Đối với nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ đều có quan niệm riêng của mình để theo đuổi tùy theo tâm tính và khả năng. Có người chọn nghệ thuật vị nghệ thuật, người khác chọn nghệ thuật vị nhân sinh,…Vâng, cũng không chỉ có chừng đó con đường nghệ thuât.

Trường hợp họa sĩ Phạm Tăng là một chọn lựa khác nữa, một chọn lựa đầy khó khăn, đầy thách thức, một chọn lựa trút bỏ hình hài của thứ thẩm mỹ thị giác, thứ thẩm mỹ nuông chìu thèm khác, thứ thẩm mỹ phù dung mà ông, thời trẻ tuổi đã từng sở hữu, đã từng mê muội. Nhờ có “căn tu”, Phạm Tăng đã sớm giác ngộ, trong sâu thẳm của ý thức, nghệ thuật là đạo. Một thế giới phi thời gian, không có khởi đầu và kết thúc, một thế giới không tường cao cửa đóng. Một thế giới của sự thăng hoa cho tâm hồn con người bằng đôi cánh kỳ diệu của nghệ thuật. Ở đó, họa sĩ tự do ném lên mặt vải những tảng màu, phóng ra những đường nét như nhà tu hành gửi vào cõi hư vô tràng mõ hồi chuông. Âm điệu tụng niệm hay một kinh cầu có đến được cõi thiêng hay đem lại ân phước gì cho nhân gian? Điều quan trọng hơn hẳn đối với họ không phải cốt đạt được mưu cầu cho ai mà chính là sự hiến tặng trái tim mình cho nghệ thuật để được chìm sâu vào cõi sáng tạo. Rồi từ đó một cuộc đời khác vô nhiểm được tái sinh cho chính họ. Không phải vì thế mà Dostoevsky đã từng nói “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới” đấy sao?

PhamTang

Họa sĩ Phạm Tăng (phải) và họa sĩ Trịnh Cung tại một quán nhỏ ở Paris, mùa đông 1994.

Và với Phạm Tăng, hành trình hội họa của ông, hành trình của một chân tu đi tìm ánh đạo nghệ thuật, đã trải dài 2/3 thế kỷ từ Việt Nam sang Ý và sau cùng là Pháp, nơi ông dừng chân và kết thúc hành trình ấy sau khi đã sống trọn vẹn cho tình yêu nghệ thuật, toàn tâm cho ý thức sáng tạo mà Vũ Trụ là tác phẩm khổng lồ cả về tầm vóc lẫn triết lý nghệ thuật, một biểu tượng cho sự đắc đạo nghệ thuật của Phạm Tăng.
Vài dòng cảm nghĩ thay cho nén nhang cầu cho linh hồn anh được phiêu diêu.

Bolsa-California, 20-1-2017
Trịnh Cung