Thursday, March 28, 2024

Ủy Ban Nobel Hòa Bình: Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cái chết của Lưu Hiểu Ba

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Thế giới văn minh đau buồn tiếc thương trước cái chết của ông Lưu Hiểu Ba, nhà tranh đấu chính trị nổi danh và là người Trung Quốc duy nhất được giải Nobel hòa bình.

Ông Lưu qua đời đêm Thứ Năm ở tuổi 61 trong một bệnh viện tại thành phố Thẩm Dương miền Đông Bắc Trung Quốc qua mấy tuần lễ được đưa từ nhà tù tới đây điều trị sau khi phát hiện bị mắc bệnh ung thư gan ở thời kỳ cuối và không được nhà cầm quyền Bắc Kinh cho ra khỏi nước để chữa bệnh.

Trước tin ông Lưu từ trần, ông Berit Reiss-Andersen nhân vật đứng đầu Ủy Ban Giải Nobel Na Uy, cơ quan trao giải Nobel Hòa Bình, nói rằng “Nhà cầm Trung Quốc có trách nhiệm lớn về cái chết của ông Lưu. Chúng tôi thấy thật đáng buồn là ông Lưu Hiểu Ba không được chuyển tới nơi mà ông có thể có được sự chăm sóc y tế tốt hơn trước khi bệnh ông trở nên trầm trọng.”

Trong vòng ba thập niên kể từ cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ của sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn, ông bị nhà cầm quyền bắt bỏ tù và lao động khổ sai 4 lần. Khi tạm thời được tự do không ở trong nhà tù, ông vẫn thường xuyên bị theo dõi hay quản thúc tại gia những khi tình thế trải qua các giai đoạn nhạy cảm chính trị. Tháng 12 năm 2009 ông lãnh án tù cuối cùng 11 năm với tội danh chế độ quy chụp cho ông là “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”, nhưng thực chất chỉ vì việc ông cùng một nhóm trí thức soạn thảo và công bố “Hiến Chương 08”, bản cương lĩnh chính trị kêu gọi thực hiện những cải tổ dân chủ ở Trung Quốc bao gồm một Hiến Pháp mới và nền dân chủ tư pháp. Nổi danh với quan điểm chính trị cứng rắn và những chỉ trích mạnh mẽ đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, suốt cuộc đời của ông Lưu là những vận động không mệt mỏi cho một đất nước Trung Quốc dân chủ và tự do.

Ông Lưu Hiểu Ba sinh ngày 28 tháng 12 năm 1955 trong một gia đình trí thức ở thành phố Trường Xuân tỉnh Cát Lâm miền Đông Bắc Trung Quốc, trong vùng Mãn Châu trước kia. Ông lãnh bằng cử nhân văn học năm 1976 ở đại học Cát Lâm và bằng thạc sĩ năm 1984 của đại học Bắc Kinh. Sau đó ông là giáo sư thỉnh giảng cho nhiều trường đại học nước ngoài, bao gồm Columbia University, University of Oslo, University of Hawaii.

Từ thập niên 1980, tên tuổi Lưu Hiểu Ba đã được biết đến với nhiều bài bình luận đề cao giá trị tự do, dân chủ và quyền của con người. Năm 1989 khi đang giảng dạy ở đại học Columbia, New York, ông đã bay về Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên sau đó bị quân đội đàn áp đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn. Ông Lưu và một số nhà hoạt động được coi là cứu sống hàng trăm người biểu tình nhờ đã thành công trong việc thương thuyết với quân đội để cho phép những người này rời khỏi quảng trường an toàn.

Ông từ chối đề nghị đi tị nạn ở Úc, để chọn ở lại Trung Quốc và không ngừng cuộc tranh đấu bất bạo động mặc dầu bị nhà cầm quyền theo dõi kiềm chế bằng những biện pháp quản thúc tại gia cũng như cầm tù. Năm 1996, khi vẫn đang ở trong tù, ông kết hôn với bà Lưu Hà, người từ đó cũng trở thành mục tiêu trấn áp của giới chức trách.

Ông Lưu Hiểu Ba là công dân đầu tiên của Trung Quốc vẫn còn sống ở trong nước được giải hòa bình Nobel khi Ủy ban Nobel công bố quyết định trao giải thưởng cho ông năm 2010. Lúc đó ông đang ở trong nhà tù để chấp hành bản án 11 vừa bị tuyên xử gần một năm trước đó. Trung Quốc phản ứng giận dữ bằng cách không cho phép ông nhận giải thưởng và cũng không cho ai, kể cả bà vợ Lưu Hà, được thay mặt ông đi Na Uy lãnh giải. Trong lịch sử của giải hòa bình Nobel, ông là người thứ ba được giải trong lúc còn đang bị giam giữ. Người thứ nhất là Carl von Ossietzky năm 1935 thời Quốc Xã Đức và người thứ hai là bà Aung San Suu Kyi năm 1991 ở Miến Điện. Lưu Hiểu Ba và Ossietzky là hai người duy nhất bị từ chối không cho người đại diện đi nhận giải giùm và sau này chết trong trại giam.

Trong lễ trao giải ngày 10 tháng 12 năm 2010 ở Oslo, Na Uy, ban tổ chức đã làm một hành động biểu tượng bằng việc cho xếp một chiếc ghế bỏ trống rồi đặt văn bằng cùng huy chương Giải Nobel Hòa Bình dành cho ông lên đó. Đứng trước chiếc ghế trống, Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland tuyên bố : “Ông Lưu Hiểu Ba không làm điều gì sai trái. Ông chỉ hành xử quyền công dân của mình mà thôi”.

Ba năm trước khi mãn án tù 11 năm, cuối Tháng Sáu vừa qua ông Lưu Hiểu Ba được “khoan hồng” cho ra khỏi nhà tù sau khi bị chẩn đoán mắc chứng ung thư gan tới thời kỳ cuối cùng. Mặc dầu nhiều chính quyền các nước trên thế giới đề nghị cho ông ra ngoại quốc chữa trị ở những nơi có trình độ và phương tiện y khoa tốt hơn nhưng Trung Quốc vẫn chỉ đưa ông vào bệnh viện ở Thảm Dương và nói rằng có thể mời các chuyên gia nước ngoài đến giúp trị liệu.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm Thứ Năm nói rằng rất tiếc Trung Quốc đã không cho ông Lưu Hiểu Ba và bà vợ Lưu Hà sang Đức để chữa trị. Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lòng tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, ngưới mà bà gọi là một chiến sĩ dũng cảm tranh đấu cho dân quyền và tự do ngôn luận. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Trung Quốc trả quyền tự do cho bà Lưu Hà và cho phép bà ra sống ở nước ngoài theo nguyện vọng. Ông nói rằng thế giới đau buồn về sự ra đi bi thảm của ông Lưu Hiểu Ba, người dâng hiến suốt cuộc đời vào mục tiêu cải thiện nước Trung Hoa về nhân quyền, tự do và công lý.

Lời tuyên bố cuối cùng của ông Lưu Hiểu Ba mà người ta ghi nhận được là sau phiên tòa năm 2009 tuyên án phạt ông 11 năm tù: “Tôi vẫn luôn mạnh mẽ tin rằng tiến trình phát triển chính trị ở Trung Quốc sẽ không ngừng lại và không thế lực nào có thể ngăn chặn đòi hỏi của con người được có tự do. Với niềm lạc quan sâu sắc, tôi mong muốn được thấy Trung Quốc tự do trong tương lai, một quốc gia được điều hành bởi luật pháp và là nơi nhân quyền trên hết.” (HC-V.Giang)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 13 tháng 7 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT