Thursday, April 25, 2024

Tình trạng suy đồi đạo đức ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) – Tuần qua, ở một ngã tư đông đảo xe cộ cũng như khách bộ hành ở thành phố Zhumadian, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, một chiếc xe tắc xi chạy quá tốc lực ủi vào một người bộ hành, làm cô này bắn tung lên, rồi rớt xuống, nằm co quắp trên mặt đất.

Hàng chục người đứng nhìn hoặc thản nhiên đi ngang qua. Chừng một phút sau đó, một xe khác, lần này là một chiếc xe SUV, phóng qua, các bánh xe to lớn cán đè lên người nạn nhân.

Sau khi hình ảnh video về tai nạn giao thông này được phổ biến trên trang mạng xã hội ở Trung Quốc tuần qua, phản ứng đầu tiên của dư luận là sự căm phẫn nhắm vào hơn 40 khách bộ hành và người lái xe, đi sát ngang qua thi thể của nạn nhân, mà không ai ngừng lại để giúp đỡ.

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân Trung Quốc khác, đoạn video dài 94 giây nhắc nhở cho họ thấy về tình trạng suy đồi đạo đức quá trầm trọng trong xã hội quốc gia này.

Trong khi nhà nước Trung Quốc tự hào là một cường quốc thịnh vượng đang vượt lên hàng đầu thế giới, người dân nước này lại bày tỏ sự bất mãn về tình trạng không còn có sự phân biệt phải trái rõ ràng chung quanh họ.

Người ta than phiền về một quốc gia mà nhiều người sẵn sàng làm bậy, nơi mà các nhà sản xuất cố ý bán sữa trẻ em có chất độc, các nhà hàng chiên đồ ăn bằng dầu tái chế từ dầu thải ở cống, chợ bán trứng giả, trái cây giả, và ngay cả gạo giả.

Nhiều người Trung Quốc nói rằng họ không muốn giúp người khác trên đường phố vì nhiều câu chuyện về tình trạng giả bị thương tích và đòi bồi thường từ những người giúp họ.

Tian You, một tiểu thuyết gia ở Thẩm Quyến, nói rằng “đây là vấn đề cho cả nước chúng tôi: đạo đức của chúng tôi nay xuống quá thấp. Thành thật mà nói, tôi cũng không biết là chính cá nhân tôi có ngừng lại giúp thiếu nữ kia hay không.”

Sau khi vụ này xảy ra, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc đưa vấn đề này lên mạng Weibo, kêu gọi 5 triệu đoàn viên hãy chấm dứt tình trạng “vô cảm.” Các cơ quan truyền thông khác của nhà nước Trung Quốc kêu gọi dân chúng hãy suy nghiệm về thảm kịch này.

Tiểu thuyết gia Tian cho rằng chính cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng trong thập niên 1960, trong đó người trong gia đình và hàng xóm tố giác, rình rập lẫn nhau, để tồn tại, phá vỡ những nền tảng đạo đức trong quốc gia này. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT