Friday, March 29, 2024

Trung Quốc xây nhà để máy bay trên đảo nhân tạo ở Trường Sa

Tiếp tục đẩy thêm căng thẳng trên Biển Ðông

KHÁNH HÒA (NV) – Trung Quốc cho xây nhà để máy bay (hangar) trên ba hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa đồng thời thành lập cơ sở nghiên cứu việc khai thác Biển Ðông là những hành động mới nhất của Trung Quốc nhằm phủ nhận phán quyết về Biển Ðông.

Trung Quốc đang tạo thêm lo ngại cho an ninh và sự ổn định ở Biển Ðông khi những không ảnh mà CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – một tổ chức độc lập có trụ sở ở Hoa Kỳ) vừa công bố cho thấy, tại Chữ Thập, Subi và Vành Khăn (ba bãi đá ở quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo) mới có một loạt hangar.

Theo CSIS thì các hangar là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ bài bố phi cơ ở ba đảo nhân tạo vừa kể. Xem xét những không ảnh đã được công bố, ông Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), bảo với New York Times rằng, mức độ kiên cố của các hangar cho thấy chúng được xây dựng không phải để chứa các phi cơ dân dụng. Kích thước của các hangar tại Chữ Thập, Subi và Vành Khăn phù hợp với việc chứa từ các chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, vận tải cơ quân sự.

Theo phân tích của AMTI thì một số hangar có thể chứa từ II-78 – vận tải cơ tiếp liệu trên không cho tới II-76, Y-20 – những vận tải cơ lớn nhất của không quân Trung Quốc. AMTI tìm thấy trên không ảnh một số cấu trúc nhân tạo khác dạng tháp hoặc hình lục giác trên Chữ Thập, Subi và Vành Khăn nhưng chưa xác định được mục đích sử dụng của các cấu trúc này.

Theo Asia One thì Trung Quốc đã quyết định đặt cơ sở nghiên cứu việc khai thác Biển Ðông tại đảo Hải Nam và sẽ khánh thành cơ sở này vào tháng 11. Cục Khoa Học-Công Nghệ Hải Nam và Ðại Học Hải Nam được giao trách nhiệm phối hợp để duy trì và phát triển hoạt động của cơ sở nghiên cứu vừa kể nhằm hiểu biết về Biển Ðông tường tận hơn, góp phần bảo vệ quyền lợi của dân tộc Trung Hoa tốt hơn.

Một viên chức đang làm việc tại Cục Khoa Học-Công Nghệ Hải Nam cho biết, trước mắt, cơ sở nghiên cứu việc khai thác Biển Ðông sẽ được tài trợ 1,5 triệu Mỹ kim/năm trong năm năm. Ban đầu, số chuyên gia làm việc tại đó sẽ là 24 rồi nơi này sẽ tuyển thêm các nhân tài ở trong và ngoài Trung Quốc.

Ðể hiểu thâm ý của Trung Quốc qua tuyên bố thành lập cơ sở nghiên cứu việc khai thác Biển Ðông, cần nhắc qua những điểm chính trong phán quyết về Biển Ðông.

Sau ba năm xem xét các lập luận, chứng cứ do Philippines đệ trình trong vụ kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông, hồi trung tuần tháng 7, Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đã công bố phán quyết về Biển Ðông.

Theo đó, yêu sách của Trung Quốc là vô lối vì thiếu cơ sở pháp lý. Tòa khẳng định, không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Cũng vì vậy, việc Trung Quốc bồi đắp các bãi đá tại quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo bị phán quyết về Biển Ðông biến thành vô nghĩa, chưa kể Trung Quốc còn bị Tòa cáo buộc là hủy diệt hệ sinh thái ở Biển Ðông.

Nhiều hoạt động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa, kể cả khuyến khích ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản bị Tòa xác định là xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines. (GÐ)

MỚI CẬP NHẬT