Thursday, March 28, 2024

Đi tìm Bác Sĩ David Đào

Hà Giang/Người Việt

LOUISVILLE, Kentucky (NV) – Hành trình đi tìm bác sĩ David Đào bắt đầu khuya thứ Tư, ngày 12 tháng Tư, khi chúng tôi đáp chuyến bay đêm từ LAX đến Chicago, rồi từ đó bay tiếp đến Louisville, Kentucky, theo đúng lộ trình của bác sĩ David Đào hôm Chủ Nhật trước đó, khi ông bị an ninh ở phi trường Chicago dùng vũ lực lôi ra khỏi chiếc phi cơ của United Airlines.

Khúc phim chiếu hình ảnh ông với khuôn mặt bê bết máu, thân thể bị kéo sềnh sệch dưới sàn, được truyền đi khắp nơi, đã tạo một cơn sóng phẫn nộ và những bàn tán không dứt gần như trên khắp thế giới.

Tại phi trường Chicago rạng sáng 13 Tháng Tư, trong khi chờ chuyến bay đến Louisville, Kentucky, người ta cũng bàn tán về sự kiện bác sĩ David Đào, nhưng lần này dư luận không chỉ lên án United Airlines, mà còn chỉ trích dữ dội những cơ quan truyền thông đang đua nhau đào bới quá khứ của vị bác sĩ bỗng dưng trở thành một “người của công chúng” một cách bất đắc dĩ.

Trước khi lên máy bay tôi đã đọc qua những bài viết đang được nhiều độc giả phản ứng mạnh mẽ, được cho là “bôi nhọ nạn nhân” này.

Courier-Journal, một tờ báo địa phương tại Louisville, mở màn với bài: “A doctor with [a] troubled past” nhắm vào sự phạm pháp khi cho toa thuốc giảm đau trái phép của bác sĩ Đào năm 2003, Tờ New York Post, chạy tít hấp dẫn không kém: “Doctor dragged off flight was convicted of trading drugs for sex.” Theo sau là một loạt bài tương tự của những tờ TMZ, Washington Times, Chicago Sun Times, People Magazine, Daily Mail, và Metro, …

Người đàn ông bên trái tôi, chỉ vào bài viết “A doctor with [a] troubled past” của Courier-Journal trên ipad, phân bua với người bên cạnh: “Ai mà không có quá khứ? Họ lôi ra những sự kiện xẩy ra đã 14 năm, và mảy may chẳng liên quan gì đến cách cư xử dã man của United Airlines. Làm vậy với mục đích gì? Tấn công nạn nhân hay sao?”

Người phụ nữ trước mặt tôi lắc đầu biểu đồng tình, chỉ vào tablet của mình, “New York Daily News cũng có bài: ‘Doctor pulled from United Airlines flight previously convicted of drug crimes, stripped of medical license.’ phụ họa: “Thực không hiểu mấy tờ báo vô lương tâm này đang làm cái gì. Dù ông ta có làm gì, có là ai chăng nữa thì United Airlines cũng không thể đối xử với ổng như vậy. Chẳng có gì dính dáng cả!”

Bác sĩ David Đào thật sự là ai? Chỉ qua khúc phim ông bị bạo hành và xấp tài liệu của cơ quan cấp bằng hành nghề y khoa, chúng ta có thể nào biết rõ về cả một con người? Đó là lý do tôi đến Louisville tìm câu trả lời.

 Căn biệt thự của gia đình bác sĩ David Đào tại Elizabeth Town. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Căn biệt thự của gia đình Bác Sĩ David Đào tại Elizabeth Town. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

 

Cộng Đồng Người Việt tại Louisville

Louisville, cách thành phố Elizabeth Town, nơi bác sĩ David Đào sinh sống khoảng 40 dặm, có cộng đồng người Việt lớn nhất tại tiểu bang Kentucky, nơi bác sĩ David Đào và vợ là bà Teresa Đào thường xuyên lui tới sinh hoạt.

Từ phi trường, ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt tại Louisville, đưa tôi đến nhà hàng Vietnam Kitchen ở trung tâm của cộng đồng khoảng trên dưới 5,000 người này. Gọi là “trung tâm” cho oai, chứ thật ra tiểu bang đất rộng người thưa Kentucky không có một khu buôn bán nào tụ họp các cửa hàng Việt Nam. Các tiệm do người Việt Nam làm chủ ở đây rải rác, cách nhau hai, ba blocks đường dài cũng được cho là rất gần.

Là địa phương nhỏ nhưng tình người nồng ấm. Các thành viên ban chấp hành của cộng đồng, người bận rộn với công việc trong buổi sáng ngày thường, người đang lo chuẩn bị cho buổi văn nghệ Đêm Tri Ân để gây quỹ xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ vào ngày 13 tháng Năm tới, nhưng ai cũng cố gắng đến gặp, rồi thu xếp thời khóa biểu để thay phiên nhau giúp đỡ người đến từ phương xa.

“Chị cứ mướn xe đi, vì từ Louisville qua Elizabeth Town lái xe mất gần một tiếng. Nhưng tụi tôi ai lúc nào có thời giờ sẽ tháp tùng chị, vì đường đi trong vùng Elizabeth Town hoang vắng quanh co lắm, buổi tối đi hơi sợ…” Ông Hùng Lê nói.

Sau buổi gặp gỡ ngắn ngủi tại Vietnam Kitchen, chúng tôi chia tay người nào việc nấy, nhưng hẹn sẽ gặp nhau tại đây lúc 3 giờ chiều để trao đổi tin tức. Vì bác sĩ David Đào nhất định “bế môn tỏa cảng,” không tiếp xúc với truyền thông báo chí, mà cũng không trả lời bạn bè thân thiết hỏi thăm, nên bà Trần Văn, phó chủ ngoại vụ của cộng đồng, đã giới thiệu chúng tôi với những bạn bè thân thiết nhất với gia đình vợ chồng bác sĩ David và Teresa Đào.

Cuối cùng thì sau thuyết phục qua điện thoại hơn 10 phút, chúng tôi cũng xin được một cái hẹn lúc 9 giờ tối, với vợ chồng Bác sĩ A. (xin được không dùng tên thật) một người bạn thân của Bác sĩ David Đào, nhà ở Elizabeth Town, cách nhà Bác sĩ David Đào không xa.

Vietnam Kitchen, một nhà hàng Việt Nam rất đông khách, nằm ở lòng Cộng Đồng Người Việt ở Louisville. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Vietnam Kitchen, một nhà hàng Việt Nam rất đông khách, nằm ở trung tâm cộng đồng người Việt ở Louisville. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Câu chuyện ở Elizabeth Town

Elizabeth Town, nơi bác sĩ David Đào cư ngụ là một thành phố nhỏ, dân số khoảng 29,000 người, với những ngôi biệt thự to lớn, nằm rải rác trên những khu đất tư rất lớn. Biết tôi sẽ gặp khó khăn khi tìm đường vào buổi tối, vợ chồng bà Trần Văn tình nguyện đưa tôi đến tận nơi.

Mở đầu câu chuyện, bà B, vợ bác sĩ A cho biết bà rất quan tâm và lo lắng cho hai vợ chồng người bạn, nhưng đành chịu không làm gì được, vì “không thể nào liên lạc được với chị Dung (vợ bác sĩ David Đào) cứ như mình gọi phôn hay gửi email vào khoảng không.”

“Thương quá, chỉ là bạn thôi, mà nhìn khúc phim tôi cũng thấy xót xa, nếu là chồng mình thì chắc chết mất.” bà B tâm sự.

Ông Tùng, chồng bà Trần Văn cho biết sáng sớm hôm thứ Hai sau khi nhìn kỹ khúc phim ông quả quyết với vợ: “Bác sĩ Anh đây nè em, sao ảnh khổ vậy, người tốt mà sao cứ hết chuyện này chuyện kia xảy ra cho ảnh vậy?”

Nói về tình thân giữa hai bên, bà B cho biết chồng bà, bác sĩ A, học y khoa cùng với bác sĩ David Đào từ Việt Nam, và sau khi qua Mỹ, thì hai người trở nên gần gũi:

“Anh ấy giỏi lắm, ở Việt Nam vừa học y khoa vừa học nhạc. Ngày xưa học phổ nhạc với giáo sư Nguyễn Hữu Ba ở trường quốc gia âm nhạc… Chúng tôi thân thiết nhau thì từ ngày về đây, thành phố nhỏ chỉ có vài gia đình Việt Nam, con cái học cùng trường St. James. Họ không phải người công giáo, nhưng thích giáo dục của trường công giáo, sau biến cố năm 2003, thì họ theo đạo Công Giáo.”

Ông Tùng cho biết ông đã sinh hoạt với bác sĩ David Đào từ năm 1990, trong những lần tổ chức Trại Về Nguồn.

“Bác sĩ Đào Duy Anh tham dự trại chừng ba lần. Ảnh trình bày về quốc nhạc Việt nam, rất tha thiết với những sinh hoạt cộng đồng và với đất nước.”

Bác sĩ A trầm ngâm: “Tôi thì tôi thấy rằng là gia đình đó dạy dỗ con cái hay lắm, bốn đứa con là bác sĩ nha, chứ không phải chuyện thường.”

Bà B phụ họa: “Anh chị ấy cả hai người đi làm suốt ngày, không có nhiều thì giờ ở nhà với con, thế mà con cái cứ răm rắp nghe lời. Nói chung là cả gia đình có phúc. Còn những chuyện lỗi lầm này kia của ảnh, thì con người ai chẳng có lỗi lầm, mình không phán xét người ta.”

Rồi bà bâng khuâng: “Có thể ông ấy là người có nhiều khuyết điểm nhưng ông cũng có nhiều ý chí, biết khiêm tốn và có quyết tâm để trở lại với nghề. Tôi cảm phục điều ông ấy phấn đấu với cái tôi của mình để mà lấy lại được cái bằng với nghề anh ấy chọn. Nhưng người tôi cảm phục nhất vẫn là chị Dung, vợ anh ấy, qua biết bao nhiêu sóng gió vẫn đứng bên cạnh người chồng của mình. Đó cũng là phước của anh ấy.”

Nhắc lại chuyện ngày xưa, bà Trần Văn ngậm ngùi: “Hồi đó ảnh chạy mấy cái marathon lớn lắm. Mấy người đó nói là vì chạy marathon, ảnh bị đau, nên uống thuốc giảm đau rồi bị nghiền. Năm 2005, sau khi bị mất bằng, ảnh khổ tâm lắm. Cố gắng hết sức để xin được cấp lại bằng.”

“Một lần, sau một buổi trình diễn với cộng đồng, ảnh thiệt vui, gọi phôn nói với em là từ giờ cả đời anh, anh sẽ làm việc cho cộng đồng… Vì qua sau bao biến cố ảnh đã nhìn đời khác trước…”

“Mới cách đây khoảng ba tuần, em còn mời ảnh tham dự một sinh hoạt cộng đồng. Ảnh nói anh chị sẽ tham dự, rồi ảnh nói anh bây giờ bận rộn lắm, được đi làm lại rồi.”

 Một ngôi chợ Việt Nam ở Louisville. (Hình: Hà Giang/Người Việt).

Một ngôi chợ Việt Nam ở Louisville. (Hình: Hà Giang/Người Việt).

Một quá khứ không liên quan?

Câu chuyện đến đây xoay qua việc báo chí moi móc quá khứ của bác sĩ David Đào. Là người theo dõi báo chí kỹ nhất, ông Tùng lên tiếng: “Quá khứ của ảnh thiệt không dính dáng gì đến vụ United Airlines, mà viết về những điều đó thì giá trị của tờ báo nó đi xuống, tôi sẽ có thành kiến với những tờ báo đó liền.”

“Ngày xưa vụ này cũng đã rùm beng lên, nhưng lúc đó là chuyện địa phương, có thể nhiều người không để ý. Còn bây giờ, báo chí đưa mấy cái tin này ra thì cả thế giới đều biết. Có phải là làm cho gia đình người ta đau khổ một lần nữa không. Mà có liên quan gì đến vụ này đâu chứ?”

Ông Tùng không phải là người Việt duy nhất ở Louisville bất mãn về sự kiện được cho là “bôi nhọ nạn nhân” của một số báo chí.

Buổi tối trước ngày rời Louisville, tôi có dịp được gặp những khuôn mặt trẻ rất năng nổ của Cộng Đồng Người Việt tại Louisville thì lại một lần nữa được nghe một cuộc tranh luận nẩy lửa giữa các em về vai trò của báo chí trong việc loan tin về quá khứ của bác sĩ David Đào. Đa số phản đối cách đưa tin về quá khứ của vị bác sĩ mà các em cho là không liên quan gì đến hành xử của United Airlines hiện đang được theo dõi.

Nhắc đến quá khứ của bác sĩ David Đào thì cũng không thể không nói đến tài liệu 130 trang của Kentucky Board of Medical Licensure, mà tờ Courier-Journal đã khai thác để viết về điều mà họ gọi là “quá khứ rắc rối” của ông.

Một cách tóm tắt, theo tài liệu nói trên, năm 2003 bác sĩ David Đào bị truy tố, và năm 2004 ông bị kết tội sử dụng và cho toa thuốc giảm đau trái phép, để trao đổi tình dục với một bệnh nhân, cũng là người bị kết cùng tội (co-defendant) cho toa thuốc giảm đau trái phép với ông. Năm 2005 bác sĩ David Đào tình nguyện trả lại (surrender) bằng bác sĩ cho tiểu bang Kentucky, và từ năm 2007 đã liên tục nộp đơn xin được cấp lại bằng hành nghề. Để được cấp lại bằng, bác sĩ David Đào đã trải qua nhiều cuộc trắc nghiệm về cả kiến thức y khoa, kỹ thuật khám và trị bệnh, lẫn những cuộc đánh giá về tâm lý. Năm 2015 bác sĩ David Đào được tiểu bang Kentucky cho phép hành nghề trở lại, và khiêm tốn nhận điều kiện chỉ được hành nghề mỗi tuần một ngày, dưới sự giám sát của một bác sĩ khác trong vùng. Trả lời câu hỏi là tại sao lại quá tha thiết và nhọc lòng với việc lấy lại bằng hành nghề, bác sĩ David Đào cho biết, với ông đây là “danh dự của gia đình.”

Buổi trưa hôm sau, một lần nữa gọi đến văn phòng của bác sĩ Teresa Đào nhưng vẫn không ai trả lời, tôi lái xe đến tận đây, thì thấy văn phòng vắng lặng, như đã lâu rồi không ai làm việc. Lái xe qua căn nhà to lớn của bác sĩ David Đào, ngồi chờ một lúc, cũng không thấy một bóng người. Trước đó, tôi được người trong vùng cho biết là nhìn thấy xe van của các hãng truyền thông qua lại đường vào nhà ông.

Được biết tuy đã xuất viện, hiện bác sĩ David Đào vẫn ở lại Chicago để chờ giải phẫu chỉnh hình, và vợ ông, bác sĩ Teresa Đào có lẽ vẫn đang sát cánh bên chồng.

___

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT