Thursday, April 18, 2024

Xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Pháp

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Tổng thống mới của nước Pháp, thay thế đương kim Tổng Thống Francois Hollande, sẽ được cử tri chọn lựa trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Tư.

Theo quy định ở Ðiều 7 Hiến Pháp, nếu không ứng cử viên nào đạt đa số quá bán (50%+) ngay trong vòng đầu, thì hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ đấu lại ở vòng bầu cử thứ nhì hai tuần lễ sau, tức là vào ngày Chủ Nhật, 7 Tháng Năm.

Ông Francois Hollande thuộc đảng Xã Hội (PS), được bầu lên năm 2012 với nhiệm kỳ 5 năm, có quyền nhưng đã quyết định không ứng cử nhiệm kỳ thứ nhì. Như thế, ông là vị đương kim tổng thống đầu tiên trong Ðệ Ngũ Cộng Hòa Pháp (từ 1958 đến nay) không tái tranh cử.

Hôm 18 Tháng Ba, Hội Ðồng Hiến Pháp công bố danh sách chính thức 11 ứng cử viên, chín nam hai nữ, hội đủ điều kiện và đã được các đảng phái chọn qua bầu cử sơ bộ hay bằng những phương cách khác.

Các ứng cử viên được chú ý nhất là ông Emmanuel Macron, cánh trung; ông Francois Fillon, bảo thủ; bà Marine Le Pen, cực hữu; ông Benoit Hamon, đảng Xã Hội; và ông Jean-Luc Melenchon, cánh tả.

Trong bối cảnh xã hội và chính trị phức tạp của nước Pháp, cuộc tranh cử là rất sôi nổi gay go. Tờ nhật báo Le Monde tại Paris nói rằng rút kinh nghiệm của việc thăm dò dư luận không đem đến kết quả chính xác trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh và bầu cử tổng thống 2016 tại Mỹ, dự đoán về kết quả vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp rất khó khăn.

Theo tờ Le Figaro, số ra hôm Thứ Sáu, kết quả sẽ tùy thuộc rất nhiều vào tỷ lệ cử tri đi bầu, dự đoán không quá 72% ngày Chủ Nhật sắp tới, và chỉ đến 8 giờ tối (buổi trưa ở California) mới có thể biết hai ứng cử viên nào dẫn đầu. Tờ báo này cũng cho biết 6 trong số 10 cử tri Pháp đã thay đổi ý kiến ít nhất một lần từ Tháng Giêng đến nay.

Ðêm Thứ Năm, chưa đầy 72 giờ trước bầu cử, một tay súng bắn chết một cảnh sát viên và làm bị thương hai người khác trên đại lộ Champs-Elysées, trung tâm thủ đô Paris, trước khi bị lực lượng an ninh bắn hạ. Sau đó, ISIS lên tiếng nhận trách nhiệm. Người ta thắc mắc không hiểu ISIS muốn gây ảnh hưởng gì trong vụ khủng bố này. Dư luận báo chí Pháp cho rằng ISIS muốn gây sự sợ hãi trong dân chúng ngay trước vòng bầu cử đầu và có thể kéo dài đến nhiều tuần lễ sau.

Thủ lãnh Mặt Trận Quốc Gia (NF), bà Marine Le Pen, ứng cử viên cực hữu có lập trường chống di dân, lên tiếng phê phán chính quyền Xã Hội và đòi hỏi tái lập sự kiểm tra chặt chẽ biên giới. Tổng Thống Mỹ Donald Trump cũng bất ngờ đưa ý kiến qua một tweet, nói rằng vụ này “sẽ có tác động lớn với cuộc bầu cử,” nhưng không rõ ông muốn nói tới những tác động như thế nào.

Việc vận động tranh cử sẽ chấm dứt từ nửa đêm Thứ Sáu như đã định. Lực lượng an ninh Pháp đã có kế hoạch triển khai 50,000 cảnh sát cùng 7,000 binh sĩ tuần tra để bảo vệ an ninh cho 70,000 địa điểm đầu phiếu. Hai ứng cử viên nhiều triển vọng, Francois Fillon và Emmanuel Macron, loan báo hủy bỏ các cuộc vận động tranh cử ngay từ ngày Thứ Sáu.

Tranh cử tại Pháp là thời gian để các nhóm đối lập tung ra nhiều tin tức giả, giống như ở mọi cuộc bầu cử tại các nước khác, kể cả tại Mỹ. Ví dụ, hồi Tháng Mười năm ngoái, người ta thấy xuất hiện một tin tức hoàn toàn phi lý và vô căn cứ là “Ðức Giáo Hoàng Francis tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Donald Trump” (!). Ngày nay, các mạng xã hội là phương tiện thuận lợi cho tranh luận chính trị, nhưng không thể tránh khỏi sự lạm dụng để phổ biến loại tin giả nhằm tuyên truyền đánh lạc hướng dư luận.

CNN cho biết ít nhất gần 20 tin tức loại ấy đã được ghi nhận trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp, như là một số sau đây.

-Trang mạng Le Soir, một tờ tuần báo tiếng Pháp phát hành ở Bỉ, tung ra tin ông Emmanuel Macron, ứng cử viên cánh trung hiện nay, đang dẫn đầu, nhận tiền của Saudi Arabia. Nhiều mạng xã hội chia sẻ tin này và ban tranh cử của bà Le Pen cũng tweet đi, nhưng sau đó biết là tin giả và bị chỉ trích nặng nề, nên cho gỡ xuống.

-Trên Twitter và Facebook, nhiều lần có hình ông Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên cánh tả chủ trương bảo vệ môi trường, đeo một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 17,750 euro. Ðây là tấm hình cũ từ hơn một năm đã được sửa chữa bằng Photoshop.

-Thủ quỹ Mặt Trận Quốc Gia công bố một kết quả thăm dò của tờ Le Figaro, có logo của tờ báo bên cạnh, nói rằng 32% những người được hỏi ý kiến công nhận bà Marine Le Pen thắng tất cả các đối thủ trong cuộc tranh luận trên truyền hình TF1. Tờ Le Figaro sau đó cho biết trên trang web của họ không hề có một kết quả thăm dò dư luận nào như thế.

-Một tweet được nhiều độc giả chia sẻ trên Twitter và Facebook dẫn lời bà Marine Le Pen: “Tôi kinh ngạc thấy truyền hình France TV phổ biến cho con trẻ chúng ta bức hình Masha đội khăn trùm đầu trong phim hoạt họa của Nga Masha và Michka.” Bà Le Pen phủ nhận lời phát biểu này, vì bà đã từng gây ra một làn sóng chỉ trích khi từ chối mang khăn trùm đầu trong một chuyến đến Lebanon. Tweet xác nhận tin giả đó là của các người chống Mặt Trận Quốc Gia.

-Một ủng hộ viên của bà Marine Le Pen hồi Tháng Hai đưa lên Facebook hình một cảnh sát viên bị thương nặng, kèm theo lời phàn nàn về sự thờ ơ của công chúng và tố cáo chính quyền thiếu biện pháp đáp ứng thích đáng. Tin này được nhiều độc giả chia sẻ trên mạng xã hội và bày tỏ sự phẫn nộ. Nhưng sau đó, BuzzFeed News, một trang mạng có trụ sở ở New York, khám phá ra cảnh sát viên trong tấm hình đó là ở Bangkok, do một phóng viên nhiếp ảnh của Reuters chụp được.trong một cuộc biểu tình bạo động chống chính quyền quân sự Thái Lan năm 2014.

Làm thế nào phân biệt thật giả trong những trường hợp như thế? Trước hết, điều ấy phụ thuộc vào người đọc, có trình độ nhận thức phán đoán và đừng mang sẵn thiên kiến gì. Nếu có nghi ngờ, nên kiểm tra qua các cơ quan truyền thông dòng chính, bởi vì những nơi này bằng uy ín nghề nghiệp và trách nhiệm pháp lý không thể đưa tin giả.

MỚI CẬP NHẬT