Wednesday, April 24, 2024

Vợ chồng tôi đi tuyên thệ nhập tịch Mỹ

 

Lê Hoàn

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Giấy mời ghi 12 giờ 10 trưa nhưng mới 9 giờ chúng tôi đã lên đường cho chắc ăn vì sợ kẹt xe trên freeway và để có thời gian đi tìm Los Angeles Convention Center, nơi chúng tôi sẽ thực hiện một việc hệ trọng trong đời: tuyên thệ trở thành công dân Mỹ.

Nhờ có GPS nên 10 giờ chúng tôi đã đến nơi và thấy những người tham gia buổi tuyên thệ lúc 9 giờ đang ra về. Quang cảnh trước Trung tâm Los Angeles Convention rất nhộn nhịp, người đi tuyên thệ và thân nhân đều vui vẻ, hứng khởi cùng nhau chụp hình kỷ niệm, cũng có tặng hoa, ôm nhau hôn, khóc… thật xúc động.

Dọc theo hai bên cửa ra vào của Trung Tâm Hội Nghị là các quầy vận động “tân công dân” đi bầu rất “xôm tụ”, một bên của đảng Cộng Hòa, một bên của đảng Dân Chủ, cả hai bên đều có các biểu ngữ cổ động cho ứng viên của mình nhưng được cái là họ không phát loa rần trời nên cũng đỡ nhức đầu.

Tôi thấy người ta tụ tập bên Dân Chủ nhiều, còn bên Cộng Hòa rất thưa thớt. Kỳ bầu cử này chắc lịch sử nước Mỹ ghi nhận thêm hai kỷ lục: Tổng thống nữ đầu tiên và hai vợ chồng cùng làm tổng thống. Mà biết đâu chừng cô con gái của họ sau này sẽ lập thêm một kỷ lục: vợ chồng con cái đều làm tổng thống! Nước Mỹ thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, phải không các bạn?

11 giờ, chúng tôi đi vào bên trong và đi theo hướng mũi tên chỉ của tấm bảng có ghi chữ “Citizenship.” Nơi tổ chức lễ tuyên thệ là một hội trường lớn ở tầng hai, trên đường đi chúng tôi thấy có những quầy ghi danh đi bầu, làm passport, chụp hình kỷ niệm, bán các kiểu bìa để trưng bằng quốc tịch cho các công dân mới. Trước khi vào hội trường chính, toàn bộ người dự lễ được phân thành nhiều nhóm để qua các cổng an ninh. Vì chống gậy nên tôi được phân vào nhóm ưu tiên (bao gồm những người già, bịnh… cùng thân nhân đi kèm) và được cung cấp ghế ngồi trong khi các nhóm khác đều phải đứng.
Tôi vừa mừng vừa lo, nói với bà xã, “Kiểu này là mình được vô sớm nên thế nào cũng bị ‘officer’ phỏng vấn nhiều vì họ còn ‘hăng máu,’ cần phải chú ý nghe họ nói gì để trả lời cho đúng.”

Xin được nói thêm là khi đi tuyên thệ “chuẩn công dân” sẽ “được” phỏng vấn lần hai, chủ yếu là xoay quanh tám câu hỏi mà mình đã trả lời in trong thư mời đi tuyên thệ. Nếu ‘officer’ mệt thì chỉ hỏi một hai câu cho có, còn nếu khỏe thì biết đâu ‘officer’ hỏi đủ thứ là “tiêu”. Đã có người vì tiếng Mỹ kém, không qua được cửa ải cuối cùng này nên bị trả về cho Sở Di Trú để lên lịch phỏng vấn lại từ đầu.

11 giờ 30, nhóm ưu tiên được phép đi qua cổng an ninh để vào hội trường chính, rồi tự chọn cho mình một viên chức đang ngồi chờ sau dãy bàn đặt dọc theo vách của hội trường (trên tường sau các bàn có dán số thứ tự từ 1 đến 110) để nộp giấy mời tuyên thệ và thẻ xanh.

Tôi đang nhắm 1 viên chức nam để đi tới thì không ngờ một officer nữ giơ tay ngoắc tôi. Tôi than thầm trong bụng nhưng cũng đành phải quẹo vô. Thấy bà này người Mễ, lớn tuổi và gương mặt vui vẻ nên tôi cũng đỡ lo khi trình thư mời và thẻ xanh. Bà chào, hỏi tên tôi rồi nói bà sẽ phỏng vấn tôi một lần nữa, tôi có sẵn sàng chưa. Tôi trả lời “Yes.”

Câu đầu tiên officer hỏi tôi chỉ nghe loáng thoáng vì trong hội trường ồn ào quá, tôi xin bà nói lại mà trong bụng cứ đánh lô tô. Có lẽ bà này cũng hiểu tình trạng này nên nhón người tới trước cho gần tôi hơn rồi hỏi lại. May mắn là từ đây tôi nghe được hết các câu hỏi và trả lời ngon lành.

Bà chúc mừng và đưa lại tôi thư mời đã được ghi thêm một số thứ tự kèm theo thẻ xanh đã bị bấm một lỗ to tướng, bà dặn sau khi lễ xong đi đến bàn có số này để nhận bằng quốc tịch.

Trong khi chờ người nhân viên này làm thủ tục, tôi quay sang bên cạnh thì bất ngờ thấy bà xã đang được phỏng vấn kế bên. Tôi chú ý nghe officer nói thì hiểu là bà xã không nghe được officer hỏi gì nên buộc miệng nhắc. Lập tức người đang phỏng vấn bà xã trừng mắt nhìn tôi, nói tôi không được trả lời dùm. Tôi xin lỗi rồi giải thích là “She is my wife”, bà này đúng là dễ chịu nên cười rồi chỉ tôi đi vào khu vực dành cho người tuyên thệ.

Vì lo cho bà xã nên tôi cứ nấn ná ở đó chưa đi thì có người đến hỏi tôi có cần họ giúp gì không, vì họ thấy tôi chống gậy nên rất quan tâm giúp đỡ, đến người thứ ba, thứ tư hỏi thì tôi đành phải đi đến chỗ ngồi.

Tôi được phát một lá cờ và một bì thư lớn rồi được hướng dẫn ngồi trong khu vực của nhóm ưu tiên ngay bên cạnh lối ra vào và sát bên khu vực nộp giấy tờ. Không hiểu sao ông Mễ đi sau tôi lại ngồi cách tôi một ghế nên bên cạnh tôi là một ghế trống (chẳng lẽ ổng “sợ” ngồi gần tôi?).

Tôi lo lắng cho bà xã quá vì thấy bà ấy được chuyển sang khu vực có các dãy bàn ghi chữ A, B, C, D là khu vực phỏng vấn lại những người không đạt yêu cầu. Khi thấy bà ấy phỏng vấn xong lại đi ra hướng cửa ra vào, tim tôi muốn nhảy ra ngoài vì nghĩ bà ấy không được tham gia lễ tuyên thệ. Bà ấy đang đi thì có một nhân viên chặn lại và hướng dẫn bà ấy đi vào lối đi đến khu vực tuyên thệ. Lúc đó tôi mới hoàn hồn. Thì ra là do bà ấy không biết đường đi. Hú hồn hú vía!

May quá, lúc này tôi mới biết ý trời cho hai vợ chồng ngồi chung nên khiến ông Mễ chừa một ghế trống, thế là tôi kêu bà xã vào ngồi bên cạnh cho vui. Ban đầu nhân viên không cho vì đây là khu vực ưu tiên nhưng tôi nói là ghế này không có ai ngồi nên cuối cùng họ cũng đồng ý.

Buổi lễ tuyên thệ bắt đầu từ 1 giờ 30 dưới sự chủ tọa của một chánh án, vì lễ tuyên thệ do tòa án tổ chức với sự tham gia của Sở Di Trú, chấm dứt lúc 2 giờ 15 chiều.

Khu vực ưu tiên được cho ra trước và là những người lấy bằng quốc tịch đầu tiên. Tôi đi đến bàn có số thứ tự ghi trên thư mời để nhận bằng. Nhân viên bàn tôi tìm một hồi không thấy bằng của tôi nên kiểm tra lại danh sách. Hóa ra là họ sắp xếp mỗi bàn phụ trách phát bằng cho một nhóm số thứ tự căn cứ vào số thẻ xanh. Do đó, tôi được chuyển qua bàn đã phát bằng cho bà xã tôi, vì số thẻ xanh của tôi và bã xã sát nhau. Tại đây tôi được người nhân viên chúc mừng lần nữa rồi phát cho tờ giấy in màu mè khá đẹp kèm theo lời dặn kiểm tra kỹ thông tin trên bằng và về nhà nhớ ký tên vào hàng chừa trống trên bằng.

Họ thu lại thư mời và thẻ xanh của mình (giờ thì nó cũng chẳng còn giá trị gì nữa).

Thế là xong! Đến bây giờ mới có thể thở phào nhẹ nhỏm, chấm dứt một năm trời luôn mang nỗi lo canh cánh trong lòng về việc thi quốc tịch.

MỚI CẬP NHẬT