Friday, April 19, 2024

‘Sanh sản vô tính’ – tin đồn và sự thật

BS. Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

***

Cách đây gần đúng 20 năm, trên tờ báo nghiên cứu khoa học Nature, một nhóm khoa học gia từ Anh Quốc đã công bố sự thành công trong việc cloning và chào đời của con cừu Dolly, một bản sao bằng phương pháp sanh sản vô tính. Trái với sự lo âu ban đầu, trong vòng 20 năm qua, những kiến thức thâu thập đươc từ thí nghiệm nầy, cho dù không ít nhiêu khê, đã đẩy mạnh những bước tiến quan trọng khác trong việc chữa trị bệnh tật.

Năm 1996 bà Karen Mycock (bây giờ đã có gia đình, đổi tên là Walker), đã tiến hành một cuộc thí nghiệm, lấy nhân tế bào (nucleus) từ một tế bào mỡ của một con cừu, đem chuyển vào lòng trắng của một cái trứng của một con cừu khác với nhân của cái trứng ấy đã được lấy ra. Sau đó bà cho một dòng điện nhỏ kích thích cái tế bào này kết hợp với nhau, làm cho nó tiếp tục phân chia và tạo thành một phôi thai. Sau đó, phôi được chuyển vào tử cung của một “mẹ nuôi” mang thai giúp. “Cô bé cừu” Dolly được chào đời, là bản sao nhân bào của “một con cừu mẹ”.

Trước đó có nhiều khoa học gia đã tìm cách làm bản sao nhân bào nhưng không thành công, phải bỏ cuộc với kết luận: chuyện cloning không thể nào thực hiện được. Năm 1958, ông John Gurdon từ trường Đại Học Oxford University đã tìm cách clone những con ếch cũng bằng phương pháp chuyển nhân tế bào (nuclear transfer) tương tự. Tuy nhiên những cái phôi thai nầy đã ngừng phát triển ở giai đoạn những con nòng nọc. Ngoài ra còn nhiều thí nghiệm trên các loài động vật khác cũng thất bại. Lý do được giải thích là, sau khi tế bào đã bước qua thời kỳ tế bào gốc để trở thành tế bào da, thịt…thì không thể quay lại giai đoạn tế bào gốc được. Sự phát triển của các tế bào được xem là một chiều.

Trong thí nghiệm Dolly thành công nầy, người ta đã khắc phục được con đường một chiều ấy, bằng cách “đồng bộ” sự phân chia của một tế bào mỡ với một cái trứng để tạo thành một phôi thai.

Thật ra mục đích chính của thí nghiệm Dolly không phải chỉ là “sanh sản vô tính”, tức là “reproductive cloning”, để “copy” thú vật hay con người. mà mục đích khác, chính là, tìm cách tạo ra tế bào gốc từ một tế bào thường, bằng cách biến con đường một chiều trên thành hai chiều. Tạo được tế bào gốc như thế sẽ tránh khỏi vấn đề khó xử khi phải huỷ diệt một phôi thai để lấy tế bào gốc. Và cũng từ nguồn tế bào gốc nầy, ta có thể dùng để chữa trị các bệnh tật thí dụ như bệnh tiểu đường loại 1, bệnh hoại, liệt thần kinh multiple sclerosis, các bệnh tim mạch… Phương hướng thứ nhì nầy gọi là “therapeutic cloning”, cloning để trị bệnh.

Tuy nhiên, sau khi thí nghiệm thành công về con cừu Dolly, người ta chỉ bị ám ảnh bởi các truyện kinh dị như làm bản sao con người để lấy nội tạng, hay làm sống lại những Hitler, những Einstein… Cũng như trước đó, người ta đã từng nghĩ những em bé được cấy bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, In Vitro Fertilization, chỉ để bày bán trong các lồng kính như bán thú vật.

Thêm một điều quan tâm khác, là những bản sao nầy sẽ có nhiều bệnh tật, chóng già, chóng chết, như thế là vi phạm y đức. Cho đến nay, đã có 4 bản sao của chính “cô cừu Dolly” vẫn sống vui, sống khoẻ ở tuổi già bình thường của loài cừu.

Không những thế, một số “gọi là khoa học gia”, nói theo kiểu ông Trump, là “so-called scientists”, đã làm tăng thêm những lo âu bằng những công bố rằng, thì, là họ đã thành công trong việc cloning con người, mà không trưng bằng chứng nào rõ rệt. Cũng vì những “con sâu làm sầu nồi canh” ấy, rất nhiều chính phủ đã hạn chế , ngăn cấm tối đa những thí nghiệm về cloning và tế bào gốc, nhất là tế bào gốc của con người.

Trên thực tế, 10 năm sau khi Dolly ra đời, các nghiên cứu về cloning, cả về “reproductive cloning” lẫn “therapeutic cloning” chỉ dậm chân một chỗ, không có một tiến bộ nào rõ rệt cả. Về cloning thì thật ra cũng không thành công trong loài khỉ, chưa nói gì đến cloning con người. Còn sản xuất ra dòng tế bào gốc từ tế bào con người (human embryonic stem cells) cũng không thấy mặt mũi tăm hơi. Năm 2004, một nghiên cứu gia Nam Hàn, Hwang Woo-souk, tuyên bố rằng ông đã thành công trong việc tạo ra một dòng tế bào gốc bằng cách cloning phôi thai con người. Tuy nhiên sau đó những dữ kiện của ông được chứng minh là nguỵ tạo, cho dù ông ta có thành công trong việc cloning một con chó. Sau nầy ông Hwang đã mở xí nghiệp để clone chó mèo cho người giàu với giá $100,000 dollar mỗi con.

Năm 2006, ông Shinya Yamanaka, khoa học gia người Nhật, đã lý luận rằng, lý do thí nghiệm con cừu Dolly thành công là nhờ những chất kích thích tăng trưởng trong lòng trắng trứng. Vì thế ông đã phân tách ra những chất nầy, gồm có 24 chất, với 4 chất quan trọng nhất. Bằng cách kích hoạt các tế bào bình thường với các chất tăng trưởng nầy, người ta có thể tạo ra tế bào gốc mà không cần phải huỷ đi một phôi thai. Những tế bào gốc nầy còn gọi là IPS, “induced pluripotent stem cells”. Do công trình nghiên cứu nầy, ông được giải Nobel năm 2012. Tuy nhiên cho đến nay, người ta vẫn chưa thật sự thành công trong việc sử dụng những tế bào nầy vào việc chữa trị bệnh, thí dụ như bệnh mù mắt do bị thoái hoá võng mạc, macular degeneration, một thí nghiệm bị thất bại vào năm 2015.

Sau thí nghiệm của ông Shinya Yamanaka, vào năm 2013, ông Shoukhrat Mitalipov của trường Đại Học Oregon Health and Science University đã hoàn chỉnh thêm việc tạo ra dòng tế bào gốc con người, vì ông cho rằng những tế bào bị kích thích đi ngược chiều trở về dạng tế bào gốc cũng còn mang theo những dấu ấn, vết sẹo thời gian.

Ngoại trừ việc cloning con người, hiện nay người ta đã thành công trong việc cloning thú vật, từ chuột, chó mèo, đến bò, ngựa, nai, trâu rừng, lạc đà v.v.. Trong nông nghiệp, khắp nơi trên thế giới, người ta thường xuyên và mặc nhiên cloning các con thú có giống tốt.

Trở lại chuyện cloning con người, sự phát triển có thể đi theo một chiều hướng khác để đáp ứng nguyện vọng của những cặp cha mẹ hiếm muộn. Hiện nay người ta đã thí nghiệm thành công trong con chuột, biến những tế bào IPS trở thành tinh trùng và trứng. Phương pháp nầy gọi là in vitro gametogenesis, IVG, tức là tạo ra trứng hay tinh trùng trong ống nghiệm. Nếu, một chữ NẾU thiệt là lớn, ta có thể áp dụng kỹ thuật nầy vào tế bào con người thì trên lý thuyết có thể cấy con cho những người không có, hay không thể sản xuất ra trứng hay tinh trùng. Thậm chí có thể tạo ra em bé cho hai người cùng phái, hay tạo ra em bé từ một người duy nhất mà không hẳn là cloning.

Phương pháp tạo em bé IVG nầy có thể là chiều hướng trong tương lai, vì người phụ nữ đỡ bị đau đớn khi phải tiêm thuốc, hút trứng qua cửa mình, mà chỉ cần cạo vài tế bào da là xong. Dĩ nhiên là, “từ đây đến đó”, đường hãy còn nhiều chông gai, và sẽ có thêm những lo âu, chê bai, dèm pha này nọ. Tuy nhiên, nhìn ngược lại quá khứ, hầu như tất cả các phát minh y khoa đều đi đến mục đích tối hậu là phục vụ nhân loại, và không có một “sự cố’ nào ghê rợn như trong các phim truyện giật gân, bóp méo khoa học. Và, nhìn tới, khi mà kết quả thành tựu tốt đẹp, người ta sẽ dễ chấp nhận những phương cách chữa trị mà ngày nay được xem là “không thể tưởng tượng” nỗi.

(Một số dữ kiện trong bài viết nầy lấy từ, “The sheep that changed the world”, báo The Economist, 02/2017)

MỚI CẬP NHẬT