Thursday, March 28, 2024

Nữ họa sĩ gốc Việt Trang T. Lê: ‘Nghệ thuật giúp tôi tìm lại bình yên’

SANTA MONICA, California (NV) – Nhắc đến giới hội họa ở cộng đồng gốc Việt ở Little Saigon, cái tên Trang T. Lê có vẻ mới mẻ, nhưng trong cộng đồng Mỹ ở miền Nam California  tên tuổi của chị không còn xa lạ.

Từ ngày 10 Tháng Chín đến ngày 15 Tháng Mười tới đây tại Ruth Bachofner Gallery, 2525 Michigan Ave. G2, Santa Monica, CA 90404 Trang T. sẽ có cuộc triển lãm cá nhân, với tên gọi “Transition”. Đặc biệt, vào lúc 11 giờ sáng ngày 1 Tháng Mười, nữ họa sĩ sẽ có buổi ra mắt và hội luận về cuốn sách của mình, mang tên “Gentle Wave”, tại nơi triển lãm.

Nói với nhật báo Người Việt, chị Trang Lê không giấu được niềm vui và hạnh phúc khi được phòng triển lãm Ruth Bachofner Gallery mời trưng bày các sản phẩm của mình.

“Tôi rất vui và hãnh diện vì tranh của mình được mọi người đón nhận. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình theo con đường nghệ thuật, nhưng cuối cùng, tôi và nghệ thuật lại gắn kết với nhau, và nó chính là hơi thở, cuộc sống của tôi,” chị Trang cho biết.

Sinh ra ở thành phố biển Nha Trang, sau đó cùng gia đình vượt biên sang Mỹ lúc 11 tuổi, từ nhỏ, họa sĩ Trang Lê đã bộc lộ năng khiếu vẽ của mình.

“Từ nhỏ tôi đã thích vẽ, tôi có thể vẽ ở mọi lúc mọi nơi. Lúc đi học, tôi không có ý định chọn ngành hội họa, vì tôi nghĩ nó chỉ là sở thích của mình, tôi muốn học ngành nào thực tế,” chị Trang nói. “Thời sinh viên, tôi nghĩ rất đơn giản, chọn một ngành học nào ra trường dễ kiếm việc làm, rồi lấy chồng và sinh con, chăm lo cho gia đình, còn vẽ chỉ là sở thích, niềm vui mà thôi.”

Sau khi tốt nghiệp ngành nhân chủng học (anthropology) tại University of California, Riverside năm 1996, chị Trang lập gia đình, an phận với vai trò của người vợ và người mẹ.

“Khi rảnh rỗi tôi vẫn vẽ, rồi sau đó quyết định đi học lại. Lúc đó tôi chọn ngành hội họa, nhưng cũng chỉ nghĩ rằng, học cái gì mình đã có am hiểu chút chút thì dễ hơn. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là đi học cho vui thôi, hoặc là đi học để sau này thành cô giáo dạy vẽ cho học trò,” chị Trang tâm sự. “Nhưng càng học, tôi lại càng muốn đi sâu hơn, tôi thích sự tự do, sáng tạo trong nghệ thuật. Vậy là thay vì học để thành giáo viên dạy vẽ, tôi đi con đường họa sĩ.”

Sau khi tốt nghiệp ngành hội họa tại trường University of California, Riverside vào năm 2003, chị tiếp tục lấy bằng thạc sĩ tại trường Claremonth Graduate University vào năm 2006. Những tưởng cuộc sống của chị sẽ luôn trọn vẹn khi được chồng ủng hộ con đường nghệ thuật mà chị từng nghĩ không dành cho mình, nhưng sóng gió ập tới gia đình chị.

“Tôi tưởng mình hạnh phúc nhưng không ngờ, gia đình mà tôi luôn tưởng là yên ấm lại đổ vỡ. Từ một người chỉ biết vẽ và chăm con, hoàn toàn không lo vấn đề kinh tế, tôi đau đớn khi nhận ra người mình yêu thương cuối cùng lại bỏ đi. Tôi chới với, bế tắc, và mất phương hướng. Tôi không biết mình phải làm như thế nào,” chị Trang nhớ lại.

"Red And Yellow Wheats"- một trong các tác phẩm của họa sĩ Trang T. Lê được trưng bày trong buổi triển lãm "Transition" tại Ruth Bachofner Gallery.
“Red And Yellow Wheats”- một trong các tác phẩm của họa sĩ Trang T. Lê được trưng bày trong buổi triển lãm “Transition” tại Ruth Bachofner Gallery. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Trong lúc bế tắc nhất của cuộc đời, chính nghệ thuật đã giúp chị vực lại tinh thần. Chị vẽ, vẽ và vẽ suốt.

“Giống như là trút bày tâm sự, mỗi nét vẽ như mỗi nỗi niềm của tôi, tôi vẽ để quên đi thực tại. Nhưng càng vẽ, tôi lại nhận ra, các nét vẽ mình tạo nên không phải thể hiện nỗi đau hay vết thương lòng của mình, mà ngược lại tôi thấy thanh thản trong tâm hồn mình,” chị Trang cho biết. “Chính nghệ thuật giúp tôi tìm lại bình yên, tĩnh tâm và tiếp tục cuộc sống.”

Ông David Pagel, nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, từng có lời nhận xét về nữ họa sĩ gốc Việt rằng, tranh của chị lay động lòng người.

“Nhìn vào tranh của Trang, người xem sẽ thấy đâu đó sự bình yên lạ kỳ. Tôi có thể cảm nhận được tâm hồn của cô ấy qua nét vẽ, với nỗi đau mà cô ấy trải qua. Nhưng tuyệt đối, nó không ảm đạm, buồn rầu, mà là sự bình yên và hy vọng,” ông Pagel viết trong cuốn sách “Gentle Wave”.

Chủ đề “Transition” trong buổi triển lãm tại Ruth Bachofner Gallery Ruth lần này cũng thể hiện đúng tâm hồn nghệ sĩ và kinh nghiệm sống của chị. “Transition” có nghĩa là chuyển tiếp- giống như chị, đang chuyển tiếp một trang khác của đời mình.

“Tôi đang ở trong giai đoạn có một sự thay đổi rất lớn trong đời. Tôi đang chia tay với quá khứ của mình để bắt đầu xây dựng con đường của riêng tôi. Con đường đó, nó có thể rất đáng sợ vì tôi không biết được nó sẽ như thế nào, nhưng nó cũng chính là động lực và niềm tin của tôi khi có thể đứng vững một mình với các con của mình. Với mỗi nét vẽ, từ lớp này sang lớp khác, từ gam màu này cho đến gam màu khác, nó thể hiện sự thay đổi và đấu tranh của tôi trong giai đoạn chuyển tiếp. Sẽ có những lúc tôi bắt gặp nỗi lo âu trong bóng tối cuộc đời, nhưng sau bóng tối chính là ánh sáng giúp tôi cân bằng,” chị Trang giải thích. “Tranh của tôi là những khoảnh khắc trong cuộc đời tôi, nó là trải nghiệm quý giá. Sau tất cả, tôi tìm thấy bình yên qua nghệ thuật.”

Ngoài ra, độc giả vào trang mạng http://www.trangtle.com/shop-c2z1 để tìm hiểu và mua sách “Gentle Wave” của họa sĩ Trang Lê. (D.A)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT