Thursday, March 28, 2024

Chăn gà

Thanh Thản Nhiên

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Có nuôi là có giữ. Nuôi con phải giữ con, chăn con. Nơi đây tôi chỉ nói về gà vì năm nay là năm Đinh Dậu. Đầu năm đã có nhiều người viết và nhắc đến chúng rồi. Gần hết năm lại nhắc nữa có hơi thừa, nhưng không sao vì gà của tôi hay đúng hơn gà của cháu tôi là gà nòi hay gà cá độ. Còn gà giò nuôi để ăn thịt, không cần chăn kỹ. Cứ sáng chiều chủ nó rải lúa thóc ra sân kêu chúng bu lại ăn. Gắn vài ba máng nước đâu đó nếu cẩn thận. Bằng không chúng cũng có thể đi bươi quào kiếm thức ăn nước uống rơi rớt xung quanh nhà cũng xong.

Nuôi gà nòi phải có người chăm sóc đàng hoàng. Tuy vậy lúc dịch “cúm gà” kéo tới, chủ có chăn kỹ đến đâu chúng cũng “ra đi.” Chẳng những vậy còn bị đem thiêu đốt hàng loạt để ngừa cúm gia cầm. Tôi chưa nghe gà cháu tôi bị nạn dịch này, chỉ nghe gà nó bị nạn ăn trộm quơ hốt cả chục con tưởng bứt vốn rồi. Bọn trộm “thăm viếng” gà tới hai lần mới ngặt cho thằng nhỏ.

Gà của Hoàng là gà Mẻ. Gặng hỏi gà Mẻ là gà gì nó bảo có người còn gọi gà Mễ. Chẳng lẽ giống gà của Mexico lai giống du nhập qua tậnViệt Nam hay sao? Dân miệt vườn mà! Nói vấn đề gì mình phải tự đoán thêm chớ hắn không rành tiếng Tây, tiếng u như người học cao. Thấy Hoàng cho gà ăn tôi tới phỏng vấn “nghề của chàng”:

– Gà nuôi bao lâu mới bán được?

– Dạ tám tháng tuổi bán được rồi.

– Nuôi cực lắm không?

– Cực lắm mợ! Mỗi tháng phải chích chủng ngừa cho nó. Thức ăn toàn là lúa còn trộn thêm thuốc ngừa nữa.

– Khi gà có triệu chứng bịnh thì chúng ra sao?

– Cũng như con nít vậy. Nó biếng ăn, lông hơi dựng lên. Bầu diều còn căng cứng là biết “ảnh chỉ” ăn không tiêu rồi, phải tiêm thuốc tống vô.

– Gà của cháu có bị dịch cúm lần nào chưa?

– Chưa mợ, cháu tiêm thuốc ngừa kỹ lắm. Nghe đâu đó bị cúm gà cháu cũng lo nhưng gà mình đâu nhiều nhỏi gì. Gà người ta là gà công ty hoặc họ nuôi hàng ngàn con trong trại chăn nuôi mới bị dịch này.

Nói chuyện nửa chừng, một ông bạn mê gà chạy xe gắn máy trên tay có ôm gà nhà tới nhờ Hoàng cho mượn gà để “thử lửa” xem gà hắn đấu đá thế nào. Tôi cũng tò mò đứng theo dõi bọn gà chọi nhau. Hai chú gà phùng mang thủ thế, lông cổ xoè ra như cái quạt tung chưởng cho nhau trong khi chủ nhà và khách nhìn chấm điểm bình luận. Đấu đá kịch liệt bất phân thắng bại hai trọng tài phải bước tới ôm chúng ra cho nghỉ mệt. Trận đấu kéo dài không tới mười phút. Nếu con nào bỏ chạy là biết ảnh thua.

– Gà cá độ đá ăn thua thì “bên thắng cuộc” ăn được bao nhiêu?

– Cỡ triệu bạc!

Hoàng nuôi gà để bán cho dân chơi gà nòi cũng trên mười năm. Phải có thú đam mê, có khiếu mới được. Chuyện nuôi gà quan trọng ở chỗ là nhà phải có mặt bằng rộng rải, sân trước vườn sau thoáng mát. Chật chội quá khó lòng phát triển nghề nầy. Bầy gà của Hoàng cả trăm con đủ hạng tuổi: Đầu này có hai chị gà đang nằm ấp trứng. Chừng ba tuần lễ, gà mẹ gà con đã ríu rít ra sân được rồi. Toán gà khác đâu khoảng bốn năm tháng tuổi đang nhởn nhơ qua lại và bươi móc thoải mái trong các bụi rau cỏ.

Nhóm khác thì nằm ụ dưới lùm cây đống củi để “nghỉ trưa”. Có hôm thấy Hoàng đương ôm chú gà lông mướt đỏ ao, đuôi vểnh cao đen tuyền đi tới, tôi hỏi:
– Hoàng ôm con đi đâu đó, con trai này mấy tháng tuổi rồi?

– Dạ giáp năm rồi mợ, gà này con cho ở riêng để đạp mái gầy giống.

Nhà chúng tôi kế nhà Hoàng cách nhau bởi khoảng sân rộng, có hàng mít năm sáu cây cao tới nóc nhà cho bóng mát rượi. Giữa hàng mít giăng thêm chiếc võng nằm giữ nhà. Sau hè cũng có một hai võng mắc đâu đó để khách tới mua gà họ nằm đong đưa mặc cả và tán dóc đặng tránh cái nóng oi bức buổi trưa. Nếu ngồi họ cũng ngồi chồm hổm để dễ quan sát theo dõi từng dáng đi bộ vó chú gà như ban giám khảo chấm thi hoa hậu. Hoàng chăm sóc tỉ mỉ từng con gà như bà mẹ lo đứa con nhỏ của mình. Có lúc Hoàng giơ hổng chú gà lên khỏi đầu để tìm gì đó. Hỏi mới biết nó đang xem vảy và cựa của gà đặng biết gà thuộc loại tốt xấu. Xong xuôi Hoàng ôm gà đi khoác nước như tắm cho mát.

Đàn gà con mới ra ràng vừa thả ra sân chủ cho cả mẹ lẫn con nằm trong cái lồng gà lớn thoải mái đố gà nào khác “bắt nạt“” được con nó. Không như gà ăn thịt, chủ bỏ mặc để gà mẹ dắt đám con đi kiếm mồi. Mỏi mệt mẹ giương đôi cánh che chở cho gà con chui nằm trong đó. Bầy gà này có trên chục con là hai bầy nhập một để gà mẹ vừa chăn con mình và chăn lẫn con của gà khác để chị gà đó thong thả dưỡng sức đẻ tiếp. Rải rác phía sau nhà có độ năm sáu chuồng gà trung bình và đôi ba lồng gà khá lớn để nhốt gà mẹ và gà con, hầu chủ nó dễ coi chừng. Trời chạng vạng sau khi chúng ăn no, Hoàng hốt bầy gà đó cho vô thùng carton đem vào nhà, sáng lại đem ra sân nhốt tiếp. Quan sát thấy “mẹ gà” rất dữ, con nào lạng quạng đi gần lồng nhốt mẹ con nàng là nàng ta xòe đuôi ví đuổi như sợ ai bắt con mình đi. Người ta đã là mẹ của bầy gà con bận rộn thế kia vậy mà thỉnh thoảng có vài chú gà sung sức nhìn mẹ gà coi còn mượt mà nên “thả dê” hạ cánh đi xiểng niểng quanh chuồng của mụ được mụ đáp lại bằng cách xoè lông cánh ví chạy có cờ trong lồng chớ đừng hòng mụ “đá lông nheo” đâu nhé! Lác đác đâu đó hai anh gà “ngứa nghề” hoặc muốn lấy le với các chị mơn mởn khác nên tự động xoè đuôi, lông cổ giương ra đứng ghìm nhau thủ thế rồi một hai ba nhảy vô ăn thua đủ. Không có chủ đá mệt chúng tự động giải tán rút lui.

Nuôi gà lâu năm có kinh nghiệm lại kỹ lưỡng nên Hoàng sống được với nghề nầy. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Bà con nông dân có nhiều thú tiêu khiển trong đó thú chọi gà và cá độ là một. Mỗi con bán khoảng sáu, bảy chục euro trở lên tùy gà tốt xấu. Nhà làm ăn mua bán nên cửa ngõ không khóa còn mở rộng ra. Bạn bè hoặc khách mua gà tới họ ung dung đi thẳng từ trước ra sau hè để ngắm và chọn lựa. Ban đầu tôi chưa phân biệt ai lạ ai quen, sợ kẻ gian tới bắt gà nên rình, theo dõi họ hơi kỹ, hết dòm lén qua cửa sổ nhà mình đến giả bộ ra sân quét lá rụng để… giữ dùm. Nhưng khỏi lo, mẹ Hoàng coi chừng gà rất tài. Lạ quen gì bà đều biết mặt nhớ tên. Ai có dáng điệu khả nghi bước ra sau hè là bà mau lẹ tới ngồi ở băng đá trước nhà để… hóng mát và quan sát xem lúc hắn vào nhà đi tay không, khi trở ra có ôm thêm chú gà nào chăng để bà… báo động miệng.

Hoàng có tay nuôi gà nhưng không có tay nuôi chó. Nuôi con nào không chết thì bị bắt cóc. Bây giờ tạm ổn. Nuôi hai con cùng lúc cho nó có bạn. Ngày nọ con kia bị bắt đi, con nầy buồn biếng ăn biếng sủa một thời gian, giờ tạm nguôi ngoai bắt đầu biết sủa giữ nhà rồi. Nhà mình chó sủa lai rai. Nhà bên cạnh nuôi ba con. Khi chúng sủa hùa thiệt mệt lỗ tai nhưng thây kệ để ban đêm cả nhà được yên tâm thẳng giấc.

Sáng trưa chiều chủ cho gà ăn đều đặn. Đó là bữa ăn chánh. Ngoài ra còn những thức ăn tạp nhạp như cơm dư thừa hoặc trái cây chín như mận rụng đầy sân mặt sức gà mổ. Còn xoài, mít chín bị sâu ăn rụng lác đác cũng được Hoàng chịu khó đem quăng cho gà “ăn dặm”. Trời sẩm tối chủ gà lùa vô từng chuồng nhốt theo cấp bậc lớn nhỏ. Ban ngày cả đại đội gà đi tứ tán từ trước ra sau vườn. Chúng hay lấn sân dạo chơi qua nhà tôi để thỉnh thoảng rải phân bón cho tôi hốt quét có việc làm.

Sau cú bị trộm tóm thâu bầy gà, Hoàng chấn chỉnh lại chuồng trại. Nhà ở cạnh bờ sông, trước khi làm ăn, bọn trộm đã quan sát địa thế cùng đường đi nước bước rồi. Ban đầu giả bộ tới xem và tham khảo giá gà, đợi lúc tối trời và con nước lớn chúng bơi xuồng cặp bờ, cắt ổ khoá rào dưới bờ sông. Đập bể bóng đèn chong cho tối rồi tóm trọn bầy gà trong các chuồng xong rút đi êm ru. Sau trận đó Hoàng bắt buộc nuôi chó và tập cho gà lên… lầu ngủ. Cũng lầu một, lầu hai đàng hoàng. Lầu của chúng là những cây mận, cây mít cao ngất nghểu. Từng nhánh từng cành là tầng lầu của gà. Một thang tre dài đặt dựa gốc cây để gà bay lên đáp xuống như ta lên lầu từng bậc vậy. Hỏi làm sao tập chúng ngủ lầu được, Hoàng bảo khi gà biết bay nhảy, chạng vạng tối, Hoàng thảy chúng và đưa nhẹ từng con lên cây rồi từ từ chúng quen. Gà còn nhỏ chưa đủ lông cánh thì mang vô nhà nhốt. Bọn trộm gà cho đồng bọn nó kêu chủ nhân tới chuộc, cháu tôi trả lời: “Tụi bây để ăn đi tao không tiền chuộc!” Hỏi sao chúng không bán mà kêu chuộc?

Tại bán không bao nhiêu và ai cũng biết gà đá chỉ mình con ở đây nuôi thôi.

Vụ trộm gần đây nhất là năm rồi khi chúng tôi không ở đó, ban đêm chó nhà bên cạnh sủa gầm gừ lâu lắm, thằng Hiếu tên nô bộc nhà này lên sân thượng ngó thấy có kẻ gian đứng sát cửa bờ sông bèn báo động gọi điện thoại di động cho Hoàng. Ban đêm im vắng máy reo nghe lồng lộng. Biết động ổ chúng chuồn và biến đâu mất.

Hai năm trước vợ chồng tôi lo xa đã gắn alarm báo động. Tôi còn kén chọn nhạc nào reo êm tai không kêu ỏm tỏi giật mình, nhất là về đêm. Gắn được vài ngày đã gặp phiền. Khoảng nửa đêm nhạc Jingle Bells của máy đánh thức tôi dậy. Hồi hộp nhưng nhát không dám ra khỏi phòng, tôi lay chồng mình dậy “Alarm báo động anh ra bắt ăn trộm nè!” Nhưng có ma nào đâu, hoặc nếu có nó đã dông mất vì máy đánh thức chủ nhà dậy kia rồi. Tờ mờ sáng nó lại reo nữa. Thì ra chỉ một cơn gió lay nhẹ cũng khiến máy trổi nhạc lên. Thôi mau mau hạ máy cất. Ăn trộm không thấy chỉ thấy mình mất ngủ để rình kẻ gian lại thêm đau tim vì hồi hộp.

Xem đá gà hay coi đấu bò xứ Tây ban Nha hoặc đấu đô vật cũng na ná giống nhau không ra khỏi định luật “mạnh được yếu thua”. Trâu, bò, gà, vịt bị chủ đem làm trò tiêu khiển trục lợi. Con người đấm đá mạnh bạo mong hạ “nốc ao” đối thủ để mua danh kiếm lợi. Khi ra khán đài chào khán giả hai người thi đấu đều tươi cười khỏe mạnh. Phút cuối hạ màn kẻ nầy nằm đo ván, người kia cười méo miệng vì mệt nhưng vui sướng, được trọng tài nắm tay giơ cao tuyên bố “thắng cuộc“. Dù thắng hay thua bên nào cũng bầm mặt dập môi. Đạo Phật có nói về nhân quả. Người ôm gà đi đá, lấy cái đau của kẻ khác để mua vui cho mình thì cuối đời sẽ bị mù hay mang bịnh về mắt. Ông bà ta nhắc nhở như vậy chắc đã kinh nghiệm đâu đó muốn khuyên con cháu nhưng chúng sức mấy mà nghe!

Phần tôi chỉ thấy có chăn trâu hay chăn bò là khoẻ nhất. Ban ngày hai con vật này giúp chủ lo việc đồng áng. Trưa đứng bóng được thả rong đi kiếm cỏ ăn. Trời sẫm tối đám mục đồng cưỡi trâu bò về chuồng, vừa đi vừa hát nghêu ngao “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miện hát nghêu ngao”. Ngày xưa ông Đinh Bộ Lĩnh cũng cỡi trâu, tay cầm cờ lau chơi trò tập trận đánh giặc, phất cờ để điều binh khiển tướng. Ngày nay chúng ta cũng đã và đang có nhiều Đinh Bộ Lĩnh dẫn dắt đồng bào đi biểu tình trong trật tự. Trước là bày tỏ khát vọng muốn chén cơm manh áo mình không bị ô nhiểm vì chất độc thải ra trên biển. Sau là nêu cao dũng khí của đồng bào trước mối đe dọa xâm lăng của người láng giềng anh em.

“Tức nước vỡ bờ!” Câu nói phát xuất tự tâm can con người. Chờ vậy, ngày “vỡ bờ” chắc không xa!

Mùa Hè 2017

Mời độc giả xem bình luận “Tình nghĩa thời nay”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT