vậy.

Những ngày ở với tôi, chồng tôi thay đổi hẳn tính cách ngày xưa, không chồng chúa vợ tôi, không lơ là việc nhà. Ổng chăm sóc, lo lắng cho gia đình chu toàn trong ngoài. Ngay cả những ngày ở bên kia, ổng cũng thường gọi điện hỏi thăm và dặn dò có gì là phải gọi ngay. Những hôm đổ rác, nhằm thời gian ở bên kia, ông cũng lái xe về sớm để kéo thùng rác ra. Ổng thay đổi hẳn tính tình, đến độ đôi lúc tôi cảm ơn cô gái đã thay đổi chồng tôi.

Qua một năm yên ổn, hòa bình trật tự đôi bên rất được tôn trọng.

Nhưng mới đây, những ngày chồng tôi ở nhà (theo thời khóa biểu đã qui định) thì cô ấy hay gọi. Khi thì con đau, khi thì tủ lạnh hư, khi thì máy giặt hỏng, khi thì ống cống tắt… Thường thì chính tôi là người hối thúc chồng tôi qua “bên ấy” giúp người ta. Nhiều lần xảy ra khiến tôi chú ý, tôi thấy không có ngày nào chồng tôi ở nhà mà cô ấy không réo gọi. Lần nào gọi thì tiếng con nít cũng khóc ầm ĩ đầu dây bên kia.

Qua nhiều lần như vậy, tôi có hỏi, thì chồng tôi thú thật, cô ấy “ghen”!

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi phải làm sao? “Thời khóa biểu” là do tôi qui định. Tôi nên “dẹp” cái thời khóa biểu “cao thượng dỏm” kia cho cô ta biết tay không? Hay nén nhịn chờ cho con cô ấy đủ 5 tuổi (còn 1 năm nữa). Tôi xin quí độc giả giúp tôi ý. Xin cám ơn.

Thanh

Góp ý của độc giả:

*DN.:

Chào cô Nguyệt Nga và quý độc giả, tôi nghĩ phần lớn đàn ông hay có tính trăng hoa… Với tôi rất thẳng thắn: tuyệt đối là không có nạn “chém cha cái kiếp chồng chung”. Tôi thấy thiên hạ sống như thế được cũng hay. Tôi luôn tự hỏi sao lại thế được nhỉ, tôi không thèm ghen với loại đàn ông như thế và cho đi luôn. Vì giữ cái xác mà không có cái hồn và cũng chẳng mong “lá rụng về cội”. Tôi lấy kinh nghiệm của chính tôi chứ không phải nói theo chuyện của người ngoài cuộc! Tôi nói rõ ràng và đến tận nơi nói chuyện với kẻ thứ 3 là, nếu được thì giữ luôn đi, tôi nhường và ngay đêm nay cấm không cho về nhà, thế là bỏ cuộc và đi về, bởi hai kẻ cùng ngoại tình, tôi nói nếu không chấm dứt tôi sẽ gọi điện nói chuyện với chồng người kia, còn chuyện người thứ hai không rõ hoàn cảnh nhưng tôi cấm cửa thế là chồng tôi không dám lăng nhăng… Vì biết tính tôi nói là làm, và sẽ chẳng kiếm ai hơn tôi! Hihihi… còn liếc ngang liếc dọc, tôi nói muốn liếc ở đâu thì liếc, gần nhà tôi mắc cỡ với họ thôi, vén màn ngó, tôi kéo toan màn cho ngó, thế là sợ!

Có thể là mỗi người khác nhau, và của ai người nấy hiểu đối tượng của mình. Nhưng quý vị cứ can đảm thử xem có hiệu quả không. Có lúc tôi phải nói “mong có người rước giùm cho tôi nhẹ gánh…” giờ thì đã ngoài 70 rồi, lâu lâu nói lén vợ trên phone chứng tỏ còn hào hoa phong đòn gánh. Tôi nghe được chỉ nói “hay ho gì, người ta có tin hay cười cho đấy!”

Đôi lời chia sẻ mong người hỏi sớm giải quyết vấn đề để khỏi nhức đầu.

*Huỳnh Bảy:

Té ra thì chị cũng ghen với cô ấy đấy.

Chị đã hy sinh được 4 ngày/tuần rồi, thì hãy thử hy sinh thêm một chút nữa đi, ngay cả nhường luôn ảnh cho cô ấy, thì cũng chẳng sao đâu.

Há chị đã chẳng nói rằng: Chồng tôi thay đổi hẳn tính cách ngày xưa, không chồng chúa vợ tôi, không lơ là việc nhà. Ổng chăm sóc, lo lắng cho gia đình chu toàn trong ngoài.

Há chị cũng đã chẳng nói rằng: Ổng thay đổi hẳn tính tình, đến độ đôi lúc tôi cảm ơn cô gái đã thay đổi chồng tôi.

Thì thôi, trên đời nầy, nghĩ cho cùng, thì có gì là của mình đâu? Hơn nữa chị đã sống bấy lâu ở Việt Nam không có ảnh rồi, thì cũng có sao đâu? Hạnh phúc là gì nếu không phải là những nụ cười; Và thương nhau là gì nếu mà cứ dằn vặt lẫn nhau, đem đến cho nhau những điều khó xử, đặt nhau trước những ngã ba đường khó mà biết phải rẽ bên nào (“Thân tôi ví xẻ làm đôi được…”). Như thế mà gọi là “thương người” đấy à? Thật ra đó là thương mình thì đúng hơn, nghĩ tới mình nhiều hơn là thương người và nghĩ tới người.

Theo tôi, “thương” ai là phải hy sinh, bao nhiêu cho đủ? Đủ để người mình thương cảm nhận được điều đó, và không đòi hỏi đối phần. Tuy nhiên, tự nó, đối phần sẽ đơm bông kết trái do những hạt mầm thương yêu mà mình đã bấy lâu gieo trồng.

Nếu đặt vấn đề, có nghĩa là chị ghen. Xin hỏi chị: Có bao giờ chị nghĩ là chị ghen không? Và ghen là gì hả chị?

Theo tôi định nghĩa “ghen” là một tình cảm hạ cấp phát sinh bởi một bản năng hạ đẳng mà lý trí không thể kiểm soát được. Và “ghen” là một mặc cảm tự ti, vì lúc nào cũng cảm thấy thua kém người mà mình ghen.

Có phải vậy không chị? Có phải chị cảm thấy thua kém cô ấy không chị? Không! Chị không bao giờ thua kém cô kia, chị hơn cô ta mọi mặt, chị đang ở thế thượng phong, thế kẻ cả. Vậy thì hãy hành xử như kẻ cả, như đấng trượng phu, như người quân tử, cứ cho hết đi. Đối phần, tự nó, sẽ đến.

Mến chúc chị được sáng suốt để đem thương yêu và hạnh phúc đến với những người mình thương.

Vấn đề mới:

Thưa chị Nguyệt Nga, bố mẹ tôi không có con trai, gia đình gồm một bầy con gái, vui thì thật là vui, nhưng nhiều chuyện cũng không đâu bằng. Cứ mỗi lần tụ tập mấy chị em là um sùm chuyện của đứa này, đứa kia, nhức đầu nhức óc.

Gần đây nổi cộm nhất là chuyện của người chị cả. Chị ấy thẳng tính, nói năng bổ bả, cứng đầu, thường cho mình là khôn ngoan nhất bực, chưa kể nhiều khi rất vô duyên. Tuy vậy mấy đứa em, trong đó có tôi, cũng lấy chín làm mười mà cho qua chuyện. Nhưng có một tính của chị, tính này khiến các cô em bực mình, và cho rằng chị ấy đã không tôn trọng gia đình.

Thí dụ trong câu chuyện, khi nhắc đến người chú hay cô của chúng tôi thì chị ấy nói: “Thằng chả”, “Con mụ đó”, “Ẻm nói…” Chúng tôi rất bực mình, càng bực hơn khi những danh xưng này chị chỉ dành cho những người trong gia đình chúng tôi, còn gia đình chồng chị, thì bao giờ chị cũng gọi một cách trân trọng: “Chú Hai”, “Cô Tám”…

Có một sự phân biệt đối xử biểu lộ qua cách xưng hô rất rõ rệt giữa gia đình chồng và chính gia đình mình (tức là gia đình chúng tôi). Chúng tôi có lên tiếng về điều này, nhưng chị lại phản bác bằng lý luận: “Vẽ chuyện! Tao kêu vậy là thân mật vì họ là những người ruột thịt, còn phía bên kia, thì vì người dưng nên tao phải lịch sự…” Cách chị giải thích nghe chướng tai và bực kinh khủng! Phần tôi là con út, cách chị cũng khá nhiều tuổi nên tôi không dám thẳng thắn nói. Vì thế càng ngày chị em càng xa nhau, tại tôi quan niệm, trong cuộc sống mình đừng làm điều gì khiến nó nặng nề thêm. Tôi không giải quyết được nên cách hay nhất là tôi “biến” khỏi mối liên hệ “chị em” với chị ấy. Những buổi họp chung gia đình, mà ngày xưa rất vui, đầm ấm thì nay, tôi tìm đủ mọi cách để lánh mặt. Nhiều khi tôi thấy thật là vô lý, khi mình cắt đứt mối liên hệ của hai chị em, và vô tình với các chị khác nữa. Nhưng biết làm sao, tôi đã tế nhị góp ý nhiều lần nhưng lần nào cũng bị gạt ra, có khi còn bị mắng té tát vào mặt, thì tôi đành giải quyết theo cách của mình.

Đời sống không còn bao năm, mà chị em lại chia rẽ vì một lý do rất kỳ cục. Chị ấy cứng đầu, tôi cũng cứng đầu, và kết quả là chị em không nhìn nhau. Ban đầu thì tôi không quan tâm đến, nhưng về lâu về dài, mối xa cách giữa hai chị em, lại kéo theo những chị khác khiến tôi sống không yên, nó cứ bám riết tôi làm tôi khổ tâm.

Tôi có kể cho con gái nghe, thì cháu bảo: Mẹ phải giải quyết, đừng tự làm khổ mình, dì ấy không hay biết vẫn sống phây phây, còn Mẹ thì băn hăn bó hó. Giải quyết cách nào cũng phải làm sớm để đừng bận tâm.

Thưa cô Nguyệt Nga, và quý độc giả quả tình tôi không biết cách nào giải quyết. Có nên bỏ chín làm mười, để chị em như xưa không? Hay làm cho một mách để chừa cái tính tự phụ. Tôi rất mong nhận được sự góp ý, xin vô cùng cám ơn.

HoaNguyen

 

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT