Thursday, March 28, 2024

Chỗ chứa chất thải của Formosa: Câu hỏi không lời đáp

HÀ TĨNH (NV) – Cả chính quyền Việt Nam lẫn chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cùng ú ớ chưa trả lời được về việc sẽ xử lý tổng lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Formosa như thế nào.

Cho đến nay, tập đoàn Formosa chỉ mới vận hành thử nhà máy thép ở Khu Công Nghiệp Vũng Áng. Dưới áp lực của công luận, Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh đã buộc phải kiểm tra và thừa nhận, ngoài 100 tấn chất thải rắn được chôn tại trang trại của viên giám đốc công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, còn có hàng trăm tấn chất thải rắn khác đã được chôn tại công viên Hưng Thịnh, bãi rác của Khu Du Lịch Thiên Cầm thuộc huyện Cẩm Xuyên và hàng chục địa điểm nữa. Tổng khối lượng chất thải rắn của Formosa đã được chôn và số địa điểm được sử dụng để chôn chất thải rắn của Formosa có thể sẽ lớn hơn nếu dân chúng tìm ra và tố giác thêm.

Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn gọi các diễn biến liên quan đến tố giác – kiểm tra – thừa nhận chất thải rắn của Formosa bị chôn ở nhiều nơi tại Hà Tĩnh là “cuộc khủng hoảng về quản lý – xử lý chất thải rắn,” đồng thời cảnh báo mức độ của cuộc khủng hoảng sẽ trầm trọng hơn khi nhà máy thép của tập đoàn Formosa ở Khu Công Nghiệp Vũng Áng chính thức hoạt động.

Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam từng công bố một thống kê, theo đó, tính đến năm 2015, tổng lượng chất thải rắn và chất thải độc hại mà các khu công nghiệp trên toàn Việt Nam thải ra là khoảng 7,800,000 tấn/năm.

Dựa trên giấy phép mà chính quyền Việt Nam đã cấp cho Formosa, các chuyên gia đã xác định rằng, nếu nhà máy thép của tập đoàn này ở Khu Công Nghiệp Vũng Áng, bắt đầu vận hành theo đúng giấy phép đã nhận, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn và chất thải độc hại mà nó thải ra là 8.7 triệu tấn. Tương đương 1.13 lần tổng lượng chất thải rắn và chất thải độc hại mà các khu công nghiệp trên toàn Việt Nam thải ra hàng năm.

Năm 2013, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt “Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020” và dự báo, tới thời điểm đó, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp cần xử lý của tỉnh này khoảng 30 tấn/năm. Nói cách khác dự báo của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh về tổng lượng chất thải rắn công nghiệp cần xử lý chỉ có thể xử lý khoảng 1/290 tổng lượng chất thải rắn mà nhà máy thép của Formosa ở Khu Công Nghiệp Vũng Áng sẽ thải ra.

Vì dự báo chỉ ở mức như vừa kể nên chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quyết định lấy xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh để xây dựng khu xử lý chất thải rắn mà Khu Công Nghiệp Vũng Áng và các vùng phụ cận thải ra. Diện tích xã Kỳ Tân khoảng 42 cây số vuông, nếu đem toàn bộ các loại chất thải của Formosa đến đó đổ thì theo ước tính của các chuyên gia, sau 5 năm, chất thải của Formosa sẽ phủ kín xã Kỳ Tân, chiều cao của đống chất thải này sẽ là… một mét. Sau khi Formosa kết thúc 70 năm hoạt động, bề mặt xã Kỳ Tân sẽ bị vùi dưới núi chất thải có chiều cao trung bình là… 15 mét!

Có những yếu tố khác cho thấy, chính quyền Việt Nam đã nhắm cả hai mắt khi mời gọi đầu tư ngoại quốc và không hề bận tâm đến tương lai của cả xứ sở lẫn dân tộc. Theo Bộ Tài Nguyên-Môi trường Việt Nam thì đến năm ngoái, việc xử lý chất thải rắn công nghiệp tại Việt Nam vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ, công nghệ xử lý chất thải độc hại vẫn còn thô sơ, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn chỉ khoảng 90% tổng lượng chất thải rắn mà các nhà máy thải ra hàng năm. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải độc hại chỉ khoảng 40% tổng lượng chất thải độc hại phát sinh. Cho dù thừa nhận Việt Nam thiếu cả các khu xử lý chất thải rắn và chất thải độc hại với quy mô lớn nhưng chính quyền Việt Nam vẫn liên tục cấp giấy phép cho các nhà đầu tư ngoại quốc xây dựng các nhà máy thép, nhà máy giấy, nhà máy dệt-nhuộm, nhà máy nhiệt điện dùng than,… vốn đã được cảnh báo là nguy hiểm cho môi trường, hủy diệt cả môi sinh lẫn sức khỏe con người.

Với năng lực xử lý chất thải rắn và chất thải độc hại như hiện nay, chất thải của Formosa là một nan đề không tìm được lời giải. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT