Wednesday, April 24, 2024

Võ sĩ đạo Nhật được Vatican phong chân phước

OSAKA, Nhật (NV) – Một võ sĩ đạo Nhật (samurai) chết trong lưu đày cách đây chừng 400 năm do không chịu bỏ đạo, vừa được giáo hội Công Giáo phong chân phước tại một buổi lễ hôm Thứ Ba.

Theo AFP, khoảng 12,000 người tham dự buổi lễ phong chân phước cho ông Takayama Ukon, được tổ chức tại Osaka, dưới sự chủ trì của Hồng Y Angelo Amato, đại diện Đức Giáo Hoàng Francis.

Phong chân phước là bước khởi đầu trước khi có thể được phong thánh.

Thiên Chúa Giáo được các nhà truyền giáo Jesuit dòng Francis Xavier du nhập vào Nhật năm 1549 và trong nhiều thập niên, tín ngưỡng này phát triển mạnh trước khi bị cấm ngặt vào cuối thế kỷ thứ 16 và 17.

Ông Takayama sinh năm 1552, một lãnh chúa phong kiến nổi tiếng, bênh vực mạnh mẽ Thiên Chúa Giáo lúc nhà cầm quyền thời bấy giờ tìm cách triệt hạ.

Ông qua đời khi sống lưu đày ở Manila vào năm 1615 vì không chịu bỏ đạo theo đòi hỏi của các sứ quân (shogun), người xem Thiên Chúa Giáo như là mối đe dọa của nền độc lập và an ninh quốc gia, vào thời kỳ mà chủ nghĩa thuộc địa Tây Phương đang xâm nhập vào Châu Á.

Việc phong thánh ông Takayama trùng hợp với lúc cuốn phim nhan đề “Silence,” tức sự im lặng, của đạo diễn Martin Scorsese vừa được trình chiếu.

Cuốn phim nói về nỗi thống khổ của các nhà truyền giáo Jesuit ở Nhật khi tín đồ Thiên Chúa Giáo bị đàn áp và bị bắt phải bỏ đạo.

Phim được dựng dựa theo tiểu thuyết cùng tên của tác giả Shusaku Endo viết vào năm 1996.

Vào đầu những năm 1600, ở Nhật có từ 220,000 đến 300,000 tín đồ Thiên Chúa Giáo, trong khi dân số ở đảo quốc thời bấy giờ chỉ từ 15 đến 20 triệu.

Nhưng các lãnh chúa hùng mạnh có ảnh hưởng lớn trên toàn quốc, sau khi nhận thấy Tây Ban Nha chiếm Philippines, cảm thấy lo sợ tín ngưỡng của nước ngoài và bắt đầu tìm cách triệt hạ Thiên Chúa Giáo vào năm 1587.

Vatican bị phản đối khi mời Bắc Kinh dự hội nghị chống buôn nội tạng

Các nhà truyền giáo bị trục xuất khỏi nước, đồng thời tín đồ Thiên Chúa Giáo bị bắt ép phải bỏ đạo, một số bị buộc phải bước qua ảnh tượng của Chúa Jesus hay Đức Mẹ Maria.

Đến năm 1614 thì Thiên Chúa Giáo hoàn toàn bị cấm ngặt.

Theo thống kê của năm 2015, ở Nhật có ít nhất 962,731 tín đồ Thiên Chúa Giáo, gồm người theo Công Giáo và Tin Lành, chiếm không đầy 1% tổng dân số của cả nước. (TP)

MỚI CẬP NHẬT