Tuesday, April 23, 2024

ACUITY EYE SPECIALISTS

By Dr. Elizabeth Du and Dr. Dana Le, Acuity Eye Specialists

Những thắc mắc thường gặp đối với các vấn đề về mắt và thị lực

Chuyển ngữ: Thái Lâm

Câu hỏi 1: Tôi có nên uống thuốc vitamin bổ mắt không?

Ðáp: Những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamins, acid béo Omega-3 rất tốt cho đôi mắt nói riêng, và cho sức khỏe nói chung. Trên thực tế có những bằng chứng cho thấy các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như Vitamin C và E có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh đục thủy tinh thể (cataracts). Với những bệnh nhân mắc chứng thoái hóa điểm vàng, các bác sĩ nhãn khoa sẽ khuyên dùng loại thuốc bổ đang được thử nghiệm có tên gọi AREDS2 gồm các vitamins và khoáng chất như Vitamin C (500mg), Vitamin E (400 IU), Lutein (10mg), Zeaxanthin (2mg) Zinc Oxide (80mg) và Copper Oxide (2mg). Với những vị mắc triệu chứng khô mắt thì các loại acid béo giàu Omega-3 như dầu cá và flax seed giúp cải thiện đáng kể. Ngoài ra để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt nên thường xuyên tập thể thao, không hút thuốc và đeo kính mát chống tia UV mỗi khi đi ra đường.

Câu hỏi 2: Mộng thịt (pterygium) và mộng mỡ (pinguecula) là gì. Nếu bị, tôi phải làm sao? Có nên mổ lấy ra hay không?

Ðáp: Mộng thịt hay Pterygium là sự phát triển bất thường của kết mạc mọc đè lên giác mạc. Nếu sự phát triển nhỏ, không cản trở thị giác thì không cần phải mổ, bác sĩ sẽ cho thuốc nhỏ mắt nếu bệnh nhân cảm thấy đỏ, ngứa, khó chịu. Nên mang kính mát chống tia tử ngoại mỗi khi ra đường và tránh những nơi quá bụi bặm, đồng thời phải nhỏ nước mắt nhân tạo mỗi khi bị khô mắt. Nếu tình trạng nặng, khó chịu và bị cản trở thị lực thì cần phải mổ lấy ra. Tuy nhiên, sau khi mổ lấy mộng thịt ra, khoảng 15% trường hợp vẫn có thể bị lại.

Mộng thịt (Pterygium).
Mộng thịt (Pterygium).

Mộng mỡ hay Pinguecula là một vệt màu vàng gần mép giác mạc, được tạo thành từ mỡ và protein ở lòng trắng mắt, và đôi khi do ánh mặt trời gây ra. Mộng mỡ không lan lên giác mạc và thường lành tính, do vậy không cần phải mổ phẫu thuật lấy ra. Nếu bệnh nhân cảm thấy đỏ, sưng, ngứa, khó chịu thì bác sĩ có thể chỉ định nhỏ thuốc mắt hoặc nước mắt nhân tạo để làm dịu bớt.

Câu hỏi 3: Có thể mổ đục thủy tinh thể bằng tia laser không?

Ðáp: Có thể dùng tia laser đặc biệt để thực hiện một số thao tác trong việc mổ đục thủy tinh thể (cataract) như: Rạch vết cắt, tán nhuyễn và làm mềm thủy tinh thể). Tuy nhiên tia laser không phải là công cụ duy nhất mà các bác sĩ sẽ dùng trong một ca mổ đục thủy tinh thể. Nói cách khác, tia laser không quá cần thiết trong việc thực hiện phẫu thuật nhưng tùy vào tình trạng của quý vị, nó có thể giúp thị lực tốt hơn mà không cần dùng kính. Bác sĩ của quý vị sẽ cho quý vị những lời khuyên chính xác hơn. Thường bảo hiểm không chi trả cho phần hỗ trợ của tia laser trong các ca mổ đục thủy tinh thể.

Thủy tinh thể nhân tạo (Cataract).
Thủy tinh thể nhân tạo (Cataract).

Câu hỏi 4: Tôi sử dụng computer làm việc rất nhiều giờ trong ngày, mắt tôi có bị ảnh hưởng hay không?

Ðáp: Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy sử dụng máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác gây hại cho mắt. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng liên tục trong nhiều giờ có thể khiến cho mắt mệt mỏi, căng thẳng và thị lực mờ. Sau đây là một số mẹo giúp quý vị giảm mệt mỏi cho mắt:

BS Dana Le đang đo mắt cho bệnh nhân.
BS Dana Le đang đo mắt cho bệnh nhân.

-Ðặt màn hình cách mắt từ 20-24”, và chếch khoảng 10-15 độ dưới tầm mắt.

-Nhỏ nước mắt nhân tạo trước khi dùng và khoảng 2-4 giờ trong suốt thời gian sử dụng máy. Thông thường mắt người chớp 15 lần một phút, nhưng chỉ chớp có một nửa hoặc một phần ba con số đó khi dùng máy tính. Chính điều này dẫn tới chứng khô mắt.

-Cho mắt nghỉ giải lao. Áp dụng nguyên tắc 20/20/20, tức cách 20 phút nhìn ra xa 20 ft trong 20 giây.

-Nếu sử dụng kính cận hay kính lão nên dùng mắt kính đo chính xác nhất để giảm căng thẳng cho mắt.

-Dùng màn hình chống lóe (anti-glare) cho màn hình hoặc mắt kính có tráng lớp chống chói.

Câu hỏi 5: Tôi có nên đeo kính sau khi được phẫu thuật đục thủy tinh thể không?

Ðáp: Tùy vào các thông số đo cá nhân của từng người mà bác sĩ quyết định sử dụng loại lens implant nào để giảm thiểu việc quý vị phải dùng mắt kính sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Hầu hết các công ty bảo hiểm chỉ chi trả cho phần cấy monofocal (kính nội nhãn – IOL) giúp bệnh nhân hoặc nhìn xa; hoặc nhìn gần không cần mắt kính, chứ không chi trả cho cả hai một lúc. Nếu quý vị chọn nhìn xa thì có thể lái xe không cần mắt kính, nhưng phải đeo kính để đọc sách.

Hầu hết các hãng bảo hiểm đều không chi trả cho những lens đặc biệt, cho phép bệnh nhân có tầm nhìn xa và gần mà không cần mắt kính. Do vậy, quý vị nên bàn kỹ với bác sĩ phẫu thuật về mục tiêu của mình sau khi mổ để có thể chọn phương pháp thích hợp nhất cho mình. Mặc dù các bác sĩ cố gắng giảm thiểu việc sử dụng mắt kính sau khi mổ, quý vị vẫn có khả năng sẽ phải dùng mắt kính để nhìn xa và gần rõ ràng hơn. Mục đích chính của ca mổ đục thủy tinh thể là lấy đi thủy tinh đã bị mờ, chứ không phải để loại trừ hoàn toàn việc dùng kính của quý vị.

Câu hỏi 6: Tôi bị mụt lẹo ở mắt. Lẹo mắt là gì? Chữa trị như thế nào?

Ðáp: Có nhiều tuyến dầu ở chân lông mi tiết ra chất dầu được hòa quyện vào chung với nước mắt để giúp ngăn ngừa mắt khô. Tuy nhiên những tuyến dầu này có thể bị nghẹn hoắc ứ đọng lại thành mụt lẹo. Mụt lẹo làm mí mắt sưng to và có thể bị nhiễm trùng. Cách điều trị mụt lẹo như sau:

Mụt lẹo trên mí mắt.
Mụt lẹo trên mí mắt.
  • Ðắp gạc nóng 3-4 lần một ngày, mỗi lần từ 5-10 phút.
  • Nhẹ nhàng rửa mi mắt bằng xà bông tắm em bé pha loãng (tỷ lệ 1:4).
  • Nhỏ kháng sinh, steroid, tra thuốc mỡ hoặc chích.
  • Mổ để lấy mủ ra.

ACUITY EYE SPECIALISTS
14501 Magnolia Blvd.,
Suite 103, Westminster, CA 92683
Tel: 1-714-594-7160 (office) or 1-800-898-2020 (call center)
Website: www.acuityspecialists.com


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT