Saturday, April 20, 2024

Trưng Vương 100 năm – Thầy cô và bè bạn

Bích Ngọc

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

“Nếu mình hết lòng với ai đó, hay một việc gì đó, trước sau rồi mình cũng nhận được sự đáp lại tương xứng thôi.”

(Trích đoạn câu trả lời của thầy Lê Nguyên Đại, cựu giáo sư dạy môn Việt Văn trường Trưng Vương)

Trưa nay nhận được Tập san Mê Linh kỷ niệm 100 năm trường Trưng Vương do Nguyễn Linh Quang gởi từ Pháp sang.

Khuya tôi chong đèn thức đọc đến 4 giờ sáng. Biết nói sao cho vừa bao tình cảm thân thương với thầy cô, bạn bè trường lớp xưa cũ, hiện rõ về qua từng trang giấy.

Chỉ góp một bài viết nhỏ mà tôi nhận lại đuợc biết bao là tình.

Cách đây vài tháng, hưởng ứng lời kêu gọi của Haco Chi đóng góp bài vở nhân kỷ niệm thành lập trường Trưng Vương 100 năm.

Tôi thức khuya, viết xong bài là hai giờ sáng bên Đức, vội vàng gọi cho Chính nhắn bạn đọc duyệt. Nghe giọng Chính vui tôi cũng vui theo mà quên đêm đã qua, trời hừng sáng. Chính tốt và nhiệt tình lắm, cứ lo làm cách nào gởi tập san qua cho tôi. Cơ may cũng đến khi thầy Đại qua Pháp lo công việc, vậy mà còn lỉnh kỉnh xách bao nhiêu cuốn tập san qua cho học trò.

Thế là Quang lớp trưởng lớp C1, cậu học trò cưng của thầy Đại, giờ là kỹ sư điện toán bên Pháp, có dịp cùng thầy hàn huyên. Quang là người rất có tài viết nhạc, làm thơ, viết văn rất nhiều đăng trên các tạp chí Văn đàn uy tín với bút danh “Cổ Ngư”. Quang ngày đi học dáng vẻ thư sinh, nho nhã, khuôn mặt tuấn tú. Quang chu đáo ghê, cất công gởi ngay tập san qua Đức cho tôi đọc, còn kèm theo tấm thiệp mấy con mèo thật dễ thương.

Nghĩ lời thầy Đại nói thật đúng, chỉ cố gắng viết một bài ngắn đóng góp cho Mê Linh vì nghĩ đó là bổn phận học sinh Trưng Vương, vậy mà tôi hôm nay nhận lại biết bao là tình của bạn bè, của Chính, của Quang. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà tôi chong đèn thức suốt đêm để đọc quyển tập san còn thơm mùi giấy mới này, vì mỗi bài viết trong tập san thật hay, sinh động và hình ảnh minh hoạ, đính kèm tuyệt vời.

Tôi ưu tiên tìm đọc văn của Quang, tựa bài “Tiếc” (Sau thời trung học, có nhiều lần, tôi tiếc. Tiếc con dốc đổ, màu ngói nâu, hành lang hút gió, khung cửa lớp mở ra khoảng xanh, tiếng giảng bài, nụ cười, ánh mắt….)

Đọc bài thơ ” Hội Ngộ” và hát thầm bài nhạc Quang làm “Chào Trưng Vương với bao tà áo trắng dịu dàng…”

Để rồi tôi say mê đọc bài viết sâu sắc, thâm thuý của thầy Đại về thi sĩ “Bùi Giáng, vang và bóng, và…”

Tập san đẹp quá! Tôi đọc từng bài viết của các chị trong ban biên tập. Quả là một việc làm đầy tinh thần trách nhiệm hiện rõ qua từng trang báo. Cách sắp xếp bài vở, chọn lọc và in ấn đầy khoa học và cả tính nhân văn. Phải có trong tay quyển tập san Mê linh, mới cảm nhận đầy đủ tất cả mà qua vài dòng tôi ghi lại không thể nào diễn tả đầy đủ.

Chỉ biết khi tôi đọc đến bài viết “Mùa Thu Canada” của cô Tổng giám thị trường Trưng Vương 1947-1975, với hình ảnh cụ già tóc bạc ngoài 85 tuổi ngồi trên bậc cửa trước nhà ở Montreal, ngắm cảnh Mùa Thu. Sao đẹp đến nao lòng! Đó là cô Vũ Thị Nguyệt Minh, cô vừa là cô giáo và cũng là nhân chứng lịch sử của ngôi trường Trưng Vương Hà Nội, cho đến năm 1954 trường di cư vào Nam.

Không hiểu sao đọc bài viết của cô Nguyệt Minh “Mùa Thu Canada” và đọc bài phỏng vấn của chị Phùng Kim Liên-TV 75 với cô Nguyệt Minh lại cho tôi nhiều cảm xúc đến thế.

Hơn bốn giờ sáng rồi mà tôi không thấy buồn ngủ vì từng bài viết của mỗi tác giả chất chứa, chuyên chở và gợi nhớ biết bao kỷ niệm trân quý của cuộc đời bao bể dâu, thâm trầm mà ngôi trường Trưng Vương ghi dấu.

Mắt tôi ướt khi đọc đến đoạn phu quân của cô Nguyệt Minh là thầy Nguyễn Tá, trước đây là giáo sư môn Toán, thầy đã bước qua tuổi 95, cô 91 tuổi. Không cảm động sao cho được khi thầy cô đã đi cạnh nhau qua 74 năm liền từ Bắc vào Nam.

Và bây giờ thầy cô, hai mái đầu bạc, vẫn cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, vẫn cạnh nhau ngắm nhìn cảnh Mùa Thu Montreal đẹp mơ màng. Chắc hẳn thầy cô vẫn đong đầy nỗi nhớ về ngôi trường Trưng Vương, về con đường ngập lá vàng…

Còn tôi bây giờ bỗng tiếc, tiếc lắm cho nền học vấn giáo dục trước năm 1975. Sau khi tôi đọc đi đọc lại những trang đầu của quyển tập san, phần giới thiệu về các vị hiệu trưởng. Vị hiệu trưởng đầu tiên là cô Nguyễn Thị Thục Viên, kế đến là cô Nguyễn Thị Yến, cô Tăng Xuân An, cô Nguyễn Thị Phú và vị hiệu trưởng cuối cùng từ năm 1970 đến năm 1975 là cô Trần Thị Tuyết.

Cũng theo bài báo có ghi nhận đây là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử thành lập trường Trưng Vương. Các nữ sinh đã mang về trường kết quả thi cử vẻ vang với tỷ lệ đậu cao hai kỳ thi Tú tài. Làm vẻ vang, rạng danh ngôi trường trung học Trưng Vương.

Bằng kiến thức sư phạm tối ưu, tài năng lãnh đạo khoa học các vị hiệu trưởng cùng với nhiều thầy cô xuất sắc đã giảng dạy, đào tạo bao thế hệ học sinh toàn diện về văn võ song toàn. Các thế hệ học sinh đó được thừa hưởng một nền giáo dục học đường toàn bích, kiến thức, nhân cách và kỷ luật, kỷ cương.

Thời kỳ trước năm 1975 không chỉ trường Trưng Vương, mà hầu hết các trường trung học khác khi nhắc đến là mỗi người học sinh đều tự hào như trường Võ Trường Toản, Gia Long, Petrusky, Chu Văn An, Lê Văn Duyệt v.v…

Theo ý kiến của tôi một xã hội trật tự hùng mạnh hay không, đều bắt nguồn từ nền học vấn giáo dục cho học sinh từ những ngày đầu bước đến trường, tiếp theo những năm tháng miệt mài học hành, lĩnh hội kiến thức và đào tạo cả nhân cách, trí dũng. Đem kiến thức phụng sự xã hội, lập lại trật tự, kỷ cương. Chúng ta khao khát và mơ ước nền giáo dục toàn diện như thế.

Tự nhiên giờ tôi bỗng thấy nhớ thời con gái, áo dài trắng tinh tươm, từng vòng quay xe đạp đến trường, chở đầy ước mơ của tôi qua từng trang sách vở.

Vậy là Trưng Vương ơi, đêm nay tôi lại một đêm không ngủ để đong đầy nỗi nhớ về trường xưa, thầy cô và bạn hữu.

Xả lũ “đúng quy trình”, mặc dân Đắk Lắk mất trắng lúa, ngô

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT