Friday, March 29, 2024

Vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong vòng chưa đầy ba năm, từ quốc gia đứng thứ chín, Trung Quốc đã vượt qua Nam Hàn và Nhật để trở thành quốc gia đứng thứ hai về lượng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, một thống kê về vốn đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2014 mà Cục Đầu Tư Nước Ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư công bố khi đó xác định, Trung Quốc đứng thứ chín trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 1,029 dự án, tổng vốn dự trù khoảng hơn $7.8 tỉ.

Nay, báo Thanh Niên dẫn tin từ ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, tại một diễn đàn thảo luận về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, diễn ra hồi cuối tuần vừa qua ở Sài Gòn, thì hai tháng đầu năm nay bảng xếp hạng các quốc gia có vốn FDI vào Việt Nam đã đổi chỗ.

Đứng đầu nhóm 61 quốc gia trình dự án đầu tư vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2017 là Singapore và kế đó là Trung Quốc. Nam Hàn, quốc gia thường dẫn đầu về FDI vào Việt Nam, hiện bị đẩy xuống hàng thứ ba.

Ông Thiên cho biết, các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất xơ sợi, nhựa… qua hai hình thức là đầu tư trực tiếp và mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông cũng nhận định sự kiện Trung Quốc vươn lên đứng hàng thứ hai trong nhóm các quốc gia đầu tư vào Việt Nam là chuyện ngoài dự kiến.

Một chuyên gia kinh tế khác, ông Lê Xuân Nghĩa, dự đoán vì từ giữa năm nay, Việt Nam sẽ không thể vay ODA (vay ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển), FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh và mạnh do Trung Quốc đang thừa vốn.

Do dòng FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam có thể sẽ gây nguy hại cho môi trường của Việt Nam vì công nghệ của Trung Quốc nổi tiếng về ô nhiễm, ông Nghĩa khuyến cáo, Việt Nam phải biết cách chơi – biết chọn lọc công nghệ, phát triển kinh tế.

Kể từ năm 2012 nguồn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam bắt đầu tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may. Đến năm 2014, tuy mức độ căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung gia tăng nhưng nguồn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng nhanh và mạnh.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tập đoàn Yulun ở Giang Tô, Trung Quốc, đổ vào Nam Định $68 triệu để xây dựng một nhà máy sản xuất sợi – dệt – nhuộm, tập đoàn Huafu ở Hồng Kông đổ vào Long An $136 triệu để xây dựng một nhà máy tương tự tại Khu Công Nghiệp Thuận Đạo, tập đoàn Shenzhou International của Trung Quốc bỏ ra $140 triệu để thực hiện dự án phát triển trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp tại Sài Gòn…

Ngoài dệt may, các tập đoàn của Trung Quốc, Hồng Kông còn dồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam. Tập đoàn Sun Wah của Hồng Kông đầu tư vào dự án xây dựng chung cư kết hợp trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sài Gòn. Ngoài Bắc, Sun Wah cũng đầu tư dự án xây dựng một khu công nghiệp ở Hà Nội và một khu du lịch sinh thái ở Vĩnh Phúc.

Cũng theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Công Ty Tư Vấn Bất Động Sản CBRE Việt Nam từng loan báo, cùng với giới đầu tư Nhật, Nam Hàn, Singapore, giới đầu tư Trung Quốc đang thi nhau đổ tiền mua lại các dự án bất động sản ở miền Trung, đặc biệt là những dự án nghỉ ngơi, giải trí.

Ngoài liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động thì năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục bỏ thêm $220 triệu để đầu tư một nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp ở Tây Ninh, Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics rót $150 triệu để xây dựng cụm công nghiệp Lan Sơn ở Bắc Giang và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt tại đó…

Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân Việt Nam không bất ngờ trước việc doanh giới Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Theo họ, dòng FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam gia tăng vì hai lý do: (1) Doanh giới Trung Quốc muốn hưởng ưu đãi về thuế suất xuất cảng từ các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký với nhiều quốc gia khác. (2) Việt Nam vẫn là quốc gia dễ dãi trong quản lý môi trường nên có thể giảm chi phí đầu tư, tận dụng nguồn nhân lực dồi dào với giá rẻ.

Cần nhắc lại rằng, hồi thập niên 1990, dòng FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan từng ồ ạt chảy vào Việt Nam để phát triển các dự án dệt may vì những lý do tương tự. Tuy dòng vốn đó mang đến cho Việt Nam một khoản ngoại tệ, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người nhưng nhiều người nhanh chóng nhận ra, các dự án dệt may sử dụng rất nhiều đất, rất nhiều lao động, song chỉ là gia công, giá trị gia tăng của sản phẩm rất thấp và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường, sinh thái. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT