Saturday, April 20, 2024

Làm sao để biến ổng thành ‘Ông Già Bà Trị’

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

 

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi lấy chồng đã 20 năm, anh ấy xuất thân từ miền quê Nam Bộ, tính tình hiền lành, chân chất. Anh chân chất đến độ quê mùa, ruộng lúa, và điều này đôi khi làm tôi khó chịu và xấu hổ.

Cho đến nay, năm 2017, khi mà ở nhà quê Việt Nam cũng khó tìm ra một chiếc giường trải chiếu, vậy mà nhà tôi, ở Mỹ, giường ngủ của hai vợ chồng tôi, hiên đang trải một chiếc chiếu… cạp điều, đặt mua từ Việt Nam!

Anh không nằm nệm được, nói là không thẳng lưng nên nhức mỏi khi ngủ dậy. Tôi chìu chồng nên từ ngày làm vợ anh, không còn tơ hào gì đến chiếc nệm êm ấm. Nằm riết cũng quen lưng, và cũng đỡ tốn tiền mua drap. Mặc dù sống ở Mỹ, nhưng anh vẫn giữ thói quen ở quê nhà. Trong nhà, mùa nóng anh “đánh” một chiếc quần xà lỏn đi ra đi vào, phòng khách, nhà bếp. Tôi nói hoài không được, riết cũng mệt mà thôi. Đi chợ, tôi chẳng bao giờ dám mua cá kèo, vì nếu đem về thì anh sẽ quần tà lỏn ra ngoài sân sau, đổ ụp cá xuống nền đất và lấy tay chà xát cho đến khi hết nhớt. Trong khi tôi thì mắt dẹp mắt tròn coi chừng có hàng xóm Mỹ nào nhìn sang.

Tôi thương anh, anh lành, tốt bụng, nhưng lại không chịu được cái tính nhà quê của chồng. Thật ra nó cũng chẳng gì là ghê gớm nếu chỉ hai vợ chồng sống với nhau, cùng con cái trong nhà. Nhưng nay tôi sắp có rể, rể lại sẽ ở chung nhà nên tôi cũng âu lo, nghĩ suy phải làm sao thay đổi cái ‘ông già Ba Tri’ này. Than thở với ông điều này thì ông trả lời ngang chằng: Hắn ở nhà mình thì phải vào nếp nhà mình, bao giờ mình ở nhà hắn bà mới lo.

Xong phim! Không nói được, đã gọi là ‘ông già Ba Tri’ thì chịu. Ngày xưa nghe nói, ‘ông già Ba Tri’ dám đi bộ từ Bến Tre ra đến triều đình Huế để kiện cáo gì đó, thì nay con cháu ổng, giòng máu của ổng, ‘care’ gì đến chuyện ngủ trên chiếc chiếu cạp điều hay trên nệm, mặc quần tà lỏn trong phòng hay ra phòng khách, phòng nào cũng là phòng mà!

Các con tôi cũng rầu lắm nhưng tôi còn khuyên can không được huống gì đến các con. ‘Ông già Ba Tri’ sẽ phán tướng lên rằng: Tụi bây biết gì, mười nấc thang, tao đã bước đến nấc cuối, tụi bây con nít mới nứt mắt biết gì mà bàn. Xong phim luôn!

Thời đại nào cũng có một “Ông Già Ba Tri”, làm sao để biến ổng thành “Ông Già Bà Trị” thì đời phụ nữ chúng ta mới lên ngôi được.

Bà Trị

Góp ý của độc giả:

-Huỳnh Bảy

Không phải “ông già Ba Tri” mà là ông già “Bất Trị”. Không còn trị được thì Mỹ nó nói: “take it or leave it.”

-Người Bến Tranh:

Đừng bao giờ nghĩ rằng có thể thay đổi được Ông Già Ba Tri. Chịu thua ông ấy thì tốt hơn.

-Người miền Tây Nam Bộ:

Chỉ có một điều cần làm là đừng cho rể ở chung nhà là xong.

Ông già Ba Tri vẫn là ông già Ba Tri muôn đời.

-Le Chi Phuong

Tôi thấy có gì ghê gớm lắm đâu? Ông già Ba Tri có gì xấu đâu? Ồng sống đơn giản thì tốt chứ sao! Ổng nói đúng: Rể vô nhà ổng thì phải theo lề thói nhà ổng chứ?

-Mnn

“Hắn ở nhà mình thì phải vào nếp nhà mình, bao giờ mình ở nhà hắn bà mới lo.”

Ông này đúng là loại đàn ông vừa ngang vừa bướng.

Nếu ổng biết nói như vậy thì ổng đang ở Mỹ, sao không học theo nếp sống ở Mỹ mà vẫn sống như kiểu VN?? Ổng đang sống ở miền quê VN hay bên Mỹ vậy?? Chị hỏi ổng xem ổng nói như thế nào.

-NB

Đọc thư chị xong tôi thấy anh chị thật là một đôi vợ chồng thú vị. Chồng được mệnh danh là “ông già Ba Tri ” hiền lành, chân chất, tốt bụng, nhưng rất ngang bướng và vẫn giữ cốt cách chân quê (dù đã sống ở Mỹ khá lâu). Vợ tự mệnh danh là “Bà Trị ” luôn tỏ vẻ cong cớn, dữ dằn, muốn cai quản ông chồng, nhưng thật ra là một người vợ chiều chồng, yêu thương gia đình, vui tính, nhiều lời (tính cách của phụ nữ Nam Bộ )

Nếu có đọc sách của những nhà văn Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, hay xem những thước phim nói về cuộc sống vùng thôn quê, sông nước, ta sẽ thấy nổi bật lên tính cách của những con người sinh hoạt trong những môi trường đó: Giản dị, chân chất, hào sảng, thân thiện. Những tính cách thật đáng quý, đáng trân trọng trong cuộc sống thành thị có thể văn minh, hào nhoáng hơn nhưng thật cá nhân, ích kỷ, bề ngoài.

Có câu danh ngôn: “Người ta có thể cố tìm cách thay đổi diện mạo, thái độ, che đậy suy nghĩ, nhưng cái thần của đôi mắt và cái khí chất của con người là thứ không cách nào giả mạo được.”

Chồng của chị là một người bảo thủ, anh thấy mình sống thoải mái, hạnh phúc khi vẫn giữ lối sống giản dị, chân quê, giữ được bản chất hiền lành, tốt bụng của mình. Anh nghĩ tại sao mình lại phải thay đổi theo ý kiến người khác, đây chính là cuộc sống của mình mà, cứ sống tốt, tử tế là được. Chính chị cũng nói chị thương anh vì những tính cách này.

Nhưng chị ơi, anh nhà không phải là một người dễ bị lèo lái, a dua đâu. Cứ nghe cách anh nói với chị: “Hắn ở nhà mình thì phải vào nếp nhà mình, bao giờ mình ở nhà hắn bà mới lo”. Đúng là nhập gia tùy tục mà. Hay như cách anh nói với các con: “Tụi bây biết gì, mười nấc thang tao đã bước đến nấc cuối. Tụi bây con nít mới nứt mắt biết gì mà bàn.”

Thật là chí lý! Cuộc đời của anh đã trải qua bao thăng trầm, nếm trải đủ ngọt, bùi, chua, cay, đã nhìn ngắm thế thái nhân tình tốt xấu thế nào. Chính những kinh nghiệm sống này đã hun đúc cho anh có một thái độ sống an nhiên, tự tại, chắc nịch như vậy. Bởi thế chị và các con hãy vui vẻ chấp nhận ông chồng, ông bố này đi. Anh đã là như thế không thể thay đổi được. Về phần con rể chị, nói thiệt khi phải làm dâu hay ở rể, người ta sợ nhất là phải sống cùng với những người khó tính, kiểu cách, hay xét nét, phê phán. Vì vậy không chừng khi tới ở rể, thấy ông bố vợ hiền lành, dễ chịu, tốt bụng, anh con rể lại thấy thoải mái, thương ông bố vợ nhiều nữa là khác.

Chúc cả nhà luôn vui vẻ, hạnh phúc sống chan hòa bên nhau.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga,

Cứ khoảng nửa năm, có khi là vài tháng, thì chồng em lại “thả” giọng trầm: Ngày mai anh phải đi. Mặt buồn đầy tâm sự! “Đi” đây phải hiểu là đi Việt Nam!

Ban đầu em cũng bù lu bù loa khóc lóc, có khi gào lên. Nhưng về sau, em thấy, có gào, có chửi, có khóc thì chồng em vẫn đi. Có lần em giấu passport của anh, nhưng anh lại đi làm passport loại gấp rồi đi. Cũng có khi em giả bộ ốm, rên hừ hừ, móc họng cho ói… nhưng anh vẫn đi. Về sau em bó tay.

Mấy ngày đầu ảnh đi, thời gian như đứng lại, mình cứ tưởng ngày về chẳng bao giờ đến. Nhưng rồi anh cũng về. Khi ảnh về thì em lại sống trong phập phồng âu lo, hồi hộp không biết khi nào ảnh lại đi. Lâu dần em nghiệm ra, thời gian hạnh phúc nhất của em là khi anh đang đi. Vì đang đi thì lâu lắm mới đi lần nữa. Còn mới về tức là sẽ đi. Cứ thế mà cuộc sống của em cứ phập phòng, lên xuống chuyện đi-về của ảnh.

Một điều mà em cũng nói thêm là, hiện ảnh có một người đàn bà khác có con với ảnh, đứa nhỏ đã 4 tuổi. Em không làm lớn chuyện vì nghĩ rằng, mình làm lớn thì mất chồng, mà em thì yêu ảnh, và ảnh cũng rất tốt với vợ con.

Cũng có bạn xúi, em nên có bạn trai, em không đồng ý với phương cách này, thì bạn em lí luận, mình chỉ giả đò cho “giả” ghen để quay về thôi, chứ đâu có thiệt mà lo. Rồi thì bạn em ra sức “kiếm” đối tượng cho em. Nó cũng trưng ra vài người, nhưng thật sự người nào em cũng ớn da gà. Ngay cả một anh bạn của ảnh cũng bày em, nên ra ngoài mấy quán cà phê ngồi, đàn bà ngồi uống cà phê một mình dễ bắt mắt lắm! Nhưng em không làm, nói thật đi ngang mấy quán cà phê đông người em còn quýnh chân tay huống chi là ngồi ra chiều có tâm sự buồn để “câu khách”. Có đứa còn nói em: Mày đừng giống con cún cứ ẳng ẳng theo chân chủ, khi chủ bực nó đá cho, thì là gào lên, nhưng đến khi chủ ngoắc lại, vuốt ve vài cái thì lại vẫy đuôi, bám lấy nó, đồ ngu!

Những lời khuyên, xúi… của bạn bè nhiều lắm, nhưng em vẫn không sao làm được. Em cầu xin cho cô ấy vì ở xa chồng em, rồi có bồ để chồng em giận mà không về nữa. Nhưng mới đây, gia đình báo cho em biết, cô ta đang có bầu đứa thứ hai. Em nghe tin mà quỵ xuống!Mấy đứa bạn em rít lên: Đã bảo mà không nghe, ở đó mà chờ con đàn con lũ của chúng ra đời.

Đứa thứ hai thì quá đáng lắm rồi, em có nên làm theo lời các bạn không? Em không sắc nước hương trời, nhưng với những gì sẵn có, để kiếm một người khác, hơn chồng em, thì không có gì là quá tầm với.

Túy Lê

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Tấm lòng thiện của “ông dân tộc” nghèo Quảng Nam

MỚI CẬP NHẬT