Friday, April 19, 2024

Việt Nam: Thả tiền từ trên khinh khí cầu để ‘ra mắt sách’

Nguyễn Vĩnh Nguyên/Người Việt

HUẾ (NV) – Sự kiện doanh nhân Phạm Tuấn Sơn (sinh 1981, giám đốc công ty Babylons) tổ chức màn ra mắt sách bằng việc rải tiền từ khinh khí cầu ở thành phố Huế vào sáng 16 Tháng Sáu vừa qua có thể là chiêu trò gây chú ý. Nhưng điều quan trọng, qua sự kiện, có thể thấy câu chuyện phía sau là quan niệm về sự giàu có phổ biến trong cộng đồng ở Việt Nam đang bị lệch lạc.

Cuốn sách của ông Sơn có tựa “Dám Làm Giàu,” được một công ty sách tư nhân gia công ấn hành theo phương thức tác giả tự bỏ tiền túi xuất bản; đã bán hết trên 10 ngàn bản. Ðường dây phát hành chính của cuốn sách này là những lớp học do chính ông Sơn đứng lớp thuyết trình về bán hàng đa cấp và bí quyết làm giàu nhanh.

Sáng 16 Tháng Sáu, ông Sơn đứng trong một khinh khí cầu (thuê từ Thái Lan) và bay lên trên sân vận động Tự Do ở Huế, tạo ra một cơn mưa tiền để bên dưới nhiều bạn trẻ nháo nhào lao vào gom nhặt. Ý tưởng “tạo ra tài lộc” (với những đồng tiền mệnh giá 5 ngàn và 10 ngàn đồng Việt Nam) được thực hiện sau cuộc họp báo ra mắt cuốn sách này, gây ra sự phản cảm đáng kể, buộc sau đó “thầy dạy làm giàu” này phải công khai xin lỗi trên tờ Tuổi Trẻ Online.

Tuy nhiên, điều đáng ngẫm ngợi: sự việc đó là phản ánh một tư duy lệch lạc đang phổ biến trong xã hội Việt Nam: cơn khát giàu nhanh và giàu bằng mọi giá.

Loại lớp học làm sao trở thành triệu phú, tỉ phú sau một đêm hay nhanh chóng làm chủ khối tài sản khổng lồ không cần vốn liếng gì… luôn đông đúc học viên. Diễn giả thường là những người giàu nhanh nhờ… đứng lớp bán nước bọt, ngoài ra ít khi thấy thành công trong các lĩnh vực kinh doanh khác.

Một chút khả năng khua môi múa mép, một chút dẫn dắt thời sự và chỉ cần thuộc lòng vài câu trích dẫn của các chuyên gia kinh tế thực dụng là họ đã có thể ra sức “chém gió” trong các lớp học có đến hàng trăm học viên sẵn sàng xếp hàng hàng tháng trời, móc túi đóng tiền học phí rất cao để “mở mang đầu óc,” hy vọng đổi đời.

Dĩ nhiên, các lớp học này cũng giúp cho một số người học tự tin nhưng đa phần thì gieo vào tâm trí người học sự hoang tưởng vô phương cứu chữa. Khoảng 20 năm trở lại đây, có thể thấy trên thị trường sách, cơn sốt của loại sách dạy làm giàu, dạy thành công bùng phát và không có dấu hiệu giảm sốt. Bill Gates, Mark Zuckerberg, các ông chủ tập đoàn có tiếng Mỹ, Nhật… là những mẫu hình thành công mà nhiều người mơ tưởng. Thậm chí đã có những cuốn sách dạy các bước để dạy con làm giàu…

Người dân Huế chia nhau tiền nhặt được từ khinh khí cầu rải xuống. (Hình: VNExpress)

Phải nói rằng, để có nguồn cung ứng đồ sộ như thế, cần phải hiểu nhu cầu của xã hội về “bí quyết làm giàu” đang vô cùng lớn. Cơn khát làm giàu, thành công nhanh và vội đang phản ánh một khuynh hướng tâm lý phổ biến: người Việt sau khi thoát khỏi ám ảnh cái ăn thì bước hẳn vào nỗi ám ảnh thịnh vượng đầy hoang dã. Nhưng cái thịnh vượng mà nhiều người đang mong mỏi đó chính là sự thịnh vượng thuần túy vật chất, lấy thước đo là tiền bạc chứ không hề là những giá trị tinh thần và chất lượng sống văn minh, bền vững, công bằng làm cốt lõi.

Tâm thế trên được khởi sinh từ trong một xã hội đồng tiền đang lăn trên mọi giá trị; người có tiền thì có quyền, có tiền mua tiên cũng được. Thế nên làm sao để có tiền nhanh nhất, bất chấp mọi giá. Các nguyên tắc như pháp lý, đạo lý, lẽ công bằng và hệ thống giá trị sống đang bị đồng tiền làm cho chao đảo, nghiêng lệch. Những dự án lắm tiền đang tự do can thiệp vào môi trường sống, những đại gia đang ngang nhiên phô diễn sự phung phí xa hoa mà cộng đồng lam lũ ngưỡng vọng, những chiếc phong bì đang làm công việc bôi trơn thủ tục, thậm chí đổi trắng thay đen các bản án…

Trong một đời sống không thượng tôn pháp luật, kẻ có tiền đang mua cả chân lý về cho mình. Ðó là những thực tế có thể thấy được trong cuộc sống thường ngày, chẳng trách nỗi ám ảnh kim tiền, giàu có bằng mọi giá mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thành công hay địa vị trong bối cảnh đó, cho cùng là những nấc thang phương tiện để trở nên giàu có, dẫn đầu cộng đồng trong cuộc tranh đoạt vật chất đầy khốc liệt.

Trở lại sự kiện gieo tiền từ khinh khí cầu (mà theo tác giả cuốn sách “Dám Làm Giàu” nói trên tờ Tuổi Trẻ Online là truyền cảm hứng, “truyền đi thông điệp là sự giàu có, thịnh vượng xung quanh chúng ta”) đang bị coi là quá lố.

Câu chuyện như một “case study” – ví dụ thực tế – phản ảnh cái tâm lý thực dụng và trọc phú của những người gieo rắc giấc mơ giàu sang về phương diện tài chính nhưng thiếu tri thức và các chuẩn mực giá trị để quản trị cuộc sống văn minh.

Nhưng hãy nhớ rằng, cho dù dư luận phản ứng và quy cho sự kiện này là lố bịch, thì những lớp học dạy cách sau một đêm có thể trở thành tỉ phú hay những cuốn sách bày cách dám làm giàu sẽ vẫn được đón nhận rần rần…

Một xã hội thị trường hoang dại, đồng tiền lên ngôi, con người “vật hóa” đang lây nhiễm trong xã hội mới là điều đáng sợ hơn cả.

MỚI CẬP NHẬT