Thursday, April 18, 2024

Chiều 30 Tết và đêm Giao Thừa tại Sài Gòn

 

Văn Lang/Người Việt

1. Chiều 30 Tết

Chiều 30 Tết, Sài Gòn nắng lung linh đẹp. Trong khi trước đó, những ngày giáp Tết trời âm u, ngày 28 Tết bất chợt một cơn mưa trái mùa ồ ạt trút xuống Sài Gòn.

Hơn 4 giờ rưỡi chiều, chúng tôi thong thả dạo quanh khu tam giác chợ hoa, bao gồm đường Thành Thái, đường Tô Hiến Thành và đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ).

Đường Tô Hiến Thành những hàng hoa đã tém dọn gần hết.

Thấy gian hàng bán đào (miền Bắc) vẫn còn đó, chúng tôi ghé thăm.

Đào bày bán trên hè đường, chúng tôi đếm tất cả chỉ còn có 9 gốc đào nụ. Thấy mừng cho người bán, là vì mấy ngày trước ghé hỏi thăm thì được người bán cho biết là đem từ Bắc vô đúng 100 gốc đào, bán đổ đồng 3 triệu rưỡi một gốc.

Cây mai cổ thụ có giá 300 triệu đồng (khoảng $14,000) (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Cây mai cổ thụ có giá 300 triệu đồng (khoảng $14,000) (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Một cậu thanh niên đang trả giá với ông chủ hoa đào. Người chủ đào chỉ nhỏ nhẹ đòi cậu thanh niên kia có 500 ngàn đồng một gốc đào. Nhưng cậu thanh niên nhất quyết chỉ chịu trả giá có 400 ngàn đồng. Ông chủ hoa đào lại nhẹ nhàng, giải thích, “Đây chú coi, trồng được một cây đào gốc to như thế này, phải mất từ 4 tới 5 năm. Có phải là cành đâu mà chú trẻ rẻ thế!”

Nhưng người thanh niên mua đào vẫn quyết không thêm giá. Thấy vậy, ông chủ hoa đào lại phải nói ngon nói ngọt:”Thôi, thế này chú trả cho anh 500 ngàn đồng, nhưng sang năm chú giữ gốc đem ra đây, anh thu mua lại cho chú một gốc cũng đúng 500 ngàn, được không?”

Nhưng người thanh niên vẫn lắc đầu quầy quậy. Cuối cùng ông chủ hoa đào đành thở dài, “Thôi, bán cho chú 400 đó, nhưng chú tự chở nhé, chứ giờ này trễ rồi không có ai chở đâu.”

Người thanh niên hớn hở mở cốp xe Honda lấy ra sợi dây ràng. Ôm gốc đào lên yên sau, ràng thật kỹ rồi phóng vội đi.

Chúng tôi hỏi thăm, ông chủ đào cho biết 70% đầu bán đúng giá, còn 30% sau phải bán xả hàng. Như cây vừa rồi bán có 400 ngàn đồng, tiếc đứt ruột. Nhưng đành chịu thôi, sắp hết nắng rồi, cũng phải lo mà về thôi.

Qua phía đường Thành Thái, đi ngang một gian hàng bán tắc kiểng. Chẳng biết khách trả giá làm sao mà cậu thanh niên bán tắc la oai oái, “Chết em rồi, mấy anh ơi! Cây bự vầy, em bán có 150 ngàn, lỗ hết mức rồi. Vậy mà mấy anh còn trả giá nữa, làm sao mà nhà vườn mấy tụi em sống nổi?”

Phía bên kia đường, chúng tôi thấy một cảnh hiếm lạ, lần đầu trong đời được thấy. Đó là cảnh một người đàn ông to cao lực lưỡng, đang đu mình leo lên một cây mai để tỉa lá. Cây mai xum xuê bông, che khuất cả người đàn ông.

Trong khi chúng tôi lo chụp hình người đàn ông leo cây mai. Thì một khách qua đường tò mò dừng xe hỏi thăm giá cây mai. Người chủ cho biết, cây mai đúng giá luôn là 300 triệu đồng. Người đàn ông le lưỡi, nhưng vẫn vui vẻ nhận xét, “Cây mai gốc cổ thụ cỡ vầy, 300 triệu thì đâu có mắc. Nhưng muốn trưng cây to mà quý vầy, phải là nhà cỡ biệt thự”. Mấy người đứng coi cây mai, ai cũng gật gù tán thành ý kiến của người đàn ông kia. Một ông còn dẻo miệng, tía lia, “Để tối nay tôi về mua ‘xổ số kiểu Mỹ’ trúng một cái, chơi luôn cái vi-la, rồi rước ‘em mai’này về dinh.”

Một bà bán cây kiểng kế bên, nghe người đàn ông kia tía lia, thì cười sặc, “Nằm mơ đi cậu ba!”

Chiều trên bến Bình Đông, ghe thuyền không đông như mọi năm. Cả người mua lẫn người bán đều thong thả. Vì đã quen với cảnh mua bán muộn, có khi đến 21 giờ tối, những chiếc ghe cuối cùng mới lặng lẽ dời bến.

Buổi chiều cuối năm, những quán ăn, quán nhậu đều đông khách. Tâm lý mọi người năm nay uể oải, chán mua sắm thì họ ăn.

Những tiệm sửa xe, những cây xăng đều đông khách, kiên nhẫn chờ tới lượt. Vì tâm lý người dân, ai cũng muốn ngày Mùng Một, tất cả là phải “hạnh thông.”

 5 giờ chiều Ba Mươi Tết, bông vẫn còn nhiều trên đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ), người mua thì lưa thưa... (Hình: Văn Lang/Người Việt)
5 giờ chiều Ba Mươi Tết, bông vẫn còn nhiều trên đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ), người mua thì lưa thưa… (Hình: Văn Lang/Người Việt)

2. Trước giờ Giao Thừa

Sài Gòn trong đêm đón Giao Thừa, trời mát. Phố xá thông thoáng hơn, vì những người lao động nhập cư đều đã trở về quê ăn Tết.

Chùa Vĩnh Nghiêm như mọi năm vẫn đông người tới dâng hương lên đức Phật, cầu cho gia đạo được bình an.

Gặp một đôi nam nữ, nhờ chúng tôi chụp giùm vài tấm hình. Hỏi thăm, họ cho biết đều đã đi làm, tranh thủ lên chùa một chút rồi phải về để cùng đón giao thừa với ba mẹ.

Nhà hàng chay trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm khá đông thực khách.

Năm nay, Giao Thừa ở Sài Gòn cũng như cả nước đều không có bắn pháo bông. Tuy vậy, nhiều người vẫn đổ ra đường hoa Nguyễn Huệ để ngắm bông và tiểu cảnh những chú gà. Vì ngoài đi chùa, tới đường hoa thì cũng chẳng biết đi đâu, có chăng nữa thì cũng lại sa vào quán nhậu.

Đoạn đường từ ngã sáu Lê Văn Duyệt (cũ) tới trường Quốc gia Hành chánh (cũ), tức đại lộ Trần Quốc Toản (trước 1975) nay là đường 3-2, ban ngày, trên con đường này san sát những tiệm áo cưới, sang trọng nhất và sầm uất bậc nhất ở Sài Gòn. Nhưng đêm xuống, khi các tiệm áo cưới đóng cửa, thì những mái hiên nhà nơi đây trở thành “khách sạn” cho những người lang thang, vô gia cư. Và, năm nào cũng vậy, đêm Giao Thừa, nhiều cặp nam thanh nữ tú đi xe tay ga đắt tiền đều ghé ngang nơi này, lì xì ít nhiều cho những người bất hạnh nơi đây. Có lẽ đã thành lệ, nên năm nay nhiều người vô gia cư đã kéo về sớm hơn, ngồi dưới những gốc cây ngay sát lề đường. Có những ông, có lẽ chờ lâu đến Giao Thừa quá, nên đã “quắc cần câu” ngủ luôn trên vỉa hè, mà tay vẫn còn ôm chai rượu.

Dưa hấu ế trong chiều Ba Mươi Tết (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Dưa hấu ế trong chiều Ba Mươi Tết (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Chạy ngang khu “bướm đêm giữa ban ngày”, tưởng là đêm Ba Mươi chị em nghỉ việc, không ngờ, vẫn thấy ba em tóc dài chạy xe tay ga lượn lờ trên phố. Chỉ có điều các em không chèo kéo khách như mọi ngày, có lẽ các cô cũng hiểu là người ta cũng phải có ngày “kiêng cữ” chứ. Nhưng hễ ai có nhu cầu, mà thường là mấy tay bợm nhậu đã ngầy ngật thì chả có bệnh gì mà phải cữ.

Chùa Bà Thiên Hậu của người Hoa trên đường Nguyễn Trãi (Võ Tánh cũ), càng gần tới giờ Giao Thừa thì người đến dân hương càng đông. Một vị trong Ban tế tự cho chúng tôi biết, là năm nay phải yêu cầu khách chỉ được đốt nhang ở phía ngoài, chứ không cho vô trong điện mà đốt, thứ nhất là khói nhang nhiều quá ngộp thở, hai nữa là dễ gây ra cháy nổ.

Cận giờ Giao Thừa, chúng tôi chạy xe ra vùng ven quận 7 để tìm một làn gió đêm trong lành, sau hàng tiếng đồng hồ “lặn ngụp” trong khói nhang nghi ngút, ở những đền, chùa.

Dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, chợt chạnh lòng nhớ lại đêm Giao Thừa của những năm trước. Khi chạy xe qua con đường này, không hiểu vì lẽ gì mà cứ đúng vào giờ khắc đó, chúng tôi đều gặp một cô gái tóc dài, gương mặt và thân hình tuyệt đẹp, đứng dưới một gốc cây ngay một trạm xe buýt. Có lẽ cô là một “bướm đêm” nhưng vẻ đẹp và giờ giấc đó thì quá lạ kỳ, cũng không rõ vì lý do gì mà chúng tôi không tìm cách tiếp cận, hỏi thăm người đẹp trong đêm trừ tịch đó. Rồi bỗng hai năm nay, vào đêm Giao Thừa không thấy cô xuất hiện nữa. Có lẽ, cô đã tìm được một mái ấm, hay cô đã tự tan vào bóng đêm huyền hoặc.

Giao Thừa, không có tiếng pháo bông. Cũng chẳng nghe thấy tiếng chuông chùa, chỉ thấy thoảng một cơn gió lạnh, và nỗi buồn chầm chậm đu lên mắt.

MỚI CẬP NHẬT