Tuesday, April 16, 2024

Ngụp trong bùn không thấy bùn tanh

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô Nguyệt Nga, em có làm đơn bảo lãnh vợ chồng người anh. Hồ sơ đã trải qua 13 năm, tức là rất gần đến ngày vợ chồng anh được phỏng vấn, thì đùng một cái ảnh không muốn đi nữa. Lý do, vì vợ chồng ảnh có công ăn việc làm khá ở Việt Nam. Hai vợ chồng tuy không phải là đại gia, nhưng vì anh chị không có con, nên làm bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, không để dành và sống rất vương giả. Đi bơi thuyền, đi nghỉ mát ở các nước gần đó, ăn mặc cứ như Brad Pitt và Angelina Jolie.

Lý do anh ấy viện dẫn là, đã 40 tuổi qua đó làm lại từ đầu ngán quá! Người vợ thì hay đau ốm, mà ông Trump lại bỏ Obama care, làm sao anh mua bảo hiểm nổi cho vợ. Ở Việt Nam, nhà anh nuôi người làm nên hai vợ chồng không đụng đến móng tay, nay nếu qua Mỹ thì cả hai vợ chồng phải nai lưng ra làm từ A đến Z mà chưa chắc có cái ăn cái mặc.

Mẹ em thì già rồi, trông con ngày đêm, rồi hay vào FB của anh chị để thăm chừng con, mà cái anh này, trên FB toàn post chuyện tiêu cực của Việt Nam, những phát biểu ngớ ngẩn của các ông lớn, cảnh công an đánh đập, bắt bớ… Thấy vậy thì mẹ em lại quay quắt lên, nghĩ rằng con mình đang sống trong bùn nhơ, muốn gấp rút mang ảnh thoát ra.

Em không cho mẹ biết tin ảnh không chịu đi. Nhưng mà trước sau thì mẹ cũng biết, em đang lo lắm mà không biết cách nào thuyết phục ảnh đi. Ảnh cũng từng có thời gian 10 năm du học ở ngoại quốc, ngày ảnh về lại Việt Nam, ảnh gần như không sao chịu nổi. Vậy mà giờ đây thân ảnh nhuốm bùn nên không thấy bùn tanh, lại muốn rúc trong bùn để ăn cá độc. Em cũng tốn tiền tốn bạc, tốn công sức để lo cho ảnh qua, mà giờ vậy đó chẳng biết làm sao. Em không biết cách thuyết phục để ảnh đồng ý, em mong được nghe những lời khuyên của độc giả, em xin cám ơn.

Lê Trang

*Góp ý của độc giả:

-Anh Bảy:

Lê Trang mến,

Có hai loại người, xưa nay, cần phải đi ngoại quốc (không cứ là Mỹ) để lánh nạn:

Loại người thứ nhất là xin Tị Nạn Chính Trị. Nếu ở lại quê nhà, thì bị áp bức, thậm chí tánh mạng bị đe dọa bởi tà quyền đang cai trị. Bất cứ giá nào cũng phải đi, dẫu biết rằng chết, cũng phải đi. Đi để tìm cái sống trong cái chết, vì sống dưới chính thể như thế thì có khác nào như đã chết.

Loại người thứ hai là đi lánh nạn “kinh tế”, nói trắng ra là lánh nạn “đói”. Vì lý do nào đó, ở quê nhà không tìm được, hay khó tìm được miếng cơm manh áo, thì muốn chạy đến những nơi mà gọi là “đất lành chim đậu” để mong có được cơm no áo ấm.

Bởi vậy, Lê Trang à, cũng chẳng trách vợ chồng người anh của Trang không còn muốn qua đây nữa, vì họ không thuộc vào một trong hai trường hợp trên.

Ở lại Việt Nam ảnh có bị ai đe dọa tánh mạng không? Ảnh có cảm thấy bị tà quyền nó áp bức không? Và ảnh có bị “đói” ngày nào không? Có phải chạy gạo từng ngày không? Hay là ở Việt Nam, hai vợ chồng không làm đụng đến móng tay. Trời ơi, Sướng thì thôi! Ở đây triệu phú còn không được như vậy nữa mà!

Anh của Trang nghĩ rất đúng, qua đây để làm lại từ đầu à? Ngôn ngữ thì không rành, phải đi học lại tiếng Anh. Ngán quá!

Nếu Trang chẳng biết làm sao, thì chẳng cần phải làm sao cả! Cứ nói thẳng hết với mẹ, nếu cần thì điện thoại cho ảnh, rồi để mẹ nói chuyện với ảnh, và từ nay đừng làm phiền vợ chồng ảnh nữa. Có như thế thì mình mới được yên. Bây giờ và cả về sau nữa.

-Cô Tám:

Cháu Lê Trang thân mến. Theo cô thì cháu đã làm hết mình rồi, việc đi hay ở là do anh cháu tự quyết định lấy. Tội cho cháu là đã chạy ngược xuôi, tốn tiền tốn công lo cho anh. Anh chị lớn rồi, họ quyết định trên cuộc đời của họ. Chỉ có điều theo cô thì cháu nên khuyên vợ chồng anh ấy, nên qua làm giấy tờ, khi có giấy tờ hợp lệ thì về lại Việt Nam. Để làm gì, để phòng khi anh ấy muốn qua thì không có gì trở ngại. Chứ nếu cơ hội này anh ấy không đi, luật lệ càng ngày càng khó, mới đây nghe nói ông Trump ra đạo luật hạn chế việc cấp visa, thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ảnh. Với lại những người đang trong tình trạng bảo lãnh, Mỹ không cấp giấy cho đi du lịch qua Mỹ.

Cứ có thẻ xanh rồi thì muốn ở đâu đó ở. Tình hình Việt Nam hiện nay không biết đâu mà lần, các ông lớn chạy hết thì chắc họ cũng biết có cái gì đó sắp xảy ra.

Hồ sơ đã 13 năm bỏ đi thì điên quá. Cô chúc cháu bình an.

*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi có một cô con gái, cháu bị tật nhỏ nơi chân, đi hơi bị bên thấp bên cao. Không biết có phải vì thế mà cho đến nay cháu đã 34 tuổi vẫn chưa có đám nào dòm ngó. Vợ chồng tôi cũng buồn lắm, mong cháu có nơi có chốn để an phần.

Mới đây có một người bạn tên Kh. học chung hồi tiểu học với con gái tôi, hay lui tới chơi. Anh chị coi bộ có tình ý với nhau.

Kh. hay đến ăn cơm, rồi ở lại chơi, vợ chồng tôi coi Kh. như con trong nhà, sinh hoạt rất thân thiết. Vì không có con trai, nên trong nhà những việc lặt vặt như sửa cái máy giặt, thay ống nước ở sink rửa chén… đều kêu Kh. Chúng tôi bao giờ cũng gửi tiền mua vật liệu cho Kh. tuy rằng đôi khi Kh không lấy. Không nói ra nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mừng là con gái mình tật nguyền rồi cũng có lúc ông trời ngó lại

Một hôm Kh. tiết lộ, những lần Kh. không lấy tiền vì Kh. chỉ cần một bộ phận nhỏ thôi. Cho nên Kh đã mua nguyên thùng, sau đó lấy ra bộ phận mình cần, phần còn lại cứ để nguyên như thế trả cho Home Deport. Kh. còn khoe, mọi chuyện vẫn ổn, chưa bao giờ Kh. bị Home Deport khám phá.

Úi trời! tôi nghe xong mà không tưởng được. Tôi có hỏi, rồi người khác mua nhằm món hàng Kh. trả thì sao. Kh. trả lời tỉnh bơ: Thì họ lại trả, cô lo gì, tụi Home Deport nó giàu quá mà, nó “lấy” của mình biết bao nhiêu tiền!

Chưa hết Kh còn khoe, đã từng vào Costco mua hai cái valy để đi Việt Nam, khi về lại Mỹ, mang lại trả cho nó, mà quên gỡ cái tag nơi valy, vậy mà tụi nó cũng lấy, không nói gì hết. Thái độ của Kh rất đắc ý.

Thiên địa ơi! Kh. “ca ngợi” cách làm ăn buôn bán của Costco và nói nếu Việt Nam mà học được cách làm ăn của Costco thì đã xã hội đã không xuống dốc như hiện nay. Kh còn kể thêm rằng, có hôm Kh, mua hộp bánh, mở ra ăn, vơi đi gần 1/3, sau đó đem trả mà “tụi” Costco cũng nhận, nó chỉ hỏi tại sao, khi mình nói vì tao ăn thấy dở quá nên trả, tụi Costco sorry rối rít. Kh. còn ba hoa thêm, có người còn đem nửa trái dưa hấu trả… Tôi hỏi đó là người nước nào, thì Kh tỉnh bơ nói: Đương nhiên là người Việt Nam.

Nói thật lòng khi thấy Kh. càng ngày càng thân mật với con gái mình, tôi mừng lắm, mong thật mong tụi nó nên duyên chồng vợ. Con gái tôi, từ hồi nào đến giờ đây là người đàn ông duy nhất đến với nó. Nhưng nay thấy Kh như vậy, tôi thật hoang mang, không biết có nên làm ngơ để tụi nó tiếp tục tiến bước đến hôn nhân, với hy vọng lần lần, sau này khi nó là con rể của mình, thì mình có thể khuyên răn, giải thích để Kh sống tốt hơn. Tôi cũng hy vọng giờ chúng nó còn nghèo nên cái khó nó ló cái “khôn”, vài bữa khi nó khá lên sẽ sống đàng hoàng tự trọng hơn.

Tôi phân vân lắm, giữa cái mừng khi con có người yêu và cái lo khi thấy Kh. với nhiều tính xấu như vậy. Nếu tôi thẳng thừng gạt Kh. ra, thì lỡ con tôi ở giá suốt đời thì sao. Tôi mong nghe được một lời khuyên, xin cám ơn

Thiều Lê

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT