Friday, April 19, 2024

Số người chết do sốt xuất huyết ở miền Nam Việt Nam tăng 50%

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Viện Pasteur Sài Gòn cho hay, trong sáu tháng đầu năm nay, tại miền Nam Việt Nam, số người bị sốt xuất huyết tăng 11% và số người chết tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo Tuổi Trẻ, tính từ đầu năm đến nay, Viện Pasteur Sài Gòn thống kê có 29,329 người ở miền Nam Việt Nam bị sốt xuất huyết, 15 người trong số này đã thiệt mạng (năm ngoái 10 người).

Dẫn đầu các tỉnh, thành phố về số bệnh nhân bị sốt xuất huyết là Sài Gòn (trung bình 495 ca/tuần), kế đó là Bình Dương (155 ca/tuần), tiếp theo là An Giang (109 ca/tuần).

Từ hạ tuần Tháng Sáu đến nay, sốt xuất huyết trở thành sự kiện được nhiều tờ báo cùng loan tải vì lan rộng ở Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang,… kể cả trên những hòn đảo xa đất liền như Phú Quốc, Thổ Châu (cùng thuộc tỉnh Kiên Giang).

Chẳng riêng miền Nam, sốt xuất huyết cũng đang lan rộng tại miền Bắc. Hà Nội đang dẫn đầu về số ca bị sốt xuất huyết ở vùng này. Hồi hạ tuần Tháng Sáu, Sở Y Tế Hà Nội loan báo tại quận Đống Đa có 88 ổ dịch sốt xuất huyết, số lượng ổ dịch sốt xuất huyết tăng khoảng chín lần so với sáu tháng đầu năm ngoái. Quận Hoàng Mai có 83 ổ dịch sốt xuất huyết, tăng khoảng bảy lần so với cùng kỳ năm trước. Số người bị sốt xuất huyết ở các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm tăng 5.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài dịch sốt xuất huyết, ngành y tế ở miền Nam còn phải vật lộn với dịch tay-chân-miệng (lở loét ở tay, chân, miệng do virus, có thể gây tổn thương cho não), ngành y tế ở miền Bắc thì vật lộn với dịch viêm não Nhật Bản (có thể khiến người bệnh bị liệt, rối loạn về vận động, ngôn ngữ, trí tuệ suốt đời) đang lan rộng.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm não Nhật Bản thường xuyên bùng phát thành dịch. Trước kia, các viên chức hữu trách về y tế tại Việt Nam thường cho rằng tình trạng vừa kể là vì các diễn biến bất thường về thời tiết, vì ý thức phòng ngừa của dân chúng kém. Gần đây, họ đã nhận định khác.

Hồi cuối tháng trước, ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, nói với tờ Tuổi Trẻ rằng, sau khi theo dõi diễn biến sốt xuất huyết tại miền Nam, cơ quan này nhận thấy, sốt xuất huyết giờ xuất hiện quanh năm, kể cả trong mùa khô.

“Giám sát bệnh cho thấy sốt xuất huyết đang dịch chuyển nơi mắc bệnh, từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa nhanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn,” ông nói.

Ông cho hay, tuổi người bị sốt xuất huyết cũng tăng, trước 2007 chỉ 20% bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn nhưng gần đây, tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, số bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn dao động trong khoảng từ 35% đến 54% tổng số bệnh nhân.

Ông nhận định, sốt xuất huyết có liên quan với đô thị hóa. Theo ông, đô thị là nơi thu hút nhân lực từ các nơi và đó là lý do dịch bệnh di chuyển từ chỗ có đến chỗ không, khiến quần thể dễ cảm nhiễm với dịch bệnh gia tăng. Dịch bệnh nói chung ở các đô thị dễ lây lan vì mật độ dân cư ở các đô thị cao. Lối sinh hoạt tại các đô thị tạo ra các tiền đề thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Chẳng hạn chậu kiểng, túi nylon, vỏ chai,… vương vãi khắp nơi giúp muỗi sinh sôi, nảy nở dễ hơn, ngăn chặn sốt xuất huyết khó hơn. (G.Đ)

Dự án cầu nối vượt biển dài nhất Việt Nam đầy sai sót kỹ thuật

MỚI CẬP NHẬT