Friday, March 29, 2024

Biển Đông – Trung Quốc: Chủ đề nóng tại Đối Thoại Shangri-La

SHANGRI-LA, Singapore (NV) – Hoa Kỳ sẽ can dự tích cực hơn vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Xung đột với Trung Quốc là khó tránh vì Hoa Kỳ không chấp nhận việc đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Đó là nội dung chính trong phát biểu của ông James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, tại Đối Thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore hôm 3 Tháng Sáu, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ.

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh, an ninh là nền tảng của sự thịnh vượng, Hoa Kỳ sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chuyển thêm vũ khí, quân cụ tới khu vực này, tiếp tục thực hiện cam kết bảo vệ an ninh và sự thịnh vượng của Châu Á-Thái Bình Dương. Đến nay, 60% hải quân Mỹ, 2/3 thủy quân lục chiến và 55% lục quân đang trú đóng ở khu vực này.

Ông James Mattis cho biết, Hoa Kỳ phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo và nỗ lực củng cố các yêu sách về chủ quyền trái với luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ không chấp nhận những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Ông cũng chỉ rõ những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông khác hẳn với các quốc gia khác tại vùng biển này vì quy mô quân sự hóa, bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường lợi ích của các quốc gia khác, cố tình ngăn cản việc giải quyết bất đồng bằng những cách thức tránh gây ra xung đột. Đó cũng là những lý do rất khó tránh xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Ng Eng Hen, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, nói với Channel News Asia rằng, lần này, thông điệp của Hoa Kỳ rất rõ ràng.

Ông Malcolm Turnbull, thủ tướng Úc, cũng nhấn mạnh, các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, phải có trách nhiệm đối với việc duy trì an ninh và trật tự tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông, Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, hành xử có trách nhiệm trước những bất đồng về chủ quyền tại Biển Đông, biển Hoa Đông.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, không chấp nhận việc Trung Quốc thực hiện các hành động vi phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Cũng tại diễn đàn, bà Tomomi Inada, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc tiếp tục phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển hồi Tháng Bảy, 2016, đối với vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bà loan báo, Nhật ủng hộ hoạt động bảo vệ tự do lưu thông của Hoa Kỳ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vì hoạt động đó giúp duy trì trật tự hàng hải an toàn, tự do và hòa bình. Bà cảnh báo, không nên để quốc gia nào vì lợi ích riêng trước mắt mà gây tổn hại cho lợi ích chung lâu dài của nhiều quốc gia. Trong hai tuần gần đây, Trung Quốc liên tục bị chỉ trích công khai ở các cuộc nghị sự quốc tế.

Trước đó, ngày 27 Tháng Năm, G7 (liên kết giữa bảy cường quốc công nghiệp gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, và Nhật để phát triển kinh tế, thương mại) phát hành tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh sự lo ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, kêu gọi “phi quân sự hóa” các thực thế đang có tranh chấp.

Ngay sau đó, ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đáp trả rằng G7 và các quốc gia khác không nên can thiệp vào “công việc nội bộ của khu vực” và phải tôn trọng những nỗ lực giải quyết tranh chấp của “các quốc gia trong khu vực,” nên ngừng việc đưa ra các nhận xét vô trách nhiệm.

Đúng một tuần sau, tại Đối Thoại Shangri-La 16 – sinh hoạt mang tính thường niên của “các quốc gia trong khu vực” về “công việc nội bộ của khu vực” – Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ hơn.

Đối Thoại Shangri-La là cách gọi diễn đàn thường niên về an ninh Châu Á giữa 28 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và những quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm đến an ninh Châu Á dự khán. Shangri-La lần này quy tụ đại biểu của hơn 50 quốc gia, trong đó có bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật, Malaysia, New Zealand và Philippines. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT