Friday, March 29, 2024

Lòng tốt của bạn

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Thưa cô Nguyệt Nga, trong đời sống có những chuyện nhỏ thôi, nhưng nếu mình không giải quyết thì nó sẽ bám riết khiến mình phiền muộn không dứt.

Tôi có một chuyện, cứ lâu lâu lại xảy ra khiến bực mình, khi cơn bực mình qua đi thì chuyện lại xảy ra lại, y chang chuyện cũ, rồi lại bực mình… Lòng muốn giải quyết nhưng lại ngại ngần, nói trắng ra là nhu nhược không dám mạnh miệng nên sự thể mới tồn tại hoài hủy.

Chung quanh ông xã tôi, có khá nhiều người bạn đầy lòng tốt. Mà không biết ổng làm cái giống gì khiến cho nhiều người thương đến thế. Biểu lộ tình thương không gì hơn là biếu quà cáp. Nên rất thường ông xã tôi đem về những món quà bạn biếu. Bao giờ ổng cũng hớn ha hớn hở kể, khi thì anh này tặng, khi thì bà kia tặng. Những món quà bao giờ cũng kèm theo lời ưu ái.

Thí dụ: Cái áo này em mua cho anh, thấy màu đẹp quá, hợp với anh. Và chồng tôi mở gói đưa cho tôi coi một cái áo cashmere, mắc tiền, màu đẹp thật. Nhưng nó là cái áo size M bị teo nhỏ lại là do họ giặt bằng máy và còn sấy nữa nên nó teo lại còn là size XS, đúng là size của chồng tôi. Thấy chồng vui vì bạn, tôi cũng không nỡ lật mặt bạn ra là, ông mua size M, sấy bị hư, ông không mặc được nên đem cho chồng tôi, sao ông tốt quá vậy!

Có nàng mang tặng một bao giấy, trong đó có vài trái táo, cam, đủ loại… nói là con em order từ Hoa Thịnh Đốn về, em mang cho anh. (Cali táo đầy, sao lại phải order từ Hoa Thịnh Đốn hả trời?). Những trái táo đã có những đốm đen ngoài vỏ, cắt ra vài chỗ thâm lại. Tôi lại muốn vạch mặt, nhưng rồi không nỡ làm chồng mình cụt hứng khi đang hớn hở ca ngợi lòng tốt của bạn.

Có hôm chồng tôi khệ nệ bưng về một bao giấy thật to, trong đó có khoảng hơn chục ổ bánh mì. Hỏi thì nói của người bạn thấy bánh mì sale nên sắp hàng mua, mà phải sắp đến mấy lần vì mỗi lần chỉ được mua 2 ổ. Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng, không biết với 10 ổ bánh mì sale này, ăn bao lâu mới hết?

Mới hôm qua, chồng tôi mang về một túi xách, trong đó có ít trái cây đủ loại, cùng với một bánh chưng đông đá. Tôi tức điên lên, vì nghĩ đến những ngày sau Tết gia đình họ dọn tủ lạnh, và mang cái bánh chưng đông đá lâu ngày cho chồng tôi. Chồng tôi còn ngây thơ giải thích: Hôm Tết họ định mang biếu nhưng tại họ bịnh nên bỏ tủ lạnh, giờ mới đưa.

Tôi tống nguyên cái giỏ xách vào thùng rác. Lần này thì tôi không nhịn được, nói: “Từ nay về sau anh đừng nhận quà của bạn anh nữa” Nhưng chồng tôi lại hiền lành hỏi: “Nhưng họ cho mình vì lòng tốt, anh đâu nỡ từ chối”. Tôi thật thương chồng tôi, anh ấy ngu ngơ chẳng biết những người bạn chỉ muốn mượn tay ảnh để tiêu thụ những thứ “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

Ôi trời làm sao để chồng tôi đừng mang những của “trời ơi” ấy về nhà nữa. Thùng rác ở Mỹ nó nặng chình chịch, kéo hàng tuần cũng hao sức chứ!

Hoàng Thi

Góp ý của độc giả:

*N.B

Câu chuyện nói về cảm giác bực bội của chị khi nhận quà cũng giống cảm giác của nhiều người trong cộng đồng Việt Nam mình. Cách suy nghĩ theo kiểu bạn bè, xóm giềng khi thân thiết rồi thì không nệ hà, rào đón gì trong giao tiếp với nhau, đôi khi gặp trục trặc khi sống ở Mỹ.

Theo tôi nghĩ có ba cách hành xử khi tặng quà cho ai:

– Có điều kiện để có thể tặng quà mới toanh, có giá trị, hợp với sở thích của người nhận.

– Suy nghĩ đơn giản là muốn chia cho người bạn thân tình một món quà nào đó mà mình nghĩ bạn có thể dùng được, nên không câu nệ món quà đó cũ hay mới, đắt hay rẻ, bạn mình có cần hay không.

– Cho đi một món đồ mình không còn cần và không muốn giữ cho chật nhà.

Trong trường hợp này những người bạn của chồng chị chắc là đồng nghiệp làm cùng sở, công ty, cùng làm việc, sinh hoạt với nhau nên mới có thái độ cư xử bạn bè, tự nhiên, gắn bó như thế. Chồng chị chắc phải là một người giản dị, hiền lành, hết lòng với bạn bè lắm nên anh ấy mới được nhiều người quan tâm đến anh như thế. Chỉ với câu nói, “Nhưng họ cho mình vì lòng tốt, anh đâu nỡ từ chối” cũng đủ cho thấy anh ấy thật chất phác, hiền lành, sống thiên về tình cảm. Khi nhận bất cứ một món quà nào từ tay bạn bè, anh ấy chỉ biết trân trọng cái tình của bạn mình, họ đã quan tâm đến mình nên mới cất công mang quà vào biếu, anh ấy không đặt nặng vấn đề về giá trị món quà như thế nào.

Còn riêng về phần chị thì khác. Chị là người sống có nguyên tắc, hơi khó tính trong giao tiếp, kiêu hãnh, tự tôn với phẩm giá của mình. Chị chịu không nổi cái ý nghĩ bị người khác đánh giá thấp, bị coi thường khi họ dám đem cho những món đồ chỉ đáng vứt vào thùng rác. Bởi vậy chị mới chua cay kết luận rằng, “Thùng rác ở Mỹ nó nặng chình chịch, kéo hàng tuần cũng hao sức chứ.”

Nói ai đúng ai sai cũng khó, tùy thuộc vào quan niệm sống của mỗi người thôi. Tuy nhiên, để cuộc sống của mình không quá nặng nề, mình phải tìm hướng giải quyết. Đơn giản chị nói với anh (không tức giận, gắt gỏng), “Biết là các anh chị ấy tốt, họ cất công mang quà nặng nề, tốn thời gian. Mà mình lại không dùng được đem bỏ thùng rác hết, vừa phí vừa bạc cái tình của họ. Chi bằng anh từ chối thẳng nói họ đem cho người khác cần tới thì tốt hơn.”

Cứ thế rả rích nhiều lần, anh ấy sẽ có thể nói lời từ chối được, theo như ý của chị.

Chúc chị sớm kiếm được sự thoải mái trong cuộc sống của mình.

*Góp Ý:

Đọc tới đọc lui, tôi không thấy chuyện gì bực mình cả. Cái áo, chính cô nói màu cũng được, tuy bị rút nhưng vừa size chồng cô. Chuyện trái cây, nhiều khi thấy trái cây sắp chín ăn không kịp, cũng muốn chia bớt cho ai đó để khỏi phí phạm, gọt ra xay sinh tố uống cho tốt da, thay vì tức giận lại làm mình mau già. Chuyện bánh tét, đem hấp lại, để nguội chiên ăn ngon lắm. Tôi nhiều khi phải đi tìm mua lại bánh đông lạnh vì mấy đứa nhỏ đòi ăn. Bánh mì, 10 ổ thì nhiều quá, lấy 2 ổ thôi, trả lại 8 ổ cho người ta. Nếu cô đọc báo hay coi tv sẽ thấy bên Châu Phi, người ta chết đói mỗi ngày. Thôi phụ người ta một tay kẻo bỏ phí mang tội.

*Cô Thiện:

Cô cũng hơi khó tính đó cô Thi, nhưng tôi thông cảm vì chắc cô cũng đã chịu đựng chuyện này nhiều lần. Và chắc cô cũng khó chịu về những lời ơn nghĩa kèm theo lúc tặng. Tôi nghĩ giá như cứ nói thẳng rằng mình nhiều quá ăn không kịp, nhờ bạn ăn dùm thì OK chứ đừng nói đồ này order từ nơi này nơi khác, nghe cũng bực mình.

Một chi tiết nữa, là những người mang tặng đó là những phụ nữ, nên cô “gai” mắt hơn. Có phải vậy không nào? Cô có cảm tưởng là mình không lo cho chồng mình nên mấy nàng kia xót xa lo giùm. Sorry cô.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, không biết tôi có bị ám ảnh bởi tình hình hiện nay không. Trong một thời gian ngắn tôi gặp đến ba chuyện, khiến tôi nghĩ, không biết có phải mình bị kỳ thị không.

– Một lần tôi lái xe trên đường, trong lúc chờ đèn xanh, tôi vô tình nhìn qua bên cạnh, thấy một người Mỹ trắng, ông ta lấy tay chỉ tôi rồi sau đó ổng làm dấu giống như tôi bị mù. Tôi không hiểu ý nghĩa dấu hiệu, nên về hỏi con. Con gái tôi nói, ổng nói mẹ là người Châu Á mắt ti hí đó.

– Một lần tôi đi Costco, hôm đó kiếm chỗ đậu xe rất khó, may quá, thấy có một bà Mỹ trắng ra xe. Tôi bấm đèn chờ. Bà lên xe không biết làm cái gì mà lâu thật lâu vẫn chưa cho xe ra. May quá một bà khác đậu xe bên cạnh cũng muốn ra. Tôi nghĩ bụng, có hai chỗ, nếu chỗ này chờ không được thì chỗ kia cũng OK. Tôi hy vọng và ráng chờ. Chờ hoài chờ hủy, cuối cùng một bà đi xuống, rồi hai bà đi xuống, đứng mở cửa xe nói chuyện, sau đó họ vào lại xe, rồi lại mở cửa xuống xe, cầm chổi lau xe. Tôi phát điên lên, mình thì có con nhỏ, chờ quá lâu, vậy mà nay không biết hai bà nghĩ gì mà nhất định không ra xe. Cuối cùng tôi phải đi kiếm chỗ khác. Tôi chắc chắn họ cố tình không muốn tôi đậu xe vào chỗ tốt đó.

– Tôi đi Macy’s, lúc trả tiền, một người Mỹ trắng trước tôi đang tính tiền. Khi tính gần xong, họ đi lấy thêm những thứ khác, rồi lại trả bớt vài thứ vừa tính… Mấy người đằng sau tôi bỏ đi sang quầy khác. Tôi cũng muốn đi, nhưng con gái nói, thôi mình chờ từ nãy giờ, chờ thêm tí đi mẹ. Tôi đồng ý. Nhưng tôi không biết chuyện gì, mà lâu thật lâu, vẫn chưa xong, đến độ người tính tiền phải quay lui sorry tôi, và nói gần xong rồi. Nhưng vẫn chưa, bà mua hàng hỏi cần một cái xe đẩy mang đến để bà chất hàng… Tôi không kiên nhẫn được, muốn đi quá, nhưng đã đứng đây chờ quá lâu. Sau khi mọi thứ xong xuôi, bà ta lại ngừng lại để nói chuyện, hỏi han vớ vẩn. Người tính tiền phải trả lời, nhưng tôi thấy được người tính tiền áy náy lắm.

Sao kỳ vậy, có phải họ thấy tôi người Châu Á nên cố tình làm ra như thế. Những lúc như vậy tôi có quyền đến nói không?

Tôi uất ức quá!

Tám Liên

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 28 tháng 2 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT