(Nhân ngày giỗ lần thứ mười 1/9/2006 – 1/9/2016)
Vương Trùng Dương

HoangAnhTuan

Sáng thứ Sáu, 1 tháng 9, 2006, tôi nhận được email của nhạc sĩ Trần Quang Hải cho biết, nghe tin nhà thơ Hoàng Anh Tuấn vừa mất, nhờ tôi liên lạc và báo tin cho anh biết. Cùng ngày, anh chị em trong giới văn nghệ ở Pháp còn xúc động khi dự tang lễ nhạc sĩ Xuân Lôi lại nhận được tin Hoàng Anh Tuấn ở Hoa Kỳ không còn nữa nên rất buồn!
Buổi chiều, tôi nhận được email của cô Lưu Hoàng Thu Thuyền cho biết: “Bố Thuyền, Antoine Hoàng Anh Tuấn vừa qua đời hôm nay, 1 tháng 9 năm 2006 vào lúc 7.35 AM tại San Jose. Hưởng thọ 74 tuổi. Gia đình đã liên lạc với nhà quàn Oak Hill (300 Curtner Road, San Jose, CA 95125. Bố Thuyền có lẽ ra đi trong giấc ngủ. Hai hôm trước bị nhức đầu phải vào phòng cấp cứu nhưng nhà thương đã trả về vì nghĩ người bị ear infection. Hôm qua uống antibiotic, thấy đỡ nhiều. Không ngờ hôm nay, gia đình lại nhận được tin xấu!”.
Năm 1998, sức khỏe nhà thơ Hoàng Anh Tuấn suy yếu, tháng Giêng năm 2005, phát hiện bị ung thư phổi, tháng 2 năm 2005 nhà thơ Hoàng Anh Tuấn vào viện dưỡng lão Mission De La Casa, thành phố San Jose và trút hơi thở cuối cùng tại nơi nầy. Để tưởng nhớ đến người quá cố, Cali Weekly đăng tải bài viết của nhà báo Đỗ Văn Trọn và nhà văn Huy Phương về thi sĩ Hoàng Anh Tuấn trong ngày 1 tháng 9 năm 2006.
Nghĩa tử là nghĩa tận, khi viết cho người nằm xuống với cả tấm lòng thành kính, Cali Weekly sẵn sàng phổ biến trên trang web, không định kiến cá nhân nào cả. Sau khi đăng tải hai bài viết về chân dung nhà thơ Hoàng Anh Tuấn lúc vĩnh viễn ra đi, Cali Weekly nhận được bài thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân và bài viết của nhà thơ Hoàng Ngọc Liên tưởng nhớ Hoàng Anh Tuấn và hai bài viết của nhà báo Vũ Uyên Giang, nhà báo Hồ Nam và nhà văn Việt Hải về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn lúc sinh thời. Và, bài viết của nhà văn Văn Quang từ Lộc Ninh, VN.
(Ông Vũ Quang Ninh tổ chức Lễ Tưởng Niệm nhà thơ Hoàng Anh Tuấn tại hội trường Little Saigon Radio, vào chiều Chủ Nhật, 10 tháng 9 với sự tham dự rất đông anh chị em văn nghệ sĩ và đồng hương, tôi có viết bài tường thuật nhưng rất tiếc không còn lưu giữ hình ảnh)
VTrD
*
Tưởng niệm thi sĩ Hoàng Anh Tuấn – Người Tình Chung Thủy Ngàn Năm của Hà Nội Muôn Thuở ….

Đêm Hoàng Anh Tuấn và thân hữu, đã được tổ chức lúc 7 giờ tối thứ hai ngày 4 tháng 9 năm 2006 tại nhà nguyện Oak Hill Funeral, San Jose.
Đông đảo anh chị em văn nghệ và những người yêu mến thi sĩ Hoàng Anh Tuấn tham dự. Phần đầu, Đức Ông Đỗ Văn Đĩnh làm lễ cầu nguyện cho linh hồn Antoine Hoàng Anh Tuấn sớm về hưởng nhan thánh Chúa.
Mở đầu, ông Phạm Hùng nói về ý nghĩa buổi tổ chức, giữa những người thân với nhau thương mến thi sĩ Hoàng Anh Tuấn. Tiếp đó người con trai trưởng của ông Hoàng Anh Tuấn là Hoàng Ánh Thép thay mặt gia đình tri ân toàn thể quan khách và bày tỏ cảm xúc của mình trong ngày tang của bố.
Nhà văn Đỗ Vẫn Trọn, người tổ chức “Đêm Tưởng Niệm”, cũng là người bạn vong niên của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn phát biểu: “Chúng ta đến đây, tối nay đều là những người yêu mến anh Hoàng Anh Tuấn. Dù không bày tỏ hoặc phát biểu nhiều hay ít thì đều là những người có lòng muốn thắp một nén nhang gửi đến người anh, người bạn quá cố mà chúng ta rất đỗi yêu thương…”
Sau đó, ông Đỗ Vẫn Trọn và ông Phạm Hùng mời thi sĩ Hà Thượng Nhân, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà báo Nguyễn Xuân Phác, Cao Sơn, Nguyễn Tường Tâm, luật sư Hoàng Cơ Long, ông Ngọc Toét… là những người gắn bó với thi sĩ Hoàng Anh Tuấn bao lâu nay bày tỏ cảm tưởng. Những câu chuyện được kể, những kỷ niệm với Hoàng Anh Tuấn từ thuở niên thiếu ở Hà Nội, đến lúc Hoàng Anh Tuấn thành danh ở Sài Gòn, ở Đà Lạt, rồi sang Mỹ. Lời tâm sự của người kể vui có, buồn có đều là những mẫu chuyện khiến người nghe rưng rưng một cảm xúc.
Bản nhạc “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn viết chung với cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương trên một căn gác nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn vào năm 1966, lời nhạc của Hoàng Anh Tuấn, được hợp ca với các tiếng hát: Thu Hà, Mai Hân, Hà Cẩm Tú, Kim Phụng, Tú Minh, Đồng Thảo, Hạ Vân, Quốc Bảo, Vân Yến, Thiên Kim, Phương Trâm, Trần Quảng Nam, Nguyên Nhu… đã mang lại niềm xúc động cho người nghe.
Nữ nghệ sĩ Kiều Loan ngâm bài thơ “Bến Xuân Hà Nội” của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn khiến người nghe rơi lệ. Ca sĩ Thu Hà hát bài Tiễn Biệt, thật ngậm ngùi. Từng lời hát khi chị cất lên trầm bổng, thánh thót một thông điệp yêu thương thấm vào lòng người nỗi mất mác chia cách người thân.
Kết thúc chương trình là nhạc phẩm “Ngàn Năm Mây Bay” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, viết riêng cho cuốn phim “Ngàn Năm Mây Bay” do Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn được ca sĩ Thu Hà, Hà Cẩm Tú, Kim Phụng trình bày. Ba giọng hát cất lên để lại trong lòng mọi người một hoài niệm về nỗi thương tiếc người thi sĩ tài hoa, dễ thương Hoàng Anh Tuấn.
(Phạm Bình Thường)
*
Thân gởi anh Vương Trùng Dương – Chủ nhiệm & Chủ bút báo điện tử Cali Weekly tại Cali và chị Hoàng Thu Thuyền – Ái nữ của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn
Tôi vừa trình bày xong trang Tưởng Niệm Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn – “Người Tình Chung Thủy Ngàn Năm của Hà Nội Muôn Thuở…”.
Được tin thi sĩ mất tôi xúc động như mất một người thân thiết trong gia đình… qua mạch thơ anh – nhẹ nhàng đơn giản nhưng sâu thăm thẳm đi thẳng vào lòng người yêu thơ – tôi tìm được một tình yêu bất diệt về Hà Nội bất tử …
Cũng như khi nghe tin anh Phạm Huấn mất tôi chợt xúc động nhớ kỷ niệm tình cờ mua quyển sách Một Ngày Tại Hà Nội… của anh Phạm Huấn trong một quán tạp hóa tại New York xuân năm 1996…
Chân thành chia buồn cùng gia đình chị Hoàng Thu Thuyền.
Xin cảm tạ anh Vương Trùng Dương và các tác giả họa sĩ cho phép tôi được dùng bài vở và minh họa chân dung của Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn do tình cảm trân quý của các anh…
Trang nhà Hà Nội – Paris thành thật cảm ơn nhà thơ Hoàng Ngọc Biên & trang báo Văn học Tiền Vệ cũng như nhà văn Vương Trùng Dương chủ nhiệm tuần báo điện tử Cali Weekly tại Cali và tất cả các nhà văn nhà thơ họa sĩ nhân chứng viết bài tưởng niệm…. được phép trích đăng những thông tin trên đây về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn.
Trân trọng
Thành phố Hoa Hồng Toulouse – Ngày 17 tháng 9 năm 2006
Nguyễn Hữu Viện
*
Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7/5/1932 tại Hà Nội. Ngoài làm thơ, viết văn, viết kịch với những vở kịch như: Ly Nước Lọc, Hà Nội 48… Ông còn là đạo diễn điện ảnh với những phim: Ngàn Năm Mây Bay, Xa Lộ Không Đèn…
Năm 1949 du học tại Paris, Pháp. Học được một năm tại Nice, gặp được nhà thơ Nguyên Sa (Trần Bích Lan) rủ về Paris. Và tại đây ông học ở IDHEC, trường điện ảnh khá nổi tiếng của “kinh đô ánh sáng” thời đó. Năm 1958 trở về Việt Nam, cộng tác với một số tờ báo và tạp chí tại Sài Gòn.
Năm 1965 ông làm quản đốc đài phát thanh Đà Lạt cho đến năm 1975.
Sau 1975 ông Hoàng Anh Tuấn đã bị đi tù Cộng Sản. Năm 1979 ông được qua Pháp. Và phải đến năm 1981 mới được định cư tại Hoa Kỳ. Với sự bảo lãnh của con gái ông, Hoàng Hôn Thắm, ông và gia đình di cư sang Hoa Kỳ năm 1981 và định cư tại tiểu bang Ohio sau đó di chuyển về San Jose, California.
Năm 1987 ông lên San Jose. Năm 1988, ông cùng với ca sĩ Mai Hân chủ trương tờ báo “Thung Lũng Tình Yêu”, một vài tháng thì tờ báo này đình bản. Sau đó, làm chủ bút tuần báo Yêu. Năm 1992, ông làm giám đốc đài phát thanh Sài Gòn. Đây là chương trình phát thanh Việt ngữ đầu tiên trên làn sóng AM-1500 tại Hoa Kỳ.
Năm 1998 ông bị bệnh, thường hay xỉu nơi làm việc.
Năm 2004, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn ra mắt tập thơ “Yêu Em, Hà Nội & Những Bài Thơ Khác” tại Orange County, California (Tập thơ nầy là công trình sưu tầm của Thu Thuyền. Tháng 10 năm 2003, Thu Tuyền viết bài Hoàng Anh Tuấn – Thân Phụ Tôi, phổ biến trên Cali Weekly, có lẽ ái nữ nhà thơ linh cảm được điều gì đó với thân phụ trước khi phát hiện bệnh tình hiểm nghèo).
Tháng 1 năm 2005, bác sĩ phát giác ông bị ung thư phổi. Tháng 2 năm 2005, ông được đưa vào viện dưỡng lão Mission De La Casa – San Jose. 8 tháng sau, vĩnh biệt cõi trần.
*
Theo nhà văn Văn Quang: “Hoàng Anh Tuấn có rất nhiều “nghề”. Làm đạo diễn, là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, là quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Nhưng trong con người anh không có một tí công chức nào. Thông thường, bạn bè nhìn anh như một nhà đạo diễn. Không có tính “chuyên nghiệp” như Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa… Anh là một đạo diễn rất “tài tử”. Anh đã từng tốt nghiệp tại một trường Điện Ảnh ở Pháp ngay trong thời kỳ còn là sinh viên ở Paris. Nhưng ai mời mà thấy “hợp gu” thì đạo diễn… chơi cho vui. Tôi thấy hình như cái gì anh cũng làm chơi cho vui. Thích thì làm, không thích thì bỏ đi, giản dị có thế.
Cả cuộc sống cũng vậy thôi. Ở anh, con người nghệ sĩ chân thật, hồn nhiên bao trùm lên mọi thứ. Anh chơi tất với mọi người, ngồi quán cóc, uống ly cà phê hay ăn bữa cơm Bà Cả Đọi cũng giống y chang như ngồi ở Caravel phỏng vấn những danh ca nổi danh thế giới như Dalida hoặc ngồi dancing ăn cánh gà chiên bơ, đấu láo với mấy em ca-nhe, bất kể hạng nhất hay về già. Ngay cả trong cách ăn mặc, Tuấn cũng chẳng cần chú ý, cứ “đại khái chủ nghĩa”, không “lên khuôn đóng thùng” ngay cả ở những nơi cần long trọng. Tiếng cười của anh nhiều hơn lời nói. Vẻ “tỉnh tỉnh” của anh làm nên một phong cách riêng. Nhìn thấy anh là nhìn thấy ngay “cuộc đời có cái quái gì quan trọng đâu”. Tôi chắc bạn bè rất thích Hoàng Anh Tuấn vì lẽ đó…
… Anh còn viết feuilleton ở một số tuần báo và nhật báo của Sài Gòn thời đó. Nhưng khối ông chủ báo rên la vì cái tật hứng thì viết, không thì bỏ. Hầu như ít có truyện dài nào anh viết hết cho đến nơi đến chốn, nên rất hiếm truyện dài nào được xuất bản. Lối viết của anh khá hấp dẫn, độc giả cũng chịu đọc lắm, nhưng mỗi khi gặp đoạn “khó nhai” là y như anh tạm ngưng hoặc ngưng luôn. Người viết truyện dài nào, cũng gặp những lúc như thế này, phải cố gắng vượt qua. Nhưng Tuấn hay nản, nên bỏ ngang. Tôi rất tiếc vì điều này, nếu không thì Hoàng Anh Tuấn cũng có nhiều tác phẩm rất hay được xuất bản.
Lâu lâu lại thấy xuất hiện một bài thơ của Hoàng Anh Tuấn trên báo khiến anh em sững sờ.
Vì thơ Tuấn hay quá. Có thể nói bài nào cũng hay. Đã có người so sánh với Nguyên Sa, Đinh Hùng, nhưng với tôi, thơ Tuấn có cả tính chất Nguyên Sa, Đinh Hùng và rất Hoàng Anh Tuấn. Chữ nghĩa mới, không trau chuốt cầu kỳ, nhưng lại rất rung động, đi thẳng vào cội nguồn trái tim người thưởng ngoạn. Cái cung bậc sâu thẳm trong tình yêu được đánh thức dậy đến bàng hoàng…
… Có lần anh ở Đà Lạt, có con gái về Sài Gòn, anh điện thoại cho tôi thản nhiên nói: Mày cho xe ra phi trường đón con gái tao, Hoàng Hôn Thắm nhé. (Quả thật tôi không còn nhớ chính xác người con gái đó là Hoàng Hôn Thắm hay Thu Thuyền nữa). Tất nhiên tôi phải cho xe đón cháu và đưa đến nơi về đến chốn. Anh không màu mè “làm ơn đón cháu” lôi thôi.
Lần khác tôi lên Đà Lạt vào dịp lễ Gíang Sinh, đến nhà anh chị Tuấn chơi, nhưng cả mùa Noel đó Tuấn không về. Khi trở lại Sài Gòn, gặp Tuấn, tôi muốn trách anh mấy câu, nhưng nhìn cái mặt anh cười cười tỉnh rụi, tôi lại không nói gì được nữa. Nhưng sau đó tôi hỏi sao không về ăn Noel với vợ con. Anh trả lời gọn lỏn: Tao bận.
Đó là những gì tôi chợt nhớ về người bạn vừa ra đi. Tiếc rằng trang báo có hạn và thì giờ cũng chẳng còn bao nhiêu nên tôi ghi vội những hàng này để tiễn đưa thêm một người bạn nữa. Với tôi, anh là một nghệ sĩ đích thực trong cả cuộc đời và tác phẩm…”.
Trong quyển 100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ của Hồ Nam & Vũ Uyên Giang viết về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn:
“Năm 1954 Nguyên Sa Trần Bích Lan từ Paris về nước mong muốn làm một cái gì nên luôn miệng nói với tôi là phải làm sao lôi được Hoàng Anh Tuấn về nước mới hi vọng tạo được một sự chuyển động cho nền văn nghệ tự do ở miền Nam. Nga vợ Nguyên Sa gọi Hoàng Anh Tuấn là thi sĩ “bất hủ và bất tuyệt”…
Tuấn về nước được Duy Thanh trang trí nội thất cho nhà của Tuấn ở đường Duy Tân. Tuấn được Hoàng Minh Tuynh, chú của Hoàng Anh Tuấn, một trong những người sáng lập tạp chí Bách Khoa mời tham gia nhóm Bách Khoa nhưng Tuấn đã từ chối tham gia mà đi theo tôi viết tờ Sáng Tạo.
Hoàng Anh Tuấn làm thơ hay, làm báo cũng tài lại tốt nghiệp điện ảnh ở Pháp nên đã xông vào nghề đạo diễn điện ảnh. Phim Tuấn làm trong điều kiện kỹ thuật nghèo nàn của Việt Nam lúc bấy giờ nhưng cũng có người xem và có thể đem đi dự liên hoan ở nước ngoài không đến nỗi xấu hổ.
Từ nghề làm phim Tuấn đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Đài Phát thanh Đà lạt. Khi làm Giám đốc Đài phát thanh Đà lạt, Tuấn là người đầu tiên dám cho phát thanh viên đọc truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung để phục vụ bạn nghe đài. Vì cái sáng kiến đọc tiểu thuyết Kim Dung phục vụ bạn nghe đài mà Hoàng Anh Tuấn mất chức Giám đốc Đài phát thanh Đà lạt. Thiên hạ đang làm quan mất chức thì buồn, riêng Hoàng Anh Tuấn chẳng mảy may quan tâm chuyện làm quan mà còn cười hả hả khi được về Sài Gòn làm phim trở lại.
Sau ngày 30 tháng Tư 75, Hoàng Anh Tuấn bị “vồ” vô trại Lê Văn Duyệt nơi ngày xưa gọi là đề lao Gia Định với tội danh gián điệp cho đế quốc. Gặp cán bộ chấp pháp Hoàng Anh Tuấn cười mỉa và nói rằng các ông có biết tôi là đạo diễn điện ảnh không? Các ông hư cấu hơi nhiều đó; tôi đang ở khách sạn Catinat các ông đuổi không cho ở; con tôi sinh ở Paris đương nhiên là người Pháp; lãnh sự Pháp thấy bố mẹ dân Tây không có chỗ ở thì cho về tá túc tại cư xá của lãnh sự quán Pháp chứ gián điệp “cái con khỉ khô gì?”
Bị lên lớp học cải tạo đến giờ giải đáp thắc mắc Hoàng Anh Tuấn dơ tay xin được giải đáp là “cộng sản có còn cộng thê (vợ) không?”. Vị giảng viên trường đảng Nguyễn Ái Quốc trả lời Hoàng Anh Tuấn rằng chuyện cộng sản cộng thê [chung vợ] chỉ là tuyên truyền của bọn phản động, Hoàng Anh Tuấn ở Tây về nên “lậm” tuyên truyền phản động hơi nặng đó.
Hoàng Anh Tuấn rút từ túi quần ra bản dịch tuyên ngôn của đảng Cộng Sản do Marx và Engels viết, nhà xuất bản Sự Thật ấn hành và đọc to đoạn “cộng thê” rồi thêm rằng hai ông tổ cộng sản viết chuyện cộng thê làm cho ông giảng viên trường đảng Nguyễn Aí Quốc “tẽn tò” câm miệng không nói được một lời nào; nhưng đã dặn quản giáo “đì” Hoàng Anh Tuấn đủ điều.
Nhờ các nhà ngoại giao Pháp can thiệp sao đó Hoàng Anh Tuấn được rời trại cải tạo sớm và cùng gia đình sang Pháp rồi đi Mỹ…”.
*
Thấm thoát đã mười năm (2006-2016), nhân ngày giỗ lần thứ mười, viết những dòng tưởng nhớ đến người thiên cổ.
Tháng Chín, trích những dòng thơ trong “Bài Công Chúa Tháng Chín” của Hoàng Anh Tuấn:
“Khung cửa sổ mở ra trời mai sớm
Mát trong veo hương cốm đã Thu về
Lòng tay anh lấp lánh cánh chim di
Xanh biêng biếc sợi hồn nhiên tóc xõa
… Xin trở lại thuở ngày xưa tinh nghịch
Cầm tay nhau lần đó để xa nhau
Để ước ao khi thương nhớ nghẹn ngào
Được cầm lại bàn tay em công chúa
Khung cửa sổ mở ra trời yêu cũ
Chẳng khép vào sợ khuất dáng em xưa
Một nỗi buồn thoáng Hà Nội mùa Thu
Vẽ từng nét tình yêu em hương cốm”.
Năm 1973, bố vợ từ Nha Trang lên Đà Lạt thăm cháu ngoại. Trong những lần trò chuyện, tôi tìm hiểu nơi chốn 36 phố phường, viết bài “Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù” đăng trên tập san Ức Trai của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, nhà thơ Tô Kiều Ngân, chủ bút, khoái bài viết nên thực hiện chương trình nhạc chủ đề về Hà Nội qua bài viết của tôi cùng các ca khúc viết về Hà Nội. Với chủ đề nầy, quản đốc đài phát thanh Đà Lạt thích thú nhưng ngạc nhiên vì tác giả là người Quảng Nam. (Thập niên 90, cùng sinh hoạt trong Văn Bút tại Nam Cali, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên và nhạc sĩ Nguyễn Hiền tuy xa Hà Nội khoảng nửa thế kỷ nhưng khi nói về Hà Nội, có trí nhớ tuyệt vời nên mô tả vanh vách từ con đường, góc phố, quán xá… Và, đọc thơ Hoàng Anh Tuấn thì hình dung cả khung trời Hà Nội).
“Những người muôn năm cũ” của Hà Nội xa xưa “Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ Đình Liên)!
Vương Trùng Dương
Little Saigon, Sept 01, 2016