Friday, March 29, 2024

Nhớ Bùi Như Hải

 

bui-nhu-haiPhạm Phú Minh

Bạn Bùi Như Hải thân mến,

Tính đến hôm nay, ngày 18 tháng 8, 2016, thì bạn qua đời đã được năm hôm, thế mà khi ngồi vào bàn làm việc sáng nay tôi lại nảy ra ý viết thư cho Hải, và tôi đã viết dòng đầu tiên “Bạn Bùi Như Hải thân mến” như giữa chúng ta không có sự cách biệt nào cả. Có lẽ cũng do tuổi tác, chúng ta đều ở tuổi mấp mé tám mươi cả rồi, phần nào cũng “ngộ” chút ít về chuyện còn mất, hơn nữa nhiều lúc còn thấy mình đang thực sự đứng trên đường ranh giới của tử sinh, nên chuyện cõi này với cõi kia không còn là điều xa xôi và đáng sợ hãi như khi còn trẻ nữa.

Trên đường tản cư, tôi đến đất Trung Phước lần đầu tiên năm 1950, làm bạn với Bùi Như Sơn, Bùi Như Hải từ đó, đến nay là 66 năm. Ði tản cư cùng gia đình từ đầu năm 1947, mãi đến năm 1950 một mình tôi lại lưu lạc đến đất Trung Phước là quê của Hải, nhưng hồi đó là thời chiến mà, tôi đã kể lại chuyện này trong bài hồi ký Một Năm Ở Trung Phước của tôi. Ðiều đáng nói là từ đó chúng ta đã là bạn với nhau, rồi qua bao nhiêu đổi dời của cuộc đời, thời gian cuối đời chúng ta vẫn lại sống trên cùng một địa phương của nước Mỹ với tình bạn qua 66 năm không thay đổi. Ðó cũng là một điều đặc biệt, có thể nói là hiếm có.

Niên khóa 1950-51 chúng ta cùng học ở trường Gò Lu, cách nhà Hải tôi nhớ chỉ vài ba trăm mét, và cách nhà anh Tạ Ký nơi tôi ở trọ cũng suýt soát như thế. Ngôi trường bằng tranh và tre, tôi và Sơn anh của Hải học lớp Bốn (lớp Nhất thời kỳ trước), còn Hải học lớp Ba (lớp Nhì). Ðầu năm nay tôi viết hồi ký đến đoạn Một Năm Ở Trung Phước, tôi đã gửi email hỏi Hải về ngôi trường này và một số việc khác, đã được Hải trả lời rất chu đáo, tôi xin chép nguyên mail trả lời của Hải, như một kỷ niệm gần đây nhất của chúng ta:

[email protected] To [email protected]
Feb 20 at 10:29 AM

Anh Minh thân,

Tôi mới đi San Diego về tối hôm qua, nhận được email của anh. Xin trả lời những câu hỏi của anh theo trí nhớ còn sót lại của tôi:

– Trường Gò Lu:

Thành lập đúng như anh nhớ khoảng năm 50-51. Trường được dời từ khu nhà của ông Ðốc Cảnh gần chợ Trung Phước (tôi không nhớ tên trường) do ông Trần Ngọc Quế (con ông Ðốc Cảnh là Hiệu Trưởng). Trường dời vì bị máy bay Pháp bắn phá hư hại. Cơ sở nầy làm bằng Tranh vách đất vật liệu do Thầy tôi đóng góp phần lớn. Dạy từ lớp 1 đến lớp 4 do ông Trần Quang Hiển làm Hiệu Trưởng. (tôi vẫn không nhớ tên của trường và tồn tại được bao lâu!) vì sau khi học xong lớp 4 tôi xuống Duy Mỹ ở Bến Dầu học lớp 5 gọi là Trường Cấp 2 Duy Mỹ do ông Kiều Xuân Bá làm hiệu trưởng.

1953-1954 tôi lên lớp 6 thì trường nầy bị Pháp thả Bom Xăng tiêu hủy cả xóm phải dời qua Mỹ Sơn gần Ðập Thạch Bàn. Ðến tháng 7, 1954 đình chiến, trường giải tán lo việc “tập kết”, chuyện nầy còn dài dòng lắm!

Về các địa danh

Vùng nầy có rất nhiều:

– Gò Lu: tôi không biết tại sao gọi là Gò Lu (hình dạng không giống cái lu!)

– Gò Mít: nơi đó người ta trồng nhiếu mít đặc biệt là “Mít Nài”

– Gò Gạo: nơi đó có mấy “Cây Gạo” nở bông rất đẹp.

– Gò Ôm: hình tròn như cái “Om”?

– Gò Ðề: nơi đây có các phần mộ của gia đình ông Bùi Biên tức ông Cửu Thứ (ông Già của tôi).

Bùi Giáng:

1950-51 Bùi Giáng có ở Trung Phước nhưng thường đi đây đi đó và ông viết nhiều bài thơ liên quan đến công việc giữ Bò chăn Dê (tiêu biểu là bài Nỗi Lòng Tô Vũ). Những vùng ông thường lui tới là Giáp Nam, Tây Viên, Cà Tang, Khánh Bình, Mậu Long, Phú Gia, Dùi Chiêng…

Hy vọng những điều tôi còn nhớ giúp anh vài chi tiết nào chăng?

BNH

Thư này Hải gửi cho tôi vào ngày 20 Tháng Hai 2016, như vẽ lại trước mắt tôi cả bầu trời Trung Phước xưa. Hải nhắc tôi Trung Phước là vùng cận sơn, có rất nhiều gò, mỗi gò đều được dân địa phương đặt tên theo tính cách mà nó mang, ngắn gọn, có khi ngộ nghĩnh. Nhờ Hải mà đến ngày nay tôi mới biết gốc gác ngôi trường trên Gò Lu mà tôi học năm đó là ngôi trường mới dựng mà kinh phí đều do thân phụ của Hải* đóng góp. Và dù sau này tôi đã quen và thân với anh Bùi Giáng* ở Sài Gòn, lời kể của Hải về anh thời 1950 vẫn rất quý đối với tôi vì thời đó tôi còn nhỏ và anh Giáng vẫn còn là người chăn bò chăn dê trên các vùng đồi núi quanh Trung Phước. Và Hải nhớ không, sau này tại Sài Gòn chính Hải đã đưa anh Bùi Giáng đến chơi nhà tôi vào khoảng 1971, 72 để giới thiệu hai bên với nhau, sau khi anh Giáng đọc bài của tôi viết về thơ Tường Linh và hỏi Hải: “Phạm Phú Minh là thằng nào?”

Ngẫm lại mà xem, các nhân vật được đề cập trong bài này: Bùi Như Sơn, Bùi Như Hải, Tường Linh, Tạ Ký, Bùi Giáng, ông Ðốc Cảnh, Trần Ngọc Quế… đều là người Trung Phước. Tôi đến đó để học trong một năm, lúc 12 tuổi, nhưng đó chính là một năm bản lề của đời tôi, để sau này lớn lên ở Sài Gòn tôi tiếp tục mở rộng những mối thân tình cho đến ngày hôm nay.

Lần sau cùng Hải và tôi gặp nhau là tại chùa Ðiều Ngự năm ngoái, trong lễ 49 ngày nhà văn Võ Phiến. Tôi biết Hải là một Phật tử thuần thành từ nhiều năm rồi, từ thời “tranh đấu Phật giáo” năm 1963 tại Sài Gòn, Hải lúc đó đang học Dược, đã bị bắt, bị tra tấn, nhưng khi gặp nhau sau đảo chánh, Hải vẫn cười hề hề như chẳng có gì quan trọng. Ngày nay gặp lại Hải đang có mặt để giúp nhiều việc cho chùa Ðiều Ngự, tôi biết bạn vẫn là Hải của ngày xưa, trước sau vẫn là một Phật tử thuần thành.

Tôi hình dung con đường của Hải sau khi lìa bỏ cõi đời lắm rắc rối này sẽ là một con đường rất thanh tịnh bình an, “tiêu diêu nơi miền Cực Lạc” như lời cầu chúc của bạn bè. Cuộc sống kiên định, nhất tâm của Hải dĩ nhiên sẽ dẫn đến con đường đó thôi. Bạn bè còn lại sẽ gắng noi gương bạn.

18-8-2016

Phạm Phú Minh

*Tức ông Bùi Biên, thường gọi là ông Cửu Thứ.
*Bùi Như Hải và Bùi Giáng là anh em chú bác ruột.

[disqus_shortcode_codeable]