Thursday, March 28, 2024

Cơ quan Y Tế Quốc Tế bị chỉ trích tiêu xài hoang phí dù ngân sách eo hẹp

LONDON, Anh (AP) – Cơ Quan Y Tế Quốc Tế (WHO) thường xuyên chi khoảng $200 triệu mỗi năm cho vấn đề di chuyển của nhân viên, cao hơn nhiều so với số tiền họ bỏ ra để đối phó với những vấn đề được coi là trầm trọng nhất trong lãnh vực y tế đại chúng, gồm các bệnh AIDS, lao phổi, hay sốt rét, theo hãng thông tấn AP.

Trong lúc WHO đang phải kêu gọi cấp thêm ngân sách để đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế trên toàn thế giới, cơ quan này lại không giảm bớt được các chi phí về di chuyển.

Dù rằng đưa ra các luật lệ mới cho vấn đề này, một số giới chức cao cấp WHO than phiền trong nội bộ rằng các nhân viên tổ chức này vẫn vi phạm các quy định bằng cách mua vé máy bay hạng doanh gia (business class) hay ở phòng khách sạn năm sao.

Hồi năm ngoái, WHO chi khoảng $71 triệu để đối phó với bệnh AIDS và viêm gan. WHO cũng chi khoảng $61 triệu cho bệnh sốt rét. Để chặn đứng sự bùng phát của bệnh lao phổi, WHO đầu tư khoảng $59 triệu. Cũng có một số chương trình có sự tài trợ lớn lao, như kế hoạch ngừa sốt tê liệt được cấp $450 triệu mỗi năm.

Trong chuyến đi tới Guinea mới đây để khen ngợi các nhân viên WHO tại Tây Phi trong nỗ lực chống Ebola, Tổng Giám Đốc Margaret Chan ở trong căn phòng lớn nhất tại khách sạn Palm Camayenne ở Conakry. Giá phòng này là 900 euro một đêm (khoảng $1,008). WHO từ chối cho biết ai chi trả tiền khách sạn, chỉ nói rằng đôi khi quốc gia chủ nhà đài thọ.

Tuy nhiên, một số giới chức điều hành WHO nói rằng điều đó đưa ra hình ảnh sai lầm cho khoảng 7,000 nhân viên cơ quan này.

Năm ngoái, một văn thư nội bộ được chuyển đến các giới chức cao cấp cho hay phải có thêm nỗ lực giảm chi phí di chuyển, nếu không sẽ gặp sự phản đối từ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phải đóng góp tiền điều hành cơ quan này.

Từ năm 2013 đến nay, WHO chi khoảng $803 triệu cho di chuyển.

Ngân sách hàng năm của WHO vào khoảng $2 tỷ, do 194 quốc gia đóng góp, trong đó, Mỹ là nước cung cấp nhiều nhất.

Mãi cho tới Tháng Hai năm nay, tổng giám đốc WHO vẫn mua vé hạng nhất khi di chuyển, và chỉ mới có sự thay đổi để hủy bỏ việc này.

Các cơ quan tư nhân khác, kể cả Hội Bác Sĩ Không Biên Giới, cấm nhân viên của họ mua vé hạng doanh gia chứ đừng nói tới vé hạng nhất.

Với số nhân viên là 37,000 người, Hội Bác Sĩ Không Biên Giới chi khoảng $43 triệu cho việc di chuyển mỗi năm. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT