Friday, March 29, 2024

Hà Nội: Dân bắt giữ 30 cảnh sát cơ động, đòi trao đổi thả người, trả đất

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đòi công an thả người bị bắt một ngày trước, đổi lại họ sẽ thả hơn 30 công an và cảnh sát cơ động đang bị giam tại nhà văn hóa xã.

Tình hình chống cưỡng chế đất trong đó có vụ một số nhân viên công lực bị bắt làm con tin ở xã ngoại thành Hà Nội bước sang ngày thứ hai, và hiện chưa biết sẽ tiếp diễn theo hướng nào.

Ngày 15 Tháng Tư, lực lượng an ninh địa phương đã đến xã Đồng Tâm bắt giữ một số người, (tin chính thức nói là bắt bốn người, nhưng các tin tức “lề trái” phổ biến trên mạng xã hội nói bắt 15 người) bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” liên quan đến chống cưỡng chế đất. Một đơn vị cảnh sát cơ động được điều động tới trấn áp, nhưng bị dân trong xã bắt giữ một số.

Theo bản tin của VNExpress “hôm 16 Tháng Tư, hơn 30 người trong đó có nhiều cảnh sát cơ động đã bị một số người dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) bắt giữ đưa về nhà văn hóa xã chiều 15 Tháng Tư. Chính quyền đang tích cực tháo gỡ tình hình.”

Vẫn theo VNExpress, trước đó, ngày 30 Tháng Ba, cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng. Ngày 15 Tháng Tư, cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt bốn người tại Mỹ Đức do cáo buộc có liên quan vụ án.

Cảnh sát cơ động bị người dân nhảy lên xe bắt xuống. (Hình chụp qua YouTube)
Cảnh sát cơ động bị người dân nhảy lên xe bắt xuống. (Hình chụp qua YouTube)

Ngày Chủ Nhật, 16 Tháng Tư, chính quyền thành phố Hà Nội cho hệ thống báo đài tuyên truyền là “đề nghị người dân tỉnh táo, hợp tác với các cơ quan chức năng, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật.”

Chiều 16 Tháng Tư, Thành Ủy Hà Nội ra thông điệp kêu gọi thả những người thực thi công vụ đang bị giam giữ trái pháp luật.

“Đề nghị chấm dứt mọi hành vi vi phạm pháp luật,” thành ủy kêu gọi, theo VNExpress.

Theo thành ủy, gần đây tại xã Đồng Tâm liên tục xảy ra tình trạng vi phạm đất đai. Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp giải quyết, đối thoại nhưng tình hình “ngày càng trở nên nghiêm trọng.”

Tờ VNExpress thuật lời một người địa phương giải thích lý do họ bắt các công an và cảnh sát cơ động nói trên là “họ muốn chính quyền thả những người trong xã đã bị bắt chiều qua.”

Nhiều video clip về sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm được phổ biến trên YouTube và Facebook lôi cuốn hàng chục ngàn người xem. Trong đó. người ta thấy cảnh người dân thẩm vấn một cảnh sát cơ động bị bắt, cảnh người dân ném đá khiến công an bỏ chạy tán loạn. Một đoạn video clip thấy một ông cụ đứng ra giải thích lai lịch của khu đất.

Theo phóng viên VnExpress, trưa ngày 16 Tháng Tư, “rất đông người dân lập nhiều chốt tại các ngả đường dẫn vào thôn. Khu vực nhà văn hóa có tường bao, cổng sắt được khóa kín. Tất cả cửa sổ khung nhôm kính đều được cài chặt. Khoảng 30 người tụ tập bên ngoài. Từng tốp cầm gậy đứng bao quanh. Phía sau nhà văn hóa xếp nhiều can nhựa. Bên hông nhà có hai căn phòng nhỏ chứa nhiều chai lọ và bao tải, bốc mùi khó chịu. Lối vào sâu trong thôn xuất hiện hàng chục khúc gỗ lớn nằm ngay trên đường.”

Trao đổi với VnExpress, một người dân tên Loan cho biết: “Các cảnh sát được chúng tôi cung cấp đồ ăn, nước uống đầy đủ và đối xử lịch sự.”

Trong số cảnh sát cơ động bị bắt có một số mặc thường phục. (Hình: Blog Nguyễn Tường Thụy)
Trong số cảnh sát cơ động bị bắt có một số mặc thường phục. (Hình: Blog Nguyễn Tường Thụy)

Dân chúng đã từng bắt công an, viên chức địa phương trong các cuộc biểu tình trước đây, nhưng lần này người ta thấy có số lượng người của nhà cầm quyền bị quần chúng nhân dân bắt làm con tin đông đảo nhất.

Một facebooker tên là Nguyễn Thiện Nhân kể rằng, đất mà chính quyền tổ chức thu hồi vốn là đất nông nghiệp, dân chúng địa phương đang canh tác ổn định, có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc đất nhưng đột nhiên chính quyền loan báo đó là “đất quốc phòng,” quyết định thu hồi để giao cho Viettel – một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng, và không bồi thường.

Nhật báo Người Việt thử tìm kiếm trên Internet những thông tin liên quan đến tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm trong thời gian vừa qua và tìm thấy một loạt bài của tờ Người Cao Tuổi, viết hồi Tháng Giêng năm ngoái.

Theo đó, đầu thập niên 1980, ông Đỗ Mười, lúc đó là phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng (chức danh tương đương phó thủ tướng hiện nay), ký quyết định thu hồi 48 héc ta đất nông nghiệp ở xã Đồng Tâm để thực hiện một dự án quốc phòng – liên quan tới an ninh quốc gia (xây dựng phi trường Miếu Môn và giao số đất nông nghiệp được thu hồi cho Lữ Đoàn 28 của quân chủng Phòng Không – Không Quân quản lý).

Theo tờ Người Cao Tuổi, vì dự án vừa kể bất thành, năm 2007, Lữ Đoàn 28 trả lại cho chính quyền huyện Mỹ Đức 48 héc ta đất nông nghiệp bị trưng dụng hồi đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, chính quyền huyện Mỹ Đức và chính quyền thành phố Hà Nội không trả lại cho dân mà phân lô, chia cho nhau mua bán, xây dựng…

Năm ngoái, tờ Người Cao Tuổi bị đình bản. Chuyện đất đai ở xã Đồng Tâm không thấy tờ báo nào của chính quyền nhắc đến nữa. Chưa rõ vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại xã này khiến bạo động bùng phát có liên quan hay không. (G.Đ., TN)

MỚI CẬP NHẬT