HoaSiNgocDung

Nguyễn Trung

Tới thăm anh Ngọc Dũng vào buổi chiều trời mưa. Gặp anh ngồi uống trà xếp bằng trên ghế mây với mấy ông bạn khác, trông quen nhưng mà không biết ở đâu. Còn Dũng thì có vẻ thi sĩ hơn họa sĩ. Căn nhà của anh chật ních những tranh trên tường, dưới đất, kẹt giường, khắp nơi. Anh sắp bày tranh tại Phòng triển lãm thường trực của Văn Hóa Vụ đầu tháng Sáu này.** Và đó cũng là lý do tôi đến thăm anh. Thăm với tư cách một người hâm mộ hội họa.

Kể thì ở xứ này, được tới thăm một xưởng họa của anh Dũng cũng là một thích thú lớn. Hơn nữa, được anh mời một chung trà ngon, tuy đã lợt, trong khi ngoài trời mưa, tối xuống, thì không gì khoái hơn. Nhưng mà có một điều phổ thông rất khốn nạn là nhà của anh chàng họa sĩ nào – trừ Duy Thanh – cũng ở trong hẻm hốc, khó kiếm cả. Bù lại là được ngồi khoái trí trước mấy chục tác phẩm hội họa. Anh Dũng có tâm hồn thi sĩ. Tường treo mấy bài thơ của anh hay của Thanh Tâm Tuyền làm tặng và người ta đọc thấy cái hồn thơ của anh qua mấy bức vẽ chân dung, tỉnh vật, phong cảnh và nhất là phố. Phố của Ngọc Dũng có cái thi vị đặc biệt, làm nhớ mấy cái Nocturne của Beethoven hay Sérénade của Schubert. Anh có cho tôi coi vài dessin sẽ được bày ở Phòng triển lãm. Thích lắm. Nét vẽ của Ngọc Dũng rất tài hoa.

Một chân dung làm nhớ tới cô Oanh, Đỗ Hoàng Oanh, định xin về treo, nhưng ngại quá. Cuộc triển lãm này của Ngọc Dũng chắc phải gây nhiều hào hứng lắm vì nó được chuẩn bị kỹ lưỡng trong vòng hơn ba năm nay. Thấy Ngọc Dũng vẫn giữ cái bút pháp cũ, nhưng tiến bộ rất nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ trông mong được như thế, được tiến bộ như Ngọc Dũng, được có một tâm hồn như Ngọc Dũng và được cùng sự say mê nghề nghiệp như Ngọc Dũng. Cuối cùng là thời gian và những phần thưởng. Tôi có để ý đến một thanh mã tấu đặt ở đầu giường (ở đó tôi còn gặp được bức ảnh gần như khỏa thân của Démongeot, nhưng không làm tôi kinh ngạc bằng thanh mã tấu.) Mới hỏi Ngọc Dũng sao nhà của họa sĩ mà lại có thứ kỳ cục đó. Anh mới chỉ ra sân, có cây gòn, bảo: Có công dụng lắm. Trước có người định đốn cây ấy mới cầm thanh mã tấu dọa: Nếu muốn chặt cây đó thì chặt đầu tôi trước đi…

Về, tôi ngẫm nghĩ: Thanh mã tấu, cây gòn, ảnh Démongeot, mấy bức chân dung, tĩnh vật, phố, bao nhiêu đó mâu thuẫn nhau nhưng đúng là con người của anh: Thô bạo, thơ mộng và bay bướm.
(Tạp chí Văn, số 45, tháng 9, 2000 Tưởng Niệm Ngọc Dũng)

* Bìa Văn Nghệ, số 5 tháng Sáu, 1961
** Tháng Sáu, 1961