Thursday, March 28, 2024

Làm sao để chồng ‘xóa án’, bảo lãnh vợ ở Việt Nam?

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô Nguyệt Nga, hiện con vẫn còn ở Việt Nam, con kết hôn (có hôn thú) lần đầu với chồng con, là một thường trú nhân tỵ nạn năm 1980. Anh ấy đã có 3 con với người vợ trước. Phần con chưa có đứa con nào.

Theo lời anh kể thì năm 22 tuổi anh ấy lập gia đình, sống hạnh phúc được 15 năm thì vợ chồng gặp nhiều mâu thuẫn dẫn đến ly dị vào năm 2008.

Vẫn theo lời chồng con, thì trong lúc đỉnh điểm của mâu thuẫn, vợ cũ nhào tới đánh anh, anh hất cô ấy ra khiến cô ấy ngã, có lẽ vì ngã nên có vết bầm tím. Cô ấy chụp hình vết bầm và đưa ra tòa. Anh đã nhận tội nên bị kết án, bị cấm gặp vợ con.

Năm 2010 vì quá nhớ con, anh đến trường xin gặp con và bị cô giáo gọi cho vợ cũ. Người vợ cũ gọi police bắt anh, anh bị phạt 1 năm tù treo.

Đến năm 2012 anh có hẹn với con trai lớn ăn tại một nhà hàng mà không biết vợ cũ cũng có mặt ở đó. Cô ấy thấy anh thì gọi cho police và thưa ra tòa. Anh lại bị bắt phạt thêm 1 năm tù treo. Đến nay anh đã rút kinh nghiệm nên tránh xa những rắc rối đó. Hàng tháng anh vẫn chu cấp $600 cho con theo quyết định của tòa.

Anh quen con năm 2012 đến 2015 thì kết hôn. Anh đang bảo lãnh con theo diện F2A. Nay anh muốn thi quốc tịch nhưng không biết có được không? Nếu được anh cần làm những thủ tục gì để xóa án? Và nếu không được thì liệu có quy định thời gian bao lâu kể từ ngày hầu tòa để được xóa án và thi quốc tịch không ạ? Con rất mong nhận được thư góp ý từ cô Nguyệt Nga và quí độc giả, nếu ai hiểu về trường hợp của chồng con xin tư vấn giúp con, gia đình con vô cùng biết ơn!

Kính,
Jenny Nguyen
*Góp ý của độc giả:

– Long Pham:

Nên nhớ luật sư di trú lập đơn xin nhập tịch và xóa án, không khó khăn gì, chỉ tốn một chút tiền.
– Thục Lê:

Vấn đề của em, đâu có thể ai góp ý được ngoài luật sự di trú, phải là luật sư chuyên di trú nha em. Vì có rất nhiều luật sư khi quảng cáo, đã ghi rất nhiều vấn đề mà văn phòng họ đảm nhận, từ xe cộ, li dị, trộm cắp, di trú… họ đều nhận để giải quyết. Những luật sư này họ giải quyết hồ sơ của mình cũng được nhưng không làm sao bằng luật sư chuyên môn.

Em nên nói với chồng em đến gặp một luật sư có uy tín trong vấn đề di trú, kể hết mọi chuyện sau đó để cho luật sư thay mình làm. Khi có luật sư vấn đề sẽ được Sở Di Trú nhìn bằng con mắt khác. Mình dân thường chằng biết đâu mà hỏi họ, nhưng khi có luật sư đại diện, luật sư sẽ biết cách hỏi, biết cách theo dõi, điều này khiến mình đỡ mất thì giờ đó em.

Chúc em may mắn.

Nhật Lan

Chào Cô Jenny Nguyen. Đọc lá thư của Cô, tôi hơi ngạc nhiên vì:

-Thứ nhất: Cô là người đang sống ở Việt Nam, mà lại viết thư hỏi về vấn đề pháp lý và xin thi nhập quốc tịch cho một người đang định cư tại Hoa Kỳ, từ năm 1980!

-Thứ Hai: Chồng của cô đến định cư tại Mỹ từ năm 1980 theo diện tị nạn, đến năm 2015 đã 35 năm, vậy trong thời gian suốt 35 năm này, sao anh ấy không thi vào quốc tịch Mỹ? Vì có lẽ còn những vấn đề giới hạn, nên không được Sở Di Trú chấp thuận đơn xin thi vào quốc tịch Mỹ của anh?

-Thứ Ba: Về những câu hỏi của Cô “Nay anh muốn thi quốc tịch nhưng không biết có được không? Nếu được anh cần làm những thủ tục gì để xóa án? Và nếu không được thì liệu có qui định thời gian bao lâu kể từ ngày hầu tòa để được xóa án và thi quốc tịch không ạ?”

Theo tôi, những câu hỏi này của cô – chỉ có những văn phòng luật sư chuyên phụ trách về Luật Di Trú, về thi nhập quốc tịch, hay ít ra là những dịch vụ chuyên lo về di trú, lo vấn đề thi vào quốc tịch, họ mới có thể trả lời cho cô một cách chính xác (từ những người có hiểu biết, có chuyên môn vững vàng trong lãnh vực di trú lẫn tòa án.) Bởi trường hợp của chồng cô không đơn giản trong việc xin thi vào quốc tịch Mỹ.

-Thứ Tư: Tại Mỹ có rất nhiều luật sư, nhiều văn phòng dịch vụ chuyên lo về di trú, lo về vấn đề nhập quốc tịch, sao chồng của cô không đến gặp trực tiếp những văn phòng này để nhờ họ hướng dẫn, chỉ dẫn các thể lệ và thủ tục để làm sao nộp đơn xin thi vào quốc tịch Mỹ, cho một người đã bị những bản án như người chồng của cô. Theo tôi vấn đề này rất cần đến chuyên môn của những người lâu năm trong nghề, thì mới biết được, mình phải làm gì? Phải cần đến những giấy tờ gì từ bên tòa án?

Thủ tục xin thi nhập quốc tịch Mỹ thì không khó, thế nhưng với những người đã có tiền án, tiền sự… thì tùy từng trường hợp nặng hay nhẹ, mà Sở Di Trú sẽ xét đơn cho thi nhập quốc tịch Mỹ hay vĩnh viễn không chấp thuận?

Luật Di Trú của Mỹ vốn dĩ đã rất nhiều chi tiết, nhất là đã trót vướng vào những rắc rối với tòa án nhiều lần như chồng của cô, thì càng không đơn giản chút nào!

Tóm lại, chồng của cô nên đến nhờ văn phòng luật sư chuyên lo về di trú, lo về nhập tịch để họ cố vấn, và nhất là có những giúp đỡ cụ thể về mặt giấy tờ cần thiết và về mặt pháp lý cùng những lời khuyên hữu ích cho chồng cô, từ những người có kinh nghiệm lâu năm cùng chuyên môn và có khả năng trong vấn đề này.

Chúc chồng cô nhiều may mắn và vợ chồng sớm được đoàn tụ bên nhau.
*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, năm nay em 42 tuổi, lập gia đình được 17 năm, hiện em có một con trai. Vợ chồng em thương yêu nhau mà đi đến hôn nhân.

Khi còn học ở trung học, tức trước năm em lấy chồng khoảng 8, 9 năm, em rất thân với một anh dạy kèm em môn toán, anh ấy hơn em vài tuổi và mỗi tuần 3 lần đến nhà kèm cho hai chị em em. Nói là yêu nhau thì không đúng, mà nói không có tình ý chút nào với nhau cũng không đúng. Anh ấy đặc biệt quý em, biết em thích nhạc, anh ấy mang cho em cả chục băng cassette, thâu lại những bài em thích. Biết em mê đọc tùy bút của những nhà văn tiền chiến, anh ấy chép vào một cuốn sổ đóng bìa thật đẹp, gồm những tùy bút của nhiều tác giả rồi mang cho em. Anh ấy có thể copy rồi đóng tập lại cho em, nhưng anh ấy đã không làm thế, mà ngồi chép tay từng cuốn một, lại vẽ thêm vài hình minh họa. Anh ấy chưa bao giờ nói với em lời yêu thương mà chỉ tỏ những cử chỉ thương mến nhẹ nhàng vậy thôi. Lòng em cũng mềm đi vì những điều ảnh làm cho em, nhưng em là con gái, em biết làm sao, chẳng lẽ thú thật là mình yêu ảnh, nên chỉ biết chờ đợi ảnh mở lời.

Tháng qua tháng, năm qua năm, tình cảm vẫn thế, dậm chân tại chỗ, anh cũng vẫn im lặng không mở lời với em, còn em thì vẫn giữ kẻ mình là gái không được tỏ tình trước.

Em chờ đợi hoài công, chẳng đi đến đâu, sau đó thì ông xã của em tấn công như vũ bảo, và kết quả là em gật đầu làm vợ, người mà em không yêu lắm.

Khi em lấy chồng, vài tháng sau ảnh lấy vợ. Em vẫn ấm ức trong lòng chuyện xưa, muốn có dịp hỏi cho ra lẽ. Chắc vì nỗi ấm ức chưa giải tỏa nên khiến cho em nằm mơ thấy hoài hình ảnh của ảnh, Giấc mơ không thường xuyên, có một điều lạ là giấc mơ tuy có khác nhau, về thời gian, nơi chốn, nhưng tình huống thì luôn luôn giống nhau. Đó là hễ anh ấy sắp tỏ tình thì bao giờ cũng có một chuyện gì đó xảy ra khiến anh ấy không nói nữa, có thể là ai đó đi ngang qua, có thể trời mưa phải chạy vào nhà… Nói chung là hàng trăm giấc mơ rồi mà vẫn chưa nghe ảnh nói yêu em. Phần em, em luôn luôn ao ước có một lần được gặp anh và nói với anh là em yêu ảnh. Và chỉ nói vậy thôi chứ nhất quyết không có gì đi xa hơn.

Một lần em đã có cơ hội gặp ảnh, nhưng em ngưng lại vì nghĩ, nếu mình là người vợ, mình sẽ không muốn chồng mình có một cuộc gặp gỡ như thế. Nghĩ vậy, nên em quyết định không đến gặp. Lần đó em tiếc mất một dịp để nói lên lòng mình. Nhưng lại mừng vì mình chưa phạm tội.

Gần 17 năm lập gia đình, cho đến nay, giấc mơ thỉnh thoảng vẫn hiện ra. Em không muốn giấc mơ đó đến nữa, vì mỗi lần như thế em lại thấy mình là người vợ tội lỗi. Em muốn làm cái gì đó để giấc mơ tan đi. Bạn em nói: “Mày gặp một lần đi, nói cho xong, thì sẽ không còn bị ám ảnh nữa.” Gặp một lần cũng không, em không làm vậy được, nó sẽ có lỗi với chồng em, con em và vợ của anh ấy. Em nghe nói mình ra ngoài sông hay biển, khấn nguyện rồi vứt cây nhang xuống, giấc mơ sẽ trôi theo cây nhang mà không trở lại nữa. Em không có ý phá hoại gia đình người khác, và cũng không muốn nằm bên chồng mà có những giấc mơ về người khác. 17 năm rồi, thời gian đâu phải là ít, ban ngày bận trăm công nghìn việc em không hề nghĩ đến, thế nhưng có những đêm em mơ thấy chuyện cũ, có một cái gì thật êm ái, nhẹ nhàng len vào lòng em, và em thấy thật hạnh phúc.

Nhạn Lưu

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 25 tháng 7 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT