Friday, April 19, 2024

Sốt xuất huyết ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Diễn biến của dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam càng lúc càng nghiêm trọng. Các viên chức y tế hữu trách cho biết, dịch này đã và sẽ phá nhiều kỷ lục.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y Tế Hà Nội, vừa xác nhận, số người mắc sốt xuất huyết tại thành phố này đã bằng vào thời điểm mà ngành y tế Việt Nam gọi là “đỉnh” của dịch.

Tại Việt Nam, khoảng thời gian mà số người mắc sốt xuất huyết tăng lên mức cao nhất trong năm là giai đoạn từ Tháng Chín đến Tháng Mười Một. Đó là lý do các viên chức y tế gọi khoảng thời gian này là “mùa sốt xuất huyết.” Năm nay, dẫu còn hai tháng nữa mới tới “mùa sốt xuất huyết” nhưng theo ông Hạnh, số người mắc sốt xuất huyết đã chạm “đỉnh” của dịch này (5,000 bệnh nhân). Thậm chí tại một số quận của Hà Nội, số người mắc sốt xuất huyết đã tăng 10 lần so với năm ngoái.

Vào lúc này, nhiều bệnh viện tại Hà Nội đang quá sức chứa vì số người mắc sốt xuất huyết cần điều trị quá lớn.

Bệnh viện Bạch Mai cho biết họ đã phải dùng tất cả các phòng trong khoa Truyền Nhiễm cho người mắc sốt xuất huyết nhưng vẫn không đủ chỗ, kể cả sắp hai bệnh nhân nằm chung một giường. Đáng chú ý là theo Bác Sĩ Đỗ Duy Cường, trưởng khoa này, số người bị biến chứng sau sốt xuất huyết, đặc biệt là suy thận tăng vọt.

Bác Sĩ Nguyễn Văn Kính, giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Hà Nội, cũng cung cấp những thông tin và nhận định tương tự. Theo ông, dù mỗi ngày phải tiếp nhận và điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và họ chỉ đủ khả năng tiếp nhận từ 10% đến 20% bệnh nhân. Ông nói thêm, số người bị biến chứng sau khi mắc sốt xuất huyết rất cao, những biến chứng này bao gồm cả viêm não, vốn rất hiếm gặp.

Các viên chức y tế hữu trách dự đoán, dịch sốt xuất huyết sẽ kéo dài cho đến cuối năm nay và có thể phá kỷ lục năm 2016 (16,000 người mắc sốt xuất huyết).

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Sài Gòn. Số người phải vào bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Sài Gòn điều trị sốt xuất huyết trong tuần lễ thứ 26 của năm nay đã gấp đôi thời điểm tương ứng của năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y Tế, virus Dengue loại 2 (D2) hiện diện nhiều hơn trong các ca mắc sốt xuất huyết. D2 gây ra nhiều biến chứng nguy hại hơn.

Tuần trước, Viện Pasteur Sài Gòn công bố một thống kê liên quan tới sốt xuất huyết ở miền Nam Việt Nam, theo đó trong sáu tháng đầu năm nay, tại miền Nam Việt Nam có 29,329 người bị sốt xuất huyết, 15 người trong số này đã thiệt mạng.

Nếu so với sáu tháng đầu năm ngoái, số người bị sốt xuất huyết tăng 11% và số người chết tăng 50%. Dẫn đầu các tỉnh, thành phố tại miền Nam về số bệnh nhân bị sốt xuất huyết là Sài Gòn (trung bình 495 ca/tuần), kế đó là Bình Dương (trung bình 155 ca/tuần), xếp thứ ba là An Giang (trung bình 109 ca/tuần).

Từ hạ tuần Tháng Sáu đến nay, sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng ở Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… kể cả trên những hòn đảo xa đất liền như Phú Quốc, Thổ Châu (cùng thuộc tỉnh Kiên Giang).

Hồi cuối Tháng Sáu, ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, nói với tờ Tuổi Trẻ rằng, sau khi theo dõi diễn biến sốt xuất huyết tại miền Nam, cơ quan này nhận thấy, sốt xuất huyết giờ xuất hiện quanh năm, kể cả trong mùa khô.

“Giám sát bệnh cho thấy sốt xuất huyết đang dịch chuyển nơi mắc bệnh, từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa nhanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn,” ông nói.

Ông cho hay, tuổi người bị sốt xuất huyết cũng tăng, trước 2007 chỉ 20% bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn nhưng gần đây, tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, số bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn dao động trong khoảng từ 35% đến 54% tổng số bệnh nhân.

Ông nhận định, sốt xuất huyết có liên quan với đô thị hóa. Theo ông, đô thị là nơi thu hút nhân lực từ các nơi và đó là lý do dịch bệnh di chuyển từ chỗ có đến chỗ không, khiến quần thể dễ cảm nhiễm với dịch bệnh gia tăng. Dịch bệnh nói chung ở các đô thị dễ lây lan vì mật độ dân cư ở các đô thị cao. Lối sinh hoạt tại các đô thị tạo ra các tiền đề thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Chẳng hạn chậu kiểng, túi nylon, vỏ chai,… vương vãi khắp nơi giúp muỗi sinh sôi, nảy nở dễ hơn, ngăn chặn sốt xuất huyết khó hơn. (G.Đ)

Khách người Mỹ chết khi hút mỡ bụng ở Sài Gòn

MỚI CẬP NHẬT