Để tưởng nhớ người Mẹ thứ hai của tôi,

Khi nói đến Mợ của chúng tôi, tôi muốn trình bày với tất cả những người hiện diện hôm nay rằng, chúng ta hãy cùng nhau kêu lên một tiếng “Mợ” vì bản thân tôi nghĩ rằng bà cụ đang nằm bên cạnh chúng ta đây xứng đáng được tất cả mọi người gọi bằng một tiếng “Mợ” với tất cả những tấm chân tình thân thương. Lý do tôi nói lên vấn đề này tại vì tôi cũng muốn giới thiệu đến tất cả những người hiện diện trong tang lễ hôm nay, Mợ của chúng tôi là một người xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt tại Hà Nội. Mợ tôi là một người theo Tây học từ khi còn bé, là một người học rất giỏi và luôn luôn được bảng danh dự trong lớp. Thế nhưng không phải vì theo Tây học mà Mợ đã quên đi bản chất của một người phụ nữ Á Đông. Mợ của chúng ta vẫn có đầy đủ đặc tính của một người phụ nữ Á Đông, đó là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Khi Mợ ở tuổi cập kê, Mợ đành phải nghe theo lời của ông bà ngoại để lập gia đình và chính cái việc lập gia đình đã làm cho Mợ gián đoạn sự học và cũng kể từ giai đoạn 16 tuổi đó – trước mặt Mợ là tứ thân phụ mẫu: là gia đình ruột và gia đình chồng.

Sinh sống ở Hà Nội, nhưng phía bên chồng là ở Hưng Yên cho nên Mợ vẫn phải đi đi về về, và đặc biệt là trong giai đoạn tản cư, Mợ đã phải lo không những bao bọc, che chở, dìu dắt con của mình mà còn phải lo lắng bao bọc cho luôn những người cháu. Cho nên ở đây nếu chúng ta nói rằng con gà có đôi cánh để bảo vệ đàn con, thì Mợ ở đây chúng ta phải nói rằng Mợ có đôi cánh của thiên thần để che chở đàn con và cháu của Mợ. Mợ đã che chở các con trong suốt cuộc đời của Mợ, Mợ đã hy sinh cuộc đời của Mợ, là một tiểu thư để lo cho các con bất kể đến việc chăm sóc bản thân mình. Mợ đã phải lo cho các con từng tí một. Cho nên ở đây chúng ta nói rằng Mợ đúng là một người Mẹ tuyệt vời, là một viên ngọc không tì vết.

Thưa tất cả các anh chị và tất cả các người có mặt nơi đây ngày hôm nay, có lẽ mọi người hiện diện ngày hôm nay đông đủ cũng đã nói lên rằng tất cả các bà con bạn hữu thân, xa đã quý và kính trọng Mợ đến mức độ nào.

Sau khi ở Hà Nội, đã bao nhiêu lần phải đi đi về về tản cư, vẫn một tay Mợ phải lo, không những lo phía bên chồng mà con phải lo phía bên mình vì ông ngoại đã mất từ khi ở Hà Nội. Đến năm 1954, di cư vào Nam, Mợ một lần nữa tưởng rằng cuộc sống của mình trở nên thanh thản, nhưng không, Mợ vẫn phải tiếp tục lo cho đàn con của mình và lo cho đàn con của những người thân cả bên nội cũng như bên ngoại ngõ hầu tạo điều kiện cho các con, các cháu thành danh trong một xã hội mới. Nhưng hãy nhìn lại Mợ, Mợ có gì, có chăng chỉ một tấm thân gầy guộc. Chính điều đó đã biểu tượng cho hình ảnh một người mẹ cả một đời hy sinh cho các con các cháu. Cho nên lúc nãy tôi đã nói rằng Mợ của chúng ta có một đôi cánh thiên thần, điều đó không quá đáng. Trong suốt thời gian ở tại miền Nam Mợ đã phải nuôi dạy các con từ lớn cho tới bé. Không những Mợ thể hiện Mợ là người mẹ, người vợ trong gia đình mà Mợ còn như một cô giáo để dạy cho các con trở thành một người hữu dụng trong xã hội, mà còn là một người chị đảm đang đã chăm sóc mẹ ruột của mình để em trai có điều kiện tiếp tục học hành và đã trở thành một Bác sĩ Giám đốc bệnh viện Nguyễn văn Học và Chánh Sở Y Tế Đô Thành Sài gòn – Chợ Lớn trước năm 1975. Mợ đã chăm lo cho các con từ vật chất cho đến tinh thần. Từ manh quần từ tấm áo do chính tay Mợ ngồi may với bao nhiêu tình cảm của một người mẹ dành cho con. Mợ đã dùng tất cả tình cảm của mợ đặt để vào những chiếc áo đầm, áo dài cho các con gái mặc đi học và dạy kèm toán tại nhà để các con có thể vào trường Nữ sinh Trưng Vương và Chu văn An Saigon. Đó là bài học đầu tiên về tình mẫu tử Mợ đã dạy cho các con khi còn tấm bé. Mợ đã chăm chút cho hai người con trai lớn của mình trở thành bác sĩ trước năm 1975. Cuộc đời tưởng đâu rằng Mợ sẽ được hưởng những thành quả của Mợ sau bao nhiêu năm gieo trồng. Nhưng than ôi! Ngày 30 tháng 4 lại đến, các con của Mợ phải đi học tập cải tạo, và một lần nữa mợ đã làm thân cò quang gánh, một thân một mình đi thăm con, nuôi con trong nhà tù cộng sản và trong những điều kiện khó khăn như thế vẫn tiếp tục cho các con ăn học thành tài sau năm 1975 bao gồm 1 cao học, 1 cử nhân, 1 dược sĩ, 1 kỹ sư và 1 bác sĩ.

NguyenNgaTo

Cho đến ngày các con đi học tập trở về, một vấn đề khác mà Mợ phải đối đầu: đó là làm sao các con có thể tiến thân trong cái xã hội Cộng Sản như thế này? Mợ phải dứt ruột hy sinh để cho các con đi vượt biên để tìm tương lai. Bởi vì trong lòng Mợ, Mợ luôn luôn nghĩ rằng Mợ không sống lâu với các con nhưng Mợ muốn các con phải chấp cánh và bay thật cao và nếu các con có quỵ té thì quỵ té khi Mợ còn hiện hữu vì Mợ sẽ là người nâng đỡ các con về tinh thần.

Mợ không bao giờ đánh đập các con mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo các con, Mợ luôn dạy cho các con hãy đối xử với nhau bằng tình yêu thương thật sự chứ không phải bằng môi mép bên ngoài. Mợ cũng thương bạn bè của các con như con ruột của mình và dạy cho các con hãy tha thứ nhau khi có những lỗi lầm.

Có lẽ Thượng đế đã gởi phần thưởng đến cho Mợ bằng kết quả là các con đã học hành đến nơi đến chốn. Và sau đó các con đã đưa Mợ đoàn tụ với nhau tại Hoa Kỳ. Có lẽ đây là giờ phút Mợ cần được nghỉ, vì các con đã trưởng thành, đã có địa vị trong xã hội, thế nhưng… Vẫn chữ “nhưng” nghiệt ngã, tạo hóa đã cướp đi người chồng yêu quí của Mợ. Nhưng chưa hết, tạo hóa cũng lấy đi hai đứa con của Mợ, đó là một bác sĩ và một cô dược sĩ. Điều đó đã để lại cho Mợ một sự đau đớn tột cùng. Cuộc đời của Mợ dường như hoàn toàn tuyệt vọng vì những gì mà Mợ mơ ước, mong muốn đã không theo ý của Mợ.

Với Mợ, tất cả các con Mợ đối xử như nhau, không phân biệt con ruột hay dâu, rể. Mợ luôn mong mỏi các con bay cao và bay xa, những ai không bay xa được, Mợ là đôi cánh giúp đỡ. Mợ cũng là nơi để cho tất cả anh em bày tỏ những khó khăn.

Ngày hôm nay, Mợ của chúng ta đã nằm xuống, nhưng Mợ vẫn có một vài điều ấp ủ trong lòng.

Hôm nay, trước mặt các anh chị em và các thân hữu tôi xin trao lại những điều mà Mợ muốn nhắn đến chúng ta.

Mợ mong muốn các con của Mợ luôn thương yêu và đùm bọc lẫn nhau nhiều hơn nữa, nhiều hơn những gì mà các con đã làm khi Mợ còn sống.

Mợ cám ơn Huân và Hồng đã hy sinh tình cảm riêng tư để chăm sóc sức khoẻ Mợ trong gần 18 năm.

Thưa Mợ, hôm nay đứng bên cạnh linh cửu của Mợ, con đã gởi đến các anh chị em những điều Mợ hằng ấp ủ. Nếu con có nói những điều gì không đúng xin Mợ hãy tha lỗi cho con. Mợ đang ở trên cao, Mợ đang nhìn xuống chúng con và mỉm cười vì thấy các con cháu của Mợ đang quây quần bên cạnh Mợ để đưa Mợ đến một thế giới khác, một thế giới không còn sự tị hiềm và không còn sự đau đớn về thân xác.

Chúng con luôn nhớ Mợ và Mợ luôn ở trong lòng chúng con.

Kính Mợ
Dương phú Cường (Philippe Dương)